Việt Nam trước thách thức dân số già

Việt Nam là một quốc gia trẻ nhưng đang trên đà già hóa dân số với tốc độ nhanh hơn hơn so với hầu hết quốc gia khác trên thế giới. Với tỷ suất sinh giảm dần và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, Việt Nam đã trở thành một xã hội bắt đầu giai đoạn già hoá vào năm 2015 và dự báo sẽ già hóa vào năm 2035, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi ở giai đoạn phát triển kinh tế sớm hơn và mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với các quốc gia già hoá khác. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu. Tốc độ già hóa dân số nhanh của Việt Nam đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có ít thời gian hơn để điều chỉnh các chính sách nhằm thích ứng với một xã hội già hơn so với nhiều nền kinh tế tiên tiến.

Mặc dù Việt Nam hiện đang có lợi thế về nhân khẩu học, nhưng cơ hội này đang bắt đầu hẹp lại khi tốc độ già hóa dân số tăng nhanh. Việt Nam hiện có dân số trẻ, với nhóm tuổi có quy mô lớn nhất là nhóm 20 – 34 tuổi. Nhưng tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh điểm vào năm 2014 và dự kiến sẽ giảm trong những thập kỷ tới. Quá trình già hóa đã bắt đầu và được dự báo sẽ tăng tốc. Năm 2014, số người cao tuổi (65 tuổi trở lên) đạt 6,31 triệu người (6,7% dân số) và các dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng mạnh lên 19,6 triệu người – tăng hơn gấp ba lần so với năm 2014 – và sẽ chiếm khoảng 18,1% dân số. Lực lượng lao động của Việt Nam dự kiến sẽ giảm gần 1% mỗi năm trong 3 thập kỷ tới, tạo ra bất lợi đối với nỗ lực nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng của đất nước.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã trở thành một xã hội bắt đầu giai đoạn già hoá vào năm 2015 và dự báo sẽ già hóa vào năm 2035. (Ảnh minh họa)

Mặc dù Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn có dân số trẻ lý tưởng, nhưng những báo cáo cảnh báo này cho thấy cần thực hiện những hành động sớm để chuẩn bị cho một xã hội già hóa nhanh chóng. Ngân hàng Thế giới dự báo rằng nếu không có cải cách, tăng trưởng dài hạn sẽ chậm lại trong giai đoạn 2020 – 2050, giảm 0,9% so với mức tăng trưởng trong 15 năm vừa qua, chủ yếu là do sự già hóa của xã hội Việt Nam.

Tác động của dân số già hoá sẽ khiến Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh chiến lược là có nguồn lao động trẻ dồi dào, một yếu tố quyết định giúp quốc gia đang trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất nhì khu vực châu Á. Dân số già cũng sẽ gây áp lực lên tài chính công nếu không có những cải cách kịp thời. Khi tỷ lệ dân số bước vào tuổi nghỉ hưu, không còn kiếm được thu nhập, sẽ có tác động tương xứng đối với các khoản thu ngân sách từ nguồn thuế thu nhập cá nhân. Dân số già hoá cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe và hệ thống hưu trí. Chi tiêu hàng năm cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được dự báo sẽ tăng gấp 4 đến 5 lần tính theo tỷ trọng trong nền kinh tế. Việc không có khả năng cân bằng các nhu cầu tài chính khác có thể dẫn đến tăng mức bội chi ngân sách. Những yếu tố này sẽ làm tăng thêm những căng thẳng hiện có về tài chính công của Việt Nam.

Vì vậy, Chính phủ nên bắt đầu thực hiện những cải cách then chốt mà để giải quyết những thách thức này.

Thứ nhất, Việt Nam phải gia tăng về năng suất và mức độ tham gia vào lực lượng lao động để giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng suy giảm dân số trong độ tuổi lao động. Việt Nam hiện đang được hưởng lợi nhờ có một lực lượng lao động tương đối lớn chiếm 70% tổng dân số và tỷ lệ tham gia tương đối cao lên tới 84%. Tuy vậy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Để bù đắp cho tình trạng suy giảm lao động trẻ, Việt Nam phải tăng năng suất.

Năng suất có thể được nâng cao bằng cách đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển lao động từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn. Cứ 5 người Việt Nam thì có 2 người đang làm việc trong ngành nông nghiệp với năng suất thấp, hiệu quả đầu ra trên mỗi lao động trong ngành này chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trung bình của cả nước, cho thấy còn cơ hội đáng kể để thúc đẩy GDP bằng cách chuyển dịch lao động sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn. Đây là một xu hướng Việt Nam phải đi theo.

Thứ hai, Việt Nam phải tăng cường đầu tư nhiều hơn vào vốn con người. Theo Ngân hàng Thế giới, giới trẻ Việt Nam đã đầu tư vào vốn con người nhiều hơn so với những người lớn tuổi. Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ lao động được đào tạo bài bản tương đối thấp so với các quốc gia xung quanh, nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm tuổi về trình độ học vấn. Số liệu điều tra lao động – việc làm Việt Nam năm 2017 cho thấy rằng 77% lực lượng lao động từ 15 tới 64 tuổi có trình độ trung học cơ sở trở lên và tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên chỉ là 9,6%. Tuy nhiên, tỉ lệ người trẻ có bằng đại học đang cao lên và gia đình cũng như quốc gia vẫn đang đầu tư vào con đường học vấn cho họ.  Do đó, trình độ của lực lượng lao động đang thay đổi nhanh với hệ thống giáo dục hiện đại hơn của Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam cần khuyến khích người dân tiếp tục làm việc ngay cả khi họ già đi. Đây cũng là một giải pháp giúp bù đắp trong điều kiện lực lượng lao động đang suy giảm. Hiện nhiều người ở khu vực thành thị ngừng làm việc tương đối sớm, và phụ nữ thành thị chính thức nghỉ hưu từ rất sớm. Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể giúp kéo dài đáng kể vòng đời làm việc hiệu quả của người dân thành thị và giảm thiểu tác động của quá trình già hoá. Các quốc gia tiên tiến nhất kết hợp các chiến lược để kéo dài vòng đời làm việc hiệu quả của những người lao động lớn tuổi. Các sáng kiến này bao gồm các dịch vụ tìm kiếm việc làm đặc biệt nhắm vào lao động lớn tuổi, phiếu ưu đãi cho đơn vị sử dụng lao động thuê lao động lớn tuổi, các chương trình đào tạo lại nhắm tới những người có tuổi, trợ cấp tiền lương để giảm chi phí sử dụng lao động lớn tuổi một cách hiệu quả, và trợ cấp hoặc cấp phát ngân sách để khuyến khích đào tạo nhằm nâng cao năng suất của lao động lớn tuổi.

Thứ tư, thay đổi lối sống sẽ ngày càng cần thiết để tạo điều kiện cho quá trình già hóa một cách khỏe mạnh. Một số hành động then chốt trong lĩnh vực này bao gồm việc đảm bảo hiệu quả trong kiểm soát thuốc lá, các biện pháp can thiệp để đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh nhằm hạn chế tình trạng béo phì và ngăn chặn việc tiêu thụ rượu bia quá mức. Những biện pháp này giúp người có tuổi vẫn có cuộc sống khoẻ mạnh để có thể tiếp tục làm việc và cống hiến.

Thứ năm, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng cần phải được định hướng lại một cách căn bản, theo hướng chú trọng hơn vào chăm sóc ban đầu, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ sở y tế và tăng cường các biện nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Y tế phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc người cao tuổi, do mô hình chăm sóc dựa vào gia đình truyền thống ngày càng trở nên căng thẳng. Cần có những ngành dịch vụ riêng chuyên biệt chỉ chăm sóc người cao tuổi. Ngành này chắc chắn sẽ phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân, dưới sự quản lý của Chính phủ.

Thứ sáu, Việt Nam phải thực hiện các chính sách tổng lực để ngăn chặn tình trạng chảy máu lao động, chảy máu chất xám sang các quốc gia khác. Mỗi năm hiện Việt Nam đưa khoảng trên 100.000 lao động ra nước ngoài nhưng khi tình trạng dân số già đi, số lượng lao động này không được khuyến khích mà cần giữ lại để phục vụ cho nhu cầu phát triển trong nước. Việt Nam cũng có gần 200.000 lưu học sinh đang du học ở nước ngoài và hầu hết trong số này bày tỏ mong muốn ở lại quốc gia nơi họ đã du học. Đây là thực tế đáng ngại và Việt Nam cần thay đổi toàn diện hệ thống để trở thành điểm đến hấp dẫn đón những người trẻ được đào tạo bài bản trở về. Lao động có kỹ năng và được đào tạo chuyên tu ở nước ngoài là các nhân sự tối cần thiết trong giai đoạn dân số già đi.

Thứ bảy, Việt Nam cần xem xét lại toàn bộ các chính sách liên quan để khuyến khích việc sinh con. Đây là nền tảng của việc trẻ hoá dân số. Mới đây, dự thảo Luật Dân số đề xuất hỗ trợ bằng tiền đối với phụ nữ sinh con thứ nhất và thứ hai tại các tỉnh, thành có mức sinh thấp như TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… Đây là những hướng đi đúng. Cần có thêm nhiều những chính sách khích lệ như vậy để dân số của đất nước luôn được trẻ hoá liên tục.

Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đầy hoài bão là trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045, và với quỹ đạo nhân khẩu học đang già đi hiện tại, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về chính sách không hề nhỏ để giữ vững lợi thế phát triển của mình. Những khuyến nghị chính sách để vượt qua bài toàn “già hoá” này cần được làm ngay trước khi quá muộn. Chúng ta thật sự cần một tầm nhìn lâu dài và có chiến lược hơn trong việc quy hoạch tương lai đất nước.■

(Tạp chí Phương Đông biên soạn theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN