Một vấn đề được cử tri cả nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm trong những ngày đầu năm 2024 là tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội Khóa XV, các đại biểu đã chính thức biểu quyết thông qua luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tín dụng và một số vấn đề quan trọng khác. Trong đó, Luật đất đai (sửa đổi) là luật được dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi thường nhật từ quá trình thảo luận dân chủ, có trách nhiệm của các phiên họp đến sự đồng thuận cao thông qua luật này. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng bậc nhất của Luật Đất đai (sửa đổi, Luật Đất đai 2024) đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong chặng đường sắp tới.
1. Có thể khẳng định, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp. Tầm quan trọng đến mức Dự án Luật Đất đai đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 04 kỳ họp, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.
Hơn thế nữa, việc dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xem xét thông qua tại phiên hợp bất thường là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Quốc hội. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống cũng như thái độ làm việc cẩn trọng của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.
Như chúng ta từng biết, vấn đề đất đai và công thổ quốc gia ở thời nào cũng trở thành vấn đề quan trọng bậc nhất của đất nước, dân tộc. Nhận thức được vấn đề đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước đã ban hành nhiều Nghị quyết và bộ luật pháp lý nhằm quản lý, khai thác đất đai được công bằng, hiệu quả, phát huy được giá trị to lớn tài sản quý giá nhất của quốc gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước đây Quốc hội đã ban hành Luật đất đai năm 2013, Chính phủ cũng đã kịp thởi ban hành nhiều Nghị định, quy định nhằm quản lý, xử lý nhiều vấn đề mới xuất hiện trong quá trình thi hành luật đất đai, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời gian. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề sử dụng và quản lý đất đại ở nước ta trong nhiều năm còn bộc lộ nhiều bất cập. Biểu hiện rõ nhất là còn xuất hiện nhiều mâu thuẫn, nhiều điểm nóng tranh chấp về quyến sử dụng đất diễn ra trong toàn quốc, mặc dù cấp Trung ương và các địa phương đã có nhiều giải pháp, biện pháp giài quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai nhưng xu hướng vẫn tăng lên theo thời gian gần đây. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong năm 2022 đơn thư khiếu nại vấn chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, chiếm tỷ lệ 64,4%; còn năm 2023, theo Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình, đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu liên quan đến lĩnh vực về quản lý đất đai, xây dựng, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, về công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về tranh chấp đất đai, về đòi lại đất cũ, về quản lý và vận hành nhà chung cư…Trong thực tế, nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai dẫn đến tụ tập đông người khiếu kiện, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự nói chung và tình cảm giữa những con người, thậm chí trong từng gia đình nói riêng, gây nên những chuyện nhức nhối trong xã hội. Một số những bất cập trong Luật đất đai trước đây còn bộc lộ những khoảng trống trong quản lý Nhà nước, nhiều cấp buông lỏng quản lý, để thất thoát, lãng phí tài sản đất đai, nhiều cá nhân và đơn vị lợi dụng chiếm dụng, đầu cơ đất gây bất bình đẳng và phức tạp trong hoạt động sử dụng, khai thác, quản lý đất đại của quốc gia… Đó là chưa kể tới những quy định chưa khoa học, thông thoáng để có thể mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác, kinh doanh về sử dụng đất đai hiệu quả với Việt Nam.
Trước tình hình đó, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua là một sự kiện lớn, có thể nói là tin vui đầu năm, đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của toàn dân. Có thể khẳng định Luật đất đai năm 2024 đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chúng có có thể thấy, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dư luận đều cho rằng việc thông qua luật Đất đai lần này đã thiết kể đồng bộ, phù hợp với nhiều luật khác, tránh được độ “vênh”, mâu thuẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần to lớn bảo đảm công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã huy động mọi nguồn lực với tinh thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước; là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.
2. Vậy những điểm mới nào của Luật đất đai 2024 được dư luận quan tâm đặc biệt?
Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, được nhiều nhà làm luật gọi là “luật khổng lồ” có lẽ không chỉ nói về số chương, điều trong thiết kế Luật mà còn nói về quy mô điều chính của Luật này. Bởi quan hệ pháp luật đất đai có tính chất rất đặc biệt so với các quan hệ kinh tế – xã hội khác. Nó luôn tồn tại lợi ích của 3 bên, Nhà nước, người sử dụng đất và người muốn tiếp cận đất. Và đôi khi lợi ích của 3 bên này không đồng nhất. Từ phía người muốn tiếp cận đất đai như doanh nghiệp chẳng hạn luôn mong muốn giá hợp lý nhưng người sử dụng đất phải nhường đất luôn mong muốn một giá rất cao, ngoài ra còn có vai trò của Nhà nước. Do đó, nếu như trong một quy định lại đặt lợi ích của một nhóm đối tượng này lên trên thì các đối tượng khác sẽ bị thiệt hại. Ngoài ra, quan hệ đất đai ở Việt Nam còn có tính chất lịch sử, văn hóa trong việc sử dụng đất của các vùng miền, các nhóm quan đối tượng cũng khác nhau. Làm sao chặt chẽ về pháp lý, hài hòa về mặt lợi ích, thuận lợi trong hợp tác với đối tác nước ngoài trong xu thế hội nhập là những đòi hỏi khắt khe đã được Quốc hội đáp ứng khi thảo luận thông qua Luật Đất đai năm 2024. Luật lần này có nhiều điểm mới so với luật đất đai 2013. Trên tình thần cơ bản, chúng ta có thể khái quát về một số điểm mới nổi bật sau đây.
Thứ nhất, theo nhiều nhà bình luận pháp lý thì vấn đề mới mẻ nhất được đề cập trong Luật Đất đai 2024 đó là vấn đề định giá đất như thế nào? Trước đây, giá đất được định giá 5 năm/ 1 lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường; tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường. Vì thế người sử dụng đất, người thuê đất mặc nhiên nộp tiền ổn định theo từng năm, ổn định trong 5 năm, mặc cho thị trường biến động như thế nào. Điều này là hết sức phi lý trong cơ chế thị trường, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo mảnh đất màu mỡ cho đối tượng đầu cơ, tích tụ, gom đất để chờ thời kinh doanh. Nay Luật mới quy định hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.
Thứ hai, vấn đề thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội hay vì lý do thương mại lâu nay đã gây nên nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội, xẩy ra nhiều cuộc khiếu kiện, thậm chí cả hiện tượng tụ tập đông người. Để đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong hoạt động thu hồi đất, lần này luật quy định Nhà nước không đứng ra, mà hai bên thu hồi và chuyển nhượng phải thương lượng, thỏa thuận. Và thứ hai, vấn đề quan trọng nhất là bồi thường cho người bị thu hồi đất hợp pháp phải trả theo giá thị trường. Làm được như vậy chính là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đối tượng được Nhà nước cho phép được thu hồi đất và người có quyền sử dụng đất tốt hơn, nên mẫu thuẫn, khiếu kiện, an ninh, trật tự được bảo, đương nhiên sẽ triệt tiêu sự bất hợp lý và tất nhiên sẽ triệt tiêu điều kiện gây ra mâu thuẫn. Sự thỏa thuận theo thị trường và theo pháp luật như thế đương nhiên đảm hài hòa lợi ích.
Thứ ba, vấn đề giao đất, cho thuê đất và chuyển quyền mục đích sử dụng đất, Luật quy định mới các trường hợp giao đất qua hoặc không qua đấu thầu; quy định các trường hợp cho thuê đất thì được trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt là vấn đề phân cấp thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đã phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền quyết định chấp nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Việc giao thẩm quyền quyết định cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải quyết những vấn đề lớn như trên nhằm bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng bảo đảm phát triển môi trường xanh, góp phần phát triển kinh tế xanh bền vững đất nước ta.
Thứ tư, đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoach sử dụng đất, tăng cường công khai, minh bạch. Trước đây luật quy định cấp trên hoàn thành quy hoạch trước, trên cơ sở pháp lý đó, cấp dưới được phân cấp lập quy hoạch sau chờ phê duyệt. Nhằm khắc phục tình trạng chờ đợi, tránh ngưng trệ sự phát triển, nay Luật Đất đai mới quy định các cấp được phân cấp quy hoạch đồng thời, tất nhiên tất cả quy hoạch đó “chạy đua” về thời gian và phải được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Nhằm khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, găm giữ đất, gây lãng phí việc khai thác phát triển nguồn đất, luật quy định việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch, theo đó khi các quy hoạch đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Thứ năm, đối với việc giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, lần này luật quy định chính sách đảm bảo sinh hoạt cộng đồng, giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số cả đất ở và đất sản xuất; quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bảo dân tộc thiểu số cũng như việc tạo quỹ đất và nguồn lực để thực hiện chính sách này. Điểu này thể hiện sự quyết liệt trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta đảm bảo phát triển kinh tế vùng miền núi, vừa tạo điều kiện vừa hỗ trợ để bà con dân tộc thiểu số phát triển cuộc sống trong điều kiện mới.
Thứ sáu, mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả kiều bào định cư sinh sống ở nước ngoài… Luật đã quy định rõ người Việt định cư ở nước ngoài có quyền lợi như người Việt ở trong nước. Lần này Luật mở rộng thêm đối tượng người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng có quyền lợi sử dụng đất như người Việt trong nước, được phép mua, thuê nhà, thuê đất kinh doanh, nhận quyền thừa kế rõ ràng hơn so với trước đây. Điều này thể hiện rõ chính sách bảo đảm quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tạo điểu kiện thuận lợi để huy động nguồn lực từ kiều bào ta gắn bó với Tổ quốc, tham gia đóng góp xây dựng Tổ quốc chung của mình.
Thứ bảy, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Luật sửa đổi lần này đã mang lại cho các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam sự rõ ràng và minh bạch. Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã quy định ngay cả các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quyền chuyển nhượng các dự án bất động sản tại Việt Nam, không phải qua tổ chức môi giới hoặc mượn danh trái pháp luật. Điều này sẽ mang lại cho các nhà đầu tư nước ngoài sự đảm bảo về sự tham gia bình đẳng vào thị trường đất đai, tạo ra một thị trường bất động sản sôi động, tạo môi trường công bằng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng bất động sản, và khiến Việt Nam tiếp tục trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tám, vấn đề dành nguồn đất nhằm xây nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp của cả nước là một bước đột phá trong chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện trong Luật Đất đai mới. Trong thực tế cuộc sống, khi đất nước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ hình thành đội ngũ công nhân, nhân viên lao động đông đảo trong các nhà máy, khu công nghiệp. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có gần 18 triệu công nhân lao động, tuy nhiên mới có khoảng 20% trong số này có nhà ở ổn định. Việc chưa có chỗ ở ổn định, dễ dẫn đến dịch chuyển lao động trong công nhân lao động, nhiều công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn. Điều kiện sống không đảm bảo, nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực. Trước đây trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai 2013 quy định rất chung chung, không có điều cụ thể nào về quy hoạch đất trong các khu công nghiệp phải dành ra phần để xây dựng nhà ở cho công nhân. Nay để công nhân, người lao động có nơi an cư, tích cực lao động góp phần xây dựng đất nước thì Nhà nước phải có chính sách tạo điều kiện để chủ lao động xây nhà cho công nhân là điều hợp lý. Riêng điều đó đã thổi không khí phấn khởi trong công nhân nói riêng và người lao động nói chung trong xã hội ta.
3. Nhìn chung, dư luận xã hội trong nước, kiều bào ta, người gốc Việt ở nước ngoài và dư luận doanh nghiệp, quốc tế bày tỏ thái độ phấn khởi, đồng thuận với Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua. Tuy nhiên, hiện cũng có ý kiến còn băn khoăn, cho rằng một trong những vần để quan trọng, nhạy cảm chưa thấy Luật đất đai mới đề cập, quy định rõ ràng hơn là vấn đề nguồn đất dành cho đất nghĩa trang, nghĩa địa, là vấn đề “nóng” hiện nay. Đây không chỉ là câu chuyện tâm linh mà là câu chuyện liên quan đến phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam và vấn đề môi trường. Người đã hi sinh trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, người mới từ trần ở nước ta có thể chôn cất theo truyền thống, hoặc có thể hỏa táng như hiện nay thì rốt cuộc đều có một phần đất dành để chôn cất hay lưu giữ tro cốt của họ. Vì vậy các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ cần quy định rõ vấn đề quy hoach di dời, bán loại đất có tính đặc thù riêng phục vụ an sinh xã hội.
Với tất cả những điểm mới, quan trọng của Luật Đất đai 2024, chúng ta tin tưởng rằng khi triển khai Luật vào cuộc sống, sẽ tạo nên niềm tin, niềm phấn khởi rộng rãi trong toàn xã hội; có tác động mạnh mẽ, thúc đẩy tích cực, sớm mang lại hiệu quả to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.■
Nguyễn Hồng