Thiếu nước và xung đột, chiến tranh

Trong lịch sử loài người, thiếu nước, tự nhiên hay nhân tạo, luôn là vấn đề phải giải quyết từ khi con người chúng ta bắt đầu dùng nước để tưới tiêu cho nông nghiệp. Tuy nhiên vấn đề thiếu nước càng ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong những năm gần đây. Vì lẽ đó, Báo cáo về Rủi ro Toàn cầu phát hành hàng năm của Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong suốt 5 năm qua (2016 đến 2020) đã coi khủng hoảng nước là một trong năm rủi ro hàng đầu đối với thế giới tính về tác động của vấn đề.

Bảng xếp hạng rủi ro toàn cầu năm 2021

Thứ tự/ năm 2016 2017 2018 2019 2020
1 Không thích ứng với khí hậu Vũ khí phá huỷ hàng loạt Vũ khí phá huỷ hàng loạt Vũ khí phá huỷ hàng loạt Không thích ứng với khí hậu
2 Vũ khí phá huỷ hàng loạt Khí hậu cực đoan Khí hậu cực đoan Không thích ứng với khí hậu Vũ khí phá huỷ hàng loạt
3 Khủng hoảng nước Khủng hoảng nước Thảm hoạ thiên nhiên Khí hậu cực đoan Mất đa dạng sinh học
4 Di cư không tự nguyện Thảm hoạ thiên nhiên Không thích ứng với khí hậu Khủng hoảng nước Khí hậu cực đoan
5 Sốc giá năng lượng Không thích ứng với khí hậu Khủng hoảng nước Thảm hoạ thiên nhiên Khủng hoảng nước

Nguồn: Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021, Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Khủng hoảng nước: Lịch sử và hiện tại

Kinh tế phát triển, dẫn đến mẫu hình tiêu dùng nước thay đổi vì nhu cầu về nước tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu nông nghiệp (hiện dùng 70% lượng nước), công nghiệp sản xuất máy móc và các ngành công nghiệp khác (hiện dùng 19% lượng nước), và hộ gia đình (hiện dùng 8% lượng nước). Lượng nước tích trữ ở các hồ chứa thuỷ điện lên tới 5% tổng lượng nước trên thế giới.

Một ví dụ cụ thể mà nhiều nhà quan sát nêu lên là xung đột ở Syria kéo dài từ năm 2011 cho đến nay. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng nguyên nhân chính của cuộc xung đột này là cạnh tranh Nga – Mỹ hay do tác động của Mùa xuân Ả rập. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Có một nguyên nhân quan trọng nữa là nạn hạn hán kéo dài từ 2006 đến 2011. Thiếu nước ở Syria làm mùa màng thất bát, chăn nuôi tiêu điều và các gia đình nông thôn di cư vào thành thị. Chính điều này mới là nguyên nhân xâu xa dẫn đến nội chiến, làm chết nửa triệu dân, đẩy dân vào tình cảnh đói nghèo cùng cực cũng như buộc người dân phải di cư đến nước khác. Cuộc chiến tranh ở Syria minh chứng cho vai trò trung tâm của việc mất an ninh nguồn nước đối với bất ổn và xung đột.

Đây cũng không phải là điều gì mới. Ngay từ những năm đầu tiên khi loài người bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp ở vùng Lưỡng Hà vào khoảng năm 2.400 trước Công nguyên. Tại thời điểm đó vua Urlama của vương quốc Lagash đã đổi hướng nước chảy từ vùng này sang kênh đào vùng biên giới, làm khô sông đào để vương quốc Umma không còn nước dùng. Con của vua Urlama còn ngưng cung cấp nước cho thành phố Girsu của Umma. Tất cả những hành động này gây ra thiếu nước ở Umma và căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên. Viện Thái Bình Dương của Mỹ đã liệt kê gần 1.000 tranh chấp, xung đột liên quan đến nước cho đến nay.

Báo cáo về Rủi ro Toàn cầu cho thấy trong năm 2017 đã có 45 nước trên thế giới có nguy cơ xung đột do nguồn nước. Khoảng gần hai phần ba dân số (khoảng 4 tỷ người) thế giới không tiếp cận được nguồn nước ít nhất là một tháng mỗi năm. Tầm quan trọng của nước đã làm cho tình trạng mất an ninh nguồn nước có thể dễ biến thành căng thẳng và bất đồng trong một nước và giữa các nước với nhau. Nước có thể được dùng như vũ khí. Một nước có thể kiểm soát, phá hoại, hoặc định hướng lại tiếp cận nguồn nước để đạt được mục tiêu của mình là đánh vào cơ sở hạ tầng và việc cung cấp nước. Những bước tiến về công nghệ Internet làm tăng khả năng tấn công vào hạ tầng quan trọng càng làm chúng ta lo ngại về an ninh nguồn nước.

Sông Nile chảy qua 11 nước ở châu Phi với tổng chiều dài 6.650 km

Một ví dụ điển hình về mất an ninh nguồn nước có thể thấy ở vùng châu thổ sông Niger ở Mali. Nguồn nước cho vùng châu thổ bị gián đoạn vì việc xây dựng hai đập thuỷ điện ở thượng lưu, gây nguy cơ huỷ diệt hệ sinh thái vốn đã yếu đuối và làm mất ổn định toàn bộ khu vực. Thay đổi dòng chảy ở hạ lưu có thể gây nguy hiểm cho hoạt động đánh cá là trụ cột kinh tế của các làng ven sông, phá kế sinh nhai và gây căng thẳng xã hội. Người dân không được tiếp cận với nguồn nước chắc chắn sẽ nghèo hơn, trở thành mục tiêu tuyển mộ của các nhóm cực đoan ngày càng phát triển ở khu vực. Như vậy, nguy cơ xung đột tăng cao. Chúng ta còn có thể kể ra nhiều địa điểm trên thế giới mà nguy cơ xung đột do nguồn nước tồn tại. Sông Nile chảy qua 11 nước châu Phi cũng đã từng là nguồn gốc căng thẳng giữa nhiều nước ven sông, đặc biệt là Ai Cập và Xu Đăng. Nguồn nước trên sông Jordan là chủ đề thảo luận của nhiều cuộc đàm phán giữa hai nước Israel và Jordan từ năm 1948 khi Israel trở nên độc lập đến năm 1994 khi hai nước ký hiệp ước hoà bình. Malaysia và Singgapore cũng đã chật vật lắm mới có thể giải quyết vấn đề nước giữa hai nước, tuy Malaysia vẫn luôn cho rằng mình không được đối xử công bằng.

Nguy cơ xung đột ở sông Brahmaputra (Yarlung Zingbao) và sông Mê Công

Gần với chúng ta hơn là sông Brahmaputra (phần ở Trung Quốc được gọi là Yarlung Zingbao) của Ấn Độ. Con sông này bắt nguồn từ Tây Tạng, cung cấp nước cho cả Ấn Độ và Bangladesh, rồi đổ ra vịnh Băng-gan. Tổng lượng nước của sông Brahmaputra lớn hơn lượng nước của cả sông Mê Công và sông Salween (cũng bắt nguồn từ Tây Tạng chảy qua Myanma, Thái Lan) cộng lại. Trong tháng 12/2021, báo chí Trung Quốc và Ấn Độ cho biết Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch xây dựng một đập lớn ở nơi gọi là Đại Cung ở hạ nguồn sông Yarlung Zingbao sát với biên giới Ấn Độ. Điều này gây lo ngại cho Ấn Độ.

Theo dự kiến, nhà máy điện xây ở đập này sẽ có công xuất là 60 GW tức là gấp ba nhà máy thuỷ điện ở Tam Hiệp. Việc Trung Quốc thông báo dự án này (nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng rồi) trùng với thời gian họp Hội nghị Trung ương 5 (khoá 19) của Đảng Cộng sản Trung Quốc chứng tỏ đây là quyết định ở cấp cao nhất, khó có thể thay đổi. Quả vậy, tài liệu về kế hoạch năm năm lần thứ 14 từ năm 2021-2026 được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm nói rõ cần:”thực hiện… công việc xây dựng nhà máy thuỷ điện ở hạ nguồn sông Yarlung Zangbo” (trên thực tế, Trung Quốc đã xây dựng bốn đập ở thượng lưu).

Ấn Độ lo lắng về lượng nước chẩy về sông Brahmaputra sẽ giảm và thất thường. Sông Yarlung Zangbao cung cấp 38% lượng nước cho sông Brahmaputra. Nhà máy thuỷ điện sẽ phải có hồ chứa, giảm lượng nước chẩy xuống hạ lưu và phải đáp ứng nhu cầu điện lên cao thất thường và do vậy ở hạ nguồn sẽ có những thời điểm nước sông xuống thấp và lên cao theo chu kỳ ngày và đêm.

Nghiêm trọng hơn là tác hại của đập này với đa dạng sinh học của dòng Brahmaputra, đây là điều dễ dàng thấy trong mọi dự án thuỷ điện. Việc thay đổi lượng nước chẩy cũng sẽ gây ra lở hai bên bờ sông như đã thấy ở nhà máy thuỷ điện Tam Hiệp. Đập còn chắn không cho phù xa chẩy về hạ nguồn, lấy đi của Ấn Độ một nguồn đất màu mỡ cho nông nghiệp.

Điều đáng lo ngại nữa là nguy cơ vỡ đập do đập này được xây ở khu vực có nhiều núi lửa đang hoạt động. Khu vực này những năm vừa qua chứng kiến nhiều vụ lở đất và bão tuyết và chắc chắn những sự cố tương tự cũng sẽ nhiều hơn trong tương lai, đặc biệt là khi độ ẩm của hành lang sông tăng và mưa thất thường.

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn cả, theo Ấn Độ là đập này được xây ngay xát khu vực thường xẩy ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladah, khu vực mà Trung Quốc cho rằng thuộc Tây Tạng trong khi Ấn Độ lại cho rằng thuộc bang Arunachan Pradesh của mình. Rõ ràng khu vực này là nơi tranh chấp, nhạy cảm. Hai nước cũng đã từng xung đột ở khu vực này vào năm 1962. Chính vì thế Ấn Độ cho rằng quyết định của Bắc Kinh là lời tuyên chiến nếu nhìn vào tình hình căng thẳng chưa được giải quyết dọc đường kiểm soát thực tế và những cuộc đụng độ giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc gần đây. Lo ngại của Ấn Độ về nguồn nước đang làm gia tăng thái độ chống Trung Quốc của người dân và có thể sẽ tác động đến an ninh khu vực. Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở.

Những gì Trung Quốc đã và đang làm ở sông Lan Thương (tên gọi phần ở Trung Quốc của sông Mê Công) cho thấy tác hại của việc xây đập đến mức nào. Cho đến nay Trung Quốc đã xây 11 đập thuỷ điện lớn trên sông Lan Thương. Điều này làm mực nước ở hạ lưu thay đổi thất thường (năm 2019, mực nước sông Mê Công ở Việt Nam xuống thấp nhất trong 100 năm), giảm lượng phù xa, giảm luồng cá ở hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh học của sông Mê Công.

Đập Cảnh Hồng trên sông Mekong. Ảnh: Yang Zheng/CHINA DAILY.

Tháng 12/2020, Trung Quốc đã giảm lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng xuống còn 1.000 m3/giây từ mức bình thường 1.904 m3/giây (giảm 47%). Theo trang web của Uỷ hội sông Mê Công (MRC) mực nước sông Mê Công đã giảm xuống mức “đáng lo ngại”, “mực nước đã giảm đáng kể từ đầu năm do lượng mưa thấp hơn, dòng chảy thay đổi ở thượng nguồn, hoạt động thuỷ điện trên các nhánh sông Mê Công và hạn chế dòng chảy từ đập thuỷ điện Cảnh Hồng”. Tiến sỹ Winai Wangpimool của MRC cho biết thêm đã có nhiều thay đổi đột ngột về mực nước ở hạ lưu đập Cảnh Hồng, mức độ xa hơn và kéo dài đến tận Viêng Chăn, Lào. Điều này đặt ra thách thức cho chính quyền cũng như cộng đồng dân cư về việc chuẩn bị và ứng phó với các tác động có thể có “nhằm giúp các nước hạ nguồn sông Mê Công quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước hạ nguồn chia sẻ kế hoạch xả nước”, tiến sỹ Winai Wangpimool nhấn mạnh. Điều đáng chú ý là chỉ khi bị phát hiện Trung Quốc mới thông báo với MRC về sự việc, viện cớ là họ phải thử trang thiết bị.

Sự kiện này xảy ra sau khi Trung Quốc đã cam kết chia sẻ dữ liệu luồng chảy vào tháng 10/2020. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải đi đến kết luận là Trung Quốc có thể kiểm soát lượng nước xả theo ý muốn của mình. Nhiều người lại cho rằng Trung Quốc dùng việc kiểm soát lượng nước xả như một cái gậy để giành được nhượng bộ của các nước hạ lưu trong các vấn đề khác.

Liệu có khả năng giải quyết vấn đề nước ở sông Brahmaputra và sông Mê Công? Điều cần thiết là phải xem xét những tiền lệ đa phương và song phương trong vấn đề này.

Cách giải quyết đa phương và song phương

Kiểm soát nguồn nước thường được thực hiện theo hai quyền: quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) và quyền kiểm soát theo luật pháp (de jure). Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng và do vậy sẽ có quyền kiểm soát sông Brahaputra và sông Mê Công. Tuy nhiên, trên thực tế, cho dù chiếm hữu là chín phần mười của vấn đề, thì nhiều khủng hoảng nước được giải quyết bằng luật quốc tế về nước.

Về đa phương, luật quốc tế có Quy định Hensinki về Sử dụng Nước ở Sông Quốc tế năm 1966, đưa ra những nguyên tắc chung về sử dụng nước trên sông chảy qua các nước. Ngoài ra còn những quy định được pháp điển hoá trong Công ước về Sử dụng Đường thuỷ Quốc tế không vì Mục đích Đi lại đã được Đại Hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1997 nhưng chưa có hiệu lực. Nhìn chung luật nước quốc tế theo tập quán quy định khung sử dụng nước tính đến các yếu tố như sử dụng nước lịch sử, khối lượng nước do các sông trên lãnh thổ mỗi nước cung cấp, dân số và nhu cầu về nước trong tương lai.

Về song phương, từ thế kỷ thứ XIX đến nay đã có hơn 400 hiệp định được ký kết liên quan đến sử dụng nguồn nước. Các nước ven sông Ranh ở châu Âu đã có hiệp định sông Ranh để tránh ô nhiễm. Tương tự như vậy, các nước ven sông Đa-nuýp đã ký hiệp định song Đa nuýp để duy trì dòng chảy có lợi cho tất cả các nước ven sông. Ấn Độ đã ký Hiệp định sông Indus, dành 80% nước để Pakitstan sử dụng. Năm 1996, Ấn Độ cũng đã ký Hiệp định sông Hằng với Bangladesh, cam kết bảo đảm mực nước tối thiểu chảy qua biên giới hai nước. Ở khu vực sông Mê Công, Uỷ hội sông Mê Công là nền tảng khu vực cho các hoạt động ngoại giao về nước và trung tâm tri thức về quản lý nguồn nước vì phát triển bền vững khu vực.

Ở khu vực sông Mê Công đã có những lời kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nước ven sông để giúp các nước hạ nguồn quản trị rủi ro. Tiến sĩ Winai Wangpimool của Ban thư ký MRC đã nói có những thay đổi đột ngột về mực nước ở hạ lưu đập Cảnh Hồng, mức độ xa hơn kéo dài đến tận Viêng Chăn, Lào. Điều này đặt ra thách thức cho chính quyền và cộng đồng dân cư phải chuẩn bị đối phó với với tác động có thể xẩy ra. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước hạ lưu chia sẻ kế hoạch xả nước”.

Đã đến lúc Trung Quốc tham gia hiệp ước quốc tế về nguồn nước, ký kết hiệp định chia sẻ nước với các nước hạ lưu sông Brahmaputra và sông Mê Công. Chí ít Trung Quốc cũng phải giữ lời hứa chia sẻ dữ liệu về nước cho các nước hạ lưu sông Mê Công. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được một trong những thách thức về nước dễ trở thành khủng hoảng trong thế kỷ XXI này.■

Nguyên Mi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN