Ngày 13/10/2024, Thông tấn xã Việt Nam đăng tải bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã truyền đi thông điệp lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước. Có thể nói đây là vấn đề không mới nhưng ở thời điểm chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thể nói là đã thể hiện sự chỉ đạo riết róng và quyết liệt, có ý nghĩa truyền cảm hứng mới đối với toàn Đảng, toàn dân ta, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
1. Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh để nói lên tác hại vô cùng lớn của hành vi lãng phí trong sự vận hành của đất nước chúng ta. Bác Hồ từng chỉ rõ đích danh “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Thậm chí, Bác còn nói rõ “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”.
Vì là một “thứ giặc ở trong lòng”, cho nên trong quá trình lãnh đạo bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước, Đảng ta liên tục có nhiều quyết sách chống tham ô, lãng phí trong bộ máy Nhà nước và cả toàn xã hội. Tuy nhiên, có ngàn lẻ một những nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác chống lãng phí của đất nước ta vẫn còn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, tình trạng lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Đúng như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… chưa có chuyển biến rõ rệt; phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp… ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”. Hôm nay để đất nước “giũ bùn đứng dậy sáng lòa” như ý thơ của Nguyễn Đình Thi, nghĩa là giũ bùn tham nhũng, giũ bùn lãng phí để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tich nước Tô Lâm truyền đi thông điệp chỉ đạo chống lãng phí đã trở thành một lời hiệu triệu hành động đối với toàn Đảng, toàn dân ta, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của toàn xã hội. Điều đó sẽ tạo niềm tin, sự hứng khởi, sự thống nhất ý chí, hành động và tình cảm, tâm huyết của mỗi người dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh mới, tiếp lực cho công cuộc vươn mình của đất nước chúng ta.
Lãng phí trong xã hội ta hiện nay diễn ra khá là phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng theo chúng tôi, tựu trung lại sự lãng phí ấy tập trung chính ở các lĩnh vực đầu tư công, đầu tư doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân), do điểm nghẽn thủ tục hành chính khiến các dự án hàng ngàn tỷ đồng không triển khai được, hàng ngàn héc-ta đất bị bỏ hoang sau khi thu hồi đất.
Lãng phí vừa gây thất thoát tiền bạc, tài sản, vừa lãng phí thời gian, mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, phát triển, làm thui chột năng lượng sáng tạo, đối mới của người lao động và toàn xã hội. Thời gian, thời cơ và cơ hội đầu tư, phát triển khi đã mất đi thì không bao giờ lặp lại. Sức tàn phá của lãng phí như vậy còn hơn cả tham nhũng. Nếu coi tham nhũng như là sự ăn cướp, có thể dùng pháp luật để đòi lại được phần nào. Còn lãng phí là sự tàn phá của cải, tiền bạc, cơ hội, thời gian, thời cơ, năng lượng của con người, của công việc bị mất đi không thể đòi lại, lấy lại được.
Tại thảo luận ở tổ trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra 2 điển hình gây lãng phí rất lớn là “dự án chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng, nhưng sau hai nhiệm kỳ vẫn chưa hoàn thành khiến người dân chịu cảnh ngập lụt”; hay như trường hợp “hai bệnh viện được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt – Đức cơ sở 2 ở Hà Nam), nhưng sau 10 năm vẫn chưa đưa vào sử dụng. Trong khi đó, nếu là của tư nhân thì họ đã thu hồi vốn xong rồi”. Cũng tại diễn đàn Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn cho biết: “Hiện mới rà soát được 160 dự án đang bị ách tắc 5-10 năm nay với trị giá 59.000 tỷ đồng, thực tế chắc chắn còn nhiều hơn rất nhiều”. Còn Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số vốn đầu tư năm 2024 đến nay chưa phân bổ chi tiết hiện còn 14.343,5 tỷ đồng, chiếm 2,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 7.345,4 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 6.998,1 tỷ đồng). Còn nhiều những dự án đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình ngàn tỷ đầu tư công khác của doanh nghiệp vừa chờ đợi do đội vốn, chậm hoàn thành, không thể đưa vào khai thác, vừa gây lãng phí tiền bạc, thời cơ kinh doanh và hoàn vốn của người dân.
Dường như ở Hà Nội và một số thành phố lớn, ai cũng chứng kiến một thảm cảnh: Trong khi cán bộ và người dân mong mỏi được mua một căn hộ chung cư giá rẻ thì có hàng vạn căn hộ chung cư xây xong bỏ không, cỏ um tùm, tường mốc meo, rêu phong; có dự án biệt tự đơn lập, song lập, liền kề san sát bỏ hoang hàng chục năm trởi! Lý do là doanh nghiệp không xây tiếp, không thể hoàn thiện để kinh doanh do hàng ngàn nguyên nhân tắc nghẽn, rất khó giải thích. Chỉ biết kêu trời vì lãng phí tiền bạc, thời gian của xã hội. Có nhiều người dân bị giải tỏa nhưng quy hoạch bị “treo” khiến họ không thể tiếp tục làm nhà ở, hoặc kinh doanh, cuộc sống vất vả, lỡ cỡ, doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân. Dự án làng đại học Đà Nẵng với 300 ha đất quy hoạch sau 27 năm vẫn “giẫm chân tại chỗ” là một ví dụ điển hình.
Đó là chưa kể đến nguồn vốn khổng lồ như vàng, ngoại tệ, tiền mặt trị giá nhiều tỷ USD đang bị găm, cất giữ ở trong dân. Nhà nước chưa có cơ chế tin cậy để khai thác nguồn tài chính to lớn này. Người dân còn chưa đủ niềm tin để đầu tư kinh doanh có ích cho xã hội, chí ít là thông qua ngân hàng để giải phóng nguồn lực tài chính này tạo dòng chảy vốn kinh doanh, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển… Đó là những sự lãng phí chúng ta có thể nhìn thấy được. Nhưng có những sự lãng phí không thể nhìn thấy, không thể đo đếm như chất xám, sự sáng tạo của con người Việt Nam bị bỏ lỡ, thời gian và cơ hội của mỗi cá nhân khao khát được cống hiến bị trôi qua…
2. Cần phải nhận thức rằng, tất cả tài sản, tài nguyên, nhân lực bị lãng phí đều có nguyên nhân của nó. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản, rất toàn diện, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết lý giải nguyên nhân và hiến kế giải pháp với Đảng và Nhà nước nhằm góp phần chống lãng phí triệt để. Chúng tôi xin nêu một số nguyên nhân chính:
Một là, các luật của nhà nước ban hành chậm hoặc không đáp ứng yêu cầu sự phát triển. Trong khi đó lại không đồng bộ, một số luật có nội dung xung đột nhau, thường tồn tại ngắn hạn, hay thay đổi, luật sau phủ nhận luật trước… Trong khi đó, các dự án kinh doanh lớn lại dựa trên luật cũ, luật mới phải chờ đợi điều chỉnh, kéo dài hàng vài năm. Tất cả vốn liếng, tài nguyên “đắp chiếu” chờ điều chỉnh luật.
Hai là, chồng chéo chức năng giữa cơ quan Đảng và chính quyền. Các dự án ở các địa phương thuộc sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phải được Thường trực tỉnh ủy (gồm Bí thư tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch UBND) phê duyệt. Nhưng để chờ sự phê duyệt đó thường mất thời gian dài vì phải chờ lấy ý kiến của các sở, ban, ngành; có dự án thuộc chức năng của địa phương nhưng vẫn xin chỉ đạo của các Bộ hoặc Chính phủ cho chắc, cho nên lãng phí thời gian, lãng phí tài nguyên, tiền bạc, mất cơ hội làm ăn cũng chính từ nguyên nhân này.
Ba là, những người có chức vụ, có trách nhiệm trong hệ thống chính trị các cấp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình hoặc bị chi phối về lợi ích cá nhân, biểu hiện cụ thể là:
– Những người có cơ hội được cử vào các chức vụ nắm giữ các ngành kinh tế quan trọng nhưng trình độ năng lực thấp kém, điều hành làm việc lúng túng, không dám quyêt, đùn đẩy, vì vậy mà gây ra hậu quả lãng phí.
– Những cán bộ có trình độ năng lực, họ nắm giữ nguyên tắc, quy định, nhưng họ câu giờ chờ sự mặc cả lợi ích với doanh nghiệp rồi mới ra quyết định, chọn sai đối tác dẫn đến việc mua đi bán lại, đội giá các dự án.
– Từ gần 10 năm nay, Đảng và Nhà nước đã phanh phui ra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng trong nội bộ Đảng và chính quyền các cấp, đã thu về cho nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng bị thất thoát, với hàng trăm cán bộ ở các cấp, các ngành bị bắt, xử lý trước pháp luật. Điều này đã tác động rất mạnh mẽ đến tâm lý của nhiều cán bộ chủ chốt ở Trung ương cũng như địa phương, phát sinh tâm lý sợ hãi, sợ bị kiểm tra, sợ bị làm sai, sợ hồi tố, sợ bị tù… tạo ra sức ì lớn trong nội bộ là làm việc cầm chừng, nghe ngóng đã kéo dài từ nhiều năm nay một cách phổ biển, dẫn tới kìm hãm hoạt động phát triển kinh tế của đất nước.
Bốn là, việc kiểm tra, thanh tra là rất cần thiết, song việc kiểm tra, thanh tra tràn lan cũng làm chậm trễ triển khai các dự án; các tỉnh, thành phố đều chịu tình hình này, điển hình là thành phố Hồ Chí Minh có hơn 100 dự án phải đình chỉ để thanh tra nhưng đã gần 3 năm vẫn đang chờ kết luận đã gây tổn thất rất lớn.
Năm là, nguyên nhân về lãng phí trong sinh hoạt, sử dụng, tiêu dùng của cải vật chất trong nếp sống, tâm lý, thói quen của rất nhiều người Việt. Có thể nói đây là sự lãng phí thường xuyên, phổ biến nhất. Biểu hiện của thói quen phô trương hình thức, tâm lý mua sắm xài sang, sĩ diện hão “con gà tức nhau tiếng gáy”, sính đồ ngoại, “cha chung không ai khóc”. Những hành vi lãng phí ấy lâu dần thì ăn sâu vào tiềm thức cả người dân và nhiều công chức dẫn đến lãng phí tiền bạc, của cải vốn là mồ hôi nước mắt của người dân hàng ngày diễn ra.
3. Về giải pháp:
Trong 4 giải pháp trọng tâm mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước chỉ đạo, giải pháp “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác,” “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày” trong xã hội ta là cái gốc của mọi vấn đề
Cần thay đổi một nếp sống, một thói quen của con người xuất thân từ nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp chính là rất khó khăn, cần có một thời gian nhất định.
Vấn đề quan trọng cấp bách hiện nay là tổ chức thực hiện. Đồng chí Tổng Bí thư đã khơi dậy nhận thức chống tham nhũng, chống lãng phí được dư luận rất ủng hộ. Giờ đây cần một biện pháp thực hiện của Nhà nước và thực hiện của mỗi người dân thật hiệu quả theo chỉ thị của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong những ngày gần đây dư luận nhận thấy Quốc hội và Chính phủ đã vào cuộc để tháo gỡ các điểm nghẽn từ thể chế, tập trung rà soát điểu chỉnh, bổ sung hoặc ra luật mới đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp và nhân dân. Tuy vậy vẫn chưa đủ để thực hiện chống được lãng phí. Các nhà quan sát tình hình đã rất tâm huyết nêu ra những vấn đề rất cơ bản và biện pháp thực hiện.
Trước tiên là tiết kiệm phải được xốc lại từ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố. Ngay từ bây giờ, các cấp phải rà soát các doanh mục chi trong ngân sách để định lại danh mục và định mức chi phí cho phù hợp sao cho tiết kiệm nhất, nhất là kiên quyết cắt bỏ những khoản chi chưa có hiệu quả, chi cho các hội truyền thống, tế lễ, hội nghị, đặc biệt lưu ý các đoàn ra, đoàn vào của các Bộ, Ban, ngành và các địa phương để nghiên cứu thị trường dài ngày mang tính chất giải ngân.
Dư luận cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo có kết luận nhanh chóng các dự án bị kiểm tra, thanh tra. Đây là vấn để rất nhức nhối và các doanh nghiệp cũng như chính quyền các tỉnh rất mong mỏi. Những dự án đã hoàn thành cả chục năm vẫn chưa được đưa vào sử dụng cũng phải được tìm ra các nguyên nhân để có giải pháp đưa vào sử dụng.
Theo đó cần xử lý trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm nhưng không thực hiện hoặc thực hiện sai gây ra lãng phí. Tuy nhiên cũng cần xét tới yếu tố sự thay đổi các nhân sự liên quan tới các dự án theo nhiệm kỳ.
Một giải pháp được dư luận quan tâm nói tới nhiều và kiến nghị Đảng và Nhà nước, về lâu dài cần phải tiêu chuẩn hóa hành chính quốc gia, định lại tổ chức bộ máy nhà nước và các cơ quan của Đảng. Dư luận cho rằng số lượng các tỉnh không nên như hiện nay, nhiều tỉnh có thể sáp nhập cho phù hợp với sự phát triển và điều kiện mới. Nhiều Bộ, Ban của Đảng có thể phải bố trí cho gọn và tinh, hiệu quả. Nếu được như thế thì sẽ chuyển hàng vạn lao động từ công chức sang lĩnh vực sản xuất và tập trung được nguồn lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Và như vậy mới có điều kiện tăng lương cho viên chức và người lao động.
Chỉ còn một năm nữa Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sẽ diễn ra. Vấn đề chống tham nhũng, lãng phí và vấn đề nhân sự là rất quan trọng. Dư luận mong mỏi Đảng sẽ lựa chọn đúng người đức tài vào hệ thống chính trị của nước ta từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố như đồng chí Tổng Bí thư đã định hướng.
Chống lãng phí hiện nay đã là nhiệm vụ rất cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta. Nó không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, chính trị. Nó còn là cuộc cách mạng, vì nhận thức tư tưởng, của dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới. Mọi tổ chức và toàn thể đồng bào và chiến sỹ hãy hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương của Đảng, Nhà nước và có hành động thiết thực chống tham nhũng, lãng phí để xây dựng đất nước thịnh vượng.■
Nguyễn Hồng