Việt Nam - Điểm sáng trong cuộc chiến chống Covid-19

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mỗi quốc gia có cách tiếp cận và chiến lược riêng, dựa trên cách đánh giá tổng thể tình hình, chính sách vĩ mô, thiết chế nhà nước, tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm, tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa.Trong cuộc chiến khốc liệt toàn cầu, Việt Nam cũng đã chọn cách tiếp cận của riêng mình. Với con số nhiễm bệnh cho đến ngày 15.4.2020 là hơn 260 người, trong đó 63% đã được chữa khỏi, chưa ghi nhận ca tử vong nào. Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng, được báo chí ASEAN kêu gọi lấy Việt Nam là “hình mẫu” chống dịch Covid19. Các tổ chức quốc tế rất có uy tín như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã dành nhiều lời khen cho Việt Nam… Lý giải cho những đánh giá này, người viết xin đưa ra vài nhận định.

  1. Việt Nam không chỉ thành công bước đầu ở sự chỉ đạo sáng suốt mà còn ở chỗ đã huy động được sự đoàn kết, đồng lòng cũng như sự đóng góp tiền của, công sức của cả một dân tộc. Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc một cách nhịp nhàng và hiệu quả nhất. Người dân đồng tình, nhất trí và ủng hộ rất cao bởi lẽ họ đã nhận thấy tính nhân văn cao cả trong các quyết định của chính phủ khi người đứng đầu đã tuyên bố có thể hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ nhân dân, quyết tâm “chống dịch như chống giặc” và sẽ không để một ai bị bỏ lại phía sau. Xếp hạng do Công ty Dalia, có trụ sở ở Berlin – Đức cho thấy Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng của công chúng cao nhất đối với phản ứng của chính phủ chống Covid-19. Đây là câu trả lời cho những ai đó còn băn khoăn về “quyền con người”, về tự do cá nhân và về sự kiểm soát của nhà nước ở Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam đã chứng tỏ cho thế giới thấy tính đúng đắn của thiết chế xã hội của mình, với hệ thống tổ chức hành chính và y tế dự phòng chặt chẽ từ trung ương đến tận cơ sở phường xã, làng xóm.
  2. VN đã không bị động trong phòng chống dịch. Trong khi một số nước còn loay hoay với cách đi của mình thì ngay từ những ngày đầu tiên, Việt Nam đã lựa chọn hướng đi phù hợp nhất, đỡ tốn kém nhất là cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chủ trương miễn phí khám, chữa bệnh đã làm cho dân yên tâm khai báo bệnh và điều trị. Mặt khác điểm sáng trong chiến lược của chính phủ Việt Nam là hài hòa, cân bằng, vừa bảo vệ tính mạng và vừa bảo vệ sinh kế của người dân thông qua: (1)các gói kích thích nền kinh tế và việc làm; (2) hỗ trợ doanh nghiệp việc làm và thu nhập; (3) bảo vệ người lao động tại nơi làm việc.
  3. Qua các thử thách của đại dịch vừa qua, lại một lần nữa bản sắc và truyền thống tốt đẹp quý giá của con người Việt Nam như yêu nước, nhân ái và nhân nghĩa “thương người như thể thương thân” lại được phát huy, trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người dân sẵn sàng hy sinh các lợi ích cá nhân của mình vì một lợi ích tập thể lớn lao (như đã từng làm trong suốt mấy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm). Mỗi người dân, dù giàu hay nghèo đều cố gắng đóng góp một phần cho đất nước. Mặt khác, đất nước cũng đã không quên một ai. Người dân ở trong nước, bà con người Việt ở nước ngoài, kể cả người của biết bao quốc tịch khác, một khi khi đã bị bệnh ở Việt Nam đều được chăm lo chu đáo, chữa trị tận tình, miễn phí. Cho đến ngày 10/4, hơn 1.500 công dân Việt Nam bị kẹt ở các sân bay quốc tế đã được trở về an toàn. Niềm tin của người dân vào chính phủ được nâng cao rõ rệt.
  4. Thử thách dịch bệnh cũng là cơ hội để Việt Nam nêu cao vai trò của mình. Trong bối cảnh nhiều nước, nhiều khu vực, mọi hoạt động gần như bị đảo lộn hoặc “đóng băng”, thì với sự chủ động và linh hoạt trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã cùng ASEAN chứng tỏ cho thế giới thấy “tinh thần cộng đồng”cùng quyết tâm và cam kết mạnh mẽ chống COVID-19. Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định tinh thần trách nhiệm và tích cực với cộng đồng quốc tế. Cùng các nước thành viên, Việt Nam đã thể hiện khả năng phản ứng rất nhanh, cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động của ASEAN: Việt Nam vẫn đứng ra tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đặc biệt để ứng phó COVID-19 (ngày 14.4). Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng nổ, ngày 15 tháng 2 năm 2020, với sự chủ động của Việt Nam, ASEAN là tổ chức khu vực đầu tiên ra đượcTuyên bố của Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN chống COVID-19. Các cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN quan trọng trên các lĩnh vực y tế, quốc phòng, kinh tế, các cuộc họp trực tuyến với các đối tác đối thoại quan trọng như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới dưới sự chủ trì của Việt Nam vẫn được tiến hành trực tuyến. Là một đất nước không giàu có, nhưng Việt Nam vẫn sẵn sàng cung cấp cho Mỹ quần áo bảo hộ, tặng khẩu trang y tế cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh; Hỗ trợ các trang thiết bị y tế cần thiết cho Lào, Campuchia và Myanmar; Đã tặng các vật tư y tế, găng tay, khẩu trang và đồ bảo hộ cho thành phố Vũ Hán, Trung Quốc ngay từ ngày đầu có dịch. Có lẽ sức lan tỏa của Việt Nam không phải nằm ở số tiền được quy ra từ số quà tặng, mà trên tất cả, nó chính là ở cái tình, cái nhân, cái nghĩa của con người Việt Nam đối với bạn bè khi hoạn nạn….

Đại dịch COVID-19 không phải là cuộc chiến đơn lẻ của từng quốc gia. Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Việt Nam và một số quốc gia đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến cam go vẫn còn phía trước. Chỉ  có sự đoàn kết chung tay toàn cầu mới có khả năng đánh tan đại dịch./.

Nguyên Mi

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN