Dịch bệnh Covid-19: thay đổi cuộc sống

Lịch sử luôn cho thấy nhiều lần trong suốt lịch sử loài người, các đại dịch không kết thúc mà chúng còn vang vọng. Nếu như giãn cách xã hội chỉ là thay đổi tạm thời trong đại dịch; Hậu Covid-19, những thay đổi khác có sức bền lâu hơn và một số xu hướng mới mới bắt đầu xuất hiện.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng liên quan đến đại dịch Covid-19 đã chính thức kết thúc vào ngày 11/5/2023. Thực tế số ca nhiễm có xu hướng giảm dần, trên cả thế giới và Việt Nam. Nhưng, con số vẫn có thể tăng trở lại và số lượt nhập viện vì Covid-19 vẫn tăng giảm thất thường. Biến thể mới vẫn dễ lây lan hơn tuy chưa rõ có gây chết người nhiều hơn hay không. Các nhà khoa học cũng chưa xác định liệu có một sự gia tăng nghiêm trọng hơn trong tương lai hay không.

Thực tế này càng khiến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên toàn xã hội vẫn đang tiếp tục, để lại những dư âm lâu dài. Trên toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam, đại dịch đang tiếp tục làm xói mòn cơ cấu xã hội, làm các nền kinh tế bị gián đoạn, chia rẽ xã hội ngày càng sâu sắc, để lại những vết sẹo tâm lý và hậu quả chính trị lâu dài.

Một thực tế là các đại dịch trong lịch sử luôn khiến xã hội gặp bất ổn nghiêm trọng sau đó. Ví dụ, các làn sóng dịch tả ở châu Âu trong thế kỷ XIX đã làm gia tăng căng thẳng xã hội và góp phần làm gia tăng xung đột giai cấp. Xung đột lao động gia tăng mạnh sau đại dịch cúm năm 1918. Ngày nay, các quốc gia trên toàn cầu dường như cũng đang đối mặt với nhiều nguy hiểm và bạo lực gia tăng. Tỷ lệ giết người ở Hoa Kỳ vào năm 2020 và 2021 đã tăng gần 40%. Tội phạm liên quan tới bạo lực vẫn ở trên mức trước đại dịch. Các vụ xả súng hàng loạt đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Đại dịch không hoàn toàn là nguyên nhân, nhưng có thể là một yếu tố góp phần. Tại Việt Nam, nhiều vụ bắt cóc trẻ em tống tiền, giết người cướp của, thậm chí chặt xác dã man gây rúng động xã hội trong thời gian gần đây cũng là những ví dụ.

Những vụ xả súng trong thời gian gần đây ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Bỉ, Mỹ… là ví dụ về tình trạng bất ổn xã hội, bạo lực gia tăng. Ảnh: CNN

Về tình trạng việc làm, nhiều lao động trên khắp toàn cầu bỏ việc sau đại dịch. Nhiều người vẫn từ chối đi làm sau khi đại dịch qua đi. Họ chọn giải pháp tiếp tục làm việc ở nhà. Các tòa nhà văn phòng có ít nhân viên hơn. Thống kê ở Mỹ cho thấy, tại các khu vực đô thị lớn, số lượng người tới các các tòa nhà văn phòng làm việc vào tháng 2/2023 thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm 2020. Ngày càng có nhiều người Mỹ lựa chọn làm việc cho chính mình hơn là làm việc cho các tổ chức. Đây là một xu hướng toàn cầu, và điều này cũng đúng ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp không tìm được lao động bởi công nhân viên không quay trở lại làm việc như trước, mà tự làm công việc của riêng họ.

Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do tình trạng sức khoẻ tinh thần xuống cấp sau đỉnh dịch. Người đang mắc các chứng bệnh tâm lý nhiều hơn bao giờ hết. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần, trầm cảm tăng khoảng 25% so với trước khi có đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu từ CDC Mỹ, hơn 12% người trưởng thành được tư vấn sức khỏe tâm thần trong nửa đầu năm 2022, tăng từ mức 9,7% trong nửa đầu năm 2019. Cảm giác chán nản cuộc sống thể hiện rõ nhất ở giới trẻ Mỹ. Người từ 18 đến 34 tuổi gia tăng cảm giác trầm cảm thường xuyên, tỷ lệ này tăng từ 4,5% vào năm 2019 lên 6% vào năm 2022. Việt Nam cũng gặp tình trạng này. Tại Việt Nam, số người bị trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ. Vấn đề này càng tác động khiến tâm lý không muốn làm việc gia tăng, góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực cho nền kinh tế.

Một thực tế khác là việc kinh doanh nhà hàng, ăn uống gặp khó khăn hơn so với trước đại dịch. Người dân trên toàn cầu có xu hướng đi ăn ngoài ít hơn so với trước đại dịch. Thống kê của Placer.ai cho biết tại Mỹ, số lượt ghé thăm các nhà hàng thực tế vào tháng 2 năm 2023 thấp hơn 22% so với năm 2020. Các nhà hàng đã chuyển sang hình thức giao đồ ăn mang đi nhiều hơn. Khoảng 2/3 số người trưởng thành được khảo sát cho biết họ đặt đồ ăn để mang về hơn so với trước đại dịch. Tại Việt Nam, nhiều nhà hàng vẫn chưa tìm lại được đà tăng trưởng sau đại dịch. Nhiều nhà hàng đóng cửa chưa mở lại và các cửa hàng mặt phố vẫn khó tìm được người thuê lâu dài. Đây là những dư âm kéo dài của đại dịch Covid.

Tình trạng đói nghèo quay trở lại phức tạp hơn sau Covid-19. Ngay cả ở những nước lớn như Mỹ, thất nghiệp và chi phí thực phẩm tăng cao khiến đời sống người dân khó khăn. Ngày càng có nhiều người đói hơn. Theo FeedingAmerica.org, cứ 6 người Mỹ thì có một người dựa vào ngân hàng thực phẩm vào năm 2021 – tức là 53 triệu người, so với 40 triệu người trước đại dịch. Các tổ chức cứu trợ lương thực lớn lo ngại tình trạng mất an ninh lương thực sẽ tiếp tục gia tăng. Thực tế này cũng xuất hiện ở Việt Nam khi lao động ở các thành phố lớn cũng tiếp tục vất vả duy trì cuộc sống sau đại dịch. Sự kiện các thành viên của một nhóm kín trên mạng xã hội do túng quẫn nợ nần đã lập mưu cướp ngân hàng vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Việc các nhóm vỡ nợ tổ chức cướp ngân hàng có tổ chức là diễn biến hoàn toàn mới, rất đáng lo ngại nảy sinh một phần từ những hệ luỵ nghèo khổ của Covid.

Điểm sáng hậu Covid là nhu cầu đi lại của người dân tăng trở lại. Theo thống kê của Mỹ, 43% những người được Expedia Group khảo sát vào cuối năm ngoái nói rằng du lịch bây giờ quan trọng hơn đối với họ so với trước đại dịch. Số lượt đặt chỗ để đi du lịch đạt cao và du lịch quốc tế đang trên con đường đạt mức trước đại dịch vào năm 2023. Tuy vậy, các ngành kinh doanh giải trí và văn hoá vẫn tăng trưởng chậm. Rạp chiếu phim và buổi hòa nhạc vẫn chưa quay trở lại như trước. Số liệu của Placer.ai cho thấy tại Mỹ, số lượt ghé thăm rạp hát và địa điểm âm nhạc hàng tháng vẫn giảm khoảng 25% trong tháng 2/2023 so với tháng 2/ 2020. Lượng người đến rạp chiếu phim vẫn thấp hơn mức năm 2019. Tại Việt Nam, những ngành này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn và chật vật tìm lại chỗ đứng của mình.

Một thay đổi quan trọng khác hậu Covid là cách chúng ta chi tiêu. Mua sắm trực tuyến đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, trong khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng đang nỗ lực quay trở lại. Thương mại điện tử chiếm 14% tổng doanh số bán lẻ vào cuối năm 2022, tăng từ 11% vào năm 2019. Tại Mỹ, người dân mua sắm ở trung tâm thương mại ít đi. Theo Placer.ai, số lượt ghé thăm các trung tâm mua sắm trong nhà và đại lý vào tháng 2 năm 2023 đã giảm gần 20% so với năm 2020. Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng bứt phá cho thương mại điện tử. Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD. Có 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần mỗi tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, có 85% người tiêu dùng cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Xu hướng xem tin tức trên các kênh trực tuyến và mạng xã hội cũng trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Người dân giờ đây hầu hết theo dõi mạng xã hội, Youtube thay vì đọc báo và tạp chí giấy. Xu hướng này ngày càng bị Covid thúc đẩy khiến cho ngành công nghiệp báo chí và truyền hình truyền thống gặp khó khăn nghiêm trọng. Hầu hết các tờ báo chật vật để duy trì, thậm chí đóng cửa phá sản do số lượng phát hành và quảng cáo giảm mạnh.

Mua sắm trực tuyến đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, 85% người tiêu dùng cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh minh họa

Cuối cùng nhưng quan trọng không kém, Covid-19 khiến con người có xu hướng cô lập và ít gặp nhau hơn. Tại Mỹ, một nghiên cứu của Pew cho thấy vào tháng 5 năm 2022, 35% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cảm thấy rằng các cuộc tụ họp xã hội đã trở nên ít quan trọng hơn đối với họ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thời gian tương tác xã hội trực tiếp đã giảm đáng kể. Như vậy, các hoạt động giao tiếp xã hội trực tiếp chưa bao giờ hoàn toàn quay trở lại như trước, và đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang không gian trực tuyến. Hiện đang có xu hướng hình thành các cộng đồng nhỏ trên mạng xã hội, phản ánh mong muốn có tương tác cục bộ, ngay cả khi mọi người không thực sự biết nhau ở ngoài đời.

Tóm lại, mặc dù đại dịch Covid-19 đã suy giảm, những dư âm của nó vẫn đang khiến cuộc sống của con người thay đổi, nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh, sự bất ổn tâm lý gia tăng và hệ quả cuối cùng là tình trạng tội phạm và bất ổn chính trị lan rộng. Có thể phải coi những thay đổi này như một nguy cơ làm suy giảm kinh tế và đe doạ an ninh phi truyền thống và sẵn sàng có những giải pháp đối phó. Xu hướng toàn cầu này là một thực tế và Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Covid có thể còn gây ra những ảnh hưởng lâu dài và sự chuẩn bị để đối phó với những thay đổi này là cần thiết. Rõ ràng, đây là chuyển đổi mang tính chất chiến lược. Đảng và nhà nước cần nghiên cứu, đánh giá tỉ mỉ và hệ thống để đưa ra những quyết sách kịp thời, phù hợp với những biến đổi mang tính cách mạng hiện nay, vừa bảo tồn những giá trị truyền thống vừa tiếp thu những biến đổi tiên tiến của thời đại.■

Trọng Khang

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN