Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về lịch sử đảo Côn Sơn, từ khi những người phương Tây đầu tiên đặt chân đến nơi này cho tới khi những chí sĩ Việt Nam yêu nước bị thực dân Pháp đày ra đảo. Bài viết được đăng trên “Văn hóa Tập san” số tháng 1/1974.
Côn Sơn là một hải đảo mà hầu hết người Việt Nam đều nghe danh, nhưng rất ít người hiểu rõ hoặc hiểu một cách lệch lạc, sai lầm. Quần đảo này ở ngoài khơi Nam Hải, cách Vũng Tàu 97 dặm[2] về hướng Tây Nam và cách cửa sông Bassac (Cửu Long) 45 dặm. Quần đảo Côn Sơn gồm có 14 đảo lớn nhỏ…
Khí hậu nhiệt đới; mưa nhiều (trên hai thước nước mỗi năm). Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 và chấm dứt vào cuối tháng 11 dương lịch. Tháng mưa nhiều nhất là tháng tám. Cây cối rất sầm uất, nhất là chuối và dừa được trồng nhiều tại bờ vịnh tây nam. Ngoài ra, còn các loại hoa màu khác như bông, bắp, dứa, khoai, sắn, dâu, thầu dầu, cà phê, các thứ cây ăn trái…
Người Tây phương đầu tiên đặt chân lên Côn Sơn chính là Marco Polo và đã đặt tên cho quần đảo này là Sondur. Vào năm 1285, người Trung Hoa gọi là Kouen-Louen, người mình đọc trại là Côn Nôn hay Côn Lôn. Người Pháp thì kêu là Poulo-Condore (hay Pulo-Condor) do tiếng Mã Lai Pulao-Kondur. Đầu thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha có đến ở đây một thời gian, chứng cớ là khi người Pháp đến chiếm đóng đã thấy có những tiền đúc mang hình Hoàng đế Charles Quint đề năm 1521.
Năm 1780, quần đảo này thuộc về triều đình Việt Nam, có một thị trấn duy nhứt gồm chừng ba chục nóc nhà.
Người Anh cũng ngấp nghé đảo này từ lâu, nhưng ý đồ xâm chiếm của họ chưa kịp thực hiện thì năm 1773 xảy ra cuộc nổi dậy của Tây Sơn khiến chúa Nguyễn Ánh phải bỏ chạy ra khơi, lánh mình hết đảo này qua đảo khác và sau hết đến ẩn náu tại Côn Sơn cùng với Giáo sĩ Pigneau de Béhaine tức Giám mục d’Adran (thử thời gọi là Đức cha Bá Đa Lộc).
Nhờ Giám mục d’Adran làm trung gian, chúa Nguyễn Ánh ký với Vua nước Pháp Louis XVI Hiệp ước Versailles ngày 23/11/1787 nhượng cho Pháp quần đảo Côn Sơn nhờ Pháp viện trợ đánh Tây Sơn.
Tháng 9/1788, pháo thuyền La Dryade của Pháp chở đến Côn Sơn 1.000 khẩu súng, rồi mấy tháng sau pháo thuyền La Garonne chở đến mấy khẩu đại bác. Mặc dù có hiệp ước ký nhượng đất, triều đình Pháp hồi đó cũng chưa đưa quân đến đóng…
Về việc chúa Nguyễn cầu viện Pháp, có một truyền thoại như sau:
Lúc ở Côn Sơn, Chúa Nguyễn Ánh có một phi tần là Lê Thị Răm được một con trai lớn tên là Cải, Chúa sai Cải theo Giám mục d’Adran sang Pháp cầu viện. Không hiểu sao Cải nhất định không chịu đi. Còn phi tần, mẹ Cải, bị bỏ lại ở Côn Sơn và bị một tên biện làm nhục. Bà uất ức, buồn phiền, héo hon mà chết và hóa đá. Do đó, có câu ca dao (mà đồng bào miền Nam thường hát) như sau:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
Hiện ở cửa vịnh tây nam còn phiến đá phảng phất giống hình người đứng mà dân chúng địa phương gọi là Hòn Vọng phu. Sự thật không quá bi thiết như vậy, vì gần đây người ta tìm được mộ bà phi này nằm kín dưới lớp cỏ cây dày rậm tại đảo Hòn Cau.
Ngày 28/11/1861, người Pháp mới thực sự chiếm đóng Côn Sơn. Cuộc chiếm đóng do tiểu hạm Norzagaray thực hiện, theo lệnh của Đô đốc Bonard, viên Thống đốc đầu tiên tại Nam Kỳ.
Lập tức nước Anh lên tiếng phản đối, vịn cớ là người Pháp không có quyền gì đối với quần đảo này vì hiệp ước Versailles năm 1787 đã mất hiệu lực và trở thành vô giá trị bởi lẽ nước Pháp đã hoàn toàn thay đổi chính thể sau cuộc cách mạng năm 1789.
Trước lời phản đối hợp lý đó, nước Pháp còn đang lúng túng thì may mắn cho họ, liền ngay năm sau Vua Tự Đức ký hòa ước tại Sài Gòn ngày 3/6/1862 nhượng cho Pháp quần đảo Côn Sơn cùng với ba tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Cùng năm ấy, Đô đốc Bonard cho thiết lập nhà lao tại Côn Sơn để giam giữ những phạm nhân bị kết án tù từ trên một năm đến 10 năm. Như vậy là ngục thất Côn Sơn cho đến nay đã được 111 tuổi.
Trong suốt thời gian nước ta đặt dưới quyền cai trị của các viên Đô đốc thì chức quản đốc Côn Sơn đều do các sĩ quan hải quân nắm giữ. Viên quản đốc đầu tiên là Trung úy hải quân Félix Roussel. Con dấu của viên quản đốc hồi đó là một con dấu hình vuông, trong lòng có bốn chữ Hán: “Côn Luân quan ấn”. Bốn cạnh chung quanh có những chữ Pháp: Commandant Poulo Condore, Cochinchine Francaise.
Khi còn thuộc quyền triều đình Việt Nam, quần đảo Côn Sơn trực thuộc tỉnh Hà Tiên. Nghị định ngày 16/5/1882 đặt thành một quận biệt lập dưới quyền điều khiển của một viên quan cai trị hoặc một sĩ quan biệt phái người Pháp…
Năm 1942, một đội quân Nhật Bản đổ bộ lên quần đảo. Mới đầu họ có thái độ rất lặng lẽ, từ tốn, nhưng dần dần họ xía vô việc cai trị khiến viên quản đốc là Thiếu tá Tisseyre phải phản đối. Lời phản đối được tiếp nhận một cách rất lễ độ, nhưng rốt cuộc chẳng đi đến đâu.
Sáng ngày 9/3/1945, hai tiểu hạm Nhật cập bến và chuyển lên đảo nhiều thùng gỗ. Không ai để ý, vì đó là sự thường thấy, nhất là họ lại tuyên bố là chở vật liệu đến để dựng một đài Radar. Không dè ngay tối hôm đó, quân Nhật tấn công và chiếm trọn đảo một cách rất dễ dàng, không một tiếng súng nổ. Viên Quản đốc và viên Đại úy giám binh được đưa về Sài Gòn 4 ngày sau, kế đó là những binh sĩ sau khi đã bị tước khí giới.
Quân Nhật nắm trọn chủ quyền, nhưng ngục thất vẫn giao cho viên sếp ngục Hilaire phụ trách. Một số phạm nhân có tư tưởng thân Nhật được phóng thích và được người Nhật dùng làm tình báo viên… Tháng 8/1945, viên chỉ huy quân đội Nhật ở đây nhận được lệnh của Toàn quyền Nhật Minoda truyền trao quyền lại cho viên tham tá người Việt là Lê Văn Trà. Tất cả các viên chức người Pháp đều bị cắt chức và giam lỏng trong nhà của họ.
Ngày 24 và 25 tháng 8/1945 quân Nhật rời bỏ Côn Sơn, đồng thời một chi đội lính khố xanh được đưa đến để thay thế giữ trật tự…
Nhưng đến tháng 9 thì một phái bộ Việt Minh tới, đem theo chừng 30 hải thuyền để chở những tù nhân chính trị về đất liền. Viên đại diện Việt Minh, trước khi trở về, có cho tổ chức bầu Ủy ban Hành chính địa phương mà chủ tịch là bác sĩ Quang, Phó Chủ tịch là Lê Văn Trà.
Đến tháng Giêng năm 1946, viên đại diện Việt Minh trở lại và tổ chức bầu Ủy ban Nhân dân. Lần này thì chức vụ Chủ tịch về tay một phạm nhân là Trương Văn Thoại. Người này dần dần nắm trọn quyền hành trong tay và xưng là Sơn Vương. Cứ mỗi sáng chủ nhật, mọi người phải tụ tập tại cầu tàu để chào cờ, trong khi các nhi đồng đồng thanh đọc bài thơ của Sơn Vương như một bài quốc ca. Bài thơ làm “chống thực dân Pháp”, giọng đầy căm hờn và máu lửa. Dưới quyền điều khiển của Sơn Vương, dân chúng hết đi biểu tình, nghe Sơn Vương hùng hồn diễn thuyết, lại xem trình diễn văn nghệ, rồi liên hoan… Nhân dịp đám cưới của Sơn Vương với con gái một viên giám thị đề lao, hội hè tiệc tùng lại càng được tổ chức linh đình hơn bao giờ hết. Một phạm nhân lên tiếng phê bình, chỉ trích, lập tức bị Sơn Vương đem ra hành quyết.
Chẳng bao lâu thực phẩm bắt đầu khan hiếm, vì ai cũng bận biểu tình liên hoan, chẳng ai nghĩ đến làm việc. Sự bất bình đã manh nha trong dân chúng… Giữa lúc ấy lại có tin quân đội Pháp đã đổ bộ lên Sài Gòn, do các thuyền buôn Trung Hoa cho biết. Sơn Vương bèn tính chuyện điều đình, nhưng không kịp… Ngày 18/4/1946, hai liên đội Pháp đổ bộ tái chiếm Côn Sơn, dưới sự yểm trợ của tàu chiến đậu ngoài khơi sẵn sàng nhả đạn. Nhưng họ không phải bắn một phát súng nào cả, vì Sơn Vương cùng toàn thể Ủy ban đã chực sẵn ở cầu tàu với trà rượu và lá cờ tam tài của Pháp phấp phới nêu cao để tiếp đón, trong khi dân chúng đứng nghiêm chỉnh đợi nghe vị lãnh tụ đọc diễn văn… như thường lệ: Nhưng lãnh tụ chưa kịp phát ngôn thì đã gặp ngay phản ứng đầu tiên của quân Pháp là hốt tất cả phạm nhân đưa vào ngục và Sơn Vương thì bị kết án khổ sai chung thân về tội tự do sát hại kẻ chống đối mình bất kể luật pháp.
Tháng 8/1945 tại ngục thất Côn Sơn có tới 5.000 phạm nhân, lúc ấy chỉ còn 400 thường phạm.
*
Côn Sơn có nhiều trăn và rắn, nhưng đặc biệt là rắn ở đây không có nọc độc. Ngoài khơi, chung quanh Côn Đảo, có nhiều cá mập. Nhiều con rất lớn, nặng tới nửa tấn. Có lẽ vì thế một phần mà người Pháp thiết lập ngục thất ở đây, vì hiếm có phạm nhân nào vượt ngục mà thoát, trừ trường hợp may mắn đặc biệt. Đất liền thì xa, gió biển luôn luôn đổi chiều, lại thêm cái nguy cá mập, kẻ nào không cập được mũi Cà Mau thì coi như là… hết!
Không kể những thường phạm, nhiều nhà cách mạng ái quốc Việt Nam đã bỏ mình ở đây như: Tiểu La Nguyễn Thành, Nguyễn An Ninh… Một số người khác được trở về như Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng…
Về vụ hai cụ Phan và Huỳnh bị đày ra Côn Đảo nguyên ủy như sau: Năm Giáp Thìn (1904), cụ Phan Chu Trinh cùng hai cụ Nghè Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đi thăm mấy tỉnh miền Trung để xem xét dân tình, sĩ khí. Đến Bình Định, gặp lúc các quan tỉnh đang khảo hạch học trò. Đầu bài đề phú là “Lương ngọc danh sơn” và bài thơ là “Chí thành thông thánh”. Ba cụ bèn ngụy danh là Đào Mộng Giác nộp quyển thi. Hai cụ Nghè làm bài phú, cụ Phan làm bài thơ, không nói vào đầu đề mà cốt thức tỉnh đám quan trường, sĩ tử đang mê muội trong cái học từ chương huấn hỗ. Học quan thấy bài thơ có giọng cách mạng, vội trình lên chính quyền Pháp, nhưng vì không có bằng cớ nên việc đành bỏ qua. Hai bài này, hồi đó, rất được truyền tụng và đã gây ảnh hưởng khá lớn trong giới sĩ phu.
Cũng vì việc này mà sau bọn quan lại biết được, để tâm thù ghét và theo dõi vu hãm các tác giả vào vụ kháng thuế ở Quảng Nam năm 1908, khiến cụ Trần Quý Cáp phải tội chém ngang lưng, còn cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Phan Chu Trinh thì bị đày ra Côn Đảo… Khi bị còng tay, giải xuống tầu đưa đi đày, cụ Phan khẩu chiếm[3] mấy vần thơ khảng khái sau đây:
Luy luy thiết tỏa xuất đô môn,
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn.
Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy,
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn!
Nghĩa là:
Mang xiềng nhẹ bước khỏi đô môn,
Hăng hái hò reo lưỡi vẫn còn.
Đất nước hãm chìm, dân tộc héo,
Làm trai chi sá thứ Côn Lôn![4]
Khi ở Côn Đảo, Phan Chu Trinh phải đi đập đá làm đường. Cụ tức cảnh làm bài thơ sau đây để tỏ ý chí mình, một người đã quyết hi sinh mưu đồ đại sự thì không bao giờ sờn lòng nản chí trước mọi gian nguy:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan nào sá sự con con!
(Đập đá ở Côn Đảo)
Vì coi tù đày chỉ là “sự con con” không đáng kể đối với những “kẻ vá trời” nên, dưới mắt tác giả, Côn Đảo không phải là một nơi đáng sợ mà là một cái gì hùng vĩ đáng yêu. Do đó, cụ còn có bài thơ tả cảnh Côn Lôn với một cảm tình đặc biệt:
Biển dâu dời đổi mấy thu đông,
Cụm núi Côn Lôn đứng vững trồng.
Bốn mặt giày vò oai sóng gió,
Một mình che chở tội non sông.
Cỏ hoa đất nẩy câu trăm thức,
Rồng cá trời riêng biển một vùng.
Nước biếc non xanh thương chẳng nhẽ?
Gian nan xin hộ khách anh hùng.
Đa số các nhà cách mạng Việt Nam chống Pháp đều ít nhiều nếm mùi Côn Đảo, nên hai chữ “Côn Đảo” đã trở nên một danh từ gắn liền với “cách mạng”. Riêng Phan Bội Châu tiên sinh thì chưa có dịp trải qua. Một hôm “đi tàu thủy qua dưới hòn Côn Lôn”, cụ cảm khái làm một bài tứ tuyệt ngũ ngôn, ý tứ thật là hào sảng:
Thử vật kinh ngô nhãn?
Thê nhiên dục đoạn hồn.
Bình sinh du lịch biến,
Vị đắc đáo Côn Lôn.
Nghĩa là:
Vật gì quá ghê gớm?
Coi qua đã hết hồn.
Bình sinh đi đã khắp,
Chưa được đến Côn Lôn.
Năm 1889 sau khi có bệnh dịch phù thũng (béribéri) ở Côn Sơn, một số nhân vật trong chính quyền Pháp đề nghị bãi bỏ ngục thất ở đây. Nhưng đề nghị này không được chấp thuận, vì bản phúc trình sau cùng của thuyết trình viên Monceaux kết luận không tán thành. Monceaux viết: “Tôi chia sẻ sự lo ngại của quí quan cai trị. Tuy nhiên trong các xã hội có tổ chức, người ta luôn luôn chú trọng đến việc loại các trọng phạm ra khỏi những phạm vi sinh hoạt của nhân dân”.
Năm 1936, vấn đề này lại được các ông Moutet và Max Rucart nêu ra một lần nữa, nhưng vẫn không có kết quả.
Theo nhận xét của nhiều người Pháp, Côn Sơn có những nơi dạo mát rất đẹp, không thua gì Côte d’Azur. Những bãi dừa ở ven vịnh tây nam gợi ra hình ảnh những hải đảo trong Thái Bình Dương. Đường sá tốt, lại thêm đường xe lửa chạy song song tại những địa điểm quan trọng giúp cho sự giao thông được dễ dàng. Chiếc đầu xe lửa nhỏ bé đầu tiên từ Đức quốc gửi sang năm 1947 với tính cách bồi thường chiến tranh đã là niềm vui lớn lao cho những thủy thủ ghé tại đây.
Côn Sơn với phong cảnh hữu tình, với những bãi biển tuyệt đẹp, với tài nguyên du lịch dồi dào đa dạng xứng đáng là một nơi nghỉ mát lý tưởng hơn là một chốn giam giữ phạm nhân. Bởi vậy, đã có lúc người ta nghĩ đến việc biến cải nơi đây thành một chốn ăn chơi, một trường du hí có thể cạnh tranh được với Macao để thu hút những khách giàu sang nhàn rỗi ở khắp miền Viễn Đông này.■
Tháng Mười 1973
BÀNG BÁ LÂN
Chú thích:
[1] Tiêu đề do BBT đặt
[2] tương đương hơn 150 km, BTV
[3] Khẩu chiếm: ứng khẩu thành thơ thành văn, BTV
[4] Bài dịch này, có thuyết cho là của Phan Khôi, có thuyết cho là của Huỳnh Thúc Kháng. Chưa rõ thuyết nào đúng.