Năng lượng và an ninh năng lượng từ lâu đã trở thành nhân tố tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sự phân bố mất cân bằng trong kết cấu năng lượng thế giới và cạnh tranh địa chính đã dẫn đến sự mất cân bằng trong khai thác, sử dụng năng lượng các quốc gia.
Năng lượng được hiểu chung nhất là các nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp cho sản xuất và phục vụ cho đời sống và các nhu cầu thiết yếu của con người. Năng lượng là một trong những điều kiện tối cần thiết của sự sống còn và phát triển của mỗi con người và toàn nhân loại. Điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của bất kì nền văn minh nào đều là năng lượng. Trong các loại năng lượng, dầu mỏ, than đá và khí hóa lỏng là ba loại hình năng lượng quan trọng nhất.
An ninh năng lượng là một khái niệm rộng và mở. Nó bắt đầu được đề cập đến kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước, đặc biệt là giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 – 1974. Thời kỳ này, an ninh năng lượng được hiểu theo nghĩa hẹp, đồng nghĩa với “an ninh dầu lửa”, tức là đảm bảo khả năng tự cung cấp dầu ở mức cao nhất, đồng thời giảm mức nhập dầu và kiểm soát được những nguy cơ đi kèm việc nhập khẩu. Ngày nay, những thay đổi trong thị trường dầu và các năng lượng khác cùng sự xuất hiện nhiều nguy cơ như: Chiến tranh, cạnh tranh địa chính của các siêu cường, chủ nghĩa khủng bố, các chương trình chuyển đổi năng lượng sạch… đã khiến khái niệm này không còn phù hợp. Tuy nhiên, khái niệm an ninh năng lượng không đơn thuần là các nguồn cung cấp năng lượng (chủ yếu là dầu lửa) được đảm bảo như những thập kỉ trước đây, mà còn được hiểu một cách toàn diện, bao quát hơn là phải đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, giá cả hợp lý và khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp phát sinh từ các nhân tố kinh tế, chính trị bên trong và bên ngoài các quốc gia, và biến đổi khí hậu.
Có thể nói trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, an ninh và an ninh năng lượng cũng đang nổi lên như những vấn đề toàn cầu hết sức bức thiết.
Thị trường năng lượng thế giới
Kể từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng 1970 đến nay, đặc biệt trong hơn hai thập niên đầu thế kỉ XXI, thị trường năng lượng thế giới có nhiều biến động lớn do Chiến tranh lạnh gây ra. Giá cả dầu, khí đốt và than đá trên thị trường thế giới tăng liên tục. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 70 của thế kỉ trước, giá dầu tăng từ 10 – 11USD/thùng lên 37USD/thùng, năm 2005 ở mức 70USD/thùng, năm 2006 gần 80USD/thùng, năm 2007 dao động dưới mức 100USD/thùng, nhưng đến tháng 7/2008, giá dầu lần đầu tiên đạt kỉ lục lịch sử với mức giá 150USD/thùng. Do ảnh hưởng xung đột quân sự ở Ukraine, giá dầu biến động mạnh ở mức 110USD/thùng và nguy cơ bị đẩy lên 140USD/thùng do lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Theo bộ năng lượng Mỹ, nhu cầu dầu lửa thế giới đến năm 2025 tăng lên 35%, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2030 là 60% và nhu cầu dầu lửa thế giới sẽ tăng đến 116 triệu thùng/ngày so với 86 triệu thùng/ngày như hiện nay. Than đá và khí đốt cũng ở tình trạng tương tự.
Tuy nhiên, trong tương lai, trữ lượng một số nguồn năng lượng có xu hướng giảm. Theo văn phòng Tổ chức Kiểm soát năng lượng Anh (EWG), dưới lòng đất hiện còn khoảng 1.255 tỉ thùng dầu, đủ để cho con người sử dụng trong 42 năm. Với tốc độ khai thác như hiện nay, thế giới chỉ sản xuất được 39 triệu thùng/ngày vào năm 2030, so với 81 triệu thùng/ngày như hiện nay và trong vòng 50 – 60 năm nữa, nguồn dầu lửa dưới lòng đất sẽ cạn kiệt. Còn theo IEA, đến năm 2030, thế giới chỉ được cung cấp chưa đến 1/3 nhu cầu dầu lửa, trữ lượng than đá và khí đốt tự nhiên chỉ còn khoảng 909 tỉ tấn và sẽ cạn kiệt trong 155 năm nữa.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến cấu trúc thị trường năng lượng thay đổi? Chúng ta lý giải ở ba góc độ về kinh tế, khía cạnh về an ninh và khía cạnh bất đồng quan điểm của các chủ thể về giải pháp xử lí khủng hoảng năng lượng, nhất là dầu mỏ.
Đối với khía cạnh kinh tế, do nhu cầu về sử dụng năng lượng và đầu tư ở các nước phát triển và đang phát triển, nhất là những trung tâm tiêu thụ mới xuất hiện như Trung Quốc, Ấn Độ, quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển trong khi hạn chế nguồn năng lượng thay thế, dân số tăng nhanh, làm cho nhu cầu dầu lửa thế giới tăng nhanh chóng.
Mỹ là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới (24,6% thế giới), khí đốt (16% thế giới); lượng dầu tiêu thụ tại Trung Quốc trong 40 năm qua tăng 25 lần, chiếm 8,55% thế giới, nước này có mức tăng trưởng tiêu thụ cao nhất, năm 2004 tăng 31%, đến nay tỷ lệ này còn tăng hơn rất nhiều; các nước Tây Âu tiêu thụ 22% dầu thế giới, trong đó, Đức nhập khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới (14%); ASEAN cũng đang thiếu năng lượng trầm trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa…
Đối với khía cạnh an ninh, hầu hết các khu vực chiến lược về năng lượng, nhất là dầu lửa (như Trung Đông, Trung Á, Mỹ Latinh, châu Phi, Biển Đông…) là mục tiêu tranh giành của các cường quốc và xu hướng bất ổn của nó. Sự kiện Mỹ phát động những cuộc chiến tranh những năm gần đây ở Trung Đông, mâu thuẫn Nga – Mỹ tại Trung Á, Nga – châu Âu và sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và các nước châu Phi… cùng với những bất ổn như: Xung đột lãnh thổ, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo ở nhiều nước và khu vực căng thẳng trong nhiều năm vừa qua đã ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ thế giới, cũng là những nhân tố làm tăng giá dầu thế giới.
Đặc biệt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga về thương mại, dầu và khí đốt đã gây khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu, các nước châu Âu đang vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt và dầu rất nghiêm trọng; báo động sự sụp đổ của nhiều nền kinh tế ở châu Âu, chế độ nhiều nước chao đảo.
Cuối cùng là quan điểm về cung cấp dầu mỏ của các chủ thể. Đó là những bất ổn, bất đồng quan điểm giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế xuất khẩu dầu mỏ và những nước sử dụng dầu mỏ như Mỹ, OPEC, Nga… trong việc bất hợp tác trong kiềm chế giá dầu tăng, phớt lờ đề nghị của cộng đồng quốc tế về tăng sản lượng khai thác, cố tình duy trì giá dầu để thu lợi.
Tình hình năng lượng một số khu vực trên thế giới
Đến nay, sự phân bố không đều trữ lượng năng lượng của một số quốc gia trên thế giới làm cho vấn đề an ninh năng lượng trở nên phức tạp. Theo thống kê, ba khu vực có trữ lượng dầu mỏ nhiều nhất thế giới là Trung Đông, Nga, Bắc Phi, Trung Á và Bắc Mĩ, chiếm 82,3% trữ lượng dầu mỏ thế giới, trong đó ở khu vực Trung Đông chiếm 64%, châu Mỹ (14%), châu Phi (7%), Nga (4,8%), châu Á – Thái Bình Dương (4,27%). Cụ thể, theo đánh giá của Tổ chức Dầu mỏ và Khí đốt thế giới (2009):
Đối với Trung Đông, đây là khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, trữ lượng dầu mỏ chiếm hơn 50% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới với 727,314 tỷ thùng dầu và gần ½ trữ lượng khí đốt thế giới, với 2.591,653 Tcf, trong đó, Saudi Arabia (266,710 tỷ thùng), Iran (136,150 tỷ thùng), Iraq (155 tỷ thùng), Kuwait (104 tỷ thùng), UAE (97,8 tỷ thùng).
Đây là những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất khu vực Trung Đông và xếp theo thứ tự thế giới lần lượt là 1, 3, 4, 5 và 7. Về trữ lượng khí đốt, Iran (991,6 Tcf), Qatar (890 Tcf), Saudi Arabia (258 Tcf) và lần lượt xếp 2, 3, 4 thế giới.
Đối với châu Phi, đây là khu vực có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 4 thế giới với 117,064 tỷ thùng, chiếm 10% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới, còn trữ lượng khí đốt xếp thứ 3 thế giới sau Trung Đông và Trung Á, với 494,078 Tcf. Trong đó, trữ lượng dầu mỏ của Libya chiếm 3,4%, Nigeria chiếm 3% tổng trữ lượng dầu thế giới và được xếp vị trí 9, 10 thế giới; Còn khí đốt, Nigeria đứng thứ 7, với 184,2 Tcf và Algeria đứng thứ 9 với 159 Tcf.
Về khả năng sản xuất và tiêu thụ, có thể nói Trung Đông là khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, hơn 70% tổng sản lượng của OPEC và 30% tổng sản lượng thế giới, còn châu Phi lần lượt chiếm 30% và 13%.
Đối với Nga, dự trữ khí đốt vào khoảng 47,2- 47,5 nghìn tỷ m3, hơn 70% trữ lượng thăm dò tập trung vùng Ural – Tây Xiberia, dự trữ về dầu lửa chiếm 13% toàn thế giới, trữ lượng thăm dò ước tính khoảng 15,5- 15,7 tỷ tấn, đứng sau Saudi Arabia và 4/5 trữ lượng dự báo tập trung ở vùng Xiberi.
Đối với Trung Á, đây là khu vực hàng đầu thế giới về trữ lượng dầu khí và gaz tự nhiên, tập trung chủ yếu ở Kazakhstan có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 7 thế giới, với khả năng khai thác hiện nay là 4 tỷ tấn, trữ lượng khí đốt có thể khai thác là 3.000 m3.
Ở Mỹ Latinh, theo Tổ chức Năng lượng Mỹ Latinh (OLADE), trữ lượng dầu lửa của khu vực này hiện đã được xác định là gần 1,7 ngàn tỷ thùng, chiếm 20% tổng trữ lượng dầu lửa toàn cầu. Mỹ Latinh còn là khu vực có trữ lượng dầu lửa lớn thứ 2 thế giới sau khu vực Trung Đông (chiếm 55% trữ lượng dầu lửa toàn cầu). Hiện nay, ít nhất 345 tỷ thùng dầu lửa ở Mỹ Latinh đã sẵn sàng để khai thác. Các nước có trữ lượng lớn về dầu lửa của khu vực là Venezuela, Brazil, Mexico, Ecuador…
Đối với Biển Đông, theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông khoảng 7 tỷ thùng, với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó, trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm, duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới.
Nhìn chung, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt chỉ tập trung ở một số quốc gia, khu vực, đặc biệt là các nước vùng Vịnh, Trung Á, Bắc Phi, vùng sông Niger… Vị trí địa lý ưu đãi cho các khu vực cơ hội khai thác và sản xuất đầy tiềm năng không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước đang ngày càng cao mà còn giúp các nước xuất khẩu. Song làm thế nào để phát huy tối đa lợi thế này thực sự vẫn còn là một vấn đề đặt ra đối với chính các quốc gia nói trên và đối với cả thế giới.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn
Như trên phân tích, nguồn tài nguyên năng lượng hầu hết tập trung ở các khu vực Trung Á, châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông… và việc xuất hiện các cường quốc tiêu thụ năng lượng mới (như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ…) với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong khi nguồn cung đang cạn kiệt đã tác động mạnh mẽ tới cơ cấu quyền lực của thế giới, vấn đề an ninh năng lượng ngày càng trở nên cấp bách.
Theo dự báo, đến năm 2030 nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên 60% so với năm 2005, với tốc độ phát triển kinh tế trung bình 3,5 – 4% trên toàn cầu và dân số thế giới tăng lên 8,3 tỷ người. Trong các nước phát triển, nhu cầu về năng lượng sẽ tăng từ 3 đến 3,5 lần so với OEDC, trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ chiếm hơn 50%, theo ước tính tới 2020 Mỹ cần thêm 50% khí và 1/3 lượng dầu hiện nay, hiện nước Mỹ, dầu mỏ chiếm khoảng 40% nhu cầu năng lượng trong nước.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU (22/5/2013), dự kiến đến năm 2035, EU phải nhập 80% lượng khí đốt, nhập khẩu dầu 90%, than đá 70%. Ấn Độ sẽ sớm trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 4 thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, với 33% nhu cầu năng lượng và 65% lượng dầu nhập khẩu.
Các dự báo đều cho rằng, nguồn cung dầu mỏ của thế giới chỉ gia tăng thêm trong khoảng nửa thập kỷ nữa trước khi đạt đỉnh điểm rồi bắt đầu giảm, còn nguồn cung khí đốt sẽ tiếp tục tăng thêm 1 – 2 thập kỷ rồi cũng giảm. Điều này làm cho cuộc cạnh tranh giành giật các nguồn tài nguyên như: dầu mỏ, khí đốt, than và uranium ngày càng quyết liệt trên toàn cầu, quyền lực của cải đang chuyển dần từ những nước thiếu năng lượng (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, UE) sang các nước dư thừa năng lượng (Nga, Saudi Arabia, Venezuela) và tiêu thụ năng lượng của các quốc gia đang phát triển trong tổng lượng tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên và các quốc gia phát triển sẽ giảm đi. Rõ ràng vấn đề an ninh năng lượng buộc các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình, đi tìm kiếm những nguồn cung cấp năng lượng ổn định. Cùng với tăng cường quan hệ ngoại giao chính trị, kinh tế thương mại với các khu vực, các nước nhiều dự trữ năng lượng, các cường quốc luôn áp dụng các biện pháp quân sự nhằm gia tăng vị thế trong cuộc chiến về năng lượng như: hành động của Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU… ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Biển Đông… những năm gần đây.
Các lệnh trừng phạt Nga về kinh tế thương mại, đặc biệt là năng lượng đã cô lập nước Nga với thế giới. Nga bị cô lập với các quốc gia châu Âu, mọi hợp đồng kinh tế bị dừng. Trong đó có nguồn cung cập năng lượng của Nga với các nước châu Âu và Mỹ bị phong tỏa hoặc chấm dứt. Tuy nhiên nền công nghiệp của EU không thể thiếu dầu, khí đốt, than đá; người dân châu Âu cần có điện để sưởi ấm mùa đông, mà từ trước đến nay nguồn nhiên liệu chủ yếu do Nga cung cấp. Vì vậy, các lệnh trừng phạt năng lượng đối với Nga của EU là nguyên nhân dẫn đến xung đột về chính trị giữa EU và Nga và trong từng thành viên EU. Kéo theo tình trạng khan hiếm dầu khí, giá cả mặt hàng này đã lên cao chưa từng thấy (trên 100USD/thùng). Diễn biến hiện nay ở châu Âu cho thấy năng lượng quyết định chứ không phải chính trị quyết định cuộc đối đầu giữa Nga và EU. Chưa biết được cuộc đối đầu này sẽ kết thúc ra sao nhưng đều thấy được là cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra không phải do thiếu nguồn cung mà là do chiến tranh và xung đột chính trị.
Năng lượng cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột chính trị, kinh tế, quân sự giữa các nước lớn trên thế giới. Các quốc gia có nguồn dầu mỏ, khí đốt và than đá đều trở thành giàu có và quyền lực. Không một nền kinh tế nào phát triển lại không sử dụng dầu, khí lỏng, than đá và các khoáng sản quý. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này lại chủ yếu có từ một số nước đạo hồi ở Trung Đông, Bắc Phi; ở châu Mỹ có Venezuela và Mỹ, châu Âu có Nga và một số nước Bắc Âu. Vì vậy đã gây ra các cuộc tranh chấp về dầu, khí đốt giữa các quốc gia ngay từ khi phát hiện ra nó. Các cuộc khủng hoảng về năng lượng đều xuất phát từ tranh chấp nguồn cung cấp dầu và khí đốt, và đã diễn ra liên tục có tính chất chu kỳ, chủ yếu là gián đoạn cung ứng và giá cả tăng đột biến do các cuộc chiến tranh mà có. Cuộc tranh chấp địa chính giữa Mỹ và Nga trong năm 2017 – 2019 đã kéo giá dầu thế giới tụt xuống kỷ lục (40USD/thùng), theo đó là sự đình đốn sản xuất bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Mãi đến năm 2021 giá dầu, khí đốt mới trở lại (70 – 80USD/thùng dầu, 4,5- 5USD/m3 khí), nền kinh tế thế giới nhờ đó đã phục hồi nhanh chóng. Song sự phục hồi lạc quan này không tồn tại được bao lâu khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào đất nước Ukraine, đã phá hủy tất cả khi Nga là mục tiêu tấn công của Mỹ, NATO và EU.
Tất cả những vấn đề trên đây làm cho triển vọng phát triển năng lượng toàn cầu liên quan tới việc nâng cao tính minh bạch, dự báo được và tính ổn định của thị trường toàn cầu càng trở nên xa xôi hơn, đồng thời ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các cam kết quốc tế về cải thiện môi trường đầu tư năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa các dạng năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng cũng như an ninh vận chuyển năng lượng, hạ tầng năng lượng, giảm bớt thiếu hụt năng lượng quy mô lớn, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng ngày càng khan hiếm dần, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định, đời sống kinh tế – xã hội của tất cả con người, mọi quốc gia trên hành tinh. Ba giải pháp sau đây được cộng đồng thế giới thường dùng.
Thứ nhất, tiết kiệm tối đa việc sử dụng năng lượng.
Thứ hai, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và giải pháp;
Thứ ba, chuyển đổi năng lượng truyền thống dầu, khí đốt, than đá sang năng lượng tái sinh như điện gió, điện hạt nhân, điện mặt trời, thủy điện.
Tuy nhiên, các nguồn năng lượng thay thế vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp và chưa phổ biến. Đến nay, thế giới đã và đang tập trung phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng tái sinh và năng lượng sinh học, đã có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ (dân số gần 4 tỷ người) có máy điện hạt nhân, và các nhà máy điện hạt nhân cung cấp 16,4% sản lượng toàn cầu, tuy nhiên, khó khăn là năng lượng hạt nhân thường đi kèm với nguy cơ rò rỉ phóng xạ, các nước lợi dụng sản xuất vũ khí hạt nhân, hạn chế về tài chính… trên thế giới hiện có 45 quốc gia sử dụng năng lượng tái sinh, 60 nước có chương trình quốc gia phát triển năng lượng tái sinh, 19 nước khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời và sưởi ấm, nhưng nhược điểm của nó phụ thuộc vào thời tiết, công trình thủy điện dễ gây biến đổi địa chất, khan hiếm nguồn nước, bên cạnh đó, phát triển năng lượng sinh học như sản xuất etanol, dầu diezen…
Đối với Việt Nam, vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng tác động rất lớn đến nước ta, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết. Việt Nam đã đưa ra “Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia” đến năm 2020, tầm nhìn 2050 (19/12/2007), mặc dù vấn đề thực hiện còn nhiều hạn chế do phụ thuộc vào nhiều nhân tố, nhưng nhìn chung với chiến lược kể trên, tương lai Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, sử dụng và sản xuất năng lượng với các quốc gia, tổ chức khu vực và trên thế giới. Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là ba nước chuyển đổi năng lượng tái sinh đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Nhìn tổng quan, giải pháp ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi năng lượng tái sinh. Tuy nhiên, giải pháp này cho đến nay vẫn không thể làm giảm được nhu cầu sử dụng năng lượng tự nhiên (dầu, khí, than) ngày một tăng của thế giới, đặc biệt tại những nước công nghiệp hóa, để đáp ứng nhu cầu phát triển, do khó khăn trong việc tìm ra loại năng lượng khác thay thế dầu, than và khí đốt.
Kết luận
Năng lượng và an ninh năng lượng từ lâu đã trở thành nhân tố tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sự phân bố, mất cân bằng trong kết cấu năng lượng thế giới đã dẫn đến sự mất cân bằng trong khai thác, sử dụng năng lượng các quốc gia. Hiện tại, dầu mỏ, than đá và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu, tác động đến mọi sinh hoạt, đời sống nhân loại. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên này có nguy cơ cạn kiệt trong 50 năm tới. Vì vậy, vấn đề nan giải và trong một vài thập niên tới là khả năng phát triển và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới của thế giới. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các dự án chuyển đổi năng lượng sạch vẫn chỉ ở mức dự án tiền khả thi. Do vậy, sức ép về thiếu hụt năng lượng lại tiếp tục gia tăng, dù có nhiều quan điểm lạc quan, nhưng vấn đề an ninh năng lượng đối với nhân loại vẫn là vấn đề bức xúc giống như thế kỷ trước, nếu không muốn nói là còn căng thẳng ít nhất trong ¾ đầu thế kỷ XXI.
Bên cạnh đó, vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng tiếp tục không còn là vấn đề chuyên môn kỹ thuật thuần túy mà là vấn đề chính trị xã hội, vấn đề quan hệ quốc tế. Các cuộc xung đột đều gắn chặt với vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng, tình trạng này càng rõ nét và căng thẳng hơn trong quan hệ quốc tế thập niên đầu thế kỷ XXI. Lệnh trừng phạt năng lượng của các nước phương Tây đối với Nga xung quanh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã minh chứng cho nhận định nêu trên. Một điều dễ nhận thấy là quyền lực thế giới sẽ chuyển tới các quốc gia có trữ lượng lớn dầu và khí.
Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp tục được dự báo, thậm chí mang tính phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam càng cần phải xây dựng một chiến lược hiệu quả về an ninh năng lượng cho quốc gia đến 100 năm tới.■
Xuân Sơn
(Theo Tạp chí Phương Đông)
Chú thích:
Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới theo nhóm quốc gia 2003 – 2030 với tỷ lệ trung bình/năm là 2%, trong đó, được phân bổ như sau: Đối với OECD (1%), trong đó: Bắc Mỹ (1,3%), châu Âu (0,7%), châu Á (1%); không phải OECD là 3%, trong đó, châu Á (3,7%), Trung Đông (2,4%), châu Phi (2,6%), Trung và Nam Mỹ (2,8%), nguồn: EIA (2006), International Energy Outlook 2006, DOE/EIA- 0405-June, p.p7.