Đầu tháng Hai vừa qua, Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu thông báo trong 12 tháng từ tháng 2/2023 đến hết tháng 1/2024, nhiệt độ toàn cầu đã tăng vượt 1,5 độ C (3,7 độ F). Các nhà khoa học cũng cho rằng đây là “cảnh báo với nhân loại”.
Với bão, hạn hán và cháy rừng tăng cao trên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra cộng với hiện tượng El Nino làm nóng bề mặt của vùng đông Thái Bình Dương, năm 2023 đã trở thành năm nóng nhất kể từ năm 1850. Theo Cơ quan này, hiện tượng này sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2024, đưa mức tăng nhiệt độ lên 1,52 độ C so với mức tiền công nghiệp hoá vào giữa những năm 1800.
Cùng với đó là hạn hán kéo dài ở rừng Amazon. Để thấy được mức độ nghiêm trọng của việc trái đất đã nóng lên vượt ngưỡng 1,5 độ C, chúng ta hãy xem xét rừng Amazon và bề mặt của đại dương.
Rừng Amazon: được coi là lá phổi của hành tinh chúng ta đang chịu nạn hạn hán kéo dài. Một báo cáo công bố ngày 24/1/2024 của Tổ chức Thời tiết Thế giới, mạng lưới quốc tế các nhà khoa học cho thấy hiện tượng trái đất ấm dần lên đang làm cạn nước các dòng sông trong rừng Amazon, gây ra cái chết của cá heo và buộc hàng triệu người ở khu vực này phải sống biệt lập. Theo báo cáo của Tổ chức này, việc đốt nhiên liệu hoá thạch đã tăng 30 lần khả năng xẩy ra hạn hán, tăng nhiệt độ dẫn đến mức nước ở các con sông này xuống đến mức thấp nhất kể từ khi được ghi lại cho đến nay. Hiện tượng trái đất ấm dần lên không chỉ giảm lượng mưa mà còn tạo ra sức nóng gây hiện tượng bốc hơi ở cây cối và đất, làm hạn hán nghiêm trọng hơn.
Tất cả chín nước nằm ở rừng Amazon, đặc biệt là Brazil, Columbia, Venezuela và Peru, đều bị hạn và các nhà khoa học cho rằng hạn hán ở những nước này sẽ còn khốc liệt hơn vào tháng Năm này.
Cuộc sống của người dân ở khu vực này ngày càng tồi tệ hơn. Họ phải tìm kiếm thức ăn, thuốc men và nhu yếu phẩm ở những nơi xa hơn. Nhiều người trong số họ phải kéo thuyền khỏi khu vực sông đã cạn nước để tiếp tục kiếm kế sinh nhai. Dọc sông Amazon, hoa mầu ngày càng dễ bị khô héo và cá dần biến mất. Do sông cạn nước, họ không thể đi lại bằng thuyền được và buộc phải xếp hàng dài dọc bờ sông chờ nhận hàng cứu trợ. Tồi tệ hơn, ở thành phố Manau, thủ phủ của bang Amazon, hai triệu người dân phải sống nhiều tháng trong khói bụi của cháy rừng.
Cũng theo nghiên cứu trên, mức nước thấp trên sông đã gây ra cái chết của 178 con cá heo hồng và xám năm 2023. Hàng ngàn loài cá khác cũng bị chết do mức oxygen trong nước sông quá thấp.
Rừng Amazon từ trước đến nay vẫn được coi là công cụ thiết yếu để đối phó với biến đổi khí hậu vì rừng hấp thụ lượng khí nhà kính rất lớn. Chính vì thế Regina Rodriguez, một nhà khoa học tham gia viết bản báo cáo, đã nói: “Chúng ta cần phải lo lắng đến sức khoẻ của rừng Amazon”. Ông còn nói thêm là khu vực rừng Amazon đã gánh chịu ba đợt hạn hán khác trong 20 năm vừa qua, nhưng đợt hạn hán hiện tại là chưa từng có và tác động đến toàn bộ lưu vực sông Amazon. Ở Brazil, các nhánh của sông Amazon đã cạn đến mức thấp nhất từ năm 1902, một số suối đầu nguồn đã cạn không còn nước.
Báo cáo cũng cho thấy hạn hán đã gây thêm cháy rừng và nạn cháy rừng cộng với biến đổi khí hậu và phá rừng đã đưa khu vực này đến đỉnh điểm và thảm thực vật của rừng sẽ bị khô cháy và rừng sẽ không còn tồn tại nữa.
Friederike Otto, nhà nghiên cứu khí hậu tại trường Đại học Hoàng gia London, một tác giả của bản báo cáo, cho biết: “Hiện tượng đang xẩy ra chỉ xuất hiện một lần trong 50 năm và chắc sẽ ít có khả năng xuất hiện trong thế giới tăng nhiệt độ chỉ ở mức 1,2 độ C. Nếu chúng ta tiếp tục những hoạt động làm ấm trái đất lên, thì hai hiện tượng kết hợp với nhau là mưa ít và nhiệt độ cao sẽ xẩy ra với tần số cao hơn”.
Với nhiệt độ trái đất tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chúng ta không thể tránh được những hiện tượng khí hậu cực đoan như nắng nóng gây chết người, mực nước biển dâng cao, lụt lội và cháy rừng.
Nhiệt độ đại dương ở mức kỷ lục: Theo báo cáo của Cơ quan phụ trách biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, nhiệt độ bề mặt của đại dương hiện là 20,96 độ C, mức cao nhất từ trước đến nay, đe doạ thời tiết, sinh vật biển và các cộng đồng sống ven biển.
Biển ấm lên có tác động đến sinh vật biển, đặc biệt là hoạt động di cư của một số loài và tạo điều kiện cho một số loài ngoại xâm (bệnh tật, ký sinh trùng, sinh vật không tồn tại ở địa phương đó). Tất cả những điều này có thể sẽ tác động xấu đến an ninh lương thực ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhiều nhà quan sát cho rằng nóng ở bề mặt là mối đe doạ trực tiếp đối với sinh vật biển. “Chúng ta đã thấy san hô bị tẩy trắng, đây là kết quả trực tiếp của việc bề mặt biển nóng lên và tôi nghĩ rằng còn có những tác động lớn hơn”.
Bề mặt đại dương ấm lên có tác động lớn đến hiện tượng trái đất ấm dần lên vì đại dương thường hấp thụ 90% sức nóng thái quá do con người tạo ra. Sức nóng này lại kết hợp với khí thải nhà kính nên càng có tác động mạnh hơn. Một yếu tố nữa là đại dương ấm lên làm khả năng hấp thụ CO2 thấp đi, rút ngắn chu kỳ đại dương ấm lên. Cộng vào đó là hiện tượng El Nino làm bề mặt của khu vực trung Thái Bình Dương nóng lên có thể sẽ xẩy ra vào cuối năm 2024 và có thể có diễn biến xấu trong những năm tiếp theo.
Tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tổ chức tại Paris năm 2015, 196 nước tham dự đã đề ra mục tiêu là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp hoá và cố “giảm xuống mức 1,5 độ C”. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu cho rằng thế giới đã bỏ qua cơ hội làm được như vậy. Một bài báo trên tờ Biến đổi khí hậu thiên nhiên số ra ngày 5 tháng Hai cho rằng: “chúng ta đang tiến đến mức tăng là 1,7 độ C vào cuối thế kỷ 21”. Đây thực sự là nỗi lo của nhân loại.
Trên thực tế, mối lo lớn nhất của loài người hiện nay là số người chết do trái đất ấm dần lên. Theo ước tính của Roger Hallam, nhà hoạt động vì môi trường và là thành viên sáng lập của tổ chức Chấm dứt dùng dầu mỏ, số người chết có thể lên đến hơn một tỷ. Ước tính lạc quan hơn cho rằng con số này chỉ khoảng 400 triệu. Dù sao chăng nữa đó cũng là những con số rất lớn đáng quan tâm.
Chính vì những lý do này mà Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nói: “Thế giới không thể trì hoãn, chậm ra quyết định hay có những biện pháp nửa vời”. “Điều cần thiết là chúng ta phải đoàn kết để hoạch định những giải pháp thực tế, thực tiễn và có ý nghĩa tương xứng với cuộc khủng hoảng khí hậu đang tồn tại”.
Ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, khí hậu cũng biến đổi bất thường, ngoài việc phải chịu nhiều cơn bão lớn đổ vào miền trung, tàn phá mùa màng và nhà cửa. Nhiều đợt nóng kéo dài xảy ra ở cả bắc trung nam, gây hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cây trồng và nước uống. Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều vùng ven biển ngập lụt bởi triều cường xâm nhập hàng năm và ngày càng gia tăng. Cùng với đó, xâm nhập mặn đối với các dòng sông ở các tỉnh nam bộ đến sớm hơn, kéo dài hơn là mối đe doạ to lớn đối với nền nông nghiệp của nước ta.
Những cảnh báo về nguy cơ làm cho trái đất ấm dần lên đã được gióng lên nhiều năm ở các hội nghị chống biến đổi khí hậu quốc tế (COP) nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt về nhận thức. Những đánh giá về nguyên nhân tác động đến biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia vẫn khác nhau. Vì những lý do này, các nước chưa tạo được sự thống nhất trong hành động chung quốc tế chống biến đổi khí hậu. Vì vậy việc giảm khí thải CO2 ròng bằng không vào năm 2050 sẽ có nhiều trở ngại.■
Phan Nguyên