Thái Phiên với cuộc khởi nghĩa Vua Duy Tân năm 1916

Thái Phiên (1882 – 1916) là một nhà yêu nước từng tham gia nhiều phong trào cách mạng như Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội… Năm 1916, Thái Phiên đã cùng với Trần Cao Vân vận động Vua Duy Tân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Trung Kỳ. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa không thành, các nhà cách mạng bị thực dân Pháp xử tử còn Vua Duy Tân bị đi lưu đày. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết về vị anh hùng dân tộc Thái Phiên trên Tạp chí “Phổ Thông” số 36 ngày 15/6/1960.

“Thành thì vương, Bại thì vong”.

Đấy là lời nói của phế đế Duy Tân, trong tiếng cười cay đắng khi nhìn nghĩa sự vỡ lở để rồi một mực giữ thái độ “nín thinh” cho tới ngày bước chân xuống tàu đi đày. Thế là “Cửu niên hoàng ốc khí như di” chỉ vì “Não sát toàn bàn nhứt trước sai” ([1]).

Phận vua đã thế, còn phần thần tử ra sao?

Than ôi! “Bất thành cam tự đoạn đầu lô”([2]). Trời An Hòa là nơi chứng kiến bốn chiếc đầu của bốn bậc([3]) chịu sát thân để thành nhân rơi lông lốc trên Đất mẹ. Các vị ấy đã bước vào lịch sử. Và cũng từ cái giờ phút thảm sầu ấy, tên Thái Phiên bắt đầu được in đậm lên trang tranh đấu sử để lưu truyền hậu thế.

Chân dung nhà cách mạng Thái Phiên được hậu duệ lưu giữ tại làng Nghi An, Đà Nẵng

Liệt sĩ Thái Phiên hiệu là Nam Xương, sinh năm Nhâm Ngọ (1882), tức là năm Tự Đức thứ 35, nhằm vào lúc Tôn Thất Thuyết và Đảng Văn Thân truyền hịch giết đạo khắp nơi và cũng là năm thành Hà Nội thất thủ (Hoàng Diệu tuẫn tiết).

Ông tổ tứ đại của Thái Phiên là Thái Văn Tâm vốn người Bình Định, vì một nguyên nhân nào đó, đã đi ra lập nghiệp ở làng Nghi An thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nối dõi ông này là Thái Văn Cường rồi đến Thái Duy Tân. Thái Duy Tân lấy người vợ làng Tân Hạnh tên là Lê Thị Tý[4] sinh hạ được năm người con: Thái Thị Chuột, Thái Phiên, Thái Thị Nhàn, Thái Thị Sỏi và Thái Thị Gái.

Là con trai duy nhất, nên từ tấm bé Thái Phiên rất được thân phụ chăm chú cho về đường học vấn. Phiên theo thụ giáo với người bạn của cha là Phan Chí Học, một nhà nho trong làng. Thiên tư thông minh, Phiên học rất chóng giỏi đến nỗi sau đó phụ thân phải gởi Phiên đến xin chữ ông đồ Trần Tống tại làng Thạch Nham.

Với cái chức hương mục (nên dân làng thường gọi là hương Tân), với cảnh nhà khá giả, ông Tân được hưởng cái thú đi săn trong dãy núi sau nhà.

Một ngày kia, thấy lội mãi núi cũ cũng chán, ông Tân bèn đuổi đàn chó qua Phong Bắc (tức Phong Lệ, Làng Ông Ích Khiêm) săn chồn. Trong cuộc rượt thú, ông Tân bị tên đồn trưởng tây trắng hành hung. Bản tính cường ngạnh, ông Tân toan cãi lại, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng và yếu thế, ông hương mục làng Nghi An đành phải nuốt hận nhận lãnh mấy tát tai trở về nhà.

Lại thêm sau đó có tên Đội Phạn ở đồn Phước Tường (cạnh Nghi An) phá phách dân làng và người bồi của viên đồn trưởng theo ve vãn người con gái cả, Lý Tân (lúc này đã làm lên lý trưởng) thân hành vào đồn kiện cáo. Nhưng, cũng như lần trước, ông Tân lại ôm hận ra về.

Liền đấy, một ý nghĩ khác thường nảy ra trong khối óc đang chứa đầy sự phẫn uất, ông Tân bèn cho gọi Thái Phiên về để rồi tức tốc gửi Thái Phiên xuống Đà Nẵng học chữ Pháp với ông thông Phong làm thầy kiện.

Theo thụ giáo được hai ba năm, Phiên lại được lệnh thân phụ gọi về cưới vợ và người nâng khăn sửa túi cho Phiên là cô gái Trịnh Thị Nhuận, con ông Trịnh Thiện Giáo, một người tai mắt trong làng.

Cũng khoảng thời gian này, nguồn máu hận tiềm phục bấy lâu trong huyết quản ông Lý Tân được trao lại cho Thái Phiên qua những lời dạy bảo cẩn mật nhưng tràn ngập nộ khí.

Gặp kỳ thi ký lục Thương Chánh, Thái Phiên nộp đơn và thi đỗ, được thiên đi làm tận Hiệp Hòa (Tam Kỳ). Nơi đây, ông đã gặp rồi quen biết viên thầu khoán Le Roy, một người Pháp rất tử tế. Suốt bảy tám năm tòng sự, với số lượng chín mười đồng bạc (lương lúc bấy giờ) mỗi tháng, Thái Phiên cảm thấy cuộc đời của một thầy ký lục thật là tẻ nhạt lại không phù hợp với ý chí của mình.

Thầu khoán Le Roy lấy tấm lòng thành thật khuyên Thái Phiên nên theo làm với ông ta sẽ hưởng số lương khá hơn. Cảm tấm lòng chí thành ấy, Thái Phiên định theo Le Roy nhưng cái nhục của mấy tát tai của thân phụ không thể cho phép Thái Phiên tiếp tục hợp tác với một người Pháp. Thái Phiên bèn xin thôi việc trở về nhà. Nửa tháng sau, ông lại vào làm thông phán dây thép Đà Nẵng. Công việc rất bề bộn, cực nhọc nên ba năm sau, Thái Phiên lại từ giã sở trên và lần này ông quyết định qua làm với Le Roy (lúc này Le Roy đã làm chủ hãng chè ở Đà Nẵng) theo lời mời ân cần của ông nọ.

Chính trong thời gian này, chí khí Thái Phiên mới bắt đầu có dịp thi thố.

*

Thái Phiên giao du mật thiết với thày thông Phan Hiên cùng sở và rủ nhau vào yết kiến nhà cách mạng Trần Cao Vân đang nằm ở Quảng Nam.

Lạ gì cái lẽ đồng thanh đồng khí, sau những cuộc đàm luận quốc sự, các vị đã tán đồng với nhau trên nhiều quan điểm.

Nhà cách mạng Trần Cao Vân (1866 – 1916)

Thế rồi một cuộc mật nghị truyền cho các đồng chí khắp ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Trong số phải kể đến các chí sĩ danh tiếng đã từng vào khám ra tù hoặc đày Côn Lôn là: Ông tú Phạm Cao Chẩm, cử nhân Nguyễn Sụy (tức Hổ Khê), cử nhân Lê Bá Trinh, Tú tài Lê Ngung. Thêm vào đấy có cả nhân viên tòng sự tại các công sở Pháp như Trần Quang Trứ (thư ký tòa sứ, thường gọi Phán Trứ), Phan Thành Tài (y sĩ)…

Kết quả cuộc mật nghị trên là một sự âm mưu lật đổ ách thống trị được vạch ra dưới những cơ cấu tổ chức:

1. Về mặt quân binh, cũng là vấn đề trọng yếu, các vị đã nhằm vào ba ngàn lính đánh mộ đi đánh giặc bên Pháp đang được huấn luyện tại Huế cùng số lính tập (lính khố xanh) đóng tại các đồn trú. Với hai con số này, các vị sẽ cho cán bộ len lỏi chiêu dụ họ dùng súng đạn của người Pháp để đánh lại người Pháp. Đồng thời các làng tỉnh còn có những đội dân quân võ trang mã tấu, dao phạng. Một đôi chỗ cũng có súng đạn và trái phá (ít lắm) do các vị ngầm lén mua về. Ngoài ra, những người làm bồi cho những tên Pháp “đầu sỏ” cũng được các vị huy động triệt để.

2. Nhưng bấy nhiêu công việc chẳng phải tay không hay lời tâm huyết mà làm nên. Tất nhiên phải nhờ đến tài chánh. Các vị đã thừa thấy trước điều hệ trọng ấy, cho nên một mặt quyên tiền các nhà giàu hảo tâm. Một mặt lập những hội mục đích kiếm lợi, nhất là để “dĩ thương hợp quần”. Những thương hội này đều do các ông cử, ông tú đứng ra trông nom: Phong Bắc có ông Tú Lê Văn Bính (tức Tú Tư) và Ông Văn Được; Quang Châu, Miếu Bông có Tú Đổ Tư, Cửu Thiệu; Hà Mật có Cử Diện, Huỳnh Khâm; Phú Thượng có chánh Lịch (người Gia tô giáo). (Xem như thế có thể nói Quảng Nam là căn cứ địa cho cuộc khởi nghĩa).

3. Trong nước chưa đủ, các vị còn nghĩ đến sự giúp sức ở nước ngoài bằng cách cho người qua Hương Cảng tìm gặp cụ Phan Bội Châu. Người đảm nhiệm trọng trách này là Trịnh Mai, một người có họ với Thái Phiên. (Ông Trịnh Mai qua đến Hương Cảng có gặp cụ Phan Bội Châu nhưng hội đàm không được vì người trung gian([5]) vừa bị mật thám bắt. Ông Mai ở bên ấy nửa tháng rồi trở về. Ông cũng còn là người hướng dẫn thanh niên xuất ngoại và sự liên lạc Bắc – Nam qua hai chiếc tàu Manche và Lachard lúc bấy giờ).

4. Nghĩa hội của các vị cũng không thoát ra ngoài cái thông lệ là tôn một người làm Minh chủ. Người ấy, các vị đã hướng vọng tất cả về Hoàng Đế Nam triều Duy Tân Vĩnh San, con vua Thành Thái vừa bị người Pháp phế truất.

Nhà cách mạng lão luyện Trần Cao Vân đứng ra nhận lãnh cái trọng trách tối khó khăn là mang tờ biểu của dân các tỉnh dâng lên nhà ua, tấu về việc lật đổ chính quyền bảo hộ. Họ Trần đã làm xong bổn phận qua dạng lốt một người câu cá, ròng rã từ buổi giăng câu ở ngoại thành cho đến ngày giáp mặt Rồng bên bờ hồ Tĩnh Tâm.

(Về sự kiện này, chúng tôi xin mạn phép mở dấu ngoặc chép lời các cụ thuật như sau: “Vào một ngày chúa nhật, anh Thông([6]) từ Đà Nẵng về Nghi An nghỉ ngơi. Qua cơn mệt, anh Thông bèn cho bày tiệc rượu ngon mời ông thủ sắc (người giữ sắc phong) trong làng đến đối ẩm. Anh Thông cố ý phục rượu cho ông thủ sắc thật say rồi dẫn ông qua nhà biểu mở cửa. Anh vào khui hòm, lấy tờ sắc phong thần của vua Thành Thái đem qua nhà Hội, căng thẳng, hơ lửa phía bên dưới. Hai ba người nữa phụ với anh, chờ cho son khuôn ấn trong tờ sắc hơi khói ươn ướt, các anh mới úp một khung giấy có viết chữ sẵn lên trên, đoạn vuốt đi vuốt lại nhiều lần. Chừng lấy ra thì cả khuôn ấn trong tờ sắc in rành rành qua khung giấy. Khung giấy ấy chính là tờ chiếu của vua Thành Thái cam kết với chúng dân mưu việc chống Pháp. Nhưng chưa kịp thì vua bị đi đày. Trần Cao Vân đã mang tờ chiếu giả mạo ấy ra Kinh để dễ bề thuyết phục vua Duy Tân, một ông vua còn trẻ tuổi).

Với sự kiện trên, chúng tôi có chỗ hồ nghi, nhưng cũng xin viết ra đây để Quí vị cùng xem xét.

*

Vua Duy Tân ban ấn chỉ cho Trần Cao Vân để làm “của tin” kết nạp nhân sĩ, Thái Phiên cùng người đồng chí là Lê Cảnh Thái lén ra Nghệ An tìm đến yết kiến nhà cách mạng Nguyễn Thái Bạt (tức Nguyễn Phong Di đã từng xuất dương du học tại các trường Võ bị Chấn Võ ở Nhật và Quảng Tây Lục quân Cán bộ Học đường ở Tàu) thỉnh cầu ông này đứng ra chỉ huy việc đánh Kinh Thành. Sự ấy không thành nên Thái Phiên được đề cử thay thế Nguyễn Thái Bạt.

Vua Duy Tân năm khoảng 16 tuổi (1916)

Đầu năm Bính Thìn trở đi, sự liên lạc giữa Thái Phiên và các đồng chí trở nên gấp rút. Những bức thư cuốn tròn đề tên Cô Đà([7]) bí mật bay về Thái Phiên để rồi từ tay họ Thái chuyển đi khắp miền Nam tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Tất cả đang nóng lòng đợi kỳ hành sự.

Những người lính tập thản nhiên đi lại trong đồn trại như mọi ngày; nhưng có biết đâu đôi mắt rình rập theo dõi hành tung và địa thế của những viên sĩ quan Pháp đang ở. Những anh bồi vẫn vui vẻ, ngoan ngoãn với “ông lớn” nhưng trong đầu óc các anh đang toan tính những đường dao kinh hồn sắp phải ra tay trong một ngày…

Ngày ấy đã đến với họ và cả dân hai miền Nam Ngãi.

Sáng ngày mồng 1 tháng 4 năm Bính Thìn, tức ngày 2/5/1916, Thái Phiên cùng vài đồng chí bí mật đáp xe ra Huế.

Nghĩa quân các nơi hồi hộp chờ đợi phát lệnh vào tối hôm ấy.

Đúng 10 giờ đêm, bốn tên thị vệ tin cẩn phò vua Duy Tân xuất bôn để chỉ huy cuộc khởi nghĩa.

Nhưng trái với điều mong đợi của nghĩa binh, cuộc khởi nghĩa đã đi qua trong sự im lặng suốt đêm hôm ấy để rồi bừng sáng ra mới hay rằng đại sự đã bại lộ và người Pháp đang mở lùng bắt gắt gao.

Nguyên 9 giờ đêm hôm ấy, Thái Phiên và Lê Cảnh Vân (người nổ phát lệnh) đang ngồi chờ ở một ngôi nhà trong thành, bỗng nhiên được tin lính Pháp kéo đến đồng thời tiếng kêu khóc nổi dậy lên. Thái Phiên biết việc không xong nên bảo Lê Cảnh Vân thoát ra ngã sau đi tìm thuyền ngự báo tin. Lê Cảnh Vân qua Bến ngự báo hung tin. Nhà vua nghe xong thở dài: “Thôi! Việc như rứa thì hay rứa! Chừ thầy đi tìm mời thầy Phó([8]) đến đây”. Vâng lệnh, rời thuyền ngự được một quãng xa, Cảnh Vân bị bắt với khẩu súng vừa giấu trong bụi tre.

Các yếu nhân khác lần lượt lọt vào tay người Pháp. Hai ngày sau, Thái Phiên cũng bị nhân viên Ty Liêm phóng gặp mặt ở Truồi.

Ngày 6 tháng 5, bốn ngày sau đêm khởi nghĩa, dân kinh thành được tin hai ông Le Fol, Chánh Văn phòng Tòa Khâm và Leon Sogny, Chánh mật thám, lên “mời” Hoàng đế Duy Tân, đang ngự tại ngôi chùa gần Nam Giao, hồi cung. (Trần Cao Vân cũng bị bắt tại đây).

Cửa Hiển Nhơn ở Hoàng thành Huế – nơi vua Duy Tân xuất cung để chỉ đạo cuộc khởi nghĩa năm 1916 nhưng bất thành
Chiếu lệnh của Vua Duy Tân cấp cho thị vệ Tôn Thất Đề và Lê Đình Thưởng để phục vụ khởi nghĩa. Ảnh: Tư liệu Nguyễn Trương Đàn (Nguồn: tuoitre.vn)

Cái điều đau lòng nhất cho nhà vua và nghĩa hội là người hướng dẫn sự lùng bắt ấy lại chính là thư ký tòa sứ Trần Quang Trứ, một trong những vai trò tối quan trọng của cuộc âm mưu. Người ta cũng còn được biết Phán Trứ đã phản bội, manh tâm tiết lộ mọi việc trước giờ khởi sự.

Thế là “linh hồn cuộc khởi nghĩa” đã vào tay người Pháp cầm giữ. Ngọn lửa cách mạng cũng theo gót chân nhà Vua mà lịm dần, lịm dần trước sự đàn áp hung hãn của mật thám.

Cuộc khởi nghĩa đã đưa đến một kết quả bi thảm nhất là vua Duy Tân bị đày qua đảo Réunion và một số chiến sĩ (Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Siêu) ra pháp trường An Hòa (Huế) đền nợ nước. Tại Quảng Nam, một bãi chém cũng được lập ra để hành quyết một người Huê kiều và một người Mọi về tội chuyển vận đạn dược, trái phá cho nghĩa binh. Ấy là hai ông Thẩm Tường Vân và Út Pem.

Cái tin Thái Phiên vì nước bỏ mình bay ra đến nước ngoài, tới tai nhà cách mạng Phan Bội Châu và cụ Phan đã đau đớn khóc một bài thơ thống thiết như sau:

   Bảy thước thân trai gánh nợ đời,

  Tinh thần khu xác một mà hai.

  Trong vòng lồng chậu không chim cá

  Trước mặt non sông có đất trời.

  Cây cỏ biếc đem gây màu nhuốm,

  Ruột gan rồng cậy tấm gương soi.

  Chúng ta vẫn cùng dòng Hồng Lạc

  Xin hỏi Nam Xương có mấy ai?■

Thiện Sinh

Chú thích:

([1]),(2) Những câu này trong một bài thơ của một nhà cách mạng ở Côn Lôn cảm kích làm ra sau vụ khởi nghĩa thất bại.

([3]) Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Siêu.

[4] Có nguồn nói là Lê Thị Lý, BTV

([5]) Phải có người trung gian cụ Phan mới chịu tiếp.

([6]) Người trong họ thường gọi Thái Phiên là anh Thông.

([7]) Trá danh của Thái Phiên.

([8]) Vua Duy Tân gọi Trần Cao Vân là thầy Chánh và Thái Phiên là thầy Phó.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN