
Mới đây, phóng viên của Tạp chí Phương Đông đã sưu tầm được bài viết về sự hợp tác trong vấn đề POW/MIA của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ. Tài liệu này của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ, thuộc tập I (1994, trang 210 – 211). Nội dung tài liệu mô tả ngắn gọn về thành phần dẫn đầu đàm phán POW/MIA của Mỹ, Việt Nam và Lào tại Honolulu và Hawaii tháng 8 năm 1993. Trong đó có nêu sự việc ông Lê Minh Trần là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên và ông Lê Mai, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Sau buổi làm việc với phái đoàn Hoa Kỳ, khi trở về phòng của mình ở khách sạn Hilton Hawaiian Village, ông Lê Minh Trần phát hiện ra phòng của ông đã được dọn sạch sẽ để đón người mới đến. Ông Trần nghĩ rằng mình đã bị cướp. Cuộc điều tra cho thấy nhân viên khách sạn đã nhầm tưởng ông đã trả phòng, để lại đồ đạc đã được kiểm kê, và dẫn đến phòng an ninh của khách sạn.
Qua cuốn sách này, phóng viên tìm hiểu và được biết, ông Lê Minh Trần chính là ông Nguyễn Văn Hưởng. Thời kì đó, ông là Cục trưởng An ninh, được phân công đàm phán về vấn đề POW/MIA, mang tên là Lê Minh Trần.
Phóng viên đã tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Sau khi nghe phóng viên đọc tài liệu, ông đã xác nhận sự việc mất vali ở khách sạn Hilton Hawaiian Village là có thật. Ông cũng lấy làm ngạc nhiên khi tài liệu của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương lại kể về sự việc một cách công khai như vậy.
Ông Hưởng cho biết, khi ấy ông được Chính phủ cử làm thành viên đoàn đàm phán về POW/MIA, đoàn Việt Nam, mang tên Lê Minh Trần. Song ông cũng khẳng định rằng sự việc nêu trong cuốn sách lịch sử của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ còn khá sơ lược, nhiều tình tiết còn uẩn khúc chưa được nêu ra. Nay phía Mỹ đã công khai sự việc, thì cũng cần có những thông tin chi tiết để làm vấn đề trở nên sáng tỏ hơn.
Sau đây, Tạp chí Phương Đông xin cung cấp các tài liệu để bạn đọc hiểu rõ hơn về sự việc này.
1. Tài liệu lịch sử của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ
“Cuộc họp ba bên tiếp theo về hợp tác POW/MIA được tổ chức tại Honolulu, Hawaii, vào ngày 9 và 10/8/1993, với các cuộc thảo luận cấp chính sách vào ngày 9, tiếp theo là các cuộc họp kỹ thuật vào ngày 10. Thứ trưởng Ngoại giao Soubanh Srithirah dẫn đầu đoàn đại biểu Lào, và Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam. Đoàn đại biểu Hoa Kỳ do ông Kent Wiedemann, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là thành viên của đội ngũ nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia dẫn đầu, với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Kenneth Quinn và Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề POW/MIA Edward Ross đại diện cho các bộ phận tương ứng của họ. Ba bên đã nhất trí hợp tác điều tra các trường hợp người Mỹ mất tích ở khu vực biên giới, bao gồm các hoạt động đồng thời của các nhóm Hoa Kỳ – Lào và Hoa Kỳ – Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã ban hành một báo cáo chi tiết về các thủ tục tố tụng.
Sau bữa tiệc chia tay vào tối ngày 10 tháng 8, ông Lê Minh Trần, người được Chính phủ Việt Nam cấp chức danh “Trợ lý Bộ trưởng Nội vụ”, đã trở về phòng của mình tại Hilton Hawaiian Village và phát hiện ra rằng phòng của ông đã được dọn dẹp sạch sẽ để đón người mới đến và đồ đạc của ông đã được chuyển đi. Ông Trần nghĩ rằng mình đã bị cướp, nhưng cuộc điều tra cho thấy nhân viên khách sạn đã nhầm tưởng ông đã trả phòng, để lại đồ đạc đã được kiểm kê và chuyển đến phòng an ninh của khách sạn. Sau đó, chúng được trả lại cho ông Trần, người rất buồn và không tiếp thu lời giải thích và lời xin lỗi từ nhân viên an ninh của khách sạn. Tuy nhiên, sau khi nhận được lời xin lỗi dài dòng từ tất cả những người liên quan, toàn bộ phái đoàn Việt Nam dường như đã hiểu và chấp nhận sự việc này chỉ là một sai lầm đáng xấu hổ của khách sạn.
Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở ông Trần. Sáng ngày 11 tháng 8, khi Thứ trưởng Lê Mai đang trở về phòng sau bữa sáng, ông thấy nhân viên dọn phòng đang mang cặp của mình đến phòng an ninh. Một lần nữa, nhân viên khách sạn nghĩ rằng ông đã trả phòng và vô tình để quên cặp. Tổng Giám đốc khách sạn đã chính thức chào tạm biệt đoàn với lời xin lỗi và quà tặng, đồng thời cung cấp cho họ một bản sao báo cáo của khách sạn về cuộc điều tra vụ việc liên quan đến phòng của ông Trần. Đoàn có vẻ bình tĩnh hơn về vụ việc khi họ đến sân bay”.
2. Sự việc về vụ mất vali hành lý qua lời kể của ông Nguyễn Văn Hưởng (tức Lê Minh Trần)
Vào đầu những năm 90, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ được thúc đẩy mạnh mẽ, các cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao các đoàn hai bên diễn ra thường xuyên, và một trong những yếu tố then chốt được cả Hoa Kỳ và Việt Nam đặt ra để tiến đến thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, đó chính là tìm kiếm những người mất tích và còn sống sau chiến tranh. Việc này được phía Mỹ đặt ra rất cấp thiết. Mỹ coi đây là vấn đề quan trọng, là cơ sở để Mỹ có thể mở mối bang giao với Việt Nam. Phía Mỹ nhiều lần đề nghị đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng phía Mỹ thực hiện hợp tác POW/MIA về tìm kiếm con người sau chiến tranh.
Các chuyến công tác POW/MIA giữa Mỹ và Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hậu chiến chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp về chính trị, ngoại giao và tâm lý của nhân dân hai nước… Do đó, các hoạt động an ninh của Việt Nam và Hoa Kỳ, để thúc đẩy thiết lập quan hệ giữa hai nước, đặc biệt chú trọng trong giai đoạn này.
Ngày 9 và 10/8/1993, cuộc họp ba bên về hợp tác POW/MIA được tổ chức tại Honolulu, Hawaii, với các cuộc thảo luận cấp chính sách vào ngày 9, tiếp theo là các cuộc họp kỹ thuật vào ngày 10. Thể theo đề nghị của phía Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam chấp nhận gửi một đoàn cấp cao sang Hoa Kỳ để đàm phán về vấn đề này, nhằm xem xét một cách cụ thể, trực tiếp để biết được những nhu cầu bức thiết từ phía Mỹ, để báo cáo Đảng và Nhà nước, đưa ra quyết định cuối cùng.
Từ ngày 7/8/1993, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới tham dự cuộc họp. Tôi cũng có mặt trong phái đoàn, lấy bí danh Lê Minh Trần, và được đoàn giới thiệu là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó. Đoàn đến Hawaii làm việc và cư trú tại khách sạn Hilton Hawaiian Village, việc đón và bố trí làm việc do Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình Dương, trực tiếp là Trung tướng Needham phụ trách.
Đoàn đại biểu Hoa Kỳ do ông Kent Wiedemann, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia dẫn đầu, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Kenneth Quinn và Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề POW/MIA Edward Ross đại diện cho các bộ phận tương ứng của họ. Ngoài ra còn có sự tham dự của đoàn đại biểu Lào. Tại đây, ba bên đã nhất trí hợp tác điều tra các trường hợp người Mỹ mất tích ở khu vực biên giới, bao gồm các hoạt động của nhóm Hoa Kỳ – Lào và Hoa Kỳ – Việt Nam.
Trong hai ngày làm việc, phía Mỹ đã nêu ra một thực trạng rằng ở Mỹ hiện nay, phong trào cựu chiến binh đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, cùng những phản ứng mạnh mẽ từ người dân. Họ yêu cầu Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ phải sớm giải quyết vấn đề quân nhân chết trận và mất tích trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Qua đó, phía Việt Nam cũng nhận thấy rõ nhu cầu từ phía Mỹ, hiểu được tâm trạng nhân dân Mỹ. Những phong tục của người dân Mỹ có những nét tương đồng với người châu Á, họ muốn được mang hài cốt con em họ về với gia đình. Mỹ đã phải chi một khoản tiền khổng lồ cho số quân nhân mất tích và chết trận.
Qua đàm phán, đoàn Việt Nam thấy rõ hơn về cách đặt vấn đề POW/MIA không hàm ý dùng vấn đề này để gây áp lực cho Việt Nam, mà là nhu cầu thật sự từ phía Hoa Kỳ, đồng thời cũng là nguyện vọng của nhân dân Mỹ, họ gây áp lực với Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận nhiều về vấn đề kĩ thuật hợp tác giữa hai bên. Phía Mỹ mong muốn chính quyền Việt Nam lập đội tìm kiếm hỗn hợp để tìm kiếm, khai quật hài cốt binh lính Mỹ ở hai miền, đặc biệt là ở phía Bắc Việt Nam. Họ cũng kiến nghị được đọc các loại tài liệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lưu trữ, tham khảo, để phục vụ cho việc tìm kiếm người mất tích.
Trong các cuộc thảo luận, phía Mỹ cũng nêu ý kiến nghi vấn rằng phía Việt Nam vẫn đang giữ một số lính Mỹ còn sống. Họ nói rằng, đây là tài liệu họ nghiên cứu được từ các tài liệu của cơ quan tình báo của Liên Xô. Tuy nhiên, phía Việt Nam khẳng định Việt Nam không giam giữ tù binh hay bất kì người Mỹ nào. Tù binh đã được trao trả cho phía Mỹ ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam có hiệu lực năm 1973. Tất cả thông tin Mỹ yêu cầu là sai sự thật.
Ngoài ra, phía Mỹ cũng đưa đoàn Việt Nam tới một trung tâm giám định hài cốt của binh lính Mỹ chết trận. Tại đây có một không gian rất rộng rãi, giống như một khu trưng bày, các bộ xương trung tâm này do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đảm nhận, đoàn được giới thiệu tất cả hài cốt lính Mỹ chết trận đều được đưa vào đó đối chiếu tỉ mỉ. Phía Mỹ giới thiệu với đoàn Việt Nam rằng những khó khăn họ đã và đang gặp là không phải tất cả hài cốt đều đã được gia đình người Mỹ chấp nhận, mặc dù đã có đủ tên, tuổi và các thông tin khác đã chính xác.
Họ đưa ra ví dụ một trường hợp lính Mỹ đã tìm thấy hài cốt, nhưng vợ anh không chấp nhận. Người vợ của anh lính này yêu cầu cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phải chứng minh được hàm răng là của anh thì mới chấp nhận. Do đó, cuộc khai quật sau phải tiếp tục tìm kiếm, khi thấy được chiếc răng, mang về đối chiếu, kết quả đúng là người lính này thì người vợ của anh mới chấp nhận. Mặc dù anh đã mất, song xét theo khoảng thời gian kể từ khi anh sang Việt Nam với cấp bậc Trung sĩ, mặc dù người lính này đã tử trận, nhưng không tìm thấy bằng chứng là đã chết, nên Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn phải phong hàm. Khi tìm được chiếc răng, người lính này đã có quân hàm Đại tá.
Cá biệt gia đình của lính Mỹ chết trận biết rằng con em mình đã tử trận, nhưng muốn kéo dài thời gian báo tử để được hưởng chính sách của Chính phủ Mỹ.
Những người phụ trách trung tâm giám định hài cốt cũng trao đổi với phái đoàn Việt Nam, giám định hài cốt rất phức tạp, phải qua rất nhiều công đoạn nhận diện công phu, tốn kém nhiều chi phí, mới có thể trao trả hài cốt về đúng gia đình. Đoàn Việt Nam hiểu được những khăn lớn đối với nước Mỹ, cũng là vấn đề mà Chính phủ Mỹ thực sự coi trọng” vào thời điểm này.
Những chiếc vali bị mất tại khách sạn
Kết thúc đàm phán, đoàn trở lại khách sạn, chúng tôi được ông Needham, người phụ vấn đề POW/MIA phía Mỹ, đón tiếp rất chu đáo, cẩn thận. Riêng tôi lại được bố trí riêng một phiên dịch viên là một Trung sĩ người Việt làm việc ở Trung tâm Thái Bình Dương. Qua trò chuyện, tôi được biết, anh là người Thuận Hải, gia đình di cư sang Hawaii sau năm 1975. Giờ anh là lính Mỹ chuyên nghiệp, có một vợ và hai con. Anh kể chi tiết về cuộc sống tại Mỹ của mình. Nhờ ưu đãi do phục vụ trong quân đội, nên hàng tháng anh được nhận phiếu ưu đãi mua hàng giảm 30%, được cấp miễn phí thuê nhà ở và được thuê lại ô tô luân chuyển giá rẻ của những người lính trước. Với mức lương Trung sĩ, anh vẫn đủ trang trải cuộc sống cho cả gia đình mình, một vợ hai con.
Buổi tối tôi về nghỉ ở khách sạn, một lúc sau người phiên dịch đến phòng tôi và bày tỏ mong muốn được đưa tôi đi mua sắm ở trung tâm thương mại tầng hầm của khách sạn. Tôi có hỏi thêm thì được biết, phía anh Lê Mai không thấy ai được bố trí phiên dịch cả. Khi ấy tôi đã linh cảm rằng phía Mỹ đang muốn gì ở tôi. Với linh cảm nghề nghiệp, tôi nghĩ đây là một cuộc chơi, phù hợp với nghề nghiệp nên tôi đã nhận lời đề nghị của người phiên dịch.
Sau khi cất hành lý cẩn thận, tôi cùng anh phiên dịch viên xuống siêu thị của khách sạn, chúng tôi bắt đầu trò chuyện sâu hơn về các vấn đề nội bộ của Mỹ. Nhưng tôi cảm nhận được rằng người phiên dịch khá ngây thơ. Anh ta không biết nhiều về tình hình của Mỹ, chỉ tập trung kể chuyện về dân di cư trong cộng đồng mình, những người sang Hawaii, họ mưu sinh bằng nghề đánh cá, trồng dứa… đời sống của họ cũng tạm ổn.
Khi xuống tầng hầm siêu thị, tôi có quan sát kĩ các lối đi ra cầu thang máy lên phòng tôi ở khách sạn. Tôi cũng khảo sát lại 2 – 3 lần nữa để chắc chắn rằng mình sẽ thoát ra theo hướng nào để che mặt anh phiên dịch. Độ gần 20 phút sau, tôi đã thoát được đeo bám của phiên dịch viên, rồi lặng lẽ đến bấm thang máy lên phòng tôi, và mở cửa bước vào phòng. Theo kinh nghiệm, tôi mở cửa ra nhưng không vội bước vào ngay, mà quan sát thấy những dấu giày rất to trên thảm. Máy ảnh và vali của tôi cũng biến mất. Đúng như dự đoán, tôi biết chắc sẽ diễn ra cảnh tượng này, nên không tiến vào hẳn mà giữ nguyên hiện trạng.
Tôi lặng lẽ qua phòng anh Lê Mai để cùng anh trao đổi. Chúng tôi kéo ra hiên, tôi nói rằng, đây chắc chắn là “trò chơi” từ phía Mỹ. Tôi không biết phía Mỹ sẽ còn gây ra những sự vụ gì nữa, nên cũng muốn thăm dò phản ứng từ họ. Tôi đề xuất với anh Lê Mai cách giải quyết, và chúng tôi thống nhất là sẽ báo với khách sạn.
Chỉ khoảng độ 3 phút sau, có 2 – 3 người Mỹ đến gặp tôi qua phiên dịch của đoàn Việt Nam, lúc đó là anh Hà Kim Ngọc (sau này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ). Họ nói là nhân viên trực phòng và lễ tân tới giải quyết sự việc. Tôi mở cửa cho họ, và chỉ cho họ thấy tôi chưa từng bước vào phòng. Đây cũng không phải dấu giày của tôi vì vết giày để lại trên thảm to hơn cỡ giày của tôi và báo họ biết, vali tôi để đã biến mất, và đề nghị khách sạn cho biết nguyên nhân.
Các nhân viên này tỏ ra mất bình tĩnh, tôi thấy rõ sự run rẩy trên bàn tay họ. Họ nói rằng, sự việc này có thể do nhầm lẫn mà ra. Tôi yêu cầu khách sạn phải tìm cho được vali, đồ đạc của tôi, và đưa ra lời giải thích cụ thể, đồng thời báo cho người quản lý khách sạn và đại diện phái đoàn POW/MIA của Mỹ biết sự việc.
Khoảng 20 phút sau, Trung tướng Needham xuất hiện và báo là Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đã bao vây toàn bộ khách sạn để bảo vệ chúng tôi, đồng thời truy tìm kẻ trộm. Ông giải thích và khẳng định: “Ngài yên trí, chúng tôi sẽ tìm ra vali của ngài”. Cũng khoảng 20 phút, các nhân viên khách sạn mang vali đến trả tôi. Tôi yêu cầu phía Mỹ phải lập biên bản về sự việc này, và nửa đùa nửa thật nói rằng, nếu tôi bị mất tiền trong vali thì các ngài phải đền. Thực tế, trong đó chỉ có vài trăm đô công tác phí do cơ quan cấp cho chuyến đi. Tôi nói vậy để tăng mối lo lắng cho khách sạn này. Họ xin lỗi liên tục, và phân trần rằng do dọn nhầm phòng của một phái đoàn từ Bộ Quốc phòng Indonesia vừa trả phòng sáng nay. Chiếc vali đã được nhân viên khách sạn thu dọn, do phái đoàn quân sự của Indonesia cũng vừa “check-out”.
Tôi không chấp nhận lời giải thích đó, và cho rằng một khách sạn hiện đại bậc nhất ở một khu vực và một đoàn khách quan trọng như vậy, mà lại có thể nhầm lẫn đến thế. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận vali. Tiếp rồi, tôi gọi điện cho anh Lê Mai để thảo luận cách ứng xử sự việc. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất rằng sẽ tiếp tục yêu cầu phía khách sạn đưa ra lời giải thích rõ ràng hơn về sự việc lần này, nhưng không gây khó cho khách sạn.
Sau khi nhân viên khách sạn đã đi khỏi phòng tôi ở, tôi mở vali kiểm kê thì thấy đồ đạc bên trong không mất gì, nhưng hơi lộn xộn. Quần áo không đặt đúng vị trí như tôi đã sắp xếp. Sở dĩ tôi yêu cầu họ giải trình, vì bản thân tôi đã xếp thứ tự trên dưới của từng món đồ trong vali. Tôi hiểu một ai đó đã hành động vội vã nếu không sắp xếp các đồ dùng trong vali như tôi đã sắp đặt. Song tôi thừa biết cái mà ai đó cần tìm không phải là đồ dùng cá nhân của tôi. Tài liệu làm việc tôi luôn để trong túi áo, mang theo người.
Phía khách sạn thông báo rằng họ sẽ điều tra thông tin chi tiết và báo lại kịp thời, nhưng qua nửa đêm vẫn không thấy động tĩnh gì. Sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Sáng ngày 11 tháng 8, khi Thứ trưởng Lê Mai đang trở về phòng sau bữa sáng, chính anh Mai đã trông thấy nhân viên dọn phòng đang mang cặp của mình đến phòng An ninh. Khi bị chặn lại, nhân viên đó mới cuống cuồng giải thích rằng mình nhầm lẫn, tưởng là phòng của khách mới “check-out” và vali đó bị khách để quên nên mang trả”.
Một vài suy ngẫm về kết quả chuyến công tác Hawaii năm 1993
Khi đoàn rời khách sạn để xuất cảnh, Giám đốc và Ban quản lý khách sạn Hilton Hawaiian Village đã đứng xếp hàng, kéo dài từ cầu thang ra đến cửa Giám đốc khách sạn, chính thức gửi lời xin lỗi và lời chào tạm biệt cùng quà tặng tới phái đoàn Việt Nam. Không những thế, họ còn chuyển cho tôi một thư xin lỗi viết bằng văn bản, mong tôi thứ lỗi cho sự sơ xuất của khách sạn. Họ cũng cung cấp cho chúng tôi một bản sao báo cáo về những điều tra liên quan đến vụ việc xảy ra ở phòng tôi. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó, có thể khách sạn không biết gì đến sự việc này.
Đoàn Việt Nam đã đặt vấn đề với Trung tướng Needham về công tác an ninh tại Hoa Kỳ không đảm bảo. Tài sản, và có lẽ cả tính mạng của đoàn khách quốc tế đã bị đe doạ nghiêm trọng. Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Lê Mai cũng có lời nhắc nhở với khách sạn, cho rằng dịch vụ rất tốt nhưng an ninh không đảm bảo. Phía Mỹ ghi nhận.
Khi về nước được khoảng một tuần thì tôi nhận được thư của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi tới, bày tỏ lời xin lỗi về sự kiện ở khách sạn, mong tôi thông cảm.
Tôi đã không quá ngạc nhiên trước các sự việc đã xảy ra trong chuyến công tác. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi lường trước được những khả năng này. Nhờ kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi đã đánh lạc hướng được phiên dịch viên để bí mật quay trở lại phòng và đã sớm phát hiện sự việc. Nếu tôi say sưa đi mua sắm, thì đã để lỡ mất thời cơ quý giá đó.
Qua sự việc này, tôi nhận thấy, chẳng ai thật lòng với ai. Rất có thể sự việc có liên quan tới hoạt động của một cơ quan nào đó của phía Mỹ, nhưng họ đã chủ quan, nên đã không thực hiện trọn vẹn kế hoạch.
Đây cũng là bài học cho các đồng chí đi công tác nước ngoài, nhất là các nước đang có mối quan hệ chưa thân thiện với Việt Nam. Những người giữ trọng trách cần đề phòng mọi trường hợp xấu nhất có thể xảy ra mà mình không phát hiện được.
Sau chuyến đi, đồng chí Lê Mai đã thay mặt đoàn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã báo cáo lên Bộ Chính trị. Trong các cuộc họp vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là những ý kiến phản biện cho rằng lính Mỹ đã gây nhiều tội ác trên đất Việt Nam, nếu Chính phủ đồng ý hỗ trợ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ, thì có thể gây ra những phản ứng trái chiều trong nhân dân. Chúng tôi cũng đồng tinh với quan điểm này, vì chiến tranh chưa qua lâu, nỗi đau mất mát và sự căm hờn trong nhân dân vẫn còn sôi sục.
Song qua làm việc trực tiếp với phía Mỹ, chúng tôi thấy, mỗi gia đình có con em thiệt mạng trong chiến tranh cũng phải chịu những đau khổ, mất mát. Gia đình họ mong muốn có được hài cốt của con em họ để mai táng. Đó là nhu cầu mang tính nhân đạo.
Mặt khác, phía Mỹ đã chuyển tải thông tin về vấn đề POW/MIA là một trong những điều kiện để Chính phủ Hoa Kỳ thuyết phục Quốc hội và Hội Cựu chiến binh Mỹ, Hội Gia đình có người Mỹ mất tích, ủng hộ bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng mà nếu khơi thông được, thì sẽ tạo ra tác động rất lớn, khiến Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Xuất phát từ yêu cầu thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về vấn đề nhân đạo, đoàn công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thiết lập thoả thuận hợp tác POW/MIA với Hoa Kỳ, cho phép họ tham gia tìm kiếm hài cốt lính Mỹ tại Việt Nam. Sự chấp thuận của Chính phủ đã mở đường cho mối quan hệ hợp tác đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh (1975), kết quả các cuộc khai quật hài cốt Mỹ đã góp phần để hai năm sau, vào ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là một dấu ấn lịch sử có sự góp sức không nhỏ của phái đoàn ngoại giao trong chuyến công tác Hawaii đáng nhớ ấy.■
P.V