Hoàn thiện bản thân giữa thế giới biến động

Tình hình thế giới hiện nay đang có sự biến đổi hết sức nhanh chóng với nhiều quy tắc đã bị phá vỡ, nhiều trật tự bị đảo lộn. Chiến tranh, mâu thuẫn, xung đột, các lệnh trừng phạt, cấm đoán… gia tăng khắp nơi, mọi “luật chơi” đều đã thay đổi khi cán cân quyền lực liên tục nghiêng về các cực khác nhau của thế giới, và ngay cả những nguyên tắc cơ bản do Liên hợp quốc đề xuất cũng bị lung lay và không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Song hành với sự biến động khôn lường của thế giới, tình hình nội bộ đất nước ta cũng có nhiều thay đổi. Các hệ giá trị chuẩn mực trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay cũng đang có nguy cơ bị thách thức bởi những hiện tượng, vấn đề mới. Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này vừa mang tính khách quan, vừa có phần chủ quan. Dễ nhận thấy, bên cạnh những yếu tố mới phù hợp với sự phát triển chung, cũng tồn tại rất nhiều yếu tố không phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước. Đặc biệt, thời đại bùng nổ công nghệ thông tin khiến chúng ta buộc phải nhận thức lại về các hệ giá trị làm nền tảng cho xã hội Việt Nam hôm nay.

Có thể nói, trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung, chưa bao giờ xuất hiện và nảy sinh nhiều luồng tư tưởng, khát vọng và mục tiêu đa dạng đến vậy. Tính phong phú, phức tạp này hiển thị rõ nét, sinh động nhất trong đời sống vật chất và tinh thần của giới trẻ. Rất nhiều hiện tượng tâm lý, thái độ và hành vi ứng xử chưa từng có tiền lệ đã và đang trở thành xu hướng chung của những người trẻ trong xã hội Việt Nam hiện tại. Từ các cách diễn đạt mới, từ ngữ mới, trào lưu, nghề nghiệp mới như sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cho đến “hội chứng” khát khao sự nổi tiếng, làm đủ mọi cách để đánh bóng tên tuổi cá nhân… đều là những hiện tượng lạ mà các nhà quản trị đất nước, các nhà  nghiên cứu cho đến những người hoạch định chính sách… cũng chưa thể nắm bắt và tìm hiểu một cách kĩ lưỡng, sát sao. Trên thực tế, những hiện tượng này đều có những điểm tích cực và tiêu cực riêng, nên chúng ta chưa thể ngay lập tức đưa ra một chuẩn mực, một hệ tiêu chí mới để đo đạc và đánh giá được.

Trong khi đó, mọi hoạt động của đất nước vẫn phải được đảm bảo duy trì ổn định và diễn ra như bình thường. Mọi ngành nghề, lĩnh vực xã hội vẫn phải tiếp tục đà phát triển và vận hành một guồng quay đều đặn theo từng phút, từng giây. Trong khi các nhà giáo dục còn đang loay hoay tìm kiếm một triết lý giáo dục vững chắc, ổn định làm kim chỉ nam cho nền giáo dục quốc gia, học sinh vẫn phải đến trường, giáo viên vẫn phải lên bục giảng.  Hệ thống giáo dục vẫn phải duy trì hoạt động mỗi ngày, ngay cả khi chưa tìm ra lối đi riêng. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với ngành y tế. Hệ thống y tế quốc gia vẫn phải hoạt động hết công suất để cứu chữa cho các bệnh nhân; đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ… trên khắp cả nước vẫn phải sử dụng thuốc men và các dụng cụ, máy móc, trang thiết bị y tế… nhằm đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, tính mạng của người dân. Trên góc độ vĩ mô, bất kể vấp phải khó khăn, trở ngại ra sao, cuộc sống cũng vẫn phải vận hành. Các giá trị vật chất, tinh thần của đất nước phải không ngừng được sản sinh và ứng dụng để phục vụ cho đời sống nhân dân mỗi ngày. Do đó, con người phải lao động, tạo ra sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực, góp phần vận hành guồng quay khổng lồ của đời sống thường nhật.

Như vậy, về bản chất, quy luật tồn tại của xã hội là sự tự điều chỉnh, tự đào thải những giá trị tiêu cực và củng cố các giá trị tích cực, các hành vi chuẩn mực của con người sao cho phù hợp với quy luật vận hành và tốc độ phát triển không ngừng của nó. Bởi vậy, mặc dù xã hội cởi mở, đa dạng và biến động với nhiều hệ giá trị là vậy, song lúc nào nó cũng có khả năng đi vào trật tự, quy củ dưới sự điều tiết của các chế tài luật pháp, các văn bản nghị quyết, thông tư… Nói cách khác, mọi nỗ lực của hệ thống quản trị đất nước trong những năm vừa qua là nhằm ổn định tình hình nội bộ và duy trì  trật tự, cân bằng xã hội.

Cơ quan chức năng làm việc với Phạm Đức Tuấn (TikToker Nờ Ô Nô) do những hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” trên mạng xã hội, ngày 29/11/2022. Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM

Tuy nhiên, xung quanh những cơ chế này cũng xuất hiện hàng loạt các ý kiến trái chiều, phản đối lẫn đồng tình, lên án lẫn tán thành… Tất cả đã tạo ra một tinh thần phản biện cởi mở và đa dạng chưa từng có trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay. Một mặt, ta có thể xem đây là thành quả tiêu biểu của quá trình hội nhập toàn diện và sâu rộng của đất nước kể từ sau thời kì Đổi Mới, là cơ hội để đất nước ta phát triển từ giải quyết các mâu thuẫn theo nguyên lý mà chủ nghĩa Marx là kim chỉ nam. Song mặt khác, sự biến động, phức tạp này cũng chính là một thách thức to lớn buộc chúng ta phải tìm ra những giải pháp có tính bước ngoặt nhằm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa cái cũ và cái mới trong xã hội, từ đó đưa đất nước vượt qua được chặng đường chuyển giao đầy hứa hẹn mà cũng đầy chông gai sắp tới.

Đứng trước thực tế phức tạp này, chúng ta cần phải bình tĩnh quan sát để tìm cách điều chỉnh lại nhận thức, lối sống của mình sao cho phù hợp với tình hình thực tế của xã hội, thay vì mù quáng nghiêng hẳn về một thái cực mà sao nhãng những giá trị khác. Bởi lẽ, sự cân bằng mới chính là trọng tâm vững vàng nhất cho việc ổn định và phát triển quốc gia lâu dài. Do đó, khi chưa thể hình thành ngay được một nhận thức đúng đắn về bất cứ một vấn đề nào mới phát sinh, chúng ta nhất định phải giữ được sự bình tâm, tỉnh táo để nhìn nhận, suy ngẫm về nó sao cho thấu đáo. Trước một hiện tượng mới bao giờ cũng sẽ có người khen, người chê, có người nghe những lời tán dương mà hài lòng, an phận; có những người lại phản ứng một cách dữ dội, thậm chí tàn bạo, trước những sai lầm của người khác, hoặc lợi dụng một vấn đề từ người khác mà dấy lên những phản ứng tiêu cực trong cộng đồng nhằm mưu lợi cá nhân… Điều này đòi hỏi con người phải cẩn trọng trong mọi suy nghĩ, hành động và không ngừng hoàn thiện bản thân để trở thành một cá nhân tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng, phát triển một Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Trước hết, mỗi người cần củng cố lòng tin vào những giá trị cơ bản dân tộc ta đã tạo ra và hoàn thiện nhận thức về những giá trị tốt đẹp trong đời sống. Chỉ khi chúng ta xây dựng được cho mình một lòng tin vững chắc vào những truyền thống quý báu của dân tộc, vào sự ổn định, hoà bình của đất nước, tin tưởng những người lãnh đạo do nhân dân bầu ra; thì chúng ta mới có đủ sự bình tĩnh để xây dựng cho mình một nhận thức đúng đắn về tình hình xã hội, dám lên tiếng ủng hộ lẽ phải và chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trên tinh thần tiến bộ, văn minh. Việc giữ vững được tinh thần lạc quan, lòng tin tưởng sâu sắc vào những giá trị đúng đắn sẽ giúp ta nuôi dưỡng được một tâm thế vững vàng, điềm tĩnh, biết xem xét kĩ lưỡng mọi điều kiện, hoàn cảnh trước khi đưa ra quyết định. Bởi lẽ, giữa tình hình biến động với vô vàn những vấn đề chưa từng có tiền lệ như hiện nay, đã và đang tồn tại rất nhiều hiện tượng tưởng như đi ngược lại các tiêu chuẩn cũ. Song đứng trước những hiện tượng ấy, chúng ta không nên phủ nhận tức thì mà cần phải quan sát, nhìn nhận, suy ngẫm thật kĩ trước khi đưa ra quyết định ủng hộ hay không ủng hộ. Thực tế cho thấy, nhiều hiện tượng mới ban đầu bị lên án quyết liệt, song dần dần lại đi vào đời sống xã hội, tồn tại như một phần tất yếu mà con người không thể phủ nhận được. Do đó, chúng ta cần phải điều chỉnh lại nhận thức và hành vi của mình, tránh việc phê phán một cách gay gắt, thiếu chín chắn, thiếu sự điều tra, khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tiễn.

Điển hình, mạng xã hội là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ ở nước ta, mới chỉ xuất hiện và tồn tại trong hơn một thập kỉ nay. Xung quanh vấn đề sử dụng mạng xã hội cũng hình thành rất nhiều quan điểm trái chiều. Có những luồng ý kiến phản đối dữ dội, cho rằng mạng xã hội là một nơi phức tạp, nguồn cơn của các loại tội phạm mới và làm nảy sinh nhiều thói hư tật xấu của con người. Đó là một quan điểm phê phán không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kĩ, chúng ta sẽ thấy mạng xã hội cũng sở hữu những ưu điểm riêng, thậm chí đem đến nhiều tiến bộ cho đời sống con người so với thời điểm nó chưa ra đời. Cụ thể, mạng xã hội tạo ra một thế giới phẳng, giúp chúng ta kết nối được với phần còn lại của thế giới, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam. Không những thế, mạng xã hội còn là kho dữ liệu thông tin khổng lồ, giúp chúng ta tiếp cận, cập nhật được các nguồn tài liệu học tập, nghiên cứu trên khắp thế giới một cách dễ dàng, nhanh chóng. Hơn thế nữa, đây cũng chính là nơi khởi nguồn của những sáng tạo khoa học và nghệ thuật ở kỷ nguyên số dựa trên nền tảng công nghệ. Do đó, những quan điểm cho rằng phải chặn mạng xã hội, dẫu xuất phát từ những mong muốn tốt đẹp nhằm tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia, song cũng sẽ vô hình triệt tiêu cả những điểm tiến bộ mà hệ thống mạng xã hội đã và đang mang lại cho đất nước ta. Bởi vậy, trước các hiện tượng mới, chúng ta không nên nóng vội đưa ra kết luận, mà phải tạo cho mình “một chiếc màng lọc” bình tĩnh, khôn ngoan để phân tích, quan sát và ứng xử sao cho hợp lý với những hiện tượng này. Tóm lại, sự hoàn thiện về nhận thức bằng thái độ điềm tĩnh, kiên nhẫn và một tư duy cẩn trọng trong xét đoán sự việc sẽ đem lại cho chúng ta một tâm thế chín chắn, tự chủ để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho bản thân, cho cộng đồng và xã hội trong bối cảnh biến động hiện nay.

Chuyến bay “giải cứu” gắn với bê bối nhận hối lộ và sai phạm trong công tác quản lý của nhiều quan chức cấp cao ở thời điểm diễn ra đại dịch covid-19 (2020 – 2021) đã và đang gây hoang mang dư luận trong thời gian qua (Ảnh minh hoạ). Ảnh: CTV/Vietnam+

Thứ hai, bên cạnh sự hoàn thiện về nhận thức, ta cũng cần trau dồi, hoàn thiện về nhân cách. Bởi lẽ, do không thể tự tách mình khỏi thực tại bộn bề với diễn biến ngày càng sôi động của cộng đồng, nên ta cần phải trang bị cho mình thói quen ngừng lại để tư phản, cân nhắc, suy ngẫm về cái tôi của mình, từ đó mới ra quyết định tốt – xấu, đúng – sai. Hành vi nào phù hợp và mang lại lợi ích cho xã hội thì ta thực hiện và khuyến khích người khác thực hiện; hành vi nào gây hại cho đời sống con người, vi phạm chuẩn mực chung của cộng đồng thì ta cần tránh xa và lên án để bảo vệ những người xung quanh. Đặc biệt, lớp trẻ hiện nay là đối tượng rất dễ bị dao động, khó tránh khỏi những ứng xử sai lầm khi nhận thức, thái độ còn đang trong giai đoạn hình thành. Các hiện tượng như tin giả, tin sai sự thật tràn lan trên diễn đàn mạng do nhiều thể nhân tạo ra, lan toả thành trào lưu khiến nhiều người tin theo, làm theo là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm đối với chính bản thân người trẻ và toàn thể xã hội, song lại đang trở nên hết sức phổ biến. Nó có thể huỷ hoại cả danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng của họ và những người khác. Do đó, khi chúng ta bất chợt nảy sinh một ý tưởng, một dự định nào, hãy cân nhắc, suy xét thật kĩ trước khi thực hiện nó. Cần phải lường trước được nó nhằm vào đâu, có hại hay có lợi cho xã hội và mức độ lợi, hại đến đâu để quyết định theo hay không theo. Nói cách khác, đã đến lúc chúng ta cần học cách tự đặt mình vào vị trí của người khác để xem hành động mà mình định làm có gây đau khổ hay ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của họ hay không. Khổng Tử đã dạy rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là: Điều gì bản thân ta không muốn thì chớ nên làm cho người khác. Bởi vậy, trước khi phán xét ai đó, hay thực hiện bất cứ một hành động nào có khả năng sát thương, gây hại cho người khác, ta buộc phải suy xét rất thấu đáo xem có nên tin hay không, và nếu cần thực hiện thì phải làm cách nào để hạn chế tác động tiêu cực nhất có thể.

Trong tất cả những phẩm chất quan trọng mà con người cần trang bị cho mình giữa thời buổi biến động hiện nay, sự bình tĩnh luôn đứng hàng đầu. Chính sự bình tĩnh sẽ giúp con người ta biết lùi lại để phản tư, suy nghĩ về chính mình trước khi hành động và đưa ra kết luận về những người xung quanh. Thực tế cho thấy, có những người rất am tường đạo lý, học cao hiểu rộng, song cũng vì tính tự phụ, thói ái kỷ quá mức mà lại nhân danh chính những tư tưởng tốt đẹp, cao cả đó để phán xét người khác. Nên nếu không giữ được cho bản thân một chút ngập ngừng, một chút phân vân, rèn cho mình đức tính khiêm cung, nhẫn nại thì chúng ta rất dễ trở nên giáo điều, võ đoán, phiến diện, dễ làm tổn thương tha nhân và gây hại cho xã hội thay vì tạo ra những lợi ích thiết thực để xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển. Lịch sử đã chứng minh rằng, những bộ óc vĩ đại, những trí tuệ uyên thâm nhất lại chính là những nhân cách rất mực khiêm tốn và tự trọng, bởi họ biết kìm chế cái tôi cao ngạo, tự mãn để lắng nghe và học hỏi từ những người xung quanh, từ đó không ngừng trau dồi và hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày. Hơn tất cả, họ không ngủ quên trên chiến thắng, không vỗ ngực trước thành tích cá nhân, mà chỉ coi chúng như một mốc nhỏ trên hành trình trưởng thành và phấn đấu không ngừng nghỉ, nhằm vươn tới những mục tiêu phát triển cao hơn trong tương lai, cho bản thân và cho cộng đồng.

Cuối cùng, mỗi con người cần phải sống có trách nhiệm với chính mình và với xã hội, phải luôn tâm niệm rằng từng hành động, việc làm của mình đều gắn bó mật thiết và không thể tách rời lợi ích chung. Chỉ khi ý thức được trách nhiệm của bản thân trong cộng đồng thì con người mới có thể thay đổi tư duy, kiến tạo những hành động đúng đắn, không vượt quá khuôn khổ đạo đức, để xã hội ngày một tiến lên, đất nước ngày một văn minh, thịnh vượng. Tinh thần trách nhiệm trước hết có lợi cho bản thân ta, sau nữa sẽ mang lại lợi ích cho cả những người xung quanh. Do đó, mỗi khi định mở lời chê bai, phán xét hay khen ngợi ai, tạo ra một sản phẩm hay thực hiện một quyết định nào đó, chúng ta cũng cần phải thực hiện bằng toàn bộ trái tim và lương tri hướng về cộng đồng, đất nước và dân tộc. Sản phẩm ấy, quyết định ấy, nhận xét ấy… phải làm sao cho đất nước đi lên, xã hội phát triển theo hướng văn minh, cởi mở, tiến bộ. Để sau cùng, đất nước ta sẽ không chỉ là một bến đỗ ổn định, hoà bình, mà còn là khởi điểm của những ý tưởng, bệ phóng của những sáng tạo, phát minh.

Đặc biệt, những người phải đi tiên phong trong việc hoàn thiện bản thân chính là những người nắm giữ các cương vị quan trọng trong bộ máy nhà nước, có trọng trách lớn đối với những vấn đề sống còn của dân tộc. Mọi quyết sách được đưa ra lúc này không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân mà còn tác động đến cả đất nước với biết bao con người, bao số phận và hoàn cảnh; không chỉ mang lại kết quả trong một thời gian nhất định mà còn để lại hậu quả lâu dài cho tương lai. Địa vị càng cao trách nhiệm càng lớn. Do đó, các nhà lãnh đạo và quản trị đất nước là những người cần ý thức rõ nhất về tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc hoàn thiện nhận thức, nhân cách, sống khiêm tốn, chính trực và đặt trách nhiệm với quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Khi những người đứng đầu đất nước không ngừng hoàn thiện bản thân mình, toàn thể nhân dân sẽ tin tưởng noi theo mà học tập, phấn đấu, từ đó hình thành nên một xã hội văn minh, tiến bộ mà mỗi người đều biết lắng nghe, biết đặt mình vào vị trí người khác để bình tĩnh xem xét, nhìn nhận vấn đề, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó chính là giải pháp tối ưu nhất để xây dựng và phát triển đất nước giữa một thời đại đầy biến động như hiện nay.■

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN