Trương Định: vị anh hùng kháng Pháp kiên trung

Trương Định (1820-1864) là một vị anh hùng kháng chiến miền Nam dưới triều Tự Đức, đã khởi nghĩa chống thực dân Pháp và chiến đấu anh dũng đến phút cuối cùng. Nhiều tư liệu bằng tiếng Pháp có phần ghi chép của chính những sĩ quan Pháp đã đụng độ với Trương Định mô tả khá chi tiết về cuộc đời ông, thậm chí còn thể hiện sự khâm phục của họ đối với vị võ tướng ái quốc của nước Nam. Tạp chí Phương Đông xin trích giới thiệu tới bạn đọc bài viết về Trương Định, trong đó trích dẫn nhiều nguồn sử liệu do người Pháp viết, đăng trên Tập san Sử Địa số 3 (năm 1966). Tiêu đề bài viết do BBT đặt.

Thân thế Trương Định

“Thân phụ của Trương Định danh là Trương Cầm người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cầm làm chức Vệ Úy hữu thủy vệ ở tỉnh Gia Định. Khi Cầm nhiệm chức nầy, Định theo thân phụ. Đến khi Cầm từ lộc, Định ngụ ngay chỗ cha làm việc; Định là người tinh thông võ nghệ, có thao lược lại thêm sức mạnh”[1].

Định làm viên tử (con quan) có một con dấu chứng nhận tước [?][2]. Chắc là năm Giáp Dần 1854, sau khi nghe lời Nguyễn Tri Phương gọi lập đồn điền, Trương Định làm quản cơ kiêm luôn Chánh tổng[3] song chưa rõ tổng tên gì trong 4 tổng của huyện Tân Hòa.

Trương Định tổ chức tấn công Pháp quân, thanh toán các tay sai của Pháp

“Định có một người bạn cũ tên bá hộ Huy nhận chịu làm chức Cai tổng[4] với Pháp, lúc nầy Huy có trú sở nơi Đồng Sơn gần tàu chiến của chúng ta, Huy trù định nộp Định cho chúng ta. Huy bị một tên ở mướn tâm phúc phản bội, hành động nầy ít thấy ở người An Nam, Huy trao cho người ấy một bức thơ bảo đem đến một Sĩ quan Pháp trong ấy chỉ chỗ ở của Quản Định. Người ở bất trung thành này đem thơ cho Định. Tức thời, Định đi Đồng Sơn và bắt Huy liền; Định thấy mình bị siết chặt vì Pháp quân, Định chạy ngang qua một đồng ruộng, bỏ lại thi thể không đầu của Huy”[5].

Một gương khác cũng về vấn đề bất hợp tác với Pháp:

“Quản Định tư thơ hăm dọa viên xã trưởng ở làng Gò Công vì viên nầy còn tiếp tục làm nhiệm vụ mình khi người Pháp đến cai trị. Viên xã khiếp sợ hiến cho Định tất cả tài sản coi Định có xiêu lòng. Sau cùng, viên xã phải đi qui phục Định, nhưng Định cũng hạ sát viên xã ấy”[6].

Ảnh Trương Định tại đền thờ ông ở Quảng Ngãi. Ảnh: báo Thanh Niên

Quân sự đã thất thế, thì chánh trị yếu kém luôn. Dẫu có dùng nghiêm hình đến đâu, cũng làm cho con người khủng khiếp mà không làm cho lòng người gắn chặt về hướng mình. Xưa nay người ta thường thấy vậy và dân chúng nào cũng có bản tánh cầu an. Lợi dụng nhược điểm của Chính phủ Huế mà Định làm đại diện ở Gò Công, Pháp ra dáng hiền lành, vỗ về dân chúng, tất cả quyến rũ lần lần dân chúng về bên Pháp.

Ngày 29/9/1861, Pháp quân truy tầm rất gắt những người đã giết viên xã trưởng, nhưng công dã tràng[7].

Sau Hòa ước 1862 Trương Định tiếp tục kháng Pháp

Cụ Phan Thanh Giản khuyên hải quân Thiếu tướng Bonard đừng nóng tánh vội để tránh cuộc đổ máu vô ích, cụ sẽ can thiệp với nghĩa quân để họ trở về với lẽ phải, hạ khí giới và giao cho các phủ huyện của Chính phủ Pháp.

Quản Định tư thơ cho hải quân Thiếu tướng Bonard nói rằng “các thuộc hạ của ông có sự nhờm gớm lột võ khí trao tay cho công chức ngoại quốc”[8].

Thừa dịp cuộc ngưng chiến, ngày 07/9/1862, Bonard đi thăm dò sông Mékong viếng Vĩnh Long và Vương Quốc Cam Bốt. “Tới Vĩnh Long, Bonard được cụ Giản tiếp rước rất chu tất, và hứa chắc với Thiếu Tướng là cuộc kháng chiến của Quản Định sẽ chấm dứt rất gần đây trước sự khuyến cáo và hăm dọa của cụ”[9].

Ngày 09/9/1862, cụ Giản có gởi cho Định một mạng lệnh rõ ràng buộc Định phải quy hàng, song rồi đâu cũng y chỗ ấy. Làm chủ tình hình ở Gò Công, Định tự do đắp lũy đào hào.


Chánh sứ Phan Thanh Giản tại Paris năm 1863. Ảnh: Jacques-Philippe Potteau

“Muốn cho Định xa Gò Công, Vua Tự Đức phong cho Định làm chức lãnh binh trấn thủ An Giang (Châu Đốc), nhưng thay vì đi phó lị, Định không chịu đi, và có viết một bức thơ cho một trong nhiều công chức An Nam quan trọng[10] tùng sự dưới Chánh phủ Pháp. Nội dung của bức thơ như vầy:

Quân binh của tôi cầm tôi lại không cho tôi đi lên An Giang nhận chức. Tháng trước đây, tôi được lịnh của quan Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long bảo tôi phải nạp khí giới trong tay các phủ huyện Pháp, nhưng quân của tôi không muốn nạp; chúng nói rằng không phải các quan Pháp cấp cho chúng khi trước. Chúng tôi sẽ lìa khỏi Gò Công. Tôi đợi lịnh của các quan ở Vĩnh Long đến thâu hồi khí giới. Địa vị của tôi rất rắc rối.

Tháng tám, ngày mười hai”[11].

Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, nghĩa là bốn ngày sau, lãnh binh Định lại gởi một bức thơ thứ nhì cũng cho viên quan ấy lời lẽ như dưới đây:

“Quân của tôi không khứng[12] cho tôi đi. Tôi rất lưỡng nan. Quan hãy đợi tôi, tôi sẽ gom góp quân binh của tôi và bấy giờ tôi sẽ quyết định[13]. Tôi không có tham vọng muốn làm lãnh binh. Tôi e dè cho sự giận dũi của quan phó Đại Kiểm Duyệt (Phan Tan Giang), và tôi không hiểu hải quân Thiếu Tướng có khoan hồng đối với tôi sau khi tôi về hàng. Đàng khác, nếu tôi không làm theo quân đội tôi, chúng sẽ giết tôi. Người An Nam không có ý tưởng chống binh Pháp bằng võ khí. Quan hãy đem các dòng nầy để dưới mắt của Đề Đốc và yêu cầu ngài hãy đợi tôi nữa. Không chừng tôi sẽ khuất phục quân lính của tôi”[14].

Quí bạn thường thấy các cường quốc không nhứt quyết cho các thuộc quốc độc lập. Muốn vậy các quốc gia ấy hay sử dụng lối thủ đoạn ngoại giao diên kỳ (manoeuvres dilatoires/chiến thuật trì hoãn), thì ở đây Định dùng thủ đoạn đó đối với Pháp.

Lãnh binh Định nuôi ý chí sắt đá là chống Pháp cho đến kỳ cùng, chớ không chịu làm “Hàng thần lơ láo” thì làm gì phải nạp khí giới và về hàng?

Thời cuộc cưỡng bách không cho phép làm khác hơn nữa, triều đình Huế mới hạ lệnh thuyên chuyển lên An Hà nhậm chức lãnh binh để rời xa huyện Tân Hòa. Có lẽ là sau đó một thời gian rất ngắn, triều đình Huế thấy Định không nhúc nhích đi đâu cả nên có hạ lệnh khác thuyên chuyển Định ra Phú Yên. Đình thần trao lệnh cho cụ Phan đích thân kiếm Định để hiểu thị[15].

Trương Định không tuân lệnh thuyên chuyển của triều đình Huế

Bài đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Huế chỉ rõ điều mà Định không chịu xê dịch:

XXXV. Cuộc nhóm họp của Đại Triều

“Sau khi ký tên vào Hòa ước, Hoàng Đế Bệ Hạ hạ chiếu chỉ định cho các viên quan ở Lục Tỉnh Nam Kỳ đình chỉ các chiến trận chống Pháp và gọi Trương Định về tỉnh Phú Yên. Nhưng nhân dân ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa phản đối kịch liệt về sự nhường đứt ba tỉnh nầy cho Phú Lang Sa và công đồng hội hợp tuyển lựa Trương Định làm chỉ huy và dâng lên Hoàng Đế một sớ tấu[16] yêu cầu cho phép tiếp tục cuộc chiến tranh chống Phú Lang Sa tới kỳ cùng.

Triều Đình nghĩ rằng chiến sự Bắc Kỳ đang diễn tiến và hết sức khẩn cấp[17], nên vấn đề Nam Kỳ phải triển lại được có hoà bình miền ấy. Vậy có lệnh cho Phan Thanh Giản hãy bảo Trương Định hạ võ khí và đầu hàng. Trương Định không khứng nghe nhiều lần những lời yêu cầu, Định phải bị bãi các chức và tước”[18].

Tuy là bãi chức và tước cho người Pháp thấy thành tâm thật ý của triều đình Huế, nhưng biết đâu bên trong chẳng cho người đem mật chỉ khuyến khích cuộc chiến đấu của Định. Lẽ cố nhiên là đất nước Đại Nam toàn vẹn bây giờ xén bớt ba tỉnh trong đó có hai tỉnh Biên Hoà và Gia Định mồ mả tổ tiên bên ngoại các Vua Thiệu Trị và Tự Đức nằm đấy thì làm gì Tự Đức không sốt ruột, dân chúng không hoang mang.

Trong Bulletin des Amis du Vieux Huế có một bài khác đề cập đến Trương Định. Bài ấy như vầy:

XXXVII. Sự ngoan cố của Trương Định

“Mặc dầu Phan Thanh Giản đã ký Hoà ước và mặc dầu mạng lệnh minh xác của Hoàng Đế Bệ Hạ, Trương Định tiếp tục chống Pháp đến kỳ cùng. Định mộ chí nguyện quân trong Lục Tỉnh để đánh lại nhà chức trách Pháp. Mặc dầu có lời khuyến cáo nhiều lần của Phan Thanh Giản, Định cũng ngoan cố. Hải quân Thiếu tướng Pháp đã nhiều phen dắt Định lên đường hoà giải. Định không muốn nghe, thề rằng không ưng sống dưới ách người Pháp. Phan Thanh Giản phải dâng sớ tấu với Hoàng Đế xin bảo Trương Định hạ võ khí.

Bấy giờ Hoàng đế mới phán với Triều thần rằng: Dầu dùng cách gì cũng không thể bảo người cuồng trở lại lý lẽ. Vả lại, Sự ngoan cố của Trương Định biểu lộ một trạng thái tinh thần mà Triều đình có thể lợi dụng để khôi phục Vương quốc”[19]

Có lẽ là sau lời phán nầy và rõ tình hình trong Nam qua các mật sớ, nên Vua Tự Đức hạ lệnh cho thị vệ Thi đem một tấm huy chương bằng vàng cho Định[20].

Trương Định trí các súng trên các rạch đi vô trong sông rạch, đi vô trong nội địa huyện Tân Hoà, tấn công các tàu Pháp đi trên sông rạch gần đó[21].

Trong hàng ngũ Pháp quân xâm chiếm thuộc địa có Trung úy chiến hạm Guys, hồi chưa đổ bộ ở chiến hạm Rhin, năm 1861 ở Tây Ninh; Guys sành tâm lý người Việt. Guys hợp cùng Huỳnh công Tấn ở trên chiếc l’Alarme theo dõi những hành động của Định trong nhiều tháng dưới sự nhả đạn liên miên của đại bác của Định khiến cho chết mất vài người[22].

“Một buổi sáng các thuỷ thủ dưới pháo hạm l’Alarme bắt gặp trên chót một cây sào cắm trên bờ sông một bức thơ của Quản Định gởi cho hải quân Thiếu tướng, đại để trong ấy nói rằng: Triều Đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta; Hoàng Đế gọi chúng ta là phiến loạn, nhưng bên sâu Hoàng Đế khen thầm sự trung hậu của chúng ta; và tới ngày thắng trận, Hoàng Đế sẽ không những xoá lỗi mà thăng thưởng chúng ta nữa. Các người có dũng lực, nhưng ít người; mỗi ngày vài người lính của các người ngã quỵ dưới sự phục kích của chúng ta; bịnh rét cũng ở một bên ta để chiến đấu chống các người và nó bù lại sự khiếm khuyết võ khí của chúng ta. Chúng ta ở xứ ta, chúng ta được lợi hơn các người; chúng ta vẫn đợi chờ và người An Nam kiên nhẫn lắm. Hãy từ bỏ một cuộc xâm chiếm không thể được, hãy qui hoàn đất đai lại cho ta và lúc bấy giờ chúng ta rất hân hạnh tiếp rước các người Pháp như bằng hữu của chúng ta vậy”.

Paul Emile

Bản sao lục: A. Noirot

Dưới bức thơ ký giả có phát biểu cảm tưởng như vầy: “Ấy rành rẽ là những ngôn ngữ cao thượng, đáng gợi sự chú ý của chúng ta”. Rồi lại hối tiếc: “Nhưng ta không lẽ thối lui trước một doanh nghiệp mênh mông như vậy, khi người ta đổ ra bao nhiêu vàng và bao nhiêu máu?”

Và viện lẽ thêm: “Chúng ta phải trả lại cho Vua ở Huế những người An Nam đã về bên phe chúng ta? Vậy chúng ta phải bỏ những người ấy cũng như ta đã bỏ những người Thát đát ở bên Crimée”[23].

Ở Khánh Thuận[24], Tuần phủ Lâm Duy Hiệp yêu cầu trả thành Vĩnh Long; Bonard đáp nếu Định chưa nạp khí giới đầu hàng, Pháp quân sẽ còn giữ thành Vĩnh Long.

Giục giặc bên ngoài, bên trong binh viễn chinh Pháp có ít, không đủ sức để tấn công nghĩa quân. Bonard một mặt tư thơ qua cứ điểm Pháp ở Trung Hoa yêu cầu bên ấy trợ quân lực, một mặt tin về Pháp xin viện binh[25].

Lời kêu gọi của Bonard có kết quả mỹ mãn: Hải quân Đại Tướng Jaurès, tức thời từ thành Thượng Hải sang thành Ma Ní [Manila] với tàu chiến của sư đoàn, viên toàn quyền ở Ma Ní cho tám trăm người lính bổn thổ xuống tàu, và Jaurès chỉ mũi ngay bến Saigon. Lính đóng ở Thượng Hải đều là người An-gé-ri[26].

Đầu thượng tuần tháng Mười một Bonard có gởi thơ cho cụ Giản tuyên bố rằng: Trương Định là một tên phiến loạn và sẽ bị đối xử như thế; song le Bonard chịu đứng chung với cụ một bản tuyên ngôn nhủ các người nổi loạn ra đầu hàng[27].

Cũng lúc ấy bên biên giới Đông của tỉnh Biên Hoà, một viên cai tổng nổi lên đánh phá các làng rồi rút lui để kéo dài trận tuyến Việt. Ngày 02 tháng Chạp triều đình Huế đề nghị với Pháp có thể sai người đến Phan Rí lấy tiền bồi khoản trong nửa năm đầu là hai trăm ngàn bạc.

Tướng hải quân Pháp Louis A. Bonard. Nguồn: Bảo tàng Alexandre-Franconie

Đầu thượng tuần tháng chạp 1862, Bonard muốn qui hoàn Vĩnh Long lại cho Nam trào[28].

Thình lình, một viên quan hạ cấp đem một bức công hàm ở Huế đề ngày 02 tháng 11 và đến Saigon ngày 12 tháng Chạp. Trao bức ấy rồi, viên quan kia[29] đi liền không đợi phúc đáp:

“Triều thần của Vua đồng yêu cầu rành mạch sự canh cải đến tận gốc hoà ước và huỷ bỏ điều khoản đã nhượng lại cho Pháp quốc các tỉnh Saigon, Mỹ Tho và Biên Hoà”[30].

“Bức công hàm khiến Phan Thanh Giản viết cho hải quân Trung tướng một bức thơ. Bức công hàm của viên quan ở Huế không có giá trị: 1) Bởi vì nó không có đi qua tay cụ là toàn quyền phái viên được Hoàng đế uỷ nhiệm để giao thiệp với người Phú Lang Sa; 2) Bởi vì nó là công hàm của các quan thượng thư không có dấu hiệu ưng thuận của Hoàng Đế.

Từ ấy, vị Toàn quyền đại diện không ngừng đề cập đến việc hoà bình; nếu hoà bình vi phạm tôi sẽ đến với người Phú Lang Sa, lời cụ Phan nói với một giáo sĩ; nếu hoà bình bị vi phạm, tôi bất động trong nhà tôi, quân lính của tôi cũng như tôi, rồi người ta bắt tôi và thắt cổ tôi, cụ Phan tuyên bố lần khác với giáo sĩ ấy. Phan Thanh Giản mời mọc luôn luôn các sĩ quan ở trong thành [Vĩnh Long] dự tiệc với cụ và các mối tình bậu bạn đi đến chỗ hèn hạ[31]. Đàng khác, Quản Định ít bằng lòng cho cử chỉ của Phan Thanh Giản trong những trường hợp trên, hăm doạ sẽ đốt làng của cụ Phan ở và cắt đầu của cụ. Toàn quyền đại diện lợi dụng tình thế ấy yêu cầu và được chuẩn y một đội vệ binh Pháp, để cho thấy rõ nhiệt tâm của cụ”[32].

Quân Pháp tấn công Gò Công. Minh họa trên tuần báo Le Monde Illustré của Pháp số ra ngày 16/5/1863. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Trương Định ly khai Triều đình

Tới đầu tháng Hai 1863, Định công khai tuyên bố không dính líu với Nam Triều nữa và viết một bức thơ cho các quan Việt ở Vĩnh Long. Nội dung như vầy:

“Muốn trở lại y như thuở xưa, dân chúng ba tỉnh yêu cầu chúng tôi đứng đầu khởi nghĩa. Vậy chúng tôi không thể hành động gì khác hơn hành động bây giờ. Bởi vậy, chúng tôi chuẩn bị chiến đấu, và hướng Đông cũng như hướng Tây chúng tôi chống đối và chiến đấu, chúng tôi sẽ đánh ngã bọn giặc cướp. Nếu các quan đề cập đến sự duy trì các mối bang giao với giặc cướp, chúng tôi chống lệnh Nam Trào, và chắc chắn là sẽ không có hưu chiến, hay hoà bình đối các quan, và như thế các quan sẽ đừng lấy làm ngạc nhiên”[33].

Vì không bằng chứng đích xác, nhưng trực giác cho chúng tôi biết rằng Trương Định mưu áp dụng kế ly khai với các quan ba tỉnh miền Tây, để rước tất cả trách nhiệm về Định. Nếu chẳng may, Định có sa lưới của Pháp, trào đình Huế khỏi lôi thôi đối với Pháp.

[…]

Trương Định bị Huỳnh Công Tấn hại

Định có một người tử thù là Tấn.

Đội Huỳnh Công Tấn gốc gác ở làng Phước Hậu (tên nầy nay hãy còn trên địa đồ lối Rạch Cầu Tràm, hướng Đông và Tây giáp giới những làng Mỹ Lộc, Long Trạch, hướng Bắc và Nam giáp giới với Long Thượng và Phước Lâm) tỉnh Chợ Lớn. Thân phụ của Tấn làm chức phó quản cơ, kịp sau khi Kỳ Hòa thất thủ, người lui về phủ Tân An để đi thương mại sanh sống, trong lúc ấy người có liên lạc với một người quan Việt cộng sự với Pháp. Tấn tùng ngũ dưới quyền của Định, song lúc nghe được thân phụ của Tấn giao dịch với viên quan ấy, Định hăm dọa lấy đầu Tấn nếu thân phụ Tấn còn giao thiệp với viên quan kia nữa. Tấn khiếp. Thừa cơ Định lơ lỏng, Tấn trốn sang hàng ngũ Pháp hồi năm 1862[34].

Khỏi phải nói là lúc qua bên này lằn mức, Tấn phải hết sức sốt sắng, nhiệt thành để mua lòng Pháp.

Tấn hiểu ngách ngõ của xứ Gò Công. Vì lập nhiều công trạng ở xứ nầy, nên được Định tin dùng và cố nhiên là biết mặt Định. Tấn phải tùy theo Guys hồi Guys còn chỉ huy chiếc l’Alarme, ngữ trên rạch Gò Công để coi chừng những cử động của Định. Tấn là người hiếu thảo, rất thông minh, rất liều lĩnh, gan dạ lạ kỳ…[35].

Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của dân ta vào cuối thế kỷ XIX tại Nam Kỳ. Ảnh: Émile Gsell (1838-1879)

Ngày 26 tháng hai 1863, ngày đại tấn công của Bonard vào Gò Công, Tấn giữ một cây cầu chống trả dõng binh đông quân số hơn. Bị một viên đá bắn vào đầu gối, Tấn được đem về và quân y Pháp tính cưa chân để cứu Tấn, nhưng Tấn không chịu. Sau Tấn lành bệnh một cách phi thường. Tấn sang dưới quyền chỉ huy của Gougeard. Viên nầy ở tại Gò Công và theo dõi Trương Định mãi.

Khi nghe truyền tin, Định đi xa, Tấn không tin như vậy, trái lại Tấn đinh ninh là Định ở lẩn quẩn vùng Gò Công.

Tôi đã nói đòn đánh chánh trị có hiệu quả rất mỹ mãn là De la Grandière cho các làng chỗ bãi chiến trường mượn tiền không ăn lời, nhưng với điều kiện là phải mách vị trí Định, nếu Định có về.

Đêm 19 rạng 20 tháng tám năm 1864 có người mật báo với Tấn rằng Định sẽ về tại làng Kiểng Phước (tên nầy nay hãy còn trên địa đồ, Đông giáp giới Soi Rạp, Bắc, Tây, và Nam giáp giới những làng Tân Phước, Tân Niên Tây, Tân Niên Đông và Tân Bình Điền). Tấn chỉ huy một số người dưới tay, âm thầm vây nhà mà Định với 25 người tâm phúc đang trú trong đấy. Nằm đây tới bình minh, Tấn mới dậy và ào vào nhà.

“Tấn gặp một cuộc đương cự cương quyết. Quản Định và tâm phúc nhân chống trả như những anh hùng, các người ấy dành nhau phóng ra ngoài, còn vài người khác hy sinh chịu để cho quân ta giết. Quản Định ở giữa những người chen ra, chém một lát gươm nón của tên mã tà, một lát khác một tên nữa khiến rớt súng và đến gần bụi rậm suýt khỏi bị một vết thương nào hết; lúc bấy giờ Tấn chỉa súng sáu bắn ngay Định và hô lớn cho các mã tà bảo nhả đạn, mặc dầu Tấn có ý bắt sống. Một viên đạn trúng đích, Định bị gãy xương sống té xuống đất. Năm thây chết trong số ấy có Quản Định, võ khí và tài liệu đều bị Tấn lấy được.

Xác của Quản Định được đem về Gò Công và để cho công chúng xem và nhìn biết; Quản Định có vóc thanh lịch, nước da trắng, nét mặt tao nhã và tinh tế hơn người đồng hương với Định”[36].

Ngay từ năm 1864, mộ Trương Công đã được xây bằng đá ong với hồ vôi ô dước; trên bia mộ có đề Đại Nam, Bình Tây Đại tướng Quân, Trương Công Định chi mộ…■

Phù Lang Trương Bá Phát

 

Chú thích:

[1] Đoạn có dấu ngoặc kép là theo “Đại-Nam chánh biên liệt truyện”

[2] Sách Paullu de la Barrière, trang 219

[3] Theo Paullu de la Barrière trang 295 thì sự thuyết lập Đồn điền mới hồi Giáp Dần 1854 do Nguyễn-tri-Phương kêu gọi. Nhưng thuyết nầy không mấy vững, vì đất trong Nam hồi thời Nguyễn Ánh và trước nữa, chưa khai phá mà dân thưa. Muốn vừa khai thác, vừa có lính để bảo vệ an ninh, tất nhiên nhà cầm quyền nảy ra ý kiến Đồn điền, cho lính có đất cày để tự túc và có thể làm lính khi cần. Đồn Điền có từ năm Canh Dần 1830 lúc Lê Văn Duyệt, chớ không phải hồi 1854, có họa chăng là Nguyễn Tri Phương kêu gọi chỉnh đốn lại và thiết lập thêm Đồn Điền.

[4] Viên tổng nầy muốn bảo vệ tài sản của mình, mới chịu ra làm cai tổng.

[5] Dịch trong sách Les premières années de la Cochinchine, tác giả: Paulin Vial, quyển I, trang 115.

[6] Dịch sách Les premières années… trang 116.

[7] Theo sách Abrégé de l’Histoire d’Annam, tác giả A. Schreiner trang 215.

[8] Sách Les première années… quyển I, trang 164.

[9] Sách Onze mois de sous préfecture en Basse-Cochinchine, tác giả: Đại úy Lucien de Grammont, Paris, 1863, trang 174.

[10] Tôn Thọ Tường. Theo Khuông Việt trong quyển Tôn Thọ Tường, trang 40 thì : “Thủy sư Đề đốc Bonard, thống lãnh quân đội Pháp ở Saigon, hết lòng tin cẩn Tôn, ngài không ngần ngại việc cử Tôn đi Gò Công điều đình giải hòa… Lãnh binh Trương Định”. Do đó mà tác giả định là vị “công chức An Nam quan trọng” đó là Tôn Thọ Tường.

[11] Khoảng đóng dấu ngoặc đôi dịch trong sách Les premières années… của Vial, quyển I, trang 184 và 185.

[12] Khứng: ưng, chịu, vui lòng, BTV.

[13] Là người cương quyết mà vẫn làm tuồng như không quyết định gì.

[14] Sách Les Premières années de la Cochinchine của Vial, quyển I, trang 185.

[15] Đại Nam Chánh biên liệt truyện, tập 2, quyển 38.

[16] Tiếc rằng sớ tấu nầy không còn, hóa ra không tài-liệu thực-tích (document positif).

[17] Lúc nầy ở đất Bắc, giặc nổi lên như nồi cơm sôi ; Giặc Tạ Văn Phụng có dưới tay tên Trường, tên Ước và tên Độ, dấy binh ở đất Quảng Yên ; Loạn Nguyễn Văn Thịnh (tục gọi là cai tổng Vàng) vây thành Bắc Ninh ; Giặc Nông và giặc Khách ở tỉnh Thái Nguyên. Theo Việt Nam sử lược, của Lệ Thần, nhà in Vĩnh và Thành, 1928, trang 241 và 242.

[18] Dịch Notes pour servir à l’établissement du protectorat français en Annam bài thứ 35, Une réunion du Haut-Conseil, tác-giả Lê-Thanh-Cảnh, Bulletin des Amis du Vieux-Huế, 24ème année, No 4 Octobre-Décembre 1936, trang 187. Chức và tước của Trương-Định có lẽ bị bãi sau ngày 05 tháng 10 năm 1862 (ngày Tôn-Thọ-Tường được bức thơ thứ nhì) sấp lên.

[19] Dịch Notes pour servir à l’établissement du protectorat français en Annam bài thứ 37 L’entêtement de Trương-Định, tác-giả Lê-Thanh-Cảnh, B.A.V.H., 24ème année, No 4 Octobre-Décembre 1937, trang 390-391.

[20] Sách Les premires annes de la Cochinchine quyển II, 1874, trang 261. Biết đâu Tự Đức lại chẳng phong chức «Bình-Tây-Sát Tả Đại-Tướng» trong lúc kèm theo tấm huy-chương ấy.

[21] Có lẽ là thắng các trận nhỏ như ở Cửa-Khâu, Trại Cá, nhưng hiềm vì sử Pháp không nói rõ, còn sử Việt biết đâu mà tìm, duy có coi bài Văn-tế Phó Quản-Cơ Trương-Định.

[22] Theo sách Les premires annes de la Cochinchine

[23] Bức thơ và cảm tưởng đều dịch theo bài La France en Cochinchine III tạp-chí Revu du Monde colonial, asiatique et américain, organe politique des deux mondes, publié sous la direction de M. A. Noirot, 6ème année, 2ème série, No 4, Tome XIème, Avril 1864, Paris, 3 rue Christine, trang 396 và 397.

[24] Khánh-Hoà, Bình-Thuận nhập lại. Sách Việt-Nam sử lược của Lệ-Thần, quyển II, Hà-nội, 1928, trang 233, Vial gọi Bình-tuân là lầm (Vial, quyển 1, trang 190).

[25] Sách Les premières années… trang 191. Hồi 24 février 1861, ở trận Kì Hoà, Pháp và Tây Ban Nha gồm tất cả tám ngàn người (theo Histoire de l’Expédition de Cochinchine của Pallu trang 88), tới cuối năm 1862 thì chắc không còn bao nhiêu, vì hồi hương hết đệ-nhị lục-quân và đệ-nhị đại- đội của 101 chiến tuyến, rồi vừa chết vừa bịnh, phế binh, và lính nầy chưa thay đổi được vì không có lính để thay đổi.

[26] Sách Les premières années de Cochinchine của Vial, quyển 1, trang 192 và 202.

[27] Sách Les premières années de Cochinchine quyển 1, trang 191.

[28] Tác giả rất nghi ngờ thiện chí của Bonard, vì Định còn ở Gò Công, Bonard còn kêu viện binh ở Thượng Hải và ở Ma-Ní quyết tiêu diệt nghĩa quân và có lẽ nếu có thể viễn xâm luôn. Đây, chắc là một đòn chánh trị để ru ngủ bên Nam trào.

[29] Sao không nhờ cụ Giản trao lại cho Bonard mà để viên quan hạ cấp ? Rất tiếc là Vial không cho ấn hành bức công hàm có giá trị lịch sử nầy.

[30] Sách Les premières années de la Cochinchine, quyển 1, trang 193 và 194.

[31] Dịch tiếng jusqu’à la bassesse. Không biết hèn hạ chỗ nào? Đời nào và lúc nào cũng có lớp người viết không đúng sự thật. Người ta gọi là hạng học giả giả.

[32] Từ “Bức công hàm…” tới “nhiệt-tâm của cụ” là trích dịch bài La France en Cochinchine, tạp-chí Revue du Monde colonial, asiatique et américain, organe politique des deux mondes, publié sous la direction de M. A. Noirot, 6ème année, 2ème série, No 4, Tome XI ème – Avril 1864 Paris, 3 rue Christine, trang 394 và 395.

[33] Dịch trong sách Les premières années de la Cochinchine trang 216 và 217.

[34] Phỏng theo sách Abrégé de l’Histoire d’Annam của A. Schreiner.

[35] sách P. Vial, quyển I, trang 319.

[36] Dịch theo sách Les premières années de la Cochinchine của Paulin-Vial, trang 321-322, P.Vial có đến tại chỗ để coi mặt Định, nên mới biết mà tả ra như vậy.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN