Tám tháng ở Hoa Kỳ của Bác Hồ

Nước Pháp bước vào những tháng đầu mùa đông của năm 1912. Bác vừa đi Paris thăm cụ Phan Châu Trinh và Luật sư Phan Văn Trường trở về. Bác nhớ câu hỏi của cụ Phan: Cháu sẽ dừng chân ở đâu?

Ở đâu? Đó là câu hỏi lăn tăn trong Bác. Pháp là chính quốc đô hộ Việt Nam, Anh là đế quốc hùng mạnh, là nước hiện đại. Mỹ là nơi đầy bí ẩn. Ở đó có những vị Tổng thống tiền nhiệm đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đã thực hiện tự do, bình đẳng, đã kháng chiến giành độc lập từ đế quốc Anh… Những cái tên như Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Washington chứa nhiều hấp dẫn lôi cuốn với Bác.

Hãng Chargeurs Réunis sắp có chuyến tàu đi châu Mỹ, Bác nhờ thuyền trưởng Michael xin cho Bác được làm thủy thủ của chặng đi và được ở lại Hoa Kỳ học tập một thời gian. Bác quyết định đến thành phố Boston ở Đông Bắc nước Mỹ, thủ phủ của bang Massachusetts, ở đó có trường đại học Harvard và Viện MIT nổi tiếng, Boston là nơi khởi nguồn cuộc kháng chiến giành độc lập với đế quốc Anh của Hoa Kỳ. Bác quyết định dừng chân ở đây để tìm hiểu, để học. Tên tuổi với những câu chuyện như huyền thoại về khởi nghĩa giải phóng đất nước giành độc lập từ tay đế quốc, về tự do, bình đẳng đã từng diễn ra, là sức hút mạnh mẽ để Bác quyết định chọn Boston, chọn Hoa Kỳ làm điểm dừng chân đầu tiên của chặng tìm đường cứu nước.

Tháng 10 năm 1912, khi con tàu vào vịnh Massachusetts với các đảo lớn, đảo nhỏ nhấp nhô. Thành phố cảng Boston thủ phủ của tiểu bang là thành phố cổ, thành phố trí thức của Hoa Kỳ. Thành phố cảng Boston đón Bác vào những tháng mùa đông tuyết bắt đầu rơi. Boston nằm ở Đông Bắc Hoa Kỳ, sát với Canada, nên dù có biển vẫn rất rét. Cách bến cảng chỉ vài trăm mét, đi qua hai con phố, là khách sạn Omni Parker House, một khách sạn sang trọng ngày đó nằm ngay bên cạnh con đường nhỏ mang tên Tự do. Bác đã xin và được nhận vào làm thợ làm bánh ở khách sạn này. Với sự thông minh, tiếp thu nhanh và sự cần mẫn, chân thành, Bác đã lấy được sự tín nhiệm của bếp trưởng, chỉ mấy tháng sau Bác trở thành người “sếp” của tổ bánh này. Gian bánh chỉ rộng vài chục mét vuông, nền lát gạch đỏ, ở thành phố Boston này, các tòa nhà sang trọng đều xây bằng gạch đỏ. Từ bếp bánh, khách sạn đã làm ra bánh kem Boston (Boston Cream Pie), món tráng miệng đầy hấp dẫn và bánh mì tròn thương hiệu Parker House Roll nổi tiếng thế giới. Ngày nay đến thăm gian bếp ở tầng hầm, hiện trạng của 100 năm trước vẫn được giữ nguyên, một chiếc bàn đá cẩm thạch màu ngà đục từ ngày Bác làm ở đây vẫn ở vị trí xưa, bàn hình chữ nhật, có tầng lửng để dụng cụ phía dưới, là nơi Bác nhồi bột, nặn bánh, chế biến để đưa vào lò nướng. Trên bàn, bên cạnh khay bột, ngày nay có dòng chữ giới thiệu Bác của chúng ta đã làm bánh tại đây.

Thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh được đóng khung treo trang trọng tại hành lang khách sạn Omni Parker House từ năm 2005. Nguồn: History of Massachusetts

Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta thăm Hoa Kỳ, đã đến thăm gian phòng nơi Bác làm thợ bánh ngày xưa. Khi khách sạn đưa đĩa bánh thơm phức lên mời, Thủ tướng đã trân trọng cầm chiếc bánh để ngửi và bẻ một miếng nhỏ cho vào miệng nhâm nhi. Nhà văn Xuân Ba khi kể lại chi tiết này đã viết “giống như các con chiên lành ăn bánh thánh trong ngày Noen”. Thủ tướng thưởng thức hương vị bánh và nói với anh em trong đoàn: “Ăn đi, các đồng chí. Ăn để nhớ Bác mình”.

Hơn trăm năm trôi qua, khách sạn vẫn giữ nguyên trạng, chiếc bàn bị mẻ một miếng nhỏ ở góc nhưng họ không thay, và hơn thế khách sạn còn đào tạo một phụ nữ gốc Việt Nam tiếp tục làm thợ bánh bên chiếc bàn này. Một sự trân quí lịch sử, trân quí Bác của chúng ta ở tầng cao văn hóa. Trên phòng bảo tàng khách sạn trang trọng treo ảnh Bác bên cạnh các vĩ nhân thế giới đã đến ở, và làm việc tại khách sạn. Họ trân trọng ghi: “HoChiMinh was a pastry chef in Parker’s kitchen from 1911-1913. The table that he worked on is still in the bakeshop” (Hồ Chí Minh từng phụ trách bộ phận làm bánh nướng trong bếp của Parker từ năm 1911-1913. Chiếc bàn mà Người đã từng làm bánh hiện vẫn còn tại bếp bánh”. (Thực ra Bác chỉ làm ở đây từ cuối 1912 và giữa năm đầu 1913 – T.G)

Bác đã ở Boston trong vòng 8 tháng. Năm 2005, trên trang mạng của tổ chức những khách sạn quốc gia của Hoa Kỳ, tác giả Mary Billingsley có một bài về khách sạn Omni Parker House, tác giả nhắc đến thời gian Bác của chúng ta đã sống ở Boston, làm việc tại bếp bánh của khách sạn Omni Parker House, tác giả cho biết Bác còn đăng ký theo học ngoài giờ ở Viện MIT (Viện công nghệ Massachusetts), sau này là đại học MIT sánh vai cùng trường đại học Harvard nổi tiếng thế giới. Tác giả còn viết: Ngày ấy, người thợ làm bánh (Bác của chúng ta) với chí tiến thủ mạnh mẽ đã đạp trên tuyết giá lạnh giữa mùa đông ở thành phố cực Bắc này để ngày ngày đến trường MIT gần bờ sông Charler.

Ở Boston, ngoài việc học thêm ở MIT, Bác tranh thủ giờ rảnh để đến Thư viện Công cộng thành phố Boston (Boston Public Library), là thư viện vào tốp lớn của thế giới ngày nay. Tại thư viện này, Bác đã đọc, đã tìm ra những điều Bác muốn tìm. Bác khâm phục George Washington đã đứng dậy tập họp và lãnh đạo du kích giành độc lập từ tay đế quốc xâm lược Anh, khi giành được độc lập, ông xin về sống điền viên ở quê nhà để lại sự nể phục của thế giới. Người dân đã mời ông ra, bầu ông làm Tổng thống khai quốc. Bác ấn tượng với Tổng thống Abraham Lincoln người đã dẹp tan nội chiến, vượt qua khủng hoảng, đưa nước Mỹ phát triển và ông đã có tuyên ngôn giải phóng nô lệ. Bác vui mừng khi “gặp” luật sư Thomas Jefferson khi ở tuổi 30 đã khởi thảo nên bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776. Một niềm vui to lớn, khi Bác có trong tay toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và chân dung của Jefferson với khuôn mặt hiền từ và bộ tóc bác học đầy thông tuệ. Bác nhập tâm nằm lòng câu Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm gian bếp của khách sạn Omni Parker House ở Boston, Mỹ, nơi Bác Hồ làm việc năm 1912-1913. Ảnh: Phạm Thục

Thời gian ở Boston, cuối tuần Bác rất thích đi nghe ca nhạc biểu diễn nơi công cộng và đi xem kịch. Một lần, khi xếp hàng mua vé xem kịch, một cô gái Hoa Kỳ gốc Pháp, nói giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, đã vui vẻ nhanh nhẹn mua dùm vé cho Bác và làm quen với Bác. Cô ta nhẹ nhàng, lịch lãm và nụ cười luôn trên môi, có tên là Colet. Một lần, Colet rủ Bác đi xem vở kịch kể về điển tích các nghĩa quân Boston khởi nghĩa lật đổ đế quốc Anh. Bác tỏ ra rất thích thú, nhưng nghe không kịp, Colet phải thông dịch lại và giải thích cho Bác. Vài ba lần như vậy, hai người trở thành bạn thân. Colet khen Bác có tâm hồn nghệ thuật phong phú. Colet thích Bác, đeo đuổi Bác và một lần cô bày tỏ ý định kết hôn với Bác. Bác chân thành cảm ơn tình cảm của Colet và khéo léo từ chối. Sau này, khi trở thành nhà văn Colet có viết lại chuyện này. Bà có nhắc lại lời kể của Bác: “Tôi có người con gái quê nhà, chúng tôi rất yêu nhau nhưng đành phải chia tay ở bến cảng để ra đi”([1]). Việc từ chối yêu Colet, là một phần của lý do để Bác sớm rời khỏi Boston. Vì con đường phía trước của Bác là tìm phương cứu nước.

Ngày đó, thành phố Boston vừa khai trương xe điện ngầm. Bác là một trong những người khách đi trong những chuyến xe điện ngầm đầu tiên của Boston. Bác đã đến thăm khu Harlem của người da đen đang sống trong cảnh tận cùng nghèo khổ. Bác đã tự hỏi mình: Những người da đen ở Harlem này không có quyền của tạo hóa ban cho sao? Nước Mỹ của bình đẳng tự do đã lùi vào dĩ vãng khi thế lực đế quốc thực dân cầm quyền.

Tháng 12 năm đó, Bác đã vượt 300 cây số thăm New York. Hồ sơ mật thám còn lưu lại một bức thư của Bác gởi cho khâm sứ Trung Kỳ đề ngày 15/12/1912 gởi từ New York để hỏi về việc đã gởi cho cha là Nguyễn Sinh Huy ba ngân phiếu nhưng chỉ được một lần hồi âm. Bức thư đó Bác ký tên Paul Nguyễn Tất Thành.

Ở New York, Bác cũng dành thì giờ để đi chiêm ngưỡng tượng Nữ thần tự do. Nữ tiến sĩ sử học Hoa Kỳ Josephine Stenson trong bài tham luận của mình nhân 100 năm sinh nhật Bác, khi nhắc đến chi tiết này đã viết: “Mọi người khi đến thăm Nữ thần tự do đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi ngôi sao tỏa sáng trên vùng nguyệt quế là ánh sáng tự do”… Duy có Nguyễn Tất Thành là nhìn dưới chân tượng nữ thần tự do và ghi: “Ánh sáng trên đầu Nữ thần tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Nữ thần tự do thì người da đen đang bị chà đạp, số phận phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ họ được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”([2]).

Năm 1966, khi tiếp nhà báo Mỹ David Dellinger, Bác có nói: “Khi về lại nước Mỹ, ông có thể nói với mọi người rằng tôi đã làm thuê cho người ta ở Boston với mức lương bốn mươi đô la Mỹ… Tôi làm việc không đến nỗi vất vả lắm và tôi đã dùng một số thời gian để học tập và thăm khu vực khác trong thành phố”.

Bác cũng kể với nhà báo: Bác đã đi xe điện ngầm đến thăm khu Harlem là khu nghèo mạt hạng ở Mỹ thời đó. Bác xúc động trước cuộc sống quá ư bần hàn của người da đen ở đây.

Mùa hè năm 1913, khi con tàu của hãng Chargeurs Réunis cập bến Boston Hoa Kỳ, Bác lại xin trở lại tàu tiếp tục làm thủy thủ để đi một vòng các nước Nam Mỹ: Mehico, Brazil, Argentina, Uruguay rồi trở về lại Le Havre.

Ở Mỹ và ở các nước Châu Phi cũng như ở Pháp, Bác đều thấy rằng: Người dân bị nô lệ đều khổ. Người Mỹ, người Pháp đều tốt, nhưng đế quốc thực dân thì luôn luôn bóc lột, nói cách khác là cướp của người dân nghèo. Còn là thuộc địa thì người dân còn bị đè nén, áp bức, còn phải làm nô lệ. Phải làm sao? Làm sao để mọi người đều được bình đẳng, làm sao để có quyền sống? Quyền tự do như tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Những câu hỏi đó dằn vặt Bác theo năm tháng.■

Trình Quang Phú

                                               (Trích “Theo dấu chân Người” sắp xuất bản)

Chú thích:

([1]), (2) Theo J. Stenson-Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn của thời đại – Lưu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, bản dịch của Cao Huy Hùng và Nguyễn Thế Chương.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN