Báo chí Pháp khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Báo chí Pháp thập niên 1930 đã đăng tải nhiều bài viết về giá trị của quần đảo Hoàng Sa, từ đó vận động Chính phủ Pháp phải thúc đẩy nhanh quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa do Pháp bảo hộ. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với độc giả bản dịch bài viết về Hoàng Sa trên 2 số báo L’Effort Indochinois ra ngày 5/8 và 12/8/1938.

Bởi nhiều độc giả có yêu cầu chúng tôi giải thích thêm về quần đảo Hoàng Sa, nơi mà sự chiếm đóng của chính quyền Pháp đã gây ra một sự căng thẳng ngoại giao nhất định giữa Nhật Bản và Pháp, nên chúng tôi cho rằng nên trình bày lại sau đây một vài trích đoạn trong cuốn sách mỏng của ông Lapique do Extrême-Asie xuất bản năm 1929, những trích đoạn này sẽ hướng quý độc giả vào một vấn đề hẳn là tranh chấp, có khả năng tạo cớ cho một cuộc xung đột giữa Đông Dương và người hàng xóm nguy hiểm.

Cần lưu ý rằng báo chí Nhật Bản không hé nửa lời từ chục ngày nay mặc dù cách đây một tháng, họ đã vận động cho cuộc thôn tính thuần túy và đơn giản của Nhật đối với quần đảo Hoàng Sa, và rằng thái độ của Nhật Bản, mới đây thôi hãy còn ngạo nghễ, thì nay lại mong muốn có được một sự hòa giải lớn nhất, chí ít là liên quan đến vấn đề này.

Người ta cho rằng sự hòa giải từ phía Nhật Bản là do thái độ cứng rắn của Pháp, mà đứng đằng sau là Anh.

Nếu điều này là đúng, hi vọng rằng thỏa thuận Pháp – Anh sẽ vững bền, bởi lẽ đó là liên minh của hai nền dân chủ mà nền hòa bình ở Thái Bình Dương và số phận của toàn thể nhân loại phụ thuộc phần nào vào đó.

Nằm trên con đường của các tàu đi từ Hồng Kông đến Sài Gòn, những hòn đảo này nằm cách cảng xa nhất ở phía Nam đảo Hải Nam ở khoảng cách tương đương so với cảng Đà Nẵng (bờ biển An Nam): từ 250 đến 300 km.

Quần đảo Hoàng Sa được hình thành từ nhóm đảo An Vĩnh, nhóm đảo Lưỡi Liềm, cùng một số đảo và mỏm đá tách rời.

Kể từ khi thiết lập chế độ bảo hộ ở An Nam, nơi mà những đảo này thuộc về, nước Pháp đã ít nhiều lơ là những phần đất phụ này bởi lẽ đến thời điểm này, chúng chỉ đem lại một lợi ích tương đối.

Tuy nhiên, năm 1899, ngài Doumer, lúc bấy giờ là Toàn quyền Đông Dương, đã yêu cầu dựng một ngọn hải đăng trên một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Một nghiên cứu hoàn chỉnh đã được thực hiện: nghiên cứu này kể từ đó nằm ngủ yên trong những thùng các-tông ở Sở Hàng hải, bởi lẽ tại Sở Công chính, việc thực hiện dự án đã bị trì hoãn do giá thành xây dựng và bảo dưỡng ngọn hải đăng này quá cao. Ngân sách của Thuộc địa còn phải dùng cho những việc cấp bách hơn.

Vào thời của điện báo vô tuyến (T.S.F) và các nghiên cứu của các căn cứ tàu ngầm, vấn đề quần đảo Hoàng Sa thi thoảng đã được báo chí Đông Dương đưa ra. Thậm chí, cách đây vài năm, ở một số nơi thuộc Thuộc địa của chúng ta, dư luận xôn xao trước thông báo rằng người Nhật Bản đã được cho phép khai thác phốt-phát trên một số đảo thuộc quần đảo này.

Về vấn đề này, nhiều tờ báo đã chỉ ra cho chính phủ toàn quyền thấy sự cần thiết phải thôn tính quần đảo Hoàng Sa. Một người đồng hương hẵng còn trẻ tuổi và hoàn toàn đắm chìm trong các cuốn tiểu thuyết phiêu lưu vốn là niềm vui thú thời trẻ của chúng ta, đã nhiệt huyết tới mức thuê một chiếc tàu thủy hơi nước để thực hiện “một cuộc chiếm đóng đảo Phú Lâm và thảo một tuyên bố về hành động này với chữ kí của các nhân chứng. Bản tuyên bố này được đựng trong một chiếc hộp kim loại và được đặt ở một nơi được đánh dấu trên đảo…”.

Cần phải ghi nhận và tán thành những sáng kiến này, bởi vì chúng chứng tỏ rằng công luận không phải là không quan tâm đến mảnh đất nhỏ bé nằm trên đất thuộc địa của chúng ta, nhưng sẽ là đánh giá sai sự thật nếu đề cập tới việc thôn tính quần đảo Hoàng Sa vì một sự phụ thuộc của An Nam.

Về vấn đề này, chỉ cần tham khảo một thư viện tốt là đủ, thay vì tìm kiếm các hồ sơ chính thức mà đại đa số mọi người ít có cơ hội tiếp cận.

Trong cuốn Địa dư xứ Đàng Trong của Chaigneau, có viết: “Xứ Đàng Trong bao gồm… và quần đảo Hoàng Sa được tạo thành từ nhiều đảo, bãi ngầm và mỏm đá hoang. Phải đến năm 1816 thì Hoàng đế hiện nay mới chiếm đóng quần đảo này”.

Mặc dù bản gốc khá là khó tìm, nhưng tờ số 2, năm thứ 10 của Tập san Những người bạn của Cố đô Huế thì dễ kiếm hơn. Tháng 4 và tháng 6/1923, từ trang 157 và các trang sau đó, cuốn sách của Chaigneau đã được bình chú.

Trong bộ biên niên sử An Nam, Đại Nam nhất thống chí, quyển VI, được xuất bản dưới triều vua Tự Đức, có thể dễ dàng tra cứu tại Viện Viễn Đông Bác cổ, khi đã được dịch ra, có một đoạn văn như sau liên quan đến quần đảo Hoàng Sa:

“Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Đông đảo Lý của cảng Sa Cầu, khi thuận trời, ta có thể đến đó trong vòng ba đến bốn tiếng đi thuyền. Những hòn đảo này bao gồm 130 mỏm đá, nằm cách nhau từ một ngày cho đến vài giờ đi đường. Ở giữa các đảo, là một bãi cát vàng, chiều rộng không rõ hàng mấy nghìn lý, và người ta thường quen gọi là Vạn Lý Trường Sa Châu, nghĩa là “Bãi cát dài 10.000 lý”. Trên bãi có một giếng nước ngọt. Những con chim biển tụ về đây nhiều vô kể. Sản vật phong phú: Hải sâm, đồi mồi, ốc xà cừ, rùa lớn, vân vân. Những xác thuyền cũng tụ cả về đây. Đầu thời Nguyễn, hải đội Hoàng Sa đã được thành lập với bảy mươi người đàn ông của làng An Vĩnh. Hằng năm, vào tháng 3, hải đội này lên thuyền để đi thu thập hải vật và đem chúng về cảng Tư Hiền vào tháng 8. Người ta cũng lập ra một “đội Bắc Hải”, đặt dưới sự chỉ đạo của hải đội Hoàng Sa, để đi thu thập hải vật ở khu vực đảo Côn Lôn. Đầu triều vua Minh Mạng, người ta thường gửi những chiếc thuyền công tới tận những nơi này, để khám phá các tuyến đường biển. Có một cồn cát trắng chu vi 1070 trượng, ở đó, cây cối mọc dày đặc. Ở giữa là một cái giếng. Ở phía Tây là một ngôi miếu cổ không rõ dựng từ thời nào. Trên bia miếu có khắc bốn chữ “Vạn Lý Ba Bình” (muôn dặm sóng yên – ND). Cồn cát này xưa gọi là Phật Tự Sơn. Hai bên bờ có nhiều san hô. Ở phía Tây Bắc nổi lên một cồn có chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát. Cồn nổi lên này có tên gọi là Bàn Than Thạch. Vào năm thứ 16 dưới triều vua Minh Mạng, nhà vua đã sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây chùa, dựng bia đá ở phần tả đền để ghi dấu”.

Để bổ sung hoàn chỉnh cho đoạn văn này, có thể tham khảo tấm bản đồ trích ra từ cuốn Hoàng Việt Địa dư chí được được khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14. Bản đồ này bao gồm quần đảo Hoàng Sa nằm trong vương quốc An Nam, được vẽ đặc biệt gần với bờ biển.

Cột mốc do người Pháp dựng trên Quần đảo Hoàng Sa năm 1938 ghi: “Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa” (Ảnh tư liệu)

Những tài liệu tham khảo này đủ sức thuyết phục đến nỗi mà chẳng cần phải nhấn mạnh lời chú này bằng những trích dẫn đơn giản hơn: quần đảo Hoàng Sa thuộc về An Nam, điều đó là không thể chối cãi.

Vả lại, từ thời Vua Gia Long xa xưa, những hàng xóm duy nhất có thể chiếm quần đảo Hoàng Sa, tức là những người Trung Hoa, thì lại ở quá xa; việc họ chiếm đóng đảo Hải Nam hầu như chỉ là trên danh nghĩa. Cho đến tận những năm gần đây, người Trung Hoa chỉ đóng giữ một vùng hạn chế dọc theo biển ở phía Bắc của đảo Hải Nam và một hoặc hai cảng ở bờ biển phía Nam. Cần lưu ý rằng phải đến năm 1928 thì lần đầu tiên chính quyền Trung Hoa mới có thể xâm nhập vào sâu trong đảo Hải Nam và đừng quên rằng việc này diễn ra dưới dự chỉ huy của một người bên phía chúng ta, Cha Savina. Cha là hướng dẫn viên kiêm phiên dịch cho chuyến thám hiểm này của Tướng Gaston Wong, hiện là Toàn quyền của hòn đảo này.

Trong số những vụ đắm tàu xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa, hai vụ, một là của tàu Đức Lé Bellona vào năm 1895 ở bãi đá ngầm phía Bắc, và một là của tàu Nhật Bản Imezi Maru ở nhóm đảo An Vĩnh, đã gây ra nhiều tranh cãi không cần phải nhắc lại làm gì.

Hai con tàu này chở đồng đã được bảo hiểm cho các công ty Nhật Bản. Việc cứu hộ đã được cố gắng thực hiện mà vô ích và xác tàu đã bị bỏ lại. Nhiều người Trung Quốc nhảy lên các thuyền tam bản hoặc thuyền mành nhỏ, cướp phá xác tàu và mang về Hải Nam số đồng thu được. Họ mời các chủ tàu buôn mua lại. Vậy nên các hãng bảo hiểm đã nhờ Bộ trưởng Ngoại giao Anh ở Bắc Kinh và Lãnh sự quán của họ ở Hải Khẩu can thiệp, họ muốn quan lại địa phương phải chịu trách nhiệm. Những quan lại này phản đối, lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc và rằng những hòn đảo này chẳng liên quan gì về mặt hành chính với huyện Hải Nam nào cả, và từ chối mọi trách nhiệm.

Vào giai đoạn đó (từ tháng 5 đến tháng 6/1909), dư luận dấy lên ở Trung Quốc do những yêu sách của người Nhật ở quần đảo Đông Sa còn chưa lắng dịu. Bằng cách tổ chức một chuyến thám hiểm đến quần đảo Hoàng Sa, hoặc bằng cách giả vờ sáp nhập, không còn nghi ngờ gì nữa, các nhà chức trách đang tìm cách “vớt vát thể diện”.

Dù sao, một cuộc thám hiểm đã diễn ra và đáng được kể lại. Cuối tháng Năm năm 1909, hai chiếc tàu pháo nhỏ của Quảng Châu chuẩn bị nhổ neo, trên tàu là hai người Đức thuộc dòng họ Carlowitz, thêm nhiều lính thủy Trung Quốc trong đó có một đô đốc. Chiếc tàu nhỏ Armada này đã cập bờ khá dễ dàng, tới tận cảng Du Lâm nằm ở phía nam đảo Hải Nam, và kẹt lại ở đây nửa tháng trời, hẳn là chờ đợi “phong thủy” thuận lợi và không khiến cho những thủy thủ gan dạ này bị say sóng.

Cuối cùng, vào ngày 6/6 (tức ngày 19 âm lịch), đoàn cập bến an toàn vào một đảo trên quần đảo Hoàng Sa, sau đó đi thăm một vài đảo nữa, và ngày 7/6, lúc 4h chiều, hai chiếc tàu pháo là “Fou p’o” và “Tch’en Hang” đã quay trở lại thẳng hướng Quảng Châu, và tờ “Kouo-Che-Pao” (tờ báo lớn của Quảng Châu), trong một bài viết đăng ngày 20/6/1909 mà dưới đây là trích dịch, cho chúng ta biết:

“…Tất cả các đảo trên quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) đều rất bằng phẳng; những hòn đảo cao nhất đều không vượt quá vài chục mét. Bên mép nước, nổi lên nhiều đá ngầm. Cũng chính trên những hòn đảo này, nhiều cây cối mọc lên ngổn ngang. Khí hậu cực kì nóng nực. Trong lòng biển là bạt ngàn san hô và đá lởm chởm. Những con hàu ngậm ngọc trai; tuy nhiên những con bị bắt thì lại không có. Hòn đảo có tên là Tou-Lin-Wen là đảo lớn nhất ở Hoàng Sa. Tên của nó vừa được đổi thành Mo k’é, tên của phó tướng Wou King Yong”.

“Chính trên hòn đảo này, một lá cờ Trung Quốc sau đó đã được chưng lên, được chào đón bằng 21 phát súng đại bác. Đảo được chia thành hai đảo nằm cạnh nhau, một ở phía Đông và một ở phía Tây; đảo phía Đông rộng hơn; phần phía Nam của nó cao 13 pi-ê, trên đó có một cây dừa lớn, bên cạnh là một cái giếng. Đảo phía Đông cũng có một cây dừa lớn và cao 10 pi-ê”.

Ngày 20 âm lịch (tức ngày 7/6), vào lúc 4 giờ chiều, hai con tàu «Fou-Pao» và «Tch en- Hang» quay đầu đi thẳng. Teo d-ai Li đã cho người thảo một tấm bản đồ tổng quát của các hòn đảo đã được khám phá và mười lăm tấm bản đồ đặc biệt của chính những hòn đảo này; bên cạnh đó, họ cũng đã chụp 10 tấm ảnh. Trong số hơn chục hòn đảo này, ba đảo phía Tây Bắc rộng hơn một chút so với các đảo khác và một đảo ở Đông Nam cũng vậy. Trên bốn hòn đảo này, người ta có thể dựng các cảng thương mại, ngoài ra, ở đó cũng không có đá ngầm để phải dè chừng, vì thế mà người ta có thể đón tàu thủy cập bờ vào đây. Có một vài đảo mà các tàu hơi nước có thể cập vào, nhưng chúng quá nhỏ nên không thể lập cảng. Đó là lý do hiện thời người ta chỉ định mở hai cảng trên hai hòn đảo phía Đông. Tất cả các đảo khác sẽ được dùng làm nơi canh tác, đánh cá và khai thác muối.

Bên cạnh đó, chúng ta đã biết rằng phó tướng Wou và quận trưởng Lieou hẳn là đã được biệt phái để coi sóc việc thực thi kế hoạch này. Vào thời đó, các dự án chi tiết đã được xây dựng và các kế hoach, các dự định… sẽ được trình lên Phó vương xem xét.

Một vài ngày sau, tờ «Kono-Che- Pao» đăng một bài báo được trích dịch như sau:

“Chúng tôi đã thuật lại những điểm chính của chuyến thám hiểm đến quần đảo Hoàng Sa của Đô đốc Li và Tao-Tai Li. Chúng tôi được biết rằng họ đã trình Phó vương một bản báo cáo về kết quả của cuộc điều tra. Liên quan đến việc thảo luận về dự án, mỗi người một ý; nhưng cả hai đều công nhận rằng đảo Fou P’o ở phía Đông và đảo Mo-K’e ở phía Tây có chu vi khoảng 4 đến 5 lý và dài 2 lý rưỡi, và rộng khoảng gần một lý. Đảo Mo-K’e rộng khoảng 7 lý và dài từ 6 đến 7 lý. Nhưng hòn đảo này chia làm hai phần rời nhau; người ta có thể xây một cây cầu nối liền chúng. Sau khi thăm dò quần đảo Hoàng Sa, nếu người ta định mở cảng thương mại thì đảo Mo-K’e sẽ thích hợp hơn đảo Fou-P’o”.

“Người ta có thể xây trên đảo này hai con đường theo kiểu Hồng Kông, và trên những bãi cát bao quanh đảo, có thể xây bờ kè và các đường cho xe cộ đi lại được. Vì thế mà người ta định sẽ tiến hành ở trên đảo Mo-K’e trước, sau đó mới đến đảo Fou-P’o”.

“Những hòn đảo khác trên quần đảo này đều có diện tích nhỏ nên không thuận lợi để xây các cảng thương mại mà chỉ hợp với canh tác, đánh cá và làm các ruộng muối”.

“Sau khi đã xem xét nhiều mặt của vấn đề, Ngài Phó vương vừa mới mời Thủ quỹ, Quan án tỉnh và các Tao- T’ai cùng dựa trên bản báo cáo về chuyến thăm dò để thảo luận về những biện pháp thực hiện dự án và thẩm tra tất các các chi tiết của vấn đề, đối với mỗi đảo và đặc biệt là đối với mỗi tấm bản đồ, để sau đó thảo ra một bản báo cáo về vấn đề này để trình lên Đức Vua”.

Có vẻ như Chính quyền Pháp, nếu như đã được thông báo về chuyện này, không phản ứng mạnh trước thông tin này. Tuy nhiên, đáng lẽ ra họ phải tiến hành một cuộc nghiên cứu chuyên sâu về chuyến thăm dò này, ít ra là để dạy cho Nha thủy văn bộ Hải quân (Service hydrographique de notre Marine nationale) các phương pháp tiến hành một chuyến thăm dò trong 36 giờ và bản đồ tổng quan của Quần đảo Hoàng Sa, vẽ thêm 15 tấm bản đồ đặc biệt khác nữa của chính những hòn đảo này và bên cạnh đó là 10 tấm hình chưa kể nghiên cứu về hai cảng thương mại và một cây cầu nối giữa hai đảo!

Về phần hai người Đức, sau chuyến thám hiểm, họ cũng quay trở về trong thất vọng và không thực hiện thêm bất cứ điều gì, y như những người Trung Quốc.

Từ giai đoạn đó cho đến năm 1920, như những cư dân hạnh phúc, quần đảo Hoàng Sa chẳng có mấy lịch sử, trừ việc các tàu tuần tra của Sở thuế Đông Dương thi thoảng đi qua, thăm các đảo thuộc quần đảo. Đôi khi, nhờ vào sự can thiệp của các quan lãnh sự của chúng ta ở Hải Nam, những người đã cho biết rằng sau các cuộc ẩu đả giữa ngư dân Trung Quốc và ngư dân An Nam trên quần đảo Hoàng Sa, vợ con của những người An Nam này đã bị người Trung Quốc bắt đi và đem bán cùng với hải sản đánh bắt được ở các cảng dọc bờ biển của Hải Nam.

Khi khác, các chuyến tàu này nhận lệnh mang vũ khí, đạn dược hoặc thuốc phiện chất lên trên các hòn đảo này, gây nguy hiểm cho sự an toàn và tài chính của chúng ta ở Đông Dương.

Chính trên một trong những chuyến tàu tuần tra này mà thuyền trưởng của tàu Espadon đã phải khám xét thuyền trưởng của tàu Aklbouo Maru của Kobé đang chở phốt-phát khai thác từ đảo Phú Lâm. Khi được hỏi, vị thuyền trưởng người Nhật của tàu này tuyên bố rằng đại diện của công ty của ông ta, hãng Mitsui Bussan Kaisha, làm sao có thể được phép tiến hành việc khai thác này vào cuối năm 1920 mà không đệ trình lên Tư lệnh Hải quân ở Sài Gòn, mà ông này thì không nghĩ rằng mình phải ra lệnh cấm khai thác trên quan điểm quân sự.

Nếu các thông tin tôi có là chính xác, Chính quyền Pháp không cho rằng họ phải rút lại thứ gần như là giấy phép mà Tư lệnh Hải quân đã cấp một cách hơi dễ dãi, bởi lẽ những người Nhật đã hành xử đúng đắn trước chính quyền Pháp. Họ không phải là không đánh giá đúng quyền của chính quyền này đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trước tiên, đây là điều mà người đồng hương thông thái của chúng ta (ngài Dr Kempt) đã nói về phốt-phát:

“Khi đang theo đuổi nghiên cứu tại phòng thí nghiệm về các vật liệu mang về từ chiến dịch của chúng ta trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1926, chúng tôi nhận thấy rằng cơ chế hình thành các mỏ phốt-phát đã kiến tạo nên phần đất của tất cả các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà độ cao vượt lên trên mặt nước biển, cho phép cây cối phát triển. Tất cả các đảo này, không có ngoại lệ, về bản chất là san hô như chúng tôi đã chứng minh vào năm 1926. Đất ở đây, từ khởi thủy và trước mọi biến động có thể quan sát được, được cấu tạo từ calci carbonat. Chính trên chất nền rất đặc biệt và rất cằn cỗi này mà ban đầu rừng đã mọc lên, che phủ nhiều đảo trên quần đảo Hoàng Sa, những đảo này hiện đã rậm rạp cây cối”.

“Cùng lúc khu rừng này phát triển nhờ vào hạt giống trôi nổi đến từ những vùng đất xa xôi, nhiều loài chim biển tìm chỗ trú đêm trên các hòn đảo đã mang đến cho đất acid phosphoric từ thức ăn của chúng, chỉ toàn là cá và động vật biển. Giả sử khí hậu của quần đảo Hoàng Sa, thay vì ôn hòa và ẩm ướt với lượng mưa dồi dào như trên thực tế, mà lại khô cằn giống các đảo của Chile và Peru, nơi phủ đầy phân chim, thì acid phosphoric sẽ tồn tại dưới dạng phân chim bình thường như trong các mỏ nổi tiếng dọc bờ biển phía Thái Bình Dương của Nam Mỹ. Ở quần đảo Hoàng Sa, đất rừng của các hòn đảo được cung cấp một lượng nước dồi dào mà nhờ vào sự hiện diện của nó, acid phosphoric và phốt-phát hòa tan được giải phóng tự do, khi xâm nhập vào đất, đã gặp calci carbonat, chất này đã giữ chúng lại và định hình chúng, đồng thời đánh mất acid carbonic. Vậy là quá trình chuyển đổi này tiến triển từ bề mặt vào sâu bên trong. Chúng tôi vẫn chưa thể xác định bề dày của lớp địa chất đã biến đổi như vậy. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng lớp đất này dày hơn một mét tại một số điểm, ở nơi có những cái giếng mà nhờ đó chúng tôi đã quan sát được dễ dàng hơn”.

“Trên bề mặt, những nguyên tố san hô đầu tiên gặp acid phosphoric hòa tan chính là cát canxi khá mịn, thỉnh thoảng bị gió và nhiều mảnh san hô nhẹ làm biến đổi. Sau khi chuyển thành phốt-phát, hàm lượng acid phosphoric trong các nguyên tố bề mặt này rơi vào khoảng từ 23 đến 25%”.

Khai thác phốt-phát tại Hoàng Sa năm 1940 (Ảnh tư liệu)

Ở dưới sâu, hiện tượng phốt-phát hóa tập trung ở tầng đất đặc hình thành nên từ cát kết đóng bánh, hoặc từ cát kết từ san hô hạt to đôi khi rất cứng. Mất đi acid carbonic và biến đổi thành phốt-phát, lớp đá này đã bảo tồn được cấu trúc nguyên thủy của chúng và nhà cổ sinh vật học có thể dễ dàng nhận ra ở đây hình thái nguyên vẹn của những loài san hô đã hình thành nên chúng. Hàm lượng acid phosphoric của các tầng đất sâu này lên tới 42%”.

Những phân tích này là do ngài M. Michel, Giám đốc phòng thí nghiệm hóa học Sài Gòn, thực hiện.

“Không nghi ngờ gì nữa, một vật chất như vậy là một nguồn acid phosphoric cực kì thú vị. Tuy nhiên, ông ấy chỉ thử làm cho đến khi một công ty Nhật Bản vừa mới tiến hành khai thác đảo Phú Lâm (đảo Boisée) trong chuyến thăm của chúng tôi vào tháng Sáu năm 1926, sau khi đã bỏ lại mỏ phốt-phát lớn trên đảo Hữu Nhật (đảo Roberts) mà không khai thác cạn kiệt hoàn toàn.

Khi khai thác trên đảo Phú Lâm, người Nhật đã mang đến một đường ray, nhiều xe goòng, một cầu tàu dài 300 mét giúp cho công việc của những người khai thác trở nên dễ dàng hơn.

Nhân công là những người Trung Quốc, do một đốc công người Philippines chỉ đạo.

Tại các công trường, cây cối bị chặt phá, thảm thực vật bị giày xéo. Khi người Nhật hoàn tất việc khai thác chỗ phốt-phát tích tụ lại từ hàng thế kỉ trên các hòn đảo này, sẽ không còn lại gì của khu rừng rất đẹp nơi vô số chim biển cho đến ngày nay vẫn tụ tập về để ẩn náu và làm tổ.

Trước đó, nhà tự nhiên học có thể nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của việc con người tác động vào sự cân bằng của hệ động vật trên những hòn đảo này; nhiều vệt rãnh của bánh xe chạy khắp mặt đất; vài tháng nữa, rừng sẽ bị chúng tàn phá. Theo sau sự xâm lược này một vài tháng là sự kiện con người đến ở trên vùng đất nguyên sơ này, đặt dấu chấm hết cho triều đại của các loài chim trên đảo Phú Lâm”.

Từ những ghi nhận này, người ta có thể suy ra rằng việc khai thác các nguồn tài nguyên trên quần đảo Hoàng Sa ít có khả năng sinh lời bởi lẽ, xét trên mọi khả năng, việc khai thác phốt-phát là quá chậm trễ, và không khả thi đối với việc đánh cá bằng lưới rê do tính chất của tầng đáy. Đánh bắt quy mô nhỏ, vốn được thực hiện bằng ghe của người An Nam và hiện nay người Trung Quốc vẫn còn làm, không được coi là một công việc kinh doanh vì nó chỉ đủ để nuôi sống những dân chài.

Như vậy, phải chăng miền Đông Dương của chúng ta nên bỏ bê mảnh đất này? Hoàn toàn không.

Trái lại, chúng ta không còn có thể phủ nhận sự phụ thuộc của chế độ bảo hộ An Nam, chế độ này có những quyền không thể chối cãi nhưng chưa bao giờ được đặt thành quy định. Đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa là một mối nguy hiểm thật sự cho tàu bè qua lại; gần như mỗi lần xảy ra những vụ đắm tàu, Hiệp hội các hãng tàu buôn Merchant Service Guild của Hồng Kông lại yêu cầu Chính phủ Anh đưa ra các biện pháp như mong muốn để lắp đặt hai ngọn hải đăng tại đây. Chính quyền Đông Dương có trách nhiệm phải hoàn thành công trình thiết thực này, và chúng ta không thể cho phép những người khác hoàn tất công việc đó.

Vào thời của điện báo vô tuyến (T. S. F.), công cụ giúp theo dõi và báo hiệu các cơn bão, của các dự án thiết lập các tuyến thủy phi cơ và của các cuộc nghiên cứu của các căn cứ tàu ngầm, quần đảo Hoàng Sa đóng một vai trò quan trọng chưa từng có đối với Đông Dương. Chính vì vậy mà tôi thấy cần phải tổng hợp trong bài viết này những chi tiết thời sự về các bãi đá ngầm hiếm người biết đến này■

Lưu Mỹ Lý dịch

(theo Tạp chí Phương Đông)

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN