Kỷ nguyên thảm họa khí hậu đã tới

Hãy chuẩn bị cho một tương lai đầy rẫy hiện tượng thời tiết cực đoan

Cả hành tinh nóng như thiêu đốt trong mùa hè này, tháng 7 trở thành tháng nóng nhất kể từ khi các ghi chép về nhiệt độ bắt đầu được ghi nhận vào thế kỷ XIX. Thật vậy, các nhà khoa học khí hậu cho rằng đây có thể là tháng nóng nhất trong 120.000 năm qua. Tuy nhiên, với tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng, tháng 7 mới chỉ mang đến “hương vị” của sức nóng sắp tới. Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã đặt ra mục tiêu giữ nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu không tăng 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp để tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Tháng 7 vừa qua, nhiệt độ toàn cầu đã vượt mức trần giới hạn đó, dù chỉ trong thời gian ngắn. Gần 5.000 kỷ lục về nhiệt độ và lượng mưa cục bộ đã bị phá chỉ riêng ở Hoa Kỳ; trên toàn cầu, con số đã vượt quá 10.000. Và các nhà khoa học dự đoán rằng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Mặc dù các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã dự đoán sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy, nhưng gần đây một số người đã cảnh báo về tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng mặt. Sự bùng nổ đột ngột các nhiệt độ kỷ lục mang đến lời cảnh báo cho con người: Thích ứng hay là chết. Quy mô của các thảm họa khí hậu mà con người phải hứng chịu trong suốt năm nay tái khẳng định rằng việc các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách chỉ tập trung vào việc giảm nhẹ là chưa đủ – nói cách khác, chỉ phát triển các chiến lược nhằm giảm các chất ô nhiễm có hại thải vào khí quyển, bao gồm cả carbon dioxide và metan, là chưa đủ. Thế giới cũng phải quan tâm hơn đến việc thích ứng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và chính sách để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Nếu các chính phủ và các xã hội không có sự chuẩn bị đầy đủ thì tác động tai hại của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế và các cộng đồng trên toàn cầu. Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), dự kiến diễn ra từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), là thời điểm quan trọng để các quốc gia đưa ra mức chi phí thích ứng tương đương với giảm nhẹ trong chương trình nghị sự về khí hậu quốc tế. COP năm nay có thể mang lại một bước ngoặt cho các nỗ lực về khí hậu; Với những thảm họa thời tiết vẫn đang hoành hành khắp hành tinh, các chính phủ nên sẵn sàng thực hiện những hành động triệt để hơn những gì họ đã làm tại các hội nghị thượng đỉnh trước đó.

THÍCH ỨNG HAY DIỆT VONG

Chỉ riêng số liệu thống kê gây sốc về các đợt nóng không nói lên toàn bộ câu chuyện về tác động của khí hậu. Nhiệt độ cao hơn có nghĩa là lũ lụt nặng nề hơn, các đợt nắng nóng nóng hơn và kéo dài hơn, cháy rừng có sức tàn phá cao hơn, hạn hán sâu hơn và bão dữ dội hơn. Và mức độ nghiêm trọng cũng như kéo dài của nhiệt độ cao trong mùa hè này thật đáng kinh ngạc. Trong 31 ngày liên tiếp, thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ, đã ghi nhận nhiệt độ trên 43 độ C, làm nóng mặt đường đến mức khiến da người – và da vật nuôi – bị bỏng khi tiếp xúc. Nhiệt độ lên tới 50 độ C ở phía tây nam Iran buộc chính phủ phải tuyên bố nghỉ lễ vì trời quá nóng để làm việc. Vào tháng 8, Trại Hướng đạo sinh Jamboree được nhiều người mong đợi ở Hàn Quốc đã bị cắt ngắn do hàng trăm thanh thiếu niên đổ bệnh vì nắng nóng. Thời tiết ấm hơn, ẩm ướt hơn đã tạo điều kiện cho muỗi phát triển mạnh, đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất được ghi nhận đã quét qua Bangladesh, khiến hàng trăm người thiệt mạng và các nhà cung cấp dịch vụ y tế quá tải. Khói từ các vụ cháy rừng ở Canada đã tàn phá lãnh thổ có diện tích bằng Hy Lạp, buộc hàng triệu người Mỹ và Canada phải ở trong nhà để tránh bệnh hô hấp. Do gió mạnh, cháy rừng đã tàn phá đảo Maui của Hawaii, giết chết ít nhất 114 người, tàn phá hoàn toàn thị trấn lịch sử Lahaina và đẩy người dân địa phương ra biển để thoát khỏi ngọn lửa.

Những trận cháy rừng tàn khốc ở Hawaii, Mỹ, vào đầu tháng 8/2023 đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích. Ảnh: NYT

Lượng mưa cực lớn cũng đã để lại dấu vết hủy diệt trong mùa hè này. New Delhi có lượng mưa hơn 150mm trong một ngày vào tháng 7; lở đất và lũ quét chết người xảy ra sau đó. Tại Bắc Kinh vẫn thường khô ráo, một cơn bão tháng 7 khác đã gây ra lượng mưa lớn nhất trong 140 năm, gấp 4 lần lượng mưa trung bình của thành phố trong cả tháng 8. Và giữa một đợt nắng nóng gay gắt khắp châu Âu vào cuối tháng 7, người Ý đã chứng kiến trận mưa đá có kích thước gần bằng quả dưa vàng, với một viên đá có kích thước tới 20cm, lớn nhất từng được ghi nhận ở lục địa này.

Những sự kiện này gây ra tổn thất lớn về nhân lực và kinh tế. Nhà cửa bị phá hủy, trường học bị gián đoạn và chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Và chính con người đã tự gây ra đau khổ như vậy cho chính mình; Theo một phân tích của World Weather Attribution – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích dữ liệu để xác định biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào tới các hiện tượng thời tiết cực đoan – sức nóng tàn phá châu Âu và vùng tây nam Hoa Kỳ trong mùa hè này sẽ “hầu như không thể xảy ra” nếu con người không đốt nhiên liệu hóa thạch. Mối liên hệ nhân quả này đúng trên toàn cầu; Cũng theo World Weather Attribution, nhiệt độ cao kỷ lục ở Trung Quốc có khả năng xảy ra cao gấp 50 lần do biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Cho đến nay, các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu của các nhà lãnh đạo chính trị, các tập đoàn và nhà khoa học chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm ô nhiễm có hại do đốt nhiên liệu hóa thạch. Còn mặt khác của thách thức – là thích ứng hoặc chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết thảm khốc như đã chứng kiến trong mùa hè này – vẫn “thiếu nguồn lực, thiếu kinh phí và thường bị bỏ qua”, theo chủ tịch Ủy ban Thích ứng với Biến đổi Khí hậu của Vương quốc Anh. Những nỗ lực thích ứng – ví dụ như nâng cao các tòa nhà để tránh lũ lụt, khôi phục cơ sở hạ tầng tự nhiên như rừng ngập mặn để giảm nhẹ tác động của mực nước biển dâng, và đầu tư vào những lưới điện sẽ hoạt động được trong các điều kiện khắc nghiệt, dù là nóng, lạnh hay hạn hán – vẫn còn khiêm tốn ngay cả khi các thảm họa liên quan đến khí hậu ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Năm 2022, Liên hợp quốc kết luận rằng nếu không chú ý nhiều hơn, quy mô của các thảm họa liên quan đến khí hậu có thể vượt xa các nỗ lực thích ứng hiện có.

Ngoài việc đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 2 độ C (và tốt nhất là dưới 1,5 độ), Hiệp định Paris năm 2015 đã thiết lập Mục tiêu Toàn cầu về Thích ứng, nhằm “nâng cao năng lực thích ứng, tăng cường khả năng chống chịu và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu”. Trong những năm kể từ đó, các nhà hoạch định chính sách đã chú ý hơn đến các nỗ lực thích ứng, nhưng công việc của họ gặp nhiều rắc rối. Do tác động của các thảm họa khí hậu thường được cảm nhận rõ rệt nhất ở địa phương nên các giải pháp phải được điều chỉnh phù hợp với điều kiện từng địa phương, khiến việc nhân rộng các kế hoạch thích ứng quy mô lớn trở nên phức tạp hơn. Đo lường tiến độ thích ứng cũng khó khăn hơn so với giảm nhẹ; Chẳng hạn, việc tính toán lượng carbon không thải vào khí quyển sẽ dễ dàng hơn tính toán lượng thiệt hại không xảy ra do lũ lụt đã được ngăn chặn. Với những trở ngại này, các mục tiêu thích ứng toàn cầu vẫn còn mơ hồ. Mặc dù các quốc gia đã nỗ lực thiết lập và thực hiện các mục tiêu thích ứng sau COP26, nhưng các cuộc thảo luận này đã bị đình trệ do những bất đồng cơ bản về mục tiêu, định nghĩa và điều khoản tài chính. COP năm nay có mục đích thông qua một khuôn khổ nêu rõ hơn chiến lược toàn cầu về thích ứng với khí hậu.

CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU

Với những thảm họa chưa xa trong mùa hè vừa qua, COP28 có thể trở thành một bước ngoặt cho các nỗ lực thích ứng. Chưa bao giờ sức tàn phá của biến đổi khí hậu lại bộc lộ rộng rãi đến vậy trên toàn cầu và sự bùng nổ của các thảm họa do khí hậu gây ra đã khiến hàng tỷ người hiểu được trực diện về mức độ tàn khốc và tác động của chúng. Những trải nghiệm cá nhân về thảm họa khí hậu mà xã hội mới có được sẽ có thể, và nên, đóng vai trò là động lực thúc đẩy các nỗ lực thích ứng. Nhưng liệu thiên tai lan rộng có thúc đẩy các chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu, bao gồm cả việc thích ứng, hay không? Đó vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Trận lụt kỷ lục vào đầu tháng 8/2023 ở Trung Quốc. Ảnh: AP

Tăng cường các nỗ lực thích ứng là cực kỳ quan trọng. Chưa có quốc gia nào chuẩn bị đầy đủ cho biến đổi khí hậu, ngay cả những quốc gia đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực này. Ví dụ, Hà Lan là quốc gia dẫn đầu về thích ứng. Với hơn một phần tư diện tích đất nước đã thấp hơn mực nước biển, Hà Lan đã đầu tư để chuẩn bị cho tình huống lũ lụt xấu nhất. Tuy nhiên, ngay cả người Hà Lan cũng bất ngờ trước cái nóng kỷ lục của mùa hè năm nay, khi 39.000 người chết trong đợt nắng nóng kéo dài ba tuần vào tháng 6 – nhiều hơn 5% so với dự kiến trong cùng kỳ. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm biến 80% khu vực đô thị thành “thành phố xốp bọt biển” – tức là những thành phố được thiết kế để tăng khả năng hấp thụ và tái sử dụng nước mưa – vào năm 2030 cũng không thể chống chọi được với những đợt lũ lụt trong mùa hè này. Ngập lụt lan rộng, bao gồm cả khu vực Bắc Kinh, đã bộc lộ sự yếu kém trong nỗ lực phòng chống lũ lụt của Trung Quốc, khiến gần một triệu người buộc phải sơ tán. Tại Hoa Kỳ, số lượng những thảm họa được gọi là “thảm họa tỷ đô”, hay những thảm họa gây thiệt hại hơn một tỷ đô la, đã tăng vọt từ 6 vụ năm 2002 lên 18 vụ vào năm 2022. Chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ đã trải qua 15 thảm họa như vậy. Bất chấp sự tàn phá ngày càng leo thang, chính phủ Hoa Kỳ đã không xây dựng được một chiến lược thích ứng quốc gia, khiến nước này trở thành một ngoại lệ trong số các quốc gia phát triển; hầu hết các nước phát triển, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản và các nước trong Liên minh châu Âu đều áp dụng những chiến lược như vậy như những công cụ thiết yếu để quản lý rủi ro khí hậu.

Liệu COP28 có phải là bước ngoặt trong việc thích ứng hay không – cũng như trong vấn đề hạn chế khí thải, điều mà thế giới cũng chỉ đạt được những tiến bộ khiêm tốn – vẫn còn phải chờ xem sao. UAE đã đặt ra một chương trình nghị sự COP đầy tham vọng về tài chính cho khí hậu (quỹ cho các dự án nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu), bao gồm tăng gấp đôi số tiền được phân bổ cho hoạt động thích ứng cho đến năm 2025. Nhưng ngay cả khi tài chính cho thích ứng tăng lên, các yêu cầu tài trợ cho thích ứng nhìn chung vẫn còn khó khăn, trong đó thế giới đang phát triển cần khoảng 160 tỷ đến 340 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2030 để tài trợ cho các dự án thích ứng ở địa phương bao gồm quản lý nước, bảo trì đường bộ có khả năng chống chịu thời tiết và các chương trình an ninh lương thực. Tuy nhiên, cho đến nay, dòng vốn quốc tế dành cho hoạt động thích ứng vẫn còn ít, trị giá dưới 50 tỷ USD – chưa đến 10% số tiền hiện đang chi cho khí hậu nói chung. Và các khoản dành cho việc thích ứng hầu như hoàn toàn đến từ các chính phủ, phần lớn dưới dạng nợ, càng làm căng thẳng thêm tình hình tài chính ít ỏi của các quốc gia thiếu tiền mặt. Nhưng chỉ riêng tiền cũng sẽ không thể giúp các cộng đồng chuẩn bị sẵn sàng cho những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt lịch sử.

CƠN THỦY TRIỀU

Các chương trình nghị sự thích ứng hiệu quả cần phải vượt ra ngoài việc tìm kiếm nguồn tài chính, để vạch ra cách giảm thiểu sự tàn phá. Mùa hè vừa qua đã chứng minh rằng có một số lĩnh vực chính cần được quan tâm khẩn cấp, và các chiến lược thích ứng hiệu quả sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng khả năng chống chịu trước các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Đầu tiên, các chính phủ nên xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm. Các số liệu thống kê đã nói lên điều đó: chỉ cần thông báo trước 24 giờ về thảm họa sắp xảy ra có thể khiến thiệt hại giảm đi 30%. Cảnh báo sớm và dự báo được cải thiện sẽ cứu được nhiều mạng sống, như trường hợp Bangladesh. Khi bão Bhola tấn công nước Bangladesh ngày nay vào năm 1970, có tới nửa triệu người thiệt mạng. Trong 5 thập kỷ qua, Bangladesh đã tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm bao gồm các dự báo khí tượng được cải thiện, các nỗ lực truyền thông rộng rãi và các cập nhật về những cơn bão sắp xảy ra, cũng như một hệ thống nơi trú ẩn khi có lốc xoáy, trong đó có một số nơi được sử dụng luôn làm trường học. Những biện pháp này đã làm giảm hơn một trăm lần số ca tử vong liên quan đến lốc xoáy. Đầu tư vào việc dự báo chính xác hơn cũng có thể làm giảm số ca tử vong liên quan đến nắng nóng. Tại COP27, Liên hợp quốc bắt đầu xử lý thách thức này bằng cách đưa ra sáng kiến cảnh báo sớm, kêu gọi đầu tư 3,1 tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2027. Liên hợp quốc có thể phát huy công việc trước đây tại COP28 bằng cách đảm bảo triển khai kịp thời các hệ thống cảnh báo và mở rộng dịch vụ khí tượng trên toàn thế giới với sự tập trung đặc biệt vào châu Phi, nơi tụt hậu rất xa về khả năng dự báo.

Thứ hai, các quốc gia nên tăng cường khả năng ứng phó xuyên biên giới. Các thảm họa liên quan đến khí hậu thường mang tính quốc tế, nên việc phối hợp ứng phó thảm họa là điều cần thiết. Các chính phủ là láng giềng của nhau đã tỏ ra sẵn sàng hợp tác trong trường hợp xảy ra khủng hoảng; Khi lũ lụt tàn phá Slovenia vào đầu tháng 8, gây ra thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất từ trước đến nay ở nước này, Pháp và Đức đã gửi hỗ trợ vật chất bao gồm cả những cây cầu đúc sẵn để hỗ trợ ứng phó của Slovenia. Tương tự, EU đã gửi máy bay chữa cháy tới Síp khi quốc gia này đang bị tàn phá bởi cháy rừng, và Hy Lạp chia sẻ chất chống cháy. NATO cũng đã nêu gương tốt, đi đầu trong việc thể chế hóa hợp tác xuyên biên giới để ứng phó với thảm họa trước nguy cơ khí hậu ngày càng gia tăng có thể ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia thành viên. Vào năm 2022, họ đã triển khai 40 máy bay, bao gồm máy bay chữa cháy và trực thăng, để dập tắt các đám cháy ở Hy Lạp. Năm nay, họ đã thành lập một trung tâm an ninh và biến đổi khí hậu để hoàn thiện các chiến lược ứng phó ở Montreal, Canada. Nhưng cho đến nay, những nỗ lực xuyên biên giới như vậy vẫn còn lẻ tẻ và cần có sự phối hợp nhiều hơn để đảm bảo rằng nguồn tiếp tế, nhân sự và kiến thức được chia sẻ thích đáng.

Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách phải cam kết thu hẹp khoảng cách bảo hiểm: Đó là sự khác biệt giữa những gì cần được bảo hiểm trước thảm họa khí hậu và những gì thực sự được bảo hiểm. Trong số 360 tỷ USD thiệt hại toàn cầu do thời tiết khắc nghiệt gây ra vào năm 2022, bảo hiểm chỉ chi trả 39%. Điều đó có nghĩa là phần lớn tổn thất phải do các cá nhân, chính phủ và các tổ chức từ thiện gánh chịu thay vì các công ty bảo hiểm, đặt trách nhiệm phục hồi lên khu vực công và gây căng thẳng cho các nguồn lực của cộng đồng. Các khoản thanh toán bảo hiểm giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và giảm bớt việc các gia đình phải đưa ra những lựa chọn tàn khốc sau những thảm họa thiên nhiên lớn, như buộc trẻ em nghỉ học để đi làm hoặc bán những tài sản quý giá như hạt giống và gia súc để giảm bớt khó khăn về kinh tế.

Các giải pháp bảo hiểm đầy hứa hẹn được tài trợ bởi hoạt động từ thiện và viện trợ của chính phủ đang bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới. Những đổi mới này bao gồm việc thành lập các quỹ rủi ro khu vực ở Caribe và Châu Phi cũng như bảo hiểm nắng nóng chi phí thấp cho phụ nữ ở Ấn Độ để bù đắp số tiền lương bị mất khi nhiệt độ thiêu đốt khiến họ không thể làm việc. Các quốc gia phải dựa trên những chính sách bảo hiểm đổi mới này khi rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng. Ví dụ, các nhà hoạch định chính sách có thể mở rộng các chính sách cung cấp tiền trước bão để mọi người có thể đầu tư vào công tác phòng chống lũ lụt, hoặc đưa ra các biện pháp khuyến khích đầu tư vào việc giảm thiểu rủi ro thiên tai cho toàn cộng đồng, chẳng hạn như làm nhà cửa có khả năng chống cháy tốt hơn.

Hoa Kỳ phải đối mặt với một thách thức bảo hiểm đặc biệt gay gắt. Trong vài năm qua, nhiều công ty bảo hiểm tài sản đã rút khỏi những khu vực dễ xảy ra thảm họa do khí hậu hơn, chẳng hạn như California và Vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ. Khi phạm vi bảo hiểm của chủ nhà bị thu hẹp, nhu cầu cần chính phủ Hoa Kỳ can thiệp sẽ tăng lên. Đã có tiền lệ về việc chính phủ Hoa Kỳ can thiệp vào thị trường bảo hiểm thiên tai; Hơn 50 năm trước, sau khi bảo hiểm tư nhân rút khỏi thị trường bảo hiểm lũ lụt sau trận lụt lớn dọc sông Mississippi, chính phủ liên bang đã thành lập Chương trình Bảo hiểm Lũ lụt Quốc gia, một sáng kiến tiếp tục hoạt động mạnh trong tình trạng báo động đỏ.

Thứ tư, các chính phủ phải thay đổi mô hình ứng phó với thiên tai để ưu tiên giảm thiểu rủi ro hơn là khắc phục thảm họa. Bằng cách yêu cầu các công trình phải bền hơn, các chính quyền địa phương và quốc gia có thể giúp người dân quay trở lại cuộc sống nhanh hơn sau khi thảm họa xảy ra. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, cứ mỗi đô la chi cho các quy định xây dựng chặt chẽ hơn, sẽ tiết kiệm được 11 đô la chi phí khắc phục thảm họa. Ngược lại, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các quốc gia thường xuyên xảy ra cháy rừng chi tiêu cho việc chữa cháy rừng nhiều hơn 6 lần so với việc giảm thiểu rủi ro trước khi chúng xảy ra. Khi các đám cháy rừng do biến đổi khí hậu ngày càng lớn hơn và nóng hơn, thì việc phòng ngừa sẽ trở nên quan trọng hơn – chứ không phải việc khắc phục hậu quả. Một cách để thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp chủ động là gắn các nỗ lực giảm thiểu rủi ro với tiền của liên bang. Ví dụ, Hoa Kỳ có thể áp dụng một cơ chế nào đó giống như một khoản “khấu trừ thảm họa” – có nghĩa là sau thảm họa, những cộng đồng không đầu tư vào việc giảm thiểu rủi ro khi cho phép phát triển ở những khu vực dễ bị lũ lụt hoặc dễ cháy sẽ nhận được ít hỗ trợ của chính phủ hơn những cộng đồng đã tìm cách đầu tư giảm thiểu rủi ro từ trước bằng cách cải thiện việc sử dụng đất và xây dựng.

Những căn nhà nổi để thích ứng với mực nước biển dâng và lụt lội ở Hà Lan. Ảnh: Yanko Design

Thứ năm, các nước phải hợp tác đầu tư để tăng cường an ninh lương thực toàn cầu, vốn ngày càng bị đe dọa bởi thời tiết khắc nghiệt. Khoảng 42% lượng calo của thế giới đến từ gạo, lúa mì và ngô. Năng suất của những loại cây trồng này có thể sẽ giảm khi nhiệt độ tăng và các hiện tượng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, chẳng hạn như lũ lụt ở Pakistan vào năm 2022 khiến 1/3 đất nước chìm trong nước, tàn phá cây lúa và cây bông. Để tăng cường khả năng phòng vệ trước nạn đói lan rộng, thế giới có thể tăng cường đầu tư vào phát triển và phân phối các loại hạt giống chống chịu được khí hậu và các loại cây trồng ít tốn nước hơn. Các quốc gia cũng phải nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng nếu một trung tâm nông nghiệp gặp khó khăn thì sẽ có sẵn nguồn thực phẩm thay thế. Các quốc gia có thêm động lực để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, vì làm như vậy có thể sẽ tăng cường an ninh tổng thể; như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói, “Nếu chúng ta không nuôi sống người dân, chúng ta sẽ nuôi dưỡng xung đột.”

CHIẾN ĐẤU VỚI THẢM HỌA

Khi các nhà đàm phán chuẩn bị cho Hội nghị COP28, họ phải đối mặt với một thế giới đang rút lui khỏi Thỏa thuận Paris – cùng mục tiêu giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C. Tại cuộc họp năm 2023 của G-20, một nhóm gồm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, các cuộc đàm phán về cam kết giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 đã bị đình trệ. Trong khi đó, các công ty nhiên liệu hóa thạch đã rút lại các cam kết trước đó về giảm lượng khí thải sau khi thu được lợi nhuận kỷ lục trong cuộc chiến ở Ukraine – sự kiện đã nhấn mạnh lại tâm điểm chú ý vào an ninh năng lượng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong những năm gần đây, chưa đến 5% khoản đầu tư vào thăm dò và sản xuất của các công ty nhiên liệu hóa thạch được dành cho các nguồn năng lượng phát thải thấp. Nhưng năm nay, các tập đoàn này sẽ chi hơn 500 tỷ USD để phát triển các nguồn cung cấp dầu và khí mới. Trung Quốc, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, hiện đang xây dựng công suất than gấp sáu lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại. IEA dự đoán rằng năm nay có thể sẽ đạt gần mức kỷ lục toàn cầu hàng năm về tiêu thụ than được thiết lập vào năm ngoái. Trong khi đó, các nhà khoa học ở Hawaii đã ghi nhận một cột mốc đáng buồn vào tháng 5 khi đo được nồng độ CO2 trong không khí là 424 phần triệu, nồng độ cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự nóng lên của hành tinh phải luôn là trọng tâm trong các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế, bao gồm cả COP28. Giảm ô nhiễm có hại là cách duy nhất để tránh những tác động tồi tệ nhất của khí hậu. Nhưng các nhà đàm phán phải mở rộng bước đi này để bao gồm cả việc thích ứng và đảm bảo rằng hai cách tiếp cận này thực sự đi đôi với nhau. Tác động của biến đổi khí hậu đã hiện hữu ở đây và chúng đang tàn phá các cộng đồng trên khắp thế giới. Có một số thảm họa mà hành tinh này không thể tránh khỏi được nữa; chỉ bằng cách chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất cũng như nỗ lực chống lại nó, nhân loại mới có thể giữ được an toàn cho mình.■

Alice Hill

                                        Minh Thư (dịch)

(Nguồn: ForeignAffairs)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN