Lực lượng Công an góp phần đảm bảo an ninh Tây Nguyên

Công an nhân dân là lực lượng vũ trang được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Gần 80 năm ra đời, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân (CAND) dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng và Nhà nước đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, để tích cực góp phần phát triển đất nước bền vững trong thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cán bộ, chiến sỹ CAND vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ ở mọi miền Tổ quốc, miệt mài cống hiến bảo đảm từ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hóa đến phòng chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Nhiều năm nay vùng đất ghi nhiều dấu chân của người chiến sỹ Công an lặng lẽ cống hiến là vùng đất Tây Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong trái tim của người chiến sỹ Công an. Dường như đối với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an từng công tác, làm việc, gắn bó với đồng bào Tây Nguyên, mỗi lần nhắc đến vùng đất cao nguyên này hẳn trong tình cảm của mình đều trào lên nhiều cảm xúc đặc biệt.

Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm về trước với những giá trị đa dạng, đặc sắc. Nguồn ảnh: Báo Lâm Đồng

Như nhiều người đã biết, Tây Nguyên là một vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và di sản văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, bảo đảm quốc phòng – an ninh đối với cả nước. Nói đến Tây Nguyên được xem như “nóc nhà của Đông Dương”. Đó là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, vùng đất có bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú. Những chiến sỹ Công an nào từng công tác, từng sống ở Tây Nguyên hẳn không thể nào quên không gian văn hóa riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ như Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, M-nông, B-râu, Chu-ru, Rắc-glay, Cơ-ho, Giẻ-triêng, Mạ, Rơ-măm và Xơ-đăng; và đến này đã có 53 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 52 DTTS với số lượng khoảng 2,2 triệu người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng.

Với vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục đặc biệt như thế, có thể nói vùng đất Tây Nguyên trong lịch sử đã ẩn chứa nhiều tác động đến an ninh, trật tự. Đối với lực lượng Công an, sứ mệnh bảo đảm an ninh, trật tự vùng đất này để phục vụ cuộc sống bình yên của bà con, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đất nhiều tiềm năng này được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ cao cả. Nhân ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân 19/8, chúng ta thêm một lần nữa nhìn lại sự cống hiến và hi sinh to lớn của lực lượng Công an đối với sự bình yên và phát triển của Tây Nguyên hôm nay.

Thứ nhất, Công tác quan trọng nhất sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà lực lượng Công an tiến hành là đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO.

Do tính chất đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên cả trong lịch sử và hiện đại, trong thời gian tiến hành xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây cũng như thế lực thù địch hiện nay luôn thực hiện âm mưu, thủ đoạn chia rẽ, chia cắt Tây Nguyên nhằm mục địch chống phá Cách mạng Việt Nam. Lực lượng Công an chúng ta đã nhận thức rõ được bản chất FULRO là lực lượng do đế quốc xâm lược tạo ra. Chính CIA là “bà đỡ” đảm bảo cho sự ra đời của một thế lực chính trị mới theo đúng ý đồ và sự sắp đặt của họ. Năm 1964, họ đã tạo dựng các phần tử dân tộc cực đoan thành lập tại Campuchia tổ chức “Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức” (Front Uni de Lutte des Races Opprimées, viết tắt là FULRO). Một nhánh FULRO gọi là Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên, tức Fulro Thượng, do Y Bham Ênuôl cầm đầu, chủ trương vận động Hoa Kỳ làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng hòa để họ được về Việt Nam hoạt động một cách chính thức; dùng bạo lực để thành lập một quốc gia tự trị của người Thượng trên cao nguyên.

Sĩ quan Mỹ huấn luyện cho binh sĩ FULRO năm 1964. Ảnh: William H. Chickering

Khi kết thúc chiến tranh vào ngày 30/4/1975, Mỹ cũng đã tính toán đến một kế hoạch hậu chiến lâu dài, trong đó có việc sử dụng lực lượng FULRO. Mỹ rút quân về nước nhưng vẫn cài lại lực lượng FULRO. Cho nên sau ngày thống nhất đất nước, FULRO hoạt động rất mạnh, manh động tấn công vào các buôn làng, tập kích các đoàn xe của ta, ám sát, bắt cóc cán bộ, gây nên tình hình mất an ninh, trật tự nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên. Từ đó về sau, các thế lực thù địch vẫn liên tục dùng thủ đoạn kích động, chia rẽ khối đoàn kết giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh, lừa bịp những người dân tộc thiếu số kém hiểu biết đi biểu tình, gây bạo loạn chính trị, đòi thành lập Nhà nước Đềga gây nên tình hình mất an ninh, trật tự nghiêm trọng ở các tình Tây Nguyên trong nhiều năm.

Thực hiện nhiệm vụ của mình, lực lượng Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước một phương án giải quyết toàn diên, triệt để vấn để FULRO. Thực hiện phương án truy quét FULRO, từ năm 1975 đến năm 1992, lực lượng Công an đã triệt phá những ổ nhóm FULRO ở các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăklăk, Đăknong kết hợp với gia đình Fulro kêu gọi chồng, con, em lẩn trốn ngoài rừng về hàng. Trong cuộc đấu tranh này, nhiều chiến sỹ Công an đã dũng cảm, mưu trí thâm nhập sâu vào hang ổ của  FULRO trong rừng sâu, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ “điều” được nhiều tên đầu sỏ vào thế trận của ta để bắt gọn, tránh đổ máu. Nhiều cuộc đấu trí diễn ra căng thẳng, kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng. Nhiều trận đọ súng quyêt liệt, nhiều cán bộ an ninh đã anh dũng hi sinh, trong đó có đồng chí hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tiêu biểu là Thiếu úy Lâm Văn Thạnh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, trinh sát thuộc Phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Lâm Đồng. Tình hình Tây Nguyên thời gian sau đó thực sự bình yên, người dân đoàn kết, phấn khởi lao động, sản xuất trên mảnh đất của mình. Trong cuộc đấu tranh này, lực lượng vũ trang và an ninh Công an đã bắt, gọi hàng hàng ngàn tên  FULRO, ngăn chặn nhiều vụ tập kích, phục kích, xóa bỏ các phiên hiệu  FULRO, đẩy trên 400 tên qua đường Campuchia xuất cảnh sang Mỹ. Cuối năm 1991 đã giải quyết cơ bản lực lượng vũ trang  FULRO ở Tây Nguyên.

Song từ cuối những năm 1990, Bộ Công an đã phát hiện nhóm FULRO lưu vong ở Mỹ do Ksor Kơk cầm đầu, được sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động nước ngoài, lập ra nhà nước  FULRO lưu vong, mang tên Chính phủ Đega – Đầu năm 2000, bọn đầu sỏ FULRO lưu vong đã bí mật liên lạc kích động đồng bào Tây Nguyên, đòi đất, đòi ly khai “tự trị” từ đó đã kích động, móc nối được một số tên FULRO phục hồi hoạt động, lợi dụng tâm lý dân tộc cực đoan, chúng đã lôi kéo đồng bào dân tộc gây ra nhiều cuộc khiếu kiện đòi trả lại đất đai ông cha (thực tế đất này họ đã bán cho các doanh nghiệp). Từ năm 1997 đến năm 2000 Bộ Công an đã tăng cường lực lượng lên địa bàn Tây Nguyên, loại trừ hàng trăm cuộc khiếu kiện đòi đất ở 4 tỉnh Tây Nguyên.

Tiếp theo đó, lực lượng Công an đã giải tán hai cuộc bạo loạn ở Tây Nguyên vào tháng 2/2001 và tháng 4/2004 do sự chỉ đạo của Ksor Kok kích động bạo loạn ở 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đăklăk, Đăknong. Việc giải tán 2 cuộc bạo loạn này đã ngăn chặn kịp thời việc ra đời Nhà nước phản động Đêga ở Tây Nguyên, đồng thời bắt giữ, vô hiệu hóa hoạt động của hàng trăm đối tượng cốt cán manh động trong hai cuộc bạo loạn.

Tháng 6/2023 lực lượng Công an đã triệt phá một nhóm khủng bố người dân tộc tấn công vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur huyện Cư Kuin, tỉnh Đăklăk. Tất cả nhóm khủng bố gồm 100 tên đã bị lực lượng Công an bắt gọn và bị truy tố trước pháp luật do tội ác của chúng gây ra.

Có thể nói cuộc đấu tranh giải quyết lực lượng FULRO của lực lượng Công an ở Tây Nguyên rất cam go và quyết liệt, kéo dài suốt trong thời gian 60 năm qua. Đó là cuộc đấu tranh chống cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù bằng sức mạnh tổng hợp, trong đó kết hợp giữa sức mạnh của quần chúng với biện pháp vũ trang, giải quyết tình hình xã hội và kinh tế. Lực lượng Công an đã làm tròn sứ mệnh của mình, đem lại hòa bình, ổn định cho vùng Tây Nguyên ngày càng phát triển, đồng bào các dân tộc ngày nay được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội.

Thứ hai, trong khi giải quyết lực lượng FULRO, lực lượng Công an đã đi sâu phân tích các cuộc biểu tình và bạo loạn ở Tây Nguyên. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẫn trong việc sử dụng đất giữa đồng bào dân tộc với các doanh nghiệp sử dụng đất, tư nhân mua đất để làm nông trại và mở rộng các nông trường và thực tế là mâu thuẫn giữa người Kinh và người dân tộc. Vấn đề tôn giáo, vấn đề phát triển đạo tin lành bất hợp pháp trên Tây Nguyên cũng tạo ra những xung đột rất lớn giữa người theo đạo và người phản đối. Bên cạnh đó, lực lượng chính quyền cơ sở không đủ sức để nắm bắt tình hình và xử lý các mâu thuẫn phát sinh từ trong đồng bào và từ đó đã bị bọn phản động thế chỗ để lôi kéo, tranh giành quần chúng và kích động chống lại chính quyền.

Lực lượng Công an đã bắt giữ, vô hiệu hóa hoạt động của hàng trăm đối tượng cốt cán manh động, giải tán hai cuộc bạo loạn ở Tây Nguyên vào tháng 2/2001 và tháng 4/2004 do sự chỉ đạo của Ksor Kok. Ảnh: CAND

Bộ Công an và Công an các tỉnh Tây Nguyên đã phân tích rất rõ các vấn đề nói trên và cho đó là nguy cơ dẫn đến mất ổn định và đã báo cáo kịp thời lên Ban Bí thư, lên Thủ tướng Chính phủ và những đề xuất để Đảng và Nhà nước có biện pháp xử lý kịp thời. Một điều quan trọng là những kiến nghị của Bộ Công an đều được Đảng, Nhà nước chấp nhận và đưa ra được những chủ trương, quyết sách kịp thời để đáp ứng cho đồng bào Tây Nguyên.

Cụ thể, để giải quyết vấn đề kinh tế, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 23-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg về giải pháp cơ bản phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên. Trong quyết đinh này, ngoài vấn đề hỗ trợ, trợ cấp về vật chất còn đi vào giải quyết các vấn đề đất đai cơ bản cho đồng bào dân tộc. Thu, mua lại đất của các doanh nghiệp dưới xuôi (người Kinh) để cấp lại cho đồng bào dân tộc. Giao đất giao rừng cho từng hộ dân tộc. Với những hộ không sử dụng ruộng đất mà điều kiện canh tác khó khăn thì giao rừng để họ chăm sóc, bảo dưỡng và các nông trường sẽ quản lý, đảm bảo đời sống cho họ. Nghị quyết cũng xác định rõ chỉ đạo khôi phục sản xuất cho đồng bào, cấp vốn, vay vốn cho đồng bào nhờ vào các chương trình ưu đãi thông qua ngân hàng. Nhà nước tiến hành nhiều công trình thủy lợi để cung cấp nước cho đồng bào, tưới nước và trồng rừng trồng cây công nghiệp, cà phê, hồ tiêu, những cây mang lại nguồn lợi lớn. Nghị quyết của Chính phủ cũng tạo mọi điều kiện thúc đẩy dịch vụ thương mại, đặc biệt là tạo ra một hệ thống chợ trên các địa bàn để mua bán sản phẩm giữa các vùng miền, thành lập các công ty để mua sản phẩm của đồng bào… Đối với vùng sản xuất, Chính phủ còn đầu tư rất lớn vào hệ thống điện nông thôn, kèm theo đó là phát triển mạng lưới thông tin truyền thông đến tận buôn làng.

Trong nhiều năm, nghị quyết đã đi vào cuộc sống và đã đáp ứng phần nào đời sống của đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc, chuyển mình mạnh mẽ. Đến nay Đảng và Nhà nước vẫn bổ sung rất nhiều nghị quyết để tăng cường đời sống cho người dân Tây Nguyên.

Đối với vấn đề phát triển đạo tin lành, đây là cuộc đấu tranh về tín ngưỡng rất quyết liệt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với sự tuyên truyền hấp dẫn của đạo tin lành, chỉ trong thời gian ngắn đã có đến hàng nghìn người ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum đi theo đạo tin lành và bỏ thói quen thờ cúng truyền thống. Bộ công an đã nắm được diễn biến tình hình phát triển đạo và coi đây là một xu hướng mà không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn cản.

Bộ Công an đã kịp thời báo cáo tình hình phát triển đạo nói trên với Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ để xử lý kịp thời vấn đề và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Dựa trên các điều luật về tự do tín ngưỡng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 về công tác đối với đạo tin lành, thì việc giải quyết tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên được cơ bản, trong đó xác định rõ tín ngưỡng là quyền tự do của đồng bào, có thể theo đạo hoặc không theo đạo. Tất cả người theo đạo tin lành phải đăng ký với chính quyền và phải được chính quyền chấp nhận. Mọi hoạt động sinh hoạt phải chấp hành đúng luật pháp. Nhà nước đảm bảo cho đồng bào theo đạo tin lành, tôn trọng nơi cầu nguyện bằng cách cho phép cấp đất làm nhà nguyện và phục hồi các hội thánh tin lành. Cho phép các mục sư được đăng ký hoạt động một cách công khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từ khi có nghị quyết của Chính phủ tình hình mâu thuẫn về đạo tin lành đã dịu đi và đồng bào sinh hoạt bình thường như tôn giáo khác. An ninh được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định hơn, xóa bỏ mặc cảm giữa người theo đạo và không theo đạo.

Trên đây là 2 vấn đề rất quan trọng, là kết quả tham mưu của Bộ Công an với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội an ninh ở Tây Nguyên, và phát triển ngày càng tốt đẹp như ngày hôm nay.

Vấn đề thứ 3: Trong giải quyết tình hình FULRO. Lực lượng công an đã thấy rất rõ cơ sở cách mạng cũng như cơ sở chính quyền ở Tây Nguyên không đáp ứng được với yêu cầu, không đủ trình độ để giải quyết các nhu cầu của quần chúng. Một trong những vấn đề chính là cán bộ người dân tộc còn thiếu, chính quyền cơ sở ở buôn làng, phần lớn do người Kinh nắm giữ, tạo ra tâm lý “bài Kinh” trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết và hỗ trợ để đảm bảo an ninh, Bộ Công an đã điều hàng nghìn cán bộ đến các buôn làng và ấp để giải quyết các vấn đề an ninh và kinh tế xã, làm chỗ dựa cho chính quyền để xử lý, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của quần chúng. Hoạt động này kéo dài trong nhiều năm liền, là chỗ dựa cho chính quyền vùng Tây Nguyên.

Để giải quyết cơ bản với cán bộ người dân tộc, Bộ Công an đã lập trường văn hoá ở Đắk Lắk để đào tạo con em cán bộ người dân tộc từ cấp Tiểu học đến cấp Trung học phổ thông. Sau hơn 10 năm trường đã đào tạo hàng nghìn con em dân tộc vào các trường Đại học và bổ sung lực lượng, đội ngũ cán bộ người dân tộc bổ sung vào các cơ quan Đảng, chính quyền các tỉnh, từ tỉnh đến xã, trong đó có cả Công an.

Tất cả tình hình trên đây cho thấy sự phát triển Tây Nguyên là kết quả phấn đấu của đồng bào của các dân tộc Tây Nguyên dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, lực lượng Công an với chức năng của mình cũng đóng góp một phần rất quan trọng vào thắng lợi đó, nhất là đem lại bình yên cho đồng bào Tây Nguyên để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo cuộc sống ngày càng được cải thiện như ngày hôm nay.■

Nguyễn Hồng

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN