Cần quản trị tốt an ninh phi truyền thống để ổn định và phát triển bền vững

Nguyễn Văn Hưởng
Hoàng Đình Phi

Chúng ta đang phải đối mặt với những rủi ro trong kinh tế, môi trường, thiên tai và tội phạm công nghệ về thông tin mạng, được quy chung vào nhóm tài khoản an ninh phi truyền thống. Qui nó về lĩnh vực an ninh vì nó đe dọa không chỉ cuộc sống của con người mà còn đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp tổ chức cao hơn là tồn vong của quốc gia, phá hủy thành quả các giá trị quốc gia cà kìm hãm hoặc làm sụp đổ cả một nền kinh tế của quốc gia.

1) Lịch sử đã chứng minh rằng con người không thể có cuộc sống ổn định và phát triển bền vững (PTBV) nếu như không có an ninh và một quốc gia cũng không thể phát triển bền vững nếu không đảm bảo được an ninh cho con người và doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực đời sống, sản xuất và kinh doanh.
An ninh truyền thống là một khái niệm quen thuộc và mang tính truyền thống, xuất phát từ các nghiên cứu quốc tế về an ninh, chiến tranh, hòa bình… Theo đa số các học giả quốc tế thì an ninh truyền thống chính là an ninh quốc gia (national security). Theo Ayoob thì “an ninh hay mất an ninh được định nghĩa trong mối quan hệ với các tình huống bị tổn thương, cả bên trong lẫn bên ngoài, mà nó đe dọa hay có khả năng phá hủy hay làm suy yếu cấu trúc nhà nước, cả về mặt lãnh thổ, thể chế và chế độ cai trị”. Luật An ninh quốc gia của Việt Nam năm 2004 đã xác định “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ XHCN và Nhà nước CHXHCNVN, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc”. Như vậy có thể nói an ninh truyền thống là khái niệm có nội hàm là an ninh quốc gia theo cách tiếp cận lấy quốc gia hay nhà nước làm trung tâm.

Thế giới đang đứng trước các thách thức đối với an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… (ảnh minh họa)

2) Quan điểm về an ninh quốc gia đã có những thay đổi kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh (1947-1991), bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã. Tình hình chính trị thế giới trở lên phức tạp và hỗn loạn hơn. Xung đột giữa các quốc gia, xung đột về sắc tộc, xung đột về tôn giáo ngày càng trở nên gay gắt hơn. Thế giới trở nên phẳng hơn và đang bước sang giai đoạn hội nhập nhanh với sự phát triển như vũ bão của các công nghệ mới, công nghệ thông tin và truyền thông, mạng Internet, các dòng chảy thông tin, quan điểm, ý tưởng, đầu tư, thương mại, du lịch, du học, văn hóa… Thế giới đang đứng trước các nguy cơ của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, trong khi vẫn đang phải đối phó với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội… Tất cả các yếu tố trên đều là những thách thức lớn đối với an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, đe dọa sự tồn tại và phát triển của cả các quốc gia lẫn loài người. Nếu không được nhận diện, có giải pháp dài hạn hay chiến lược ứng phó thì các mối nguy hiểm và tác động tiêu cực phát sinh từ các vấn đề an ninh phi truyền thống có thể phá hủy các thế giới mà không cần phải dùng đến súng đạn. Ví dụ, chỉ xem xét riêng trong lĩnh vực chính trị thì trong hai thập kỷ gần đây đa số các chính trị gia phải nhìn nhận rằng ứng phó với tình trạng mất an ninh con người, mất an ninh lương thực, mất an ninh năng lượng, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khủng bố, tội phạm mạng, tai biến do biến đổi khí hậu… là các ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia và chiến lược an ninh quốc gia. Trong khi đang phải gồng mình để đối phó với làn sóng di cư từ châu Phi đến châu Âu… Vì vậy quản trị tốt an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống (những vấn đề an ninh mới) có một vị trí đặc biệt quan trọng để đảm bảo an ninh toàn cầu và an ninh của từng quốc gia.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng mà đến nay vẫn chưa thể khắc phục hết

Các nghiên cứu về an ninh và an ninh phi truyền thống đang được phát triển mạnh trên nền tảng các tư tưởng tiến bộ như: chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa kiến tạo… Bên cạnh cách tiếp cận truyền thống lấy nhà nước làm trung tâm thì nhiều nhà khoa học đã và đang sử dụng cách tiếp cận mới là lấy con người làm trung tâm để phát triển các nghiên cứu về an ninh phi truyền thống, trong đó nhấn mạnh các vấn đề an ninh phi truyền thống đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của cả con người (các cá nhân, nhóm dân cư, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp…) và nhà nước (đảng cầm quyền, thể chế…) trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi toàn cầu và biến đổi khí hậu như: an ninh doanh nghiệp gắn với an ninh kinh tế; an ninh doanh nghiệp gắn với an ninh con người; an ninh con người và sức khỏe; an ninh lương thực; an ninh môi trường; an ninh năng lượng; an ninh văn hóa và giáo dục; an ninh mạng và an ninh thông tin…

3) Trên thế giới thì các vấn đề an ninh phi truyền thống đang diễn biến phức tạp. Năm 2011, cả thế giới bất ngờ khi Hy Lạp rơi vào tình trạng phá sản, mất khả năng kiểm soát nền kinh tế và mất khả năng trả nợ với số nợ công lên tới 355 tỷ Euro trong khi GDP chỉ đạt 163 tỷ Euro. Rủi ro và mất mát lớn hơn nữa cho nhiều quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới là sự sụp đổ do hoạt động cho vay dưới chuẩn của đế chế tài chính có lịch sử hơn 150 năm là Lehman Brothers tại Mỹ năm 2008 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu mà cho đến nay hậu quả vẫn chưa thể khắc phục hết. Việt Nam cũng phải chịu đựng nhiều mất mát do tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu này khi trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2014 đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, có cả các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước bị thua lỗ, nhiều doanh nhân vướng vòng lao lý, nhiều lao động thất nghiệp, an ninh kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển bền vững của Việt Nam… Nếu giành thời gian để tập hợp, thống kê và phân tích kỹ các trường hợp mất an ninh phi truyền thống gây tổn thất lớn và đe dọa an ninh các quốc gia và an ninh toàn cầu thì có thể đi đến kết luận rằng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay một quốc gia rất có thể bị sụp đổ, bị lật đổ hay bị xâm lược bằng các hành động phi quân sự, không phải là xung đột hay chiến tranh có vũ trang.

Tại Việt Nam, ở cấp độ quốc gia thì các nhà quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương cũng đã bắt đầu quan tâm tới các vấn đề về an ninh phi truyền thống trong quá trình hoạch định và thực thi các chiến lược phát triển bền vững kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn thách thức như: nghèo đói, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng và an ninh thông tin… thì việc nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực đảm bảo an ninh phi truyền thống nói trên là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày mùa đông hanh khô

4) Là một trong những nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về an ninh phi truyền thống, giáo sư Jorn Dosch đã nhận định rằng theo cách tiếp cận mới thì bên cạnh an ninh truyền thống (an ninh cứng hay an ninh quân sự) bao giờ cũng có các khía cạnh của an ninh phi truyền thống hay còn gọi là an ninh mềm. Ông cũng đưa ra một kết luận an toàn rằng các chính phủ ASEAN hiện nay đang quan niệm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống là hai mặt của một đồng xu, mặc dù còn có mức độ thể hiện khác nhau. Có thể thấy rằng an ninh phi truyền thống là một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia, có mối quan hệ biện chứng và tác động trực tiếp tới an ninh quốc gia ở nhiều cấp độ và phạm vi khác nhau. Theo cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm thì an ninh phi truyền thống được phân chia thành ba nhóm (an ninh nhà nước, an ninh con người, an ninh doanh nghiệp). Trong thời đại tiến bộ của loài người thì nhà nước hay chính phủ đều là của dân, do dân và vì dân. Bộ máy nhà nước hoạt động bằng ngân sách có giới hạn thu được từ thuế tài nguyên và tiền thuế của con người và doanh nghiệp. Việc các chính phủ quản trị yếu kém, để cho tham nhũng thành căn bệnh hệ thống, tăng thâm hụt ngân sách hàng năm dẫn tới bờ vực phá sản như Hy Lạp là hoàn toàn có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào nếu không có dân chủ, luật lệ và kiểm soát chặt chẽ.

Việc các chính phủ quản trị yếu kém, để cho tham nhũng thành căn bệnh hệ thống, tăng thâm hụt ngân sách hàng năm dẫn tới bờ vực phá sản như Hy Lạp là hoàn toàn có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào

Trong rất nhiều trường hợp, nhà nước không thể và rất khó có đủ nguồn lực để thực hiện các công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối và an ninh tuyệt đối cho tất cả các mục tiêu của nhà nước, của các cá nhân, gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trước các mối nguy như thảm họa môi trường, nghèo đói, đặc biệt là đối với các hoạt động đa dạng mang tính quốc tế như: du học, du lịch, đầu tư quốc tế, kinh doanh, thương mại quốc tế… Một số doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ đã được Nhà nước cho phép thành lập. Tuy nhiên các doanh nghiệp này chỉ thực hiện các tác nghiệp bảo vệ tài sản và an ninh chung cho khách hàng là cá nhân, gia đình, doanh nghiệp và tổ chức trong một phạm vi địa lý hẹp theo các hợp đồng dịch vụ hàng năm có nhiều điều khoản giới hạn trách nhiệm và thông thường thì không theo một chiến lược cụ thể nào. Ngay cả khi đã hình thành được một ngành công nghiệp an ninh tư nhân thì việc quản trị an ninh phi truyền thống ở cả cấp độ quốc gia và doanh nghiệp vẫn đang còn là một thách thức lớn. Chỉ lấy riêng một ví dụ là vụ ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải và các vụ cướp của giết người tại TP HCM 6 tháng đầu năm 2019 đã làm dấy lên nỗi lo sợ, sự phản ứng của nhân dân, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nhật Bản tại Việt Nam đã thông báo rõ lo ngại về an ninh cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về công việc đầu tư tại Việt Nam. Thật khó để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như (Formosa, Vedan…) có thể thường xuyên mời cán bộ an ninh hay cảnh sát của Bộ Công an đến doanh nghiệp để giúp đánh giá toàn diện các mối nguy, lập và quản trị các chiến lược an ninh doanh nghiệp. Về cơ bản các vấn đề an toàn, an ninh nội bộ doanh nghiệp trong phạm vi hàng rào công ty hay nhà máy phải do các chủ doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và chủ động đề nghị các cơ quan an ninh nhà nước trợ giúp khi cần. Hậu quả từ các trường hợp mất an ninh doanh nghiệp tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp trong thời gian vừa qua đòi hỏi phải thay đổi nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý và các chủ doanh nghiệp, trong đó có việc đổi mới tổ chức bộ máy quản trị rủi ro và an ninh doanh nghiệp để chủ động dự báo, kiểm soát và giải quyết các hậu quả có thể xảy ra trong mọi tình huống.

Các doanh nghiệp và khu công nghiệp cần đổi mới tổ chức bộ máy quản trị rủi ro và an ninh doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Tổng hợp các thông tin và đánh giá thì có thể dễ dàng nhận ra rằng các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam còn có nhiều hạn chế trong nhận thức về an toàn, an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống. Cụ thể tại doanh nghiệp có thể thấy rõ quản trị an ninh phi truyền thống có một vai trò đặc biệt quan trọng nếu không nói là vai trò quyết định tới sự tồn tại và phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Trong giai đoạn hội nhập vừa qua, nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam đã bị mất thông tin mật, tài sản trí tuệ, mất thị trường, khách hàng lớn, bị thâu tóm với giá rẻ, bị mất thương hiệu, bị tổn thất trong quá trình mua bán và sáp nhập (M&A)… Lĩnh vực an ninh tài chính của doanh nghiệp lớn và các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân đều liên quan trực tiếp tới an ninh kinh tế của nhà nước. Bên cạnh các biện pháp an ninh kinh tế chung của quốc gia, nếu các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Việt Nam thực hiện các chiến lược quản trị rủi ro và an ninh doanh nghiệp, có các thành viên HĐQT và chuyên gia kiểm soát rủi ro và an ninh nội bộ có đủ năng lực thì nhiều doanh nghiệp đã có thể tránh khỏi các sự cố phá sản và mất mát quá lớn trong giai đoạn 2005-2012. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nếu các cổ đông hiểu biết và sử dụng các chuyên gia kiểm soát nội bộ, an ninh doanh nghiệp… thì nhiều ngân hàng thương mại đã tránh khỏi các đổ vỡ, phải bán, phải sáp nhập… do sở hữu chéo, lạm dụng quyền lực, thôn tính lẫn nhau… Trong lĩnh vực quản trị công nghệ của doanh nghiệp, nếu có kỹ năng tốt thì các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển bền vững trên nền tảng nghiên cứu, phát triển, sử dụng, bảo vệ bí mật công nghệ, thương mại hóa công nghệ… Trong lĩnh vực quản trị an ninh con người gắn với an ninh doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp có các chuyên gia và quy trình quản trị tốt an toàn lao động và an ninh con người tại doanh nghiệp thì đã không có những sự cố nghiêm trọng như: các vụ gây rối phá hoại gây tổn thất lớn tại Bình Dương và Hà Tĩnh tháng 5/2014, vụ tai nạn sập giàn giáo gây hậu quả nghiêm trọng tại công trường Formosa Khu công nghiệp Vũng Áng trong tháng 3/2015, không xảy ra vụ bóng đèn phích nước Rạng Đông và vụ ô nhiễm dầu ở nhà máy nước sông Đà trong tháng 9 -10/2019 mới đây khiến hàng chục ngàn dân phải lao đao về nước bị ô nhiễm đe dọa cuộc sống… và các chủ tịch và giám đốc có thể tránh được các tránh nhiệm hình sự… Trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hàng trăm vấn đề mâu thuẫn hay xung đột lớn nhỏ có thể phát sinh và cần phải được nghiên cứu, dự báo, lập chiến lược, kế hoạch quản trị rủi ro liên quan… Đây chính là những nội dung cơ bản cần được tập trung nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh quản trị của chính phủ để đảm bảo an ninh doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và qua đó góp phần vào đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Vụ cháy xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vào ngày 28 tháng 8 năm 2019 tại hà Nội gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

5) Ngày nay trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động mau lẹ theo hướng tiêu cực và đang phải đối phó với nhiều nguy cơ do thiên nhiên và con người gây ra ngày một gia tăng. Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh này, nhất là nước ta ngày càng hội nhập sâu vào các lĩnh vực quốc tế. Để vận hành được nền kinh tế thị trường không ngừng tăng trưởng, có chất lượng bền vững, tránh được những rủi ro trong môi trường quốc tế và trong nước như hiện nay không chỉ xây dựng năng lực lãnh đạo quốc gia, hệ thống pháp trị XHCN, hệ thống quản lý điều hành của Chính phủ mà cần phải xây dựng một hệ thống quản trị tốt xã hội, trước hết là quản trị các doanh nghiệp là lực lượng xương sống của nền kinh tế. Sự quản trị tốt từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tư nhân cũng như nhà nước sẽ cho ta có được một hệ thống dự báo tốt về chiến lược để định hướng phát triển đúng, lường trước được các nguy cơ có thể xảy ra gây tổn hại hoặc làm chậm sự phát triển, đưa ra các giải pháp chủ động ứng phó, ngăn ngừa hậu quả, lựa chọn được các chuỗi công cụ tốt nhất (tài chính, nhân lực, cơ chế vận hành) để đạt được hiệu quả tốt nhất, ít bị rủi ro nhất.

Sáng ngày 18/11/2019, Khoa Quản trị và Kinh doanh (ĐHQG Hà Nội) đã ra mắt Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống.

Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế cao của nước ta như hiện nay, đòi hỏi cần có một hệ thống quản trị trong nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp là một nhu cầu vô cùng cần thiết và cấp bách, đáp ứng được yêu cầu phát triển; ổn định bền vững, đảm bảo an ninh quốc gia.

Hiện nay các doanh nghiệp lớn ở nước ta đã chú trọng áp dụng các chuỗi công cụ, biện pháp để quản trị trong kinh doanh. Song nguồn nhân lực chuyên sâu lĩnh vực này chưa đáp ứng được với tình hình nên an ninh kinh tế nhiều khi bị xâm hại nghiêm trọng dẫn đến thua lỗ, thậm chí bị phá sản.

Vì vậy nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình đào tạo về an ninh phi truyền thống kết hợp với các nội dung liên quan đến quản trị kinh doanh tại Việt Nam để sớm có các chuyên gia và nhân viên quản trị an ninh phi truyền thống có kỹ năng quản trị rủi ro và an ninh doanh nghiệp, kỹ năng phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam… thì chắc rằng đây sẽ là một giải pháp hay mô hình “chạy tiếp sức” giữa các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Khoa học Công nghệ về an ninh phi truyền thống với các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia (an ninh truyền thống). Nếu được triển khai và phát triển thì mô hình “chạy tiếp sức” này sẽ mang tính xã hội hóa cao, giúp cho Nhà nước giảm được gánh nặng chi phí cho công tác đào tạo, tuyên truyền và thực hiện bảo vệ an ninh con người và an ninh doanh nghiệp, tăng cường thế trận an ninh nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh cho nhà nước, con người, doanh nghiệp và môi trường đầu tư tại Việt Nam./.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN