Thiên phóng sự về Việt Nam của một ký giả Pháp

Năm 1946 là một năm đáng nhớ của đất nước Việt Nam, chúng ta đã gặt hái được những thành tựu lớn như ký kết Hiệp định sơ bộ Việt Pháp. Tuy nhiên để gặt hái được những thành tựu như vậy, nhân dân ta đã phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của ký giả người Pháp René Dussart về Việt Nam trong giai đoạn 1946, được đăng trên tạp chí Les lettess Français ngày 9/8/1946, để thấy người Pháp có cái nhìn thế nào về đất nước Việt Nam nói chung và con người Việt Nam nói riêng cũng như họ suy nghĩ gì về những việc mà lính Pháp đã làm với nhân dân ta. Bài viết đã được tờ Tin Điển dịch ra tiếng Việt và đăng lại vào tháng 10/1946.

Paris, ngày 9 tháng 8 năm 1946

Bài mà chúng tôi đăng tải dưới đây là một chứng cứ hiển nhiên. Chúng tôi nghĩ rằng đăng nó ra là phải lúc và nó sẽ giúp cho công chúng Pháp hiểu rõ tình hình hơn.

Không phải với những quân sĩ Pháp bị gửi qua Đông Dương mà thường khi họ không muốn và một số đông ở đây đã từng là những trang anh hùng đánh với quân Đức – mà chúng tôi định bàn đến cái trách nhiệm của những máu đào đã đổ ở Việt Nam. Chúng tôi cũng không bàn với phần đông những vị chủ tướng của họ, vì những chủ tướng ấy chỉ hành động theo lệnh dạy. Nhưng chúng tôi lại muốn nói chuyện với những kẻ đang cố dùng đủ mọi cách để làm sống lại cái chủ nghĩa đế quốc thuộc địa hôm nay đã mục nát và rất hại cho tương lai của nước Pháp.

Lời của tác giả:

Như tôi đã bày tỏ – trong tháng Một vừa qua, tại Hà Nội – nỗi buồn rầu và ân hận của tôi với phương pháp quái lạ mà nước Pháp đã được giải thoát, qua Đông Dương để lập lại “trật tự, sự làm việc và yên tĩnh” ở đây, có nhiều người lo ngại rằng khi tôi trở về, tôi sẽ thuật lại kỹ lưỡng câu chuyện đáng buồn về việc chúng ta đã đi chinh phục lần nữa.

Người ta muốn làm cho tôi tưởng rằng tôi làm như thế tức là giúp tay cho kẻ gieo rối. Người ta muốn làm cho tôi tin chắc rằng tôi có thể làm hại đến thanh danh của nước Pháp, là đưa ra một đầu đề có lợi cho cuộc tuyên truyền của ngoại quốc.

Tôi liền nhớ lại những điều mà bà Andrée Viollis đã viết trong quyển “Indochine S.O.S” năm 1935, bởi vậy tôi cũng nhất định như bà là cứ chịu đựng sự trách cứ mặc dầu người ta cứ mãi nghĩ rằng: Phụng sự chân lý là làm hại nước Pháp.

Trong một ngày tới đây, chúng ta sẽ cho Việt Nam được độc lập, một cuộc độc lập mà lắm kẻ, nếu họ trở nên thông minh thì sẽ lấy làm lạ vì cuộc độc lập ấy chỉ có thể đạt được bằng nước mắt và máu.

Chừng đó, những người Việt Nam được tự do trong khi đếm những người chết của họ, sẽ có thể chọn lựa một cách đúng đắn những bạn thân của họ: Số thân chủ sẽ đông, người ta tưởng tượng như thế. Người ta muốn nước Pháp tìm được một chỗ ngồi ở đó: Chỗ ngồi trước nhất.

Hy vọng đó có thực hiện được hay không là tùy nơi chúng ta, khi vào tháng Chín năm ngoái, những đội quân viễn chinh thứ nhất đã đổ bộ vào Sài Gòn. Người ta rất tiếc mà nói rằng từ đó mọi việc đã xảy như chúng ta chỉ trông vào vũ lực của chúng ta đặng “lấy lại” Đông Dương.

Lúc ấy tôi là thông tin viên chiến tranh và tôi đã dự xem cả chiến cuộc – rồi đây các ngài sẽ thấy – và tôi có cảm tưởng rằng đó là một cuộc chinh phục lần nữa theo kiểu cuộc chinh phục năm 1885. Chúng ta đã tàn bạo chiếm lại các đồn điền, các thương điếm, thi hành một cuộc chinh phục thuộc địa với những phương pháp quá lố, những cuộc bạo tàn vô ích, những cuộc cướp phá, tàn sát, đốt nhà đốt xóm.

Người dân Sài Gòn tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ chống Pháp, tháng 11/1940. Ảnh: AP

Người ta muốn Việt Nam là một nước đồng minh thành thật và trung thành? Chúng ta vẫn còn thời gian để xóa bỏ những lỗi lầm của chúng ta và phải hiểu rằng hôm nay chúng ta gieo mầm oán thù trong lòng những người vợ và những người mẹ thì ngày mai chúng ta sẽ tìm thấy sự oán thù ấy trong lòng con cái của họ.

Về những điều lỗi lầm của chúng ta đã qua, người ta đã thuật lại cho tôi nghe nhiều chuyện ở Sài Gòn và ở Hà Nội.

Tôi không muốn nhắc lại những sự tàn ác mà bà Andrée Viollis đã lấy tài liệu viết ra một quyển sách ai nấy đều biết. Nhưng tôi còn muốn kể một câu chuyện đã làm cho tôi rất chú ý. Câu chuyện này tôi được nghe ở Chợ Lớn, do một người xứ Basque từng sống ở đây từ 40 năm trước nói lại, và tôi cũng đã tìm được cái cốt yếu nơi một nhà văn, ông Albert Maybon, có chân trong “Hội người Pháp ở Á Châu”. Đối với ông Maybon, tưởng không ai có thể ngờ vực thẩm quyền và thành tâm thiện ý của ông.

Người Basque ấy nói: “Ông không thể tưởng tượng được cái vai tuồng phiền hà của người đàn bà Pháp ở Đông Dương. Đối với họ, người đàn ông da vàng chỉ là thằng “bồi” thôi, một thằng bồi phải nai lưng làm tất cả những công việc nặng nhọc, phải bị kêu réo những hai chục lần trong một giờ, và được lãnh nhiều cái tát trái hơn là đồng bạc. Ghen ghét người đàn bà Việt Nam vẫn có vẻ yêu kiều, người đàn bà Pháp không bao giờ cho bén mảng tới nhà tất cả những người răng đen và chân không giày không dép. Ví dụ như ở Hà Nội, tôi không bao giờ thấy một gia đình người Pháp nào tiếp một đôi vợ chồng người Việt Nam trước một chén trà. Các trạng sư hay bác sĩ người Việt Nam chỉ được gặp những đồng nghiệp người Pháp của họ tại tòa án hoặc nhà thương.

Vì lẽ đó mà dần dần giữa hai dân tộc hiện lên một bức tường kiên cố ngờ vực và không hiểu nhau. Đó là tôi không nói đến cái cảnh đáng phàn nàn mà người bản xứ khi nhìn thấy cũng phải chau mày – của vài hạng thượng lưu ở Sài Gòn vì công việc dễ dãi, tiền bạc nhiều và vì phong thổ, bày ra những cuộc vui chơi kì quái, những cuôc giải trí… bất ngờ”.

Đó là lời của một người khôn ngoan có nhúng tay vào việc gây dựng đế quốc. Và đây, tôi chép y lại từ lời cái khoản mà Albert Maybon nói về sự hợp nhất các dân tộc trong lịch sử bình dân của các thuộc địa Pháp:

“Theo con mắt của một người đàn bà Pháp thuộc về hạng thượng lưu – lời của ông A. Maybon vào năm 1931 – trong dân bản xứ chẳng có người nào được cái hân hạnh mang cái danh hiệu là tay chơi sành đời. Họ không với tới được cái địa vị đó cũng vì răng họ đen và áo họ sặc sỡ”.

Không một bà chủ nhà nào của chúng ta có thể chịu nổi cái tiếng guốc rùm tai và nước trầu đỏ hoét trên những tấm khảm xưa mà hai hãng buôn là Au Louvre và Au Bon Marché đã dệt ra để dùng trong các nhà sang trọng ở thuộc địa.

Thế là họ bị đuổi ra khỏi nhà, không được ai thương hại chút nào… một cái hố sâu đã đào giữa hai giống da trắng và da vàng, và mỗi ngày càng được đào sâu thêm do nơi sự sốt sắng của những người đàn bà đẹp của chúng ta và rồi đây người ta có thể tin là không vượt qua nổi cái hố đó…”

Phải chăng, với những lời lẽ đã cân nhắc, đó là bản án, than ôi! của một trong những hình thức ít tai hại nhất của sự có mặt người Pháp ở Đông Dương trước khi có chiến tranh?

Tuy thế, vào tháng Tám năm ngoái, người ta vẫn mong mỏi rằng những nhà cầm quyền cao cấp do Chính phủ lâm thời của nước Pháp phái qua “để lập lại chủ quyền của Pháp trong các lãnh thổ ở Đông Dương” sẽ cố làm việc để không còn sót lại một kỷ niệm nào của cái dĩ vãng đau đớn ấy.

Nhưng người ta lại bắt đầu làm việc bằng sự dối láo và khinh bỉ. Người ta tiếp tục công việc bằng cách đốt nhà đốt xóm, bằng cách tra tấn và ám sát. Tôi vẫn biết người ta sẽ cãi với tôi về khoản này.Và tôi cũng biết người ta sẽ nói với tôi về sự ăn ở hai lòng và sự tàn bạo có tiếng của người da vàng.

Chính tôi đây, trong một tờ nhật báo xuất bản buổi chiều đã phái tôi qua đó, tôi đã tố cáo vài điều tàn bạo của Việt Minh. Nhưng tôi không nghĩ rằng những hành vi quá độ của một nắm cu li nhiệt tình tự họ hành động không ai xúi bảo, lại khiến cho người ta phải dùng đến những sự khủng bố và thi hành chính sách tiêu thổ trong một xứ mà từ bao nhiêu thế kỉ đã nổi danh là trung tâm của đức, nghĩa.

Công việc ấy bắt đầu bằng sự dối láo và kinh bỉ. Chúng ta đã hứa với người Việt Nam là sau khi thắng trận, chúng ta sẽ giúp họ tự cai trị lấy. Vài ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng, tại sông Đại, gần Hà Nội, ông Hồ Chí Minh và vài người Pháp kháng chiến chờ máy bay Mỹ chở họ đến Côn Minh, tại đây ông Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ, đã sẵn sàng ký một hiệp định về nguyên tắc rất thuận lợi cho chúng ta.

Nhưng lúc đó trời mưa, máy bay không đến, vì thế phải chờ đến tháng Chín để tiếp tục cuộc đàm phán. Một lần nữa, người ta đã thỏa hiệp với các đại biểu của Việt Nam về một chế độ độc lập cứu vãn cả quyền lẫn lợi của chúng ta. Ông Hồ Chí Minh bằng lòng qua Chandernagor rồi sang Paris. Lúc ấy, hình như vấn đề phải được giải quyết, không gặp nhiều nỗi khó khăn; người ta đã nghĩ đến cách giải quyết ổn thỏa. Bất ngờ ở Sài Gòn xảy ra vụ đáng tiếc ngày 23 tháng Chín.

Người Pháp dùng khí giới đánh đuổi Việt Minh ra khỏi những tòa nhà mà họ ở, và đại tá Cédile chỉ huy phong trào ấy. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có yêu cầu ông Cédile cho các đại biểu của Việt Nam được tự do lập trụ sở ở một nơi trong thành phố, ví dụ như ở Thị sảnh, đặng tiếp tục cuộc đàm phán. Điều yêu cầu ấy bị bác bỏ. Trận đánh tiếp diễn, càng gắt gao hơn nữa.

Ngày mùng hai tháng Mười, các đại biểu của ta kiếm cách tiếp xúc trở lại với đại biểu của Việt Nam. Trần Văn Giàu và các đồng chí chán nản nên lánh mặt. Tiếng súng lại nổ.

Ngày mùng một tháng Mười Hai, ông Hồ Chí Minh tiếp ông Sainteny tại Hà Nội. Chúng ta lại bàn tính với ông Hồ Chí Minh lần nữa với sự không thành thật. Lúc ấy Cao ủy phủ còn xem ông Hồ như một nhà lãnh đạo tầm thường. Người ta muốn hỏi ý kiến ông, nhưng người ta vẫn chưa chịu nhận ông là vị Chủ tịch của nước Việt Nam Cộng hòa. Trong lúc này, máu của người Pháp và người Việt vẫn chảy trong các đồng ruộng ở Mỹ Tho.

Tuy nhiên, xem bề ngoài thì hình như rồi đây người ta có thể đi đến cuộc thỏa hiệp được. Trong khi tiếp tôi tại Hà Nội, ông Hồ Chí Minh chỉ nói với tôi rằng ông mong được thấy một hiệp ước hợp với lẽ phải: “Nước Pháp hãy gửi đến chúng tôi những vị sứ giả không có khí giới, nước Pháp hãy tỏ ra trước một thái độ, tôi tin chắc rằng rồi đây các việc đều sẽ giải quyết được ổn thỏa. Chúng tôi chỉ muốn làm việc với các ông như anh em, là vì đối với tư tưởng của Pháp, chúng tôi đương mang một cái gì vừa vĩ đại vừa cao thượng, và cũng vì chúng tôi không muốn cộng tác dưới uy quyền. Tôi nói thật với ông như thế đó, và tôi chịu trách nhiệm những lời tôi nói.”

Trong hết thảy các giới Pháp ở Hà Nội thấy rộng hiểu xa, mà chính Ủy viên Cộng hòa cũng vậy, ai nấy cũng đều nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể kí kết những hiệp ước có giá trị và ổn thỏa với ông Hồ Chí Minh mà thôi. Nhưng ở Sài Gòn đương có tiếng rầm rĩ….

Ngày mùng chín tháng Mười hai, Đô đốc d’Argenlieu đọc diễn văn tại thị sảnh nhân dịp lập lại cuộc cai trị trong thành phố. Đô đốc vừa đập tay xuống bàn vừa nói: “Chúng ta vâng lệnh từ chính quốc mà qua đây, chúng ta sẽ làm phận sự tới cùng với đức tin phải thắng. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ bỏ phận sự ấy”.

Đó không phải là thái độ mà người ta chờ đợi tại Hà Nội. Và một lần nữa, các cuộc đàm phán lại bị gián đoạn.

*

  Tám ngày sau, giữa đêm khuya, tôi ngồi trên một chiếc jeep với một bạn đồng nghiệp của báo giới Úc, chạy ngang qua Đông Tháp Mười, Đức Hòa, một vùng đông dân cư cách thủ phủ chừng 30 cây số, tại đây có bộ tham mưu của Việt Minh. Chúng tôi đi theo phân đội lãnh phận sự chiếm vùng này vào lúc hừng sáng, và nếu có thể thì bắt sống các tay cầm đầu quân “phiến loạn” tại bản dinh của họ. Tôi nghĩ đến cuộc giao phong sắp xảy ra.

Vào 8 giờ, Đức Hòa lọt vào tay chúng ta. Quân “phiến loạn” đã rút đi nơi khác, chỉ còn vài người Việt Nam và Hoa Kiều ở lại. Trước mắt người bạn đồng nghiệp Nat Broch của tôi, người ta bắt đầu cướp phá hết thảy những nhà cửa mà chủ nhân đã bỏ đi, họ phá cửa xông vào, họ dùng cuốc đập bể tủ sắt, họ bắt gà, vịt, heo trói lại xỏ đòn gánh mà khiêng đi. Một viên cựu hương chức Việt Nam đến trình diện với viên tư lệnh xin trả tiền hai con heo mà người ta vừa… bắt lầm, nhưng người này bị đuổi đi một cách hùng hổ.

Một người Việt Nam khác ở đầu làng lớn tiếng kêu nài giáp mặt viên tư lệnh. Viên này tiếp người ấy, quanh có các võ quan trong bộ tham mưu. Người kia nói rằng có hai người lính của chúng ta đã kéo đứa con gái của anh ta ra ngoài ruộng. Người ta có thể tưởng tượng tại sao. Viên tư lệnh hỏi người con gái anh được mấy tuổi? Anh nọ đáp: 14 tuổi. Viên tư lệnh vừa nói vừa cười ngất: “À thế là vừa tuổi quá”.

Đến chiều Nat Broch và tôi thả dài theo con đường hẻm nơi cánh đồng. Từ xa, những làn khói đen cuồn cuộn tỏa lên trời: ấy là những làng bị đốt cháy. Tôi cắt nghĩa cho bạn đồng nghiệp của tôi hiểu rằng: bất cứ nhà nào mà chúng ta gặp thấy có khí giới đều bị đốt cháy lập tức. Bạn của tôi vừa lắc đầu, vừa đếm những cái nhà bị đốt, vừa nói với một nụ cười nơi khóe miệng: “Những người của anh đã chiếm được kho khí giới của Việt Minh. Anh hãy xem một chút kìa, đám cháy lớn quá”.

Chúng tôi trở về bản dinh của đại đội, trong lúc ấy một toán quân tuần của ta dẫn về đây ba người da vàng thấp nhỏ, ở trần, hai tay bị trói kéo ra đằng sau lưng. Đó là những người Bắc Kỳ. Họ bị bắt nơi mé rừng trong lúc họ tính trốn ở đó. Họ bị xét khắp toàn thân, không bắt được khí giới hay giấy tờ gì, nhưng người ta cũng sắp cật vấn họ một cách gắt gao, vì người ta tin rằng họ thuộc về quân phiến loạn, Người thứ nhất bị xô vào căn phòng rộng rãi nơi bản dinh, người ta bắt đầu hạch hỏi anh trước mặt bộ tham mưu, có cả tôi và anh Nat Broch.

Chính một viên chức người Pháp ở sở Mật thám Sài Gòn mở cuộc điều tra. Người da vàng nhỏ thó ngồi chồm hỗm dưới đất trước một cái bàn, khai tên họ – mà tôi đã quên – anh được 24 tuổi. Anh thú nhận có theo Vi ệt Minh, nhưng anh không nói bộ đội của anh có bao nhiêu người, có bao nhiêu khí giới và hiện bộ đội ấy trốn về ngả nào? Liền đó, viên thanh tra mật thám – một người rất khỏe mà tôi nhớ tên là Desjardins – chụp một cây tre đánh bổ vào mặt mũi và hai vai người Bắc Kỳ nhỏ thó ấy.

Không bao lâu, trên lưng anh nọ đầy những vết đỏ bầm dài, máu bắt đầu chảy xuống gạch từng  giọt lớn từ một vết thương sâu nơi trán. Mặc dù đã tối tăm mặt mày, người da vàng nhỏ thó kia vẫn làm thinh, Người ta bắt anh nằm sấp, một người Tây lai vừa đóng vai thông ngôn vừa là bộ hạ, chân mang giày đạp trên vai người nằm kia đè xuống, trong lúc đó viên thanh tra cầm roi nỗ lực đánh vào lòng bàn chân của tên quân “phiến loạn” nhưng anh này vẫn không hở môi.

Mãi đến lúc viên thanh tra mắng chửi mỏi miệng rồi, đánh đập mỏi tay rồi, mới ra lệnh cho hai tên lính xóc nách người vô phúc kia kéo ra ngoài sân, anh này đã bất tỉnh, mắt cá chân đã bị đánh vỡ, chân đã dập không thể đứng được nữa. Người ta liệng anh xuống đất như một món đồ. Một lần nữa, người Tây lai dòm xuống bộ mặt người bị đánh mà hỏi có điều gì muốn nói hay không, một bộ mặt không còn cựa quậy và máu khô đã đọng lại.

Anh ấy không đáp: Liền đó một tên lính thuộc 21e Ric bước tới gần chĩa súng bắn một viên đạn vào đầu người kia một cách lạnh lùng, yên lặng: “Tao bắn mày không hờn, không oán, cũng như một người làm thịt thế thôi…”

Nhưng, người Bắc Kỳ ấy chưa chết. Người ta lại bắn một phát súng nữa vào sọ anh, rồi kế đó bắn luôn một phát thứ ba ngay tim anh.

Trước cảnh tượng ấy, tôi bỗng thấy rùng rợn, gớm ghiếc, giận dữ và xấu hổ. Hẳn vì tôi không có thói quen. Dù sao tôi cũng không giấu diếm được điều đó. Chính vì thế mà người ta tạm gác lại việc hạch hỏi hai người kia.

Khi bước ra sở hội thực, một viên thiếu úy trẻ tuổi của đệ nhị sư đoàn thiết giáp (2e D.B) thuật lại cho tôi và anh Nat Broch biết ông ta đã chỉ huy quân sĩ xông vào một cái nhà lá mà chủ nhà đã bỏ đi và Việt Minh dùng làm nhà thương tạm như thế nào?

Viên thiếu úy nói rằng lúc ấy trong nhà có mười lăm người nhà quê nằm dài trên chiếu. Không để cho đám người ấy kịp trở tay, quân sĩ nổ súng liên thanh một chập, thế là họ đã ngắc ngư rồi.

Liền sau khi tôi trở về Sài Gòn, tôi đã cực lực kháng nghị với nhà đương cuộc dân sự và quân sự, nhưng sự thật khó nỗi thấu tai người trên.

Tôi vẫn biết rất nhiều câu chuyện như thế để thuật lại cho các ngài nghe. Nhưng hỡi người Pháp, các ngài đã nghe những câu chuyện như vậy rồi, các ngài đã chán nản về những cảnh rùng rợn, những cảnh tàn sát, tra tấn, bởi vậy tôi không muốn nói nữa, nếu tôi không phải trả lời những kẻ tố cáo tôi là trưng ra những tài liệu không thể chối cãi được để giúp cho cuộc tuyên truyền của người ngoại quốc.

Chính một người Mỹ một hôm dẫn tôi đến dưỡng đường thứ 51 của quân Ấn đặng nghe lời làm chứng của những người Anh bị thương. Dưỡng đường này hai mặt đối diện với tòa nhà lớn lao, tức là sở Mật thám quốc gia ở đầu đường Catinat. Ở đây người ta thấy rõ những việc xảy ra trong phòng cảnh sát. Tôi đã thử xem coi có gì lạ.

Tôi tiếc rằng người Anh đã thử xem trước tôi. Trong hai tháng Mười và tháng Mười một năm 1945, những bệnh nhân ở đây trưa hoặc tối thường bị đánh thức bởi những tiếng rên la rầm rĩ. Những người bệnh không nặng lắm đều cố ngồi dậy chen nhau nơi cửa sổ mà xem.

Trong một cái phòng gần đó, cảnh binh đang dùng roi mà tra hỏi một người Việt Nam ngón tay cái bị cột và rút lên xà nhà. Phải nói rằng cảnh tượng ấy thay đổi mỗi ngày và tùy theo sở thích của những người hành hình. Anh nhà quê kia không phải chỉ bị treo bằng ngón tay cái mà thôi, có khi anh cũng bị treo cổ nữa. Bao giờ chịu cực hình không nổi anh chết, người ta đem thây anh ra ngoài sân phơi nắng tới khi có một chiếc xe đến chở xác anh đi. Một người Anh  là Mac Kinnen nói với tôi rằng có nhiều đêm anh nghe tiếng tù kêu la như vầy: “Các ông hãy giết chúng tôi đi!”

Đó là những câu chuyện mà anh Mac Kinnen sẽ thuật lại cho mọi người nghe khi trở về xứ Scotland của anh…

Quân và dân Hà Nội sẵn sàng chiến đấu trước ngày toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946. Ảnh tư liệu

Cách đây hai tháng, tôi gặp các nhân viên trong phái đoàn nghị sĩ Việt Nam tại Paris. Từ mấy tháng nay, người ta tìm cách để tạo ra bầu không khí thuận tiện thì không có gì thất sách bằng việc Cao ủy phủ của chúng ta ở Đông Dương lập ra tại Sài Gòn một ủy ban phân ly, sau đó đổi thành Chính phủ lâm thời. Người ta nhận thấy rằng biện pháp ấy không hợp với hiến chương San Francisco nói về các lãnh thổ không tự trị.

Nhưng cái việc không thể ngờ vực được là biện pháp ấy xâm phạm sơ ước mùng sáu tháng Ba một cách hiển nhiên và chia sẻ nước Việt Nam.

Một thân sĩ Bắc bộ có nói với tôi như vầy: Rứt Nam bộ ra khỏi Việt Nam cũng chẳng khác nào người ta muốn rứt Provence hay Normandie ra khỏi nước Pháp. Quả thật Nam bộ là vùng giàu nhất và thịnh vượng nhất của Đông Dương, một vựa lúa to, vừa là vùng đất rất thích hợp để trồng cao su. Có lẽ vì việc này mới xảy ra việc kia chăng? Người ta không muốn tin như vậy, người ta lại cố dùng mưu kế để một lần nữa, giải quyết giữa ánh sáng, cái vấn đề hiển nhiên là cuộc độc lập của Việt Nam.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN