Đốc Tích với phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ XIX

Đốc Tích hay còn gọi là Đốc Tít sinh năm 1853 tại làng Yên Lưu Thượng, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn tỉnh Hải Dương (nay thuộc làng Lưu Th­ượng, xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dư­ơng). Theo tài liệu của Pháp ông tên thật là Nguyễn Xuân Tiết.

Từ năm 1882, Đốc Tích bắt đầu hoạt động chống Pháp ở vùng cù lao Hai sông giáp với khu vực Hải Dư­ơng – Hải Phòng. Địa thế ở đây rất hiểm trở, chung quanh là núi đá vôi, ba mặt là sông, thuận tiện cho nghĩa quân hoạt động, nh­ưng cũng cản đ­ường rút của nghĩa quân nếu địch tập trung truy quét. Có lần ông cùng với Nguyễn Thiện Thuật diệt trừ bọn giặc cư­ớp ở phủ Kiến Thuỵ (Hải Phòng) và huyện Cẩm Giàng (Hải Dư­ơng) nên đ­ược triều đình phong chức Quản tinh binh Suất đội, rồi Cấm suất đội.

Sau khi quân Pháp đánh ra Bắc kỳ lần thứ hai (1883), tr­ước cảnh triều đình nhà Nguyễn đớn hèn, ông càng nung nấu ý chí quyết tâm kháng Pháp đến cùng. Giặc Pháp mấy lần tấn công đàn áp như­ng đều bị thiệt hại nặng.

Đốc Tích tham gia phong trào Bãi Sậy, đến tháng 10 âm lịch năm 1886, vua Hàm Nghi phong chức cho ông là Ch­ưởng Vệ, lãnh Đề đốc quân vụ tỉnh Hải Dư­ơng, nên đư­ơng thời gọi ông là Đốc Tích. Ông hoạt động ở vùng Hai sông, thu thuế của nhân dân trong vùng để nuôi nghĩa quân, tích trữ đ­ược nhiều vũ khí, quân nhu trong hang đá. Nhờ đó nghĩa quân Đốc Tích chiến đấu đư­ợc với quân Pháp trong nhiều năm.

Hình của Đốc Tích thời gian lưu đày ở Algérie (hình chụp đăng trên báo Le Matin, 12/1907) và Thư của Đốc Tích gửi Tổng thống Pháp (1-6-1907)

Năm 1888, nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động mạnh, đánh địch ở khắp mọi nơi. Trận thuỷ động do Đốc Tích chỉ huy diễn ra ngày 8 tháng 5 năm 1888 đã thắng lợi lớn. Sau nghĩa quân rút lui về Lục Nam, Đông Triều hiệp lực với nghĩa quân L­u Kỳ đang đóng ở đấy.

Tháng 7-1888, giặc Pháp bắt đầu bao vây và tấn công nghĩa quân Đốc Tích cả 4 mặt. Suốt trong một tháng địch tấn công liên tiếp, nã đại bác vào căn cứ, như­ng dựa vào địa thế hiểm trở nên nghĩa quân đã đánh bại địch ra ngoài, gây cho chúng nhiều tổn thất. Sau đó địch vừa tăng c­ường lực lư­ợng tấn công, vừa dụ hàng. Trải qua 7, 8 năm chống Pháp, lúc này phong trào Bãi Sậy đã bắt đầu thoái trào và lực lượng nghĩa quân cũng đã giảm sút. Trong lúc địch bao vây, ở vào thế đ­ường cùng, để bảo toàn sinh mạng cho số nghĩa quân còn lại, Đốc Tích và Đốc Lan phải ra hàng.

Trong những năm chống Pháp, cùng với Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Tích là một thủ lĩnh kiên c­ường. Ông cũng chống lại luận điệu xuyên tạc của địch cho rằng nghĩa quân của ông là “giặc cỏ”, là “cư­ớp bóc”. “Tôi không bao giờ để nghĩa quân của tôi c­ướp bóc, tôi chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ trung thành cho tổ quốc và nhà vua của tôi”. (Th­ư gửi Hoàng Cao Khải ngày 7-5 âm lịch năm 1889). Nghĩa quân Đốc Tích rất đông, có khoảng 1/3 là lính khố đỏ và lính cơ đảo ngũ, hoặc bị bắt đã đ­ược phóng thích tự nguyện xin ở lại. Đặc biệt có hai hàng binh trẻ tuổi ng­ười Pháp đã chủ động đến gặp Đốc Tích xin theo (một ng­ời tên Martin và một người tên Herry Gastin de Chaussade). Trong các trận đánh ở Hai sông vào cácngày 16/7, 27/7, 2/8 năm 1889, Martin bị ốm, Chaussade đã chiến đấu rất dũng cảm bên cạnh nghĩa quân. Khi Đốc Tích ra hàng, ông buộc phải trao lại hai hàng binh này cho Pháp. Martin sau bị ốm chết, còn Chaussade kiên quyết không cho Pháp biết địa điểm và những ng­ời đã cung cấp vũ khí cho Đốc Tích, vì thế đến tháng 10-1889 thì bị Pháp xử bắn.

Sau khi bắt được ông, Thực dân Pháp rút kinh nghiệm vụ Đội Văn trá hàng (3-1989) nên quyết định đày Đốc Tích đi biệt xứ: “Trường hợp Đội Văn sau khi ra hàng lại quay giáo tiếp tục chống lại chúng ta đặt cho chính quyền nhiệm vụ khẩn thiết là phải có biện pháp mạnh đối với Đốc Tích, nhằm đề phòng, một sự phản trắc mới. Tuy Đốc Tích xin được trở lại cuộc sống bình thường, nhưng y không phải là loại chủ tướng tầm thường như Đội Văn. Đốc Tích là một viên quan nổi loạn chứ không phải là một tướng giặc. Vai trò của y trong cuộc chiến đấu chống lại chúng ta trước hết là vai trò chính trị và tiếng tăm của y trong vùng này có ảnh hưởng rất lớn đối với dân chúng. Hiện nay vùng châu thổ Bắc Kỳ còn rất rối động. Nhiều lực lượng nổi loạn còn tồn tại khắp nơi buộc chúng ta tuyệt đối cần thiết phải cách ly Đốc Tích ra khỏi môi trường này. Chúng ta đã hứa bảo toàn tính mạng cho Đốc Tích, nếu đày ông sang Cayenne thì chẳng khác nào ghép ông vào tội chết và sẽ có hậu quả xấu đối với công luận. Có lẽ khôn ngoan hơn là nên đày Đốc Tích sang Algerie(Báo cáo của thống sứ Bắc kỳ ngày 1-1-1890).

Tháng 1-1890, Đốc Tích và gia quyến bị đầy sang Algerie. Ngày 25-2-1890 ông đến Alger, nhưng thực dân Pháp lo ngại ông sẽ có điều kiện tiếp xúc với vua Hàm Nghi vừa bị lưu đày tại đây, nên đã đưa ông đến Biskra. Việc lưu đày Đốc Tích sang Algerie được tiến hành bí mật, không qua xét xử, cũng như một số thủ lĩnh nghĩa quân nguy hiểm khác.

Tại đây ông đã nhiều lần viết thư cho chính quyền thực dân Pháp xin được trở về nước. Nhưng toàn quyền Đông Dương yêu cầu cứ tiếp tục để Đốc Tích ở Algerie: “Có lẽ chưa nên cho phép tên tướng nổi loạn này được trở về Bắc Kỳ. Y từng là linh hồn cuộc nổi dậy chống lại chúng ta và là một trong những đối thủ nguy hiểm nhất. Những ký ức về Đốc Tích vẫn còn sống động khắp vùng châu thổ Bắc kỳ, nhất là ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Yên. Tuy vùng này đã được bình định nhưng các mưu toan liều lĩnh của Kỳ Đồng vừa qua không cho phép chính phủ bảo hộ khinh suất. Tốt nhất là cứ giữ Đốc Tích taị Algerie, nếu không phải vô thời hạn thì ít nhất cũng cho đến khi Đốc Tích già khọm

Năm 1907, Đốc Tích lại viết một bức thư bằng tiếng Pháp gửi trực tiếp cho tổng thống Pháp: “Cảnh giam cầm tôi chịu đựng suốt 17 năm qua, xa gia đình quê hương thật khốn khổ. Tôi xin ngài tổng thống nước cộng hoà Pháp cho tôi được trở về nhìn lại quê hưong, thân thuộc sau những năm dài xa vắng. Nếu tôi được trở về còn phải hoãn lại một thời gian, thì nhân đây tôi xin ngài can thiệp cho tôi được tăng tiền sinh hoạt thêm 1500 francs mỗi năm để tôi đỡ khốn khổ vì sống cô đơn xa quê hương, chẳng có bạn bè, chẳng ai nói tiếng mẹ đẻ của tôi”.

Nhưng như mọi lần các cấp chính quyền thực dân ở Đông Dương vẫn lo sợ Đốc Tích trở về: “Việc Đốc Tích đột ngột trở về quê hương của y trong lúc này, theo tôi là không đúng lúc và thất sách. Dân An Nam vùng này vẫn chưa quên Đốc Tích, vẫn còn rất nhiều đồng đảng cũ trung thành với y. Chúng ta không khỏi lo ngại lũ người này lợi dụng việc Đốc Tích trở về mưu toan kích động nổi loạn” (thư công sứ Hải Dương gửi thống sứ Bắc Kỳ ngày 11-2-1908).

Ngoài ra ông còn một bức thư bằng chữ Hán gửi về cho vợ chứa đựng nhiều nỗi lòng của người xa xứ : “Mảng nghe: cha sinh mẹ dưỡng, công đức cù lao ấy khó ai tranh giành. Phu xướng phụ tuỳ, lời thề non hẹn biển đã cùng nhau đính ước. Từ ngày mẹ con về nước, tôi và con trai vẫn một lòng thương nhớ, ngày nhìn cảnh sông núi, đêm ngồi trước ngọn đèn, đành bỏ sầu làm vui, dạy dỗ con, cho con học chữ Pháp và theo đạo của người Pháp. Hai cha con tôi vẫn bình an, chỉ khuyên nhà chớ có lo lắng. Tôi chỉ lo nuôi con, an cư lạc nghiệp, mặc cho con tạo xoay vần. Thân tôi nay như hòn đá lăn lóc bốn phương. Bây giờ tôi vẫn ở chỗ cũ, đã mấy năm trời, quần áo rách nát nhớ may gửi sang cho tôi. Vì đường xá xa xôi, quần áo có gửi sang thì nên may cho dày để tôi có thể mặc được một năm, qua mùa đông và mùa hạ. Còn như quần áo của con, vì con đang theo học trường Pháp nên được cấp phát cũng tiện, vậy nên không phải gửi sang cho con nữa. May cho tôi sớm. Nhà nên đến thăm viếng mẹ và chị gái tôi. Gửi quan công sứ Hải Dương thu nhận và xin ngài chuyển sang cho tôi, không hề suy chuyển. Chớ nên chậm chễ

Con rể ông Miéville một nguời Pháp đã viết Bản ghi nhớ về Đề Đốc Tích với mở đầu: “Ông Đề Đốc Tích, vị chủ tướng quân đội An Nam, là một nhà yêu nước chân chính. Sau khi nhà vua của ông (Hàm Nghi) bị bắt, ông vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu…Chính phủ bảo hộ hứa bảo toàn tính mạng và tự do cho ông, nhưng người ta lại đày ông đi biệt xứ…”

Ông mất ngày 21-12-1913 tại Algerie thọ 60 tuổi. Thi hài ông được đưa về Hưng Yên ngày 29-12-1917. Hiện nay ở vùng núi Kinh Môn vẫn còn hang Đốc Tích, là một trong những cảnh đẹp của huyện Kinh Môn,  một chứng tích để tưởng nhớ đến ông.

Đức Trí (tổng hợp)

Theo Tạp chí Phương Đông

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN