Điện gió ngoài khơi với tiềm năng thay thế dầu khí để trở thành động lực mới thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam

Trên thế giới, điện gió ngoài khơi đang là một xu thế mới của ngành năng lượng tái tạo, không chỉ sản xuất điện năng mà còn góp phần quan trọng chống biến đổi khí hậu do không phát thải khí carbon, cũng như sản xuất pin siêu sạch phục vụ cho nhiều lĩnh vực.

Tiềm năng khổng lồ của điện gió ngoài khơi

Trên thế giới có nhiều quốc gia đã phát triển rất mạnh điện gió ngoài khơi như Anh, Đan Mạch, Hà Lan… Các quốc gia có biển rộng và lượng gió mạnh này đều chuyển chiến lược sang điện gió bởi những ưu điểm đặc biệt của mô hình năng lượng này. Các công ty dầu khí quốc tế từ những năm 2000 cũng chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo. Từ năm 2010 tới 2020, các tập đoàn này tăng tốc quá trình chuyển đổi mạnh hơn nữa, đặc biệt tập trung vào năng lượng sạch và điện gió ngoài khơi. Gần đây, Trung Quốc và Mỹ cũng đang chuyển sang điện gió ngoài khơi. Tổng thống Joe Biden tuyên bố tăng tốc lĩnh vực này đạt mức 30GW vào năm 2030. Anh cũng đặt mục tiêu 40GW vào năm 2030. Gần với Việt Nam, Đài Loan cũng lên kế hoạch 10 GW vào năm 2030. Việt Nam hiện chưa có bất kỳ dự án điện gió ngoài khơi nào và  mới có các dự án điện gió trên bờ và gần bờ với tổng công suất lắp đặt khoảng 630MW tức khoảng 0,63GW. Dự kiến tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi đạt 3-5GW vào năm 2030, đây là những con số rất nhỏ so với tiềm năng thực sự của Việt Nam.

Anh đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi đạt 40GW vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Theo các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới – World Bank và cơ quan năng lượng Đan Mạch DEA, với bờ biển dài và tiềm năng gió khổng lồ, điện gió Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475 GW, riêng về tiềm năng kỹ thuật và khả năng phát triển tốt là 160 GW. Trung bình hiện nay giá đầu tư điện gió ngoài khơi khoảng 3 tỉ đôla Mỹ cho một GW, Việt Nam cần thu hút trên dưới 500 tỉ đôla Mỹ cho lĩnh vực này. DEA kiến nghị Việt Nam phải đặt mục tiêu điện gió đạt 10GW vào năm 2030. Hiện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt khoảng 70 GW cho tất cả các loại điện, đến năm 2030 dự kiến 140 GW. Với con số này, chỉ riêng điện gió ngoài khơi nếu được phát triển mạnh đã thừa sức đáp ứng nhu cầu điện cho toàn Việt Nam, giúp quốc gia không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập như than và khí.

Điện gió trong quy hoạch năng lượng tái tạo quốc gia

Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong tiến trình phát triển nguồn năng lượng quốc gia.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các nghành kinh tế biển” cũng đề xuất năng lượng tái tạo là một trong những nghành kinh tế biển mới, đặc biệt quan trọng giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo do Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) lập. Liên quan đến ngành điện, dự thảo nêu rõ định hướng: Cơ cấu công suất có sự thay đổi dần theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, tăng dần tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo. Tỷ trọng thủy điện sẽ giảm dần do hiện đã khai thác gần hết tiềm năng, các nguồn điện gió và mặt trời sẽ được phát triển mạnh trong tương lai, tỷ trọng công suất nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện lớn) đạt 49% năm 2020, 48% năm 2030 và 53% năm 2045.

Như vậy, có thể thấy năng lượng tái tạo trong đó có điện gió chính là tương lai của ngành năng lượng Việt Nam. Theo EVN, đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất là 6038MW. Xét riêng về điện gió, có thể chia thành điện gió trên bờ, điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi.

Về mặt tiềm năng, tổng quy mô tiềm năng điện gió trên bờ khá lớn, tuy nhiên chủ yếu là tiềm năng gió thấp (4,5-5,5m/s) và trung bình (5,5-6m/s), tiềm năng gió cao (trên 6 m/s) là hạn chế.

Như đã nói. nguồn điện gió ngoài khơi có tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW. Tiềm năng gió ngoài khơi lớn nhất thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Hiện một số nhà đầu tư đã đăng ký nghiên cứu tại khu vực Nam Trung Bộ với tổng công suất lên tới khoảng 15GW, trong đó đặc biệt phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (quy mô 3,4GW tại Kê Gà, tỉnh Bình Thuận) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát.

Dự án thay đổi tầm nhìn năng lượng quốc gia

Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind do Tập đoàn Enterprize Energy (Anh – Singapore) làm chủ đầu tư đang được xem xét đưa vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII. Đây là dự án thuộc vùng biển tỉnh Bình Thuận, cách mũi Kê Gà 20km – 50km; độ sâu từ 20m-50m.

“Đây là dự án điện gió ngoài khơi tiên phong ở Việt Nam, cũng là lần đầu tiên một nhà đầu tư đề xuất cơ chế giá đàm phán chứ không xin ưu đãi giá như các dự án năng lượng tái tạo khác. Chúng tôi cũng đề xuất đầu tư đường dây truyền tải 500Kv từ Bình Thuận về Đồng Nai dài 110km và từ Bình Thuận về Bình Dương dài 160Km,” ông Ian Hatton, người sáng lập và là Chủ tịch của tập đoàn Enterprize Energy, chủ đầu tư dự án Thăng Long Wind cho biết.

Dự án Thăng Long có quy mô công suất là 3.400MW sản lượng điện hàng năm khoảng 15 đến 16 tỷ kWh, với tổng mức đầu tư khoảng 11,9 tỷ đôla Mỹ. Đây là dự án khổng lồ về vốn đầu tư mà có quy mô cực lớn với khối lượng công việc đồ sộ từ gia công, chế tạo chân đế, trụ đỡ tubin, cung cấp dịch vụ, bãi, cảng, thi công, lắp đặt cáp ngầm 220kV dưới biển, xây dựng trạm biến áp 220kV ngoài khơi và một loạt dịch vụ khác trên biển.

Nhà đầu tư tuyên bố tỉ lệ nội địa hoá của dự án lên tới 50% trong tổng số 11,9 tỉ đôla Mỹ. Sở dĩ tỉ lệ nội địa hoá có thể cao như vậy bởi Việt Nam có sẵn cơ sở hạ tầng của ngành dầu khí để gia công chế tạo cũng như cung cấp các dịch vụ hậu cần. Vì tất cả các lý do trên, dự án điện gió khổng lồ này có tiềm năng thay thế dầu khí để trở thành động lực mới để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đề xuất công nghệ sản xuất ra hydrogen từ điện phân nước biển để lấy khí phục vụ cho việc tích trữ điện năng, cũng như sản xuất ra các loại pin cung cấp cho giao thông vận tải, công nghiệp, và sản xuất amoniac để phục vụ cho ngành hoá chất, phân bón, dược phẩm của Việt Nam. Đây là những giá trị gia tăng rất đặc biệt của dự án điện gió ngoài khơi này”, ông Ian Hatton cho biết thêm.

Dự án Thăng Long Wind đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý cho tiến hành khảo sát vung biển trong phạm vi nghiên cứu của Dự án. Theo khảo sát, tốc độ gió trung bình trong vùng nghiên cứu đạt 9,7m/s, vượt các số liệu của ước tính của Việt Nam, các tổ chức quốc tế và kỳ vọng của Nhà đầu tư, cho phép sử dụng tuốc bin có công suất phát điện lớn từ 10 đến 17MW/tuốc bin.

Hội thảo về điện gió ngoài khơi do Thang Long Wind tổ chức tháng 12 năm 2019.

Có thể nói, điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo, thay thế nhiên liệu hóa thạch như các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu theo các cam kết quốc tế. Theo Báo cáo điện gió ngoài khơi năm 2020 của Hiệp hội gió toàn cầu, chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi giảm rất nhanh: Từ trên 25,5 UScents/kWh năm 2010 xuống còn 8,3 UScents/kWh năm 2020 (giảm 67,5%) và đến năm 2025 là 5,8 UScents/kWh (giảm tiếp 30,1%). Chủ đầu tư Dự án cam kết sẽ đàm phán giá điện với các đối tác có liên quan của Việt Nam để có giá bán điện cạnh tranh. Sản lượng điện hàng năm của dự án từ 15 đến 16 tỷ kWh năm tương đương với dự án nhiệt điện than có công suất khoảng 2.400MW sẽ tạo ra nguồn năng lượng dồi dào cho quốc gia thay thế nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường và đã được khai thác bão hoà.

Việt Nam hiện có cả thiên thời địa lợi để phát triển điện gió ngoài khơi. Điều kiện cần là lượng gió đã được khảo sát là rất tốt, cho phép sản xuất tuốc bin to hơn và mang lại hiệu quả sản xuất năng lượng cao hơn. Điều kiện đủ chính là cơ sở hạ tầng dầu khí rất mạnh được xây dựng từ nhiều thập kỷ qua. Vì thế, phát triển điện gió chính là con đường đúng đắn nhất, giải quyết đồng thời cả ba bài toán: nhà đầu tư thu hồi được vốn, người dân được hưởng giá điện giảm và không phải chịu môi trường ô nhiễm, nhà nước thu được thuế thông qua nội địa hoá đồng thời không phải bù giá điện.

Việt Nam phải tranh thủ thời cơ để phát triển các dự án điện gió có một không hai này, không chỉ để đảm bảo an ninh năng lượng, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, mà những dự án điện gió ngoài khơi còn góp phần quan trọng đảm bảo an ninh và chủ quyền của đất nước. Nếu thực hiện đúng đắn và quyết liệt, nhiều nhà phân tích đã kỳ vọng điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra những mỏ Bạch Hồ mới, với nhiều lô gió chờ nhà đầu tư vào cuộc. Gió chính là nguồn tài nguyên quan trọng cần ưu tiên số một để thúc đẩy tăng trưởng GDP cho Việt Nam.■

Trọng Khang

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN