Biến đổi khí hậu và thiếu hụt điện năng

Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện xa vời đối với cuộc sống mỗi người dân. Vấn nạn này đang ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi người. Sự nóng lên của trái đất hiện hữu mỗi ngày, trong mùa hè này. Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm ở Đông Nam Á, năm nay, nhiệt độ lên tới đỉnh điểm, đạt đến mức chưa từng có trước đây ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Trong khu vực, Thái Lan chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử ở mức 45,4 độ C vào ngày 15 tháng 4, trong khi nước láng giềng Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C trong hai ngày liên tiếp vào tháng 5. Kỷ lục mọi thời đại về nắng nóng ở Việt Nam đã bị phá vỡ vào đầu tháng 5 với mực nhiệt lên tới 44,2 độ C, theo số liệu của nhà khí hậu học Maximiliano Herrera.

Herrera mô tả đó là “đợt nắng nóng không hồi kết kinh khủng nhất” tại Đông Nam Á, hiện kéo dài sang tháng Sáu và tháng Bảy. Vào ngày 1 tháng 6, Việt Nam đã phá kỷ lục về ngày tháng 6 nóng nhất trong lịch sử với mưc nhiệt 43,8 độ C.

Báo cáo gần đây của World Weather Attribution (WWA), một liên minh các nhà khoa học quốc tế về khí hậu, cho biết đợt nắng nóng tháng 4 ở Đông Nam Á là sự kiện 200 năm mới có một lần và “hầu như không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu. Phân tích của CNN về dữ liệu khí hậu Copernicus cho thấy từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, tất cả sáu quốc gia ở phần lục địa của Đông Nam Á đã đạt đến nhiệt độ cảm nhận được gần 40 độ C trở lên mỗi ngày. Đây là trên ngưỡng được coi là nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người không quen với nhiệt độ quá cao.

Tại Việt Nam, nắng nóng gây ra một hệ luỵ khác, đó là sự thiếu hụt năng lượng trên diện rộng ở miền Bắc. Nắng nóng nhiều ngày hơn mức trung bình trong các năm qua tại miền Bắc và Trung khiến mực nước ở các hồ thuỷ điện xuống thấp, xuống xấp xỉ và dưới cả mực nước chết (mực nước tối thiểu để vận hành phát điện). 5 nhà máy thủy điện ở miền Bắc phải dừng phát điện ngày 8 tháng 6 gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang. Đây là nguyên nhân chính khiến miền Bắc mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể thiếu 50,8 triệu kwh.

Hồ thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ nằm ở xã Yên Na (huyện Tương Dương, Nghệ An) có dung tích hồ chứa nước lên đến 1,8 tỷ m3, nhưng đang thiếu nước trầm trọng. Ảnh: PVN

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết có hai yếu tố dẫn tới tình trạng các hồ thuỷ điện khô cạn như trên. Thứ nhất, từ tháng 4, lượng mưa ở miền Bắc đã thiếu hụt khoảng 30-70% so với trung bình nhiều năm. Thứ hai, năm nay nắng nóng diện rộng ở miền Bắc xuất hiện sớm từ tháng 4 với nhiều kỷ lục nhiệt độ. Tại Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nóng đến 41,4 độ C vào ngày 22/3, cao hơn kỷ lục cũ năm 1996 tới 3,3 độ. Tương Dương (Nghệ An) đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử đo đạc tại Việt Nam là 44,2 độ C. Cả hai yếu tố nói trên đều liên quan tới nắng nóng kéo dài như phân tích của các nhà khoa học quốc tế.

Nắng nóng gây thiếu điện và hơn thế, nắng nóng càng khiến người dân phải bật quạt và điều hoà ngày đêm, dẫn tới mức tiêu thụ điện nhiều hơn. Tại Hà Nội, lượng tiêu thụ tăng vọt trong tháng 5 và đầu tháng 6. Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 4/6, mức tiêu thụ bình quân đạt đỉnh gần 88,5 triệu kWh.

Hệ quả của thiếu điện là cơ quan điện lực phải cắt điện diện rộng. Cắt điện trong mùa hè này diễn ra ở nhiều khu vực phía Bắc, cắt luôn phiên cả ngày lẫn đêm nên ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân và doanh nghiệp. Người dân chịu nóng nực do thiếu điện gây tâm lý bất ổn, tạo ra làn sóng bất bình ngầm trong nhân dân, có thể ảnh hưởng tới an ninh trật tự trong tương lai. Trên bình diện kinh tế xã hội, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu điện dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng.

Việc cúp điện thời gian qua khiến năng lực sản xuất của doanh nghiệp giảm. Mất điện cũng khiến các chi phí khác của doanh nghiệp tăng. Nhiều nhà sản xuất kêu ca việc phải cho công nhân nghỉ sản xuất do thiếu điện trong khi doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương. Nhiều doanh nghiệp FDI lớn cũng khốn khổ khi sản xuất đình đốn, chi phí gia tăng do điện không ổn định. Hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam đang chịu cảnh mất điện 2-3 lần mỗi tuần, khiến doanh nghiệp không thể sản xuất, đơn hàng bị chậm trễ. Hiệp hội đại diện cho gần 10.000 doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thiệt hại không nhỏ này khiến cộng đồng doanh nghiệp FDI bất bình và có thể dẫn tới làn sóng FDI vào Việt Nam bị chững lại.

Công nhân chia ca làm việc để đối phó với tình trạng cắt điện. Ảnh minh họa

Tình trạng thiếu điện hiện nay cho thấy một số vấn đề căn bản mà Việt Nam đang đối mặt. Thứ nhất, biến đổi khí hậu chưa thực sự được tính toán như một nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống và chưa có tổng thể các phương án để phòng ngừa những hệ quả của nó lên tất cả các mặt, trong đó có an ninh năng lượng. Nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài và dự kiến còn tăng cao hơn trong những năm tiếp tới. Như vậy, câu chuyện thiếu hụt của năm nay có thể lập lại nếu Việt Nam không chuẩn bị ngay từ bây giờ những giải pháp thay thế. Thủy điện hiện vẫn chiếm khoảng 43% cung ứng điện tại miền Bắc tính đến tháng 5. Những hiện tượng thời tiết cực đoan khiến các hồ thủy điện lớn cạn nước sẽ lặp lại và sẽ tiếp tục gây thiếu điện bởi miền Bắc phụ thuộc rất lớn vào thuỷ điện. Việt Nam ứng phó tổng thể thế nào là bài toán cần được giải đáp tổng thể.

Thứ hai, nếu miền Bắc không có thêm các nguồn điện mới, thiếu điện sẽ tiếp diễn, và như vậy, không thể đổ hết lỗi cho thời tiết. Thực tế, vấn đề này đã được cảnh báo từ lâu. Các chuyên gia năng lượng đã nói nhiều tới việc miền Bắc không có thêm các nguồn điện lớn có tính ổn định trong 5 năm trở lại đây, gây ra tình trạng cấp điện theo kiểu “ăn đong”. Miền Bắc là khu vực có tốc độ tiêu thụ điện năng cao nhất cả nước, bình quân tăng 9,3% một năm trong 2016-2020, tương ứng gần 6.000 MW. Trong khi đó, tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm. Hầu hết dự án nguồn điện lớn chậm triển khai, vận hành như dự án Na Dương I, Hải Phòng III, Cẩm Phả III…. Các dự án này gặp khó khăn trong thủ tục lập dự án, chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn hay giải phóng mặt bằng, tạo nguy cơ thiếu nguồn điện cho toàn hệ thống. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ việc này trong ý kiến tổng thể về quy hoạch điện VIII. Nhưng vấn đề này chưa được khắc phục, việc phát triển các nguồn điện mới cho phía Bắc vẫn chậm hơn nhu cầu tiêu thụ điện năng tại khu vực này.

Thứ ba, năng lực của hệ thống truyền tải và lưới điện cũng là một vấn đề, gây sức ép hơn tới cung ứng điện tại miền Bắc. Đánh giá tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương thừa nhận lưới điện vận hành còn nhiều khó khăn. Phần lớn các dự án truyền tải chậm tiến độ một vài năm do vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng. Thời gian đầu tư xây dựng lưới truyền tải mất vài năm, trong khi thực thi dự án điện tái tạo chỉ 3-6 tháng là xong nên tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn so với tốc độ phát triển nguồn điện tái tạo. Bên cạnh đó, sự phân bổ không đều nguồn điện cũng là vấn đề. Nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam – những khu vực hiện không có nhu cầu điện cao như miền Bắc. Mất cân bằng cung – cầu theo vùng miền tạo ra tình trạng bất cân xứng, bất hợp lý trong lĩnh vực năng lượng. Thực tế này đặt ra câu hỏi về quy hoạch năng lượng tái tạo, chỉ quan tâm tới lưới điện cục bộ của từng dự án mà thiếu cái nhìn tổng thể về bức tranh hệ thống điện theo miền, theo khu vực. Hệ quả là nhiều dự án điện tái tạo ở miền Trung và miền Nam không được đấu nối vào lưới điện, trong khi miền Bắc vẫn thiếu điện. Nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng điện tại miền Bắc vẫn thiếu.

Từ các vấn đề thực tế như trên, một số giải pháp trước mắt và lâu dài cần được tính tới để khắc phục tình trạng thiếu điện trong thời gian tới và những năm tới.

Trong ngắn hạn, với tình hình cấp bách cung ứng điện cho miền Bắc hiện nay, có thể tăng cường năng lực truyền tải trên đường dây 500 kV Bắc – Nam như đang làm, để đường dây này vận hành ở mức cao nhất, tối đa 2.500 MW. Ngoài ra cần huy động tối đa các nguồn trong nước, đẩy nhanh đưa các dự án điện tái tạo chuyển tiếp vận hành. Có thêm 10-12 triệu kWh mỗi ngày từ Trung Quốc và Lào cũng là một giải pháp của Bộ Công Thương. Tỉ trọng điện nhập khẩu này chỉ chiếm khoảng gần 2,7% so với sản lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc 445-450 triệu kWh một ngày, nhưng cũng giải toả một phần nhu cầu điện miền Bắc. Việc Chính phủ kêu gọi người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện tối đa trong mùa nắng nóng năm nay cũng là một giải pháp giúp Hà Nội và các tỉnh lân cận vượt qua thời điểm khó khăn này.

Trong dài hạn, đẩy nhanh các dự án nguồn điện mới và mở rộng lưới điện, mới là các giải pháp căn cơ và bền vững hơn. Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng phê duyệt là cơ sở để các dự án nguồn điện, lưới điện triển khai. Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhưng cần có kế hoạch hành động để đẩy nhanh các dự án thuỷ điện đang ách tắc, cho triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đang chờ thủ tục pháp lý và nhanh chóng đấu nối những dự án năng lượng tái tạo tốt vào lưới điện quốc gia.

Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới đạt 2.600 MW đến 2030. Loại nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp. Chính phủ có thể sớm đưa ra cơ chế, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà để người dân miền Bắc tự túc dùng cho nhu cầu dùng điện tại chỗ của hộ gia đình. Đây cũng là một trong số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện 2023 và các năm tiếp theo.

Rộng hơn, bài toán điện năng hiện nay là hệ quả của nguy cơ mất an ninh năng lượng do biến đổi khí hậu đem lại. Sẽ còn nhiều tình thế bất thường khác ở nhiều lĩnh vực nảy sinh từ thực tế biến đổi khí hậu này. Thời điểm này là lúc Chính phủ đánh giá lại toàn diện về kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, để đưa ra những kịch bản hợp lý nhất cho từng tình huống, trong đó an ninh năng lượng chỉ là một vấn đề trong một bức tranh rộng lớn hơn, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân và sự hỗ trợ quốc tế trong nhiều năm tiếp tới.■

Bình Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN