Bối cảnh quốc tế dẫn tới vụ án lịch sử Ôn Như Hầu

Lời toà soạn: Ngày 12 tháng 7 được chọn là Ngày truyền trống của Lực lượng An ninh Việt Nam bởi đây chính là dấu mốc xảy ra vụ án Ôn Như Hầu, 12 tháng 7 năm 1946. Nhiều bài báo đã đề cập tới diễn biến và ghi nhận chiến công của lực lượng công an trong việc bảo vệ chế độ non trẻ mới thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tạp chí Phương Đông muốn đề cập tới một khía cạnh khác, đó là bối cảnh quốc tế phức tạp gây ra bởi các nước lớn trong giai đoạn ngay sau thế chiến II đã hậu thuẫn cho các lực lượng phản Cách mạng dẫn tới sự kiện Ôn Như Hầu. Hiểu được bối cảnh phức tạp này giúp chúng ta thêm trân trọng sự lãnh đạo tài tình của Đảng và các lãnh đạo ngành an ninh nhằm bảo vệ sự tồn vong của chế độ trong những thời khắc hết sức hiểm nghèo của lịch sử.

Nhà số 7 phố Ôn Như Hầu

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, theo thoả ước Yalta, Đông Nam Á và Đông Dương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu. Vào thời điểm này, Đông Dương và Việt Nam thực chất đã nằm trong quyền kiểm soát của phe Đồng minh do Mỹ cầm đầu. Mỹ đã “uỷ quyền” để các đồng minh thân cận là Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch và Anh Quốc vào giải giáp Nhật Bản và kiểm soát tình hình.

Hội nghị Posdam vào tháng 7 năm 1945 đã quyết định lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới để lực lượng quân của Tổng Tư Lệnh Tưởng Giới Thạch đổ bổ vào phía Bắc vĩ tuyến 16 nhận đầu hàng của quân Nhật, và lực lượng của Đô Đốc Anh Mountbatten tiếp quản khu vực phía Nam vĩ tuyến 16. Sự phân mốc này do Mỹ hậu thuẫn vô hình chung đẩy tình hình Đông Dương giai đoạn ngay sau khi Thế chiến II vào trạng thái phân mảnh phức tạp.

Giữa bối cảnh các cường quốc còn đang phân chia ảnh hưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng thời cơ hiếm hoi để lãnh đạo Việt Minh giành được chính quyền và tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngay giữa thời điểm “nước sôi lửa bỏng” khi quân Tưởng bắt đầu đổ vào Bắc Bộ và một phần nhỏ quân Anh đã tới Sài Gòn.

Tuy vậy, khi quân Đồng Minh tới giải giáp quân Nhật, Việt Minh đã kịp thành lập được chính quyền lâm thời ở cả phía Bắc và Nam Việt Nam, Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hà Nội và Uỷ ban hành chính lâm thời ở miền Nam.

Dẫu đã thành lập được chính quyền, vị thế của Việt Minh bị thách thức bởi cả Pháp và quân lực Đồng minh bao gồm Anh và Trung Hoa Dân Quốc ở cả hai miền. Tình thế của Chính quyền non trẻ rất hiểm nghèo vào mùa thu năm 1945. Ở miền Nam, Anh ký kết với Pháp thoả thuận công nhận quyền cai quản của Pháp ở Đông Dương. Ở miền Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch uy hiếp trực tiếp và ép Chính quyền Việt Minh phải hình thành liên minh cầm quyền gồm các Đảng chính trị có xu hướng thân Trung Hoa Dân Quốc như Việt Nam Quốc dân Đảng và Đồng Minh Hội. Đầu năm 1946, quân Tưởng cũng trao quyền kiểm soát phía Bắc cho Pháp.

Cả Anh và Tưởng Giới Thạch chỉ là những lực lượng tạm thời kiểm soát Việt Nam, về cơ bản, cho dù không ủng hộ chế độ thực dân kiểu cũ, Mỹ vẫn muốn Pháp nắm lại Đông Dương để triệt tiêu nhà nước của Hồ Chí Minh, nhà nước mà Mỹ đang có những quan ngại rằng có những mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với Stalin.

Được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước Đồng minh, Pháp nhanh chóng có động thái nhằm quay trở lại Đông Dương. Chỉ 21 ngày sau khi Việt Nam Dân chủ Công hoà được thành lập, quân đội Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh – Ấn đã dùng vũ lực lật đổ chính quyền ở miền Nam và tuyên bố lấy lại Nam Kỳ.

Đầu năm 1946, Pháp tiến hành đàm phán với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc nhằm mục đích tái chiếm Bắc Việt. Ngày 25 tháng 2, Pháp đạt được thoả thuận với Tưởng Giới Thạch theo đó Trung Hoa Dân Quốc đồng ý nhường lại quyền kiểm soát cho Pháp vào tháng 4. Hồ Chủ tịch đã có đối sách linh hoạt, chấp nhận thương lượng với Pháp để quân Tưởng rút lui êm thấm khỏi lãnh thổ Việt Nam. Thương lượng với Pháp cũng là để kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài.

Sự linh hoạt nhằm nhanh chóng đuổi quân Tưởng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam là một sách lược khôn khéo của Hồ Chủ tịch. Cựu hoàng Bảo Đại viết trong cuốn Hồi ký của mình rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần tâm sự với ông về sách lược này. Bảo Đại viết: “Theo ông Hồ, nhờ thỏa thuận với Pháp, sẽ tống khứ được quân Tưởng Giới Thạch.” Vì thế, sách lược này vấp phải sự chống đối quyết liệt của phe Quốc dân Đảng dựa vào Tưởng Giới Thạch.

Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ tịch ký Hiệp ước chấp nhận quân Pháp tiến vào Việt Nam. Hiệp ước ngày 6 tháng 3 là một nhượng bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải đem “uy tín cá nhân” ra để đánh đổi. Phe nhóm đối lập Việt Quốc và Việt Cách tiếp tục vu khống rằng Hồ Chí Minh là gián điệp của Pháp và bán rẻ cho Pháp nền độc lập của Việt Nam, ra sức tạo cớ gây rối để đảo chính ở Hà Nội. Sức ép lớn tới mức nhiều thông tin cho biết Hồ Chủ tịch có thể phải đối mặt với những âm mưu sát hại. Tuy vậy, ngày 7 tháng 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đứng trước 100,000 người tại Hà Nội để khẳng định “Đồng báo biết rằng tôi thà chết chứ quyết không bán nước”. Một quả lựu đạn đã nổ ngay trên bục tam cấp trước khi Hồ Chủ tịch bước tới micro. Thủ phạm vụ mưu sát và người ném lựu đạn sau này đều đã bị an ninh Việt Nam bắt được.

Đội trinh sát đặc biệt, đơn vị chủ chốt trấn áp Quốc dân đảng ngày 12 tháng 7 năm 1946

Ngay cả khi thoả ước ngày 6 tháng 3 đã ký, nhiều người trong Chính phủ vẫn không đồng ý với phương án thoả hiệp với Pháp để đuổi quân Tưởng về nước, nên tại một cuộc họp chính phủ tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải phân tích chỉ rõ sách lược phân hóa kẻ thù, loại ra kẻ nguy hiểm tiềm tàng lâu dài là quân Tưởng, sẽ tập trung vào kẻ thù trước mắt đang suy yếu và xuống thế là Thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu hơn ai hết rằng quân Tưởng chiếm đóng Bắc Việt không nhằm mục đích giải giáp quân Nhật mà trên thực tế đã hậu thuẫn cho các Đảng đối lập nhằm hình thành một chính phủ thân Tưởng tại Việt Nam theo đúng chỉ thị của Tưởng “Diệt Cộng, Cầm Hồ”. Cụ thể, hai đảng Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Cách) giành được tới 70 ghế trong Quốc hội do áp lực từ tư lệnh quân đội Trung Hoa Dân Quốc Trương Phát Khuê thay vì qua bầu cử.

Bộ trưởng Nội vụ lúc đó Võ Nguyên Giáp đã xác định: “…chúng (chỉ Việt Quốc, Việt Cách) càng biết rõ một cuộc tuyển cử công bằng sẽ không mang lại gì cho chúng.” Tuy vậy, dù đã giành được 70 ghế và nắm 4 Bộ (Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội, Canh nông) trong Chính phủ, cả hai đảng đối lập này không hài lòng và luôn tìm cách đảo chính lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh dưới sự hậu thuẫn của quân Tưởng. Âm mưu này đã được an ninh Việt Nam phát hiện ngay từ đầu và liên tục theo dõi. Đỉnh cao của vụ việc là khi lực lượng an ninh của Việt Minh đã thu thập nhiều chứng cứ và xác định như sau: Việt Quốc và Việt Cách phối hợp với Pháp, dự định nhân ngày Quốc khánh Pháp (14 tháng 7), khi quân đội Pháp diễu binh trên một số đường phố lớn ở Hà Nội, nhóm đảo chính do Quốc dân Đảng chỉ đạo sẽ ném lựu đạn vào quân Pháp, từ đó tạo cớ cho phía Pháp tấn công bao vây các cơ quan trung ương, bắt cán bộ lãnh đạo và lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dịp đó, Quốc dân Đảng sẽ tuyên bố đảo chính, lập Chính phủ mới.

Lực lượng an ninh của Nha công an Trung ương dưới sự chỉ đạo của Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, đã thành lập chuyên án số 7 phố Ôn Như Hầu. 7h sáng ngày 12 tháng 7 năm 1946, lực lượng an ninh đã bao vây và phong toả nhiều cơ sở của Việt Quốc và Việt Cách ở Hà Nội, trong đó có nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, 132 Bùi Thị Xuân và 41 điểm khác là trụ sở của Quốc dân Đảng, bắt giữ trên 300 tên, trong đó có Phan Kích Nam – Bí thư đệ nhất khu của Quốc dân Đảng, thu nhiều vũ khí và truyền đơn kêu gọi lật đổ chính phủ. Lực lượng an ninh cũng tìm thấy một tù nhân bị trói, dụng cụ tra tấn và 7 xác chết được chôn ở sân sau nhà số 7 phố Ôn Như Hầu. Phe Quốc dân Đảng cũng tan rã, tháo chạy sang Trung Quốc.

Cuộc trấn áp này được tiến hành bí mật, bất ngờ, bọn phản động không kịp trở tay, và kết thúc 48 giờ trước khi quân viễn chinh Pháp tổ chức duyệt binh ở Hà Nội. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn đứng vững chỉ đạo cuộc kháng chiến sau này.

Đây cũng là cột mốc lịch sử quan trọng của Cách mạng Việt Nam, và cũng là một sự kiện ghi nhận chiến thắng đầu tiên bảo vệ chính quyền Cách mạng của lực lượng công an nói chung và an ninh nói riêng. Sau này, Bộ Công an Việt Nam đã chọn ngày 12 tháng 7 là ngày truyền trống của lực lượng An ninh Nhân dân Việt Nam. Đây là một quyết định đúng đắn, tôn vinh một trong những sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong đó công an đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những đe dọa của các Đảng phái đối lập dưới sự hậu thuẫn của các nước lớn. Thời gian đi qua càng chứng minh những giá trị lịch sử của sự kiện Ôn Như Hầu và làm sâu sắc thêm những bài học rút ra từ sự kiện ấy.

Bình Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN