Rác thải nhựa: Nguy cơ hủy hoại môi trường biển của nước ta

Sự thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường với tư cách là một tác nhân chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu đã đến mức nghiêm trọng đe doạ sự sống của loài người dù rằng những thay đổi lớn về khí hậu và ô nhiễm môi trường chủ yếu chỉ mới hình thành và tăng lên một cách nhanh chóng trong vòng một thế kỷ nay. Hành động của con người tác động vào thiên nhiên, rõ nhất thông qua khai thác tài nguyên thiên nhiên và xả thải ra môi trường đã trở nên vô cùng tàn khốc, nhất là ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước theo đuổi một chính sách tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, không lấy tang trưởng bền vững là mục tiêu.

Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã mang tính toàn cầu và là mối lo chung của toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi nước dù là các nước phát triển hay nước ngoài. Do vậy, xử lý ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu buộc phải có nỗ lực toàn cầu thông qua sự hợp tác chặt chẽ hiệu quả của tất cả các nước, đồng thời đõi hỏi sự hành động đồng bộ của các quốc gia.

Rác thải nhựa trên biển đã trở thành đại nạn

Ước tính hiện nay có tới 9,1 tỷ tấn (có tài liệu nói 6,3 tỷ tấn) rác thải nhựa đang lênh đênh du lịch khắp đại dương, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường rất  nghiêm trọng. Rác thải biển là vật liệu rắn được sản xuất hoặc xử lý, sau đó thải bỏ vào môi trường biển và ven biển. Trong đó, rác thải nhựa là thành phần chủ yếu của rác thải biển, chiếm khoảng 50 – 80% lượng rác thải biển. Ước tính, hơn 80% rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển. 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển, chìm dần xuống đáy đại dương với mật độ ước tính 70 kg/km2 đáy biển, tương ứng khoảng 25,3 triệu tấn; chỉ 1% rác thải biển trên biển được tìm thấy nổi trên bề mặt, hoặc gần bề mặt biển, với mật độ trung bình 0,74kg/km2, tương ứng khoảng 0,27 triệu tấn. Lượng rác ước tính trên các bãi biển toàn cầu lớn hơn 5 lần lượng rác nổi với mật độ rất cao, khoảng 2.000kg/km2 tương ứng 1,4 triệu tấn.

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy cần từ 500 – 1.000 năm. Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương. Theo các chuyên gia, với mức độ sử dụng như hiện nay, sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng là sát thủ lâu dài của biển do tính chất phân huỷ lâu dài của chúng. Theo chuyên gia, thời gian phân huỷ của một số loại rác là: Giấy vệ sinh: 2-4 tuần; vỏ cam, vỏ chuối: 2-5 tuần;  Báo giấy: 6  tuần; lõi quả táo: 2 tháng; đầu lọc thuốc lá: 1-5 năm; túi bao bón nhựa: 10-20 năm; vải nylon: 30-40 năm; vỏ lon bia: 80-200 năm; chai nhựa, bỉm trẻ em: 450 năm; sợi dây câu cá: 600 năm; nắp chai nhựa: 450-1000 năm; chai thuỷ tinh: 1 triệu năm; v.v. Rác thải biển với phần lớn rác thải nhựa đang giết biển từng từng giờ, từng ngày đe doạ ngày càng rõ, ngày càng nghiêm trọng sự sống của con ngươì.

Đại nạn rác thải nhựa ở Việt Nam

Điều vô cùng lo ngại là Tổ chức môi trường của LHQ đã  xếp hạng Việt Nam là quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới. Với 112 cửa biển, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương và rất nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ nên bị chết, dẫn đến sinh cảnh bị phá huỷ. Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương  0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới),chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Indonesia và Philippines[3, LHQ]. Trung Quốc, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam chính là 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.

Bức ảnh được chụp tại chợ Tuy Phong, Bình Thuận

Hơn 90% lượng rác ở Việt Nam chỉ được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt, tức hiệu quả gần như bằng không vì chuyển dạng ô nhiễm này sang dạng ô nhiễm khác (ô nhiểm nguồn nước, đất, huỷ tầng ô dôn). Việc phân loại rác ban đầu gần như không có nên các công nghệ xử lý rác hiện nay không thể ứng dụng được. Vì vậy, nhiều nhà máy xử lý rác thải ngừng hoạt động, ngay nhà máy rác rất hiện đại ở Sóc Sơn (Hà Nội) hoạt động được một tháng phải tạm ngừng.

Một ví dụ điển hình là nạn rác thải nhựa ở Đảo Phú Quốc. Nạn rác thải ở đây ngày càng nghiêm trọng, đến mức có thể huỷ hoại ngành kinh tế du lịch vốn là thế mạnh nhất của hòn đảo này. Người dân Phú Quốc lo ngại khách du lịch sẽ không quay trở lại hòn đảo nếu biển ô nhiễm, nhưng nhiều người vẫn không thể từ bỏ được thói quen vứt rác bừa bãi ra biển và sử dụng rất nhiều đồ nhựa. Xe tải không thể vào thu gom rác vì đường chỉ rộng khoảng 2 m. Người dân vứt rác xuống sông và 90% rác thải bị đánh dạt vào bờ và người dân lại sống chung với rác” [4]. Đại nạn rác thải nhựa ở Phú Quốc hiện tại gây ra nhiều thảm họa. Tình hình rác thải biển ở một số bãi biển và đảo khác ở Việt nam cũng diễn ra tương tự.

Phải làm gì để hạn chế tối đa đại nạn rác thải nhựa

Ở tầm toàn cầu đã có những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường; có một số  nước đã thành công trong xử lý rác thải biển, nhất là các nước phát triển; có nước đang phát triển nhưng đã có quyết tâm cao và đạt được một số kết quả ở các nước châu Âu, Nhật Bản, có nước cấm sử dụng túi nhựa như Kê-ni-a.  Nhưng, nhìn chung cuộc chiến chống rác thải nhựa trên biển còn rất cam go.

Ở Việt nam, mặc dù đã có những chính sách, biện pháp chống rác thải biển nhưng chưa có sự cải thiện đáng kể trong xử lý rác thải biển.

Cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường nói chung và rác thải biển nói riêng đang đứng trước những vấn đề lớn sau đây: mâu thuẫn lợi ích giữa những nhà sản xuất, phân phối đồ dùng nhựa với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội; mâu thuẩn giữa thói quen sử dụng và xả thải bừa bãi của người tiêu dùng với yêu cầu bảo vệ môi trường biển và sinh kế của chính họ; mâu thuẫn giữa mục tiêu tiến bộ xã hội và tính nghiêm minh của luật pháp, hiệu quả quản lý nhà nước. Nếu không khắc phục các mâu thuẫn này thì cuộc chiến chống rác thải biển sẽ không kết quả.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa đòi hỏi phải phối hợp toàn cầu và đồng bộ. Đại nạn rác thải không chừa nước nào. Đại nạn rác thải biển có thể sớm trở thành thảm hoạ nếu không có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ và hiệu quả, cũng như sự quyết tâm cao và hành động quyết liệt của từng quốc gia.

Riêng đối với nước ta, từ thực tiễn đất nước và kinh nghiệm các nước, có thể nêu lên một số giải pháp sau đây:

Trước hết, cần có một kế hoạch hành động tổng thể mang tính chiến lược ở tầm quốc gia về ngăn chặn và xử lý rác thải. Để triển khai kế hoạch này cần có sự điều chỉnh, bổ sung Chương trình hành động quốc gia đã ban hành với những nội dung và hành động thật cụ thể, khả thi nhằm tạo chuyển biến đột phá về ngăn chặn, xử lý rác thải. Chương trình này do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường làm thường trực Ban Chỉ đạo. Trước mắt Chương trình hành động Quốc gia cần tập trung vào các các hoạt động:

  1. Ban hành các chính sách, pháp luật, các qui định mang tính bắt buộc thực hiện đối với các chủ thể như các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý, người đứng đầu chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư; các qui định này phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp từ tỉnh, thành phố tới các huyện, xã, khu phố tổ dân, các tổ chức, doanh nghiệp, kèm theo là các chế tài đủ nghiêm khắc xử lý đối với từng loại sai phạm.
  2. Ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng đồ nhựa của cộng đồng dân cư ở nước ta còn rất thấp nên công tác tuyên truyền, giáo dục sâu, rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của rác thải biển và chấm dứt việc xả thải đồ nhựa ra biển, ven biển, bãi biển là vấn đề cấp bách; đó chính là sự bảo vệ nguồn sinh kế của chính nhân dân vùng biển, làm cho từng người dân nhận thức rõ và hiểu được thảm họa rác thải đang hủy hoại môi trường sống của chính họ, điều đó chỉ có thể được cải thiện khi mỗi người dân cùng chung tay đóng góp thông qua thái độ và hành vi của họ trong việc ngăn chặn nạn rác thải trong môi trường sống của chính họ.

    Phong trào thu gom rác là rất đáng hoan nghênh và phải được khuyến khích, hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, quan trọng hơn phải là ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống của mình.
  3. Hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng là những địa chỉ có lượng rác thải lớn, vì vậy phải yêu cầu các nhà đầu tư các khu công nghiệp, các dự án phát triển kinh tế phải cam kết và có giải pháp xử lý rác thải, nước thải bắt buộc trước khi đưa dự án vào hoạt động, nếu không tuân thủ các qui định thì kiên quyết không cho dự án hoạt động, đồng thời tăng mức xử phạt đối với việc xả thải môi trường chưa qua xử lý, xả rác thải ra biển.
  4. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tác tỉnh, thành phố điều tra, khảo sát các vùng dân cư, xác định các địa chỉ có nguy cơ cao từ rác thải để đưa ra chiến lược xử lý rác thải. Nhà nước đầu tư một nguồn kinh phí nhất định, kết hợp với xã hội hóa để tạo ra nền công nghiệp xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, khắc phục tình trạng đầu tư các nhà máy xử lý rác thải có công nghệ lạc hậu; hạn chế, tiến tới dừng việc chôn lấp rác thải; kết hợp xử lý rác với phát triển năng lượng, xử lý cacbon, tái chế rác thải thành các nguyên vật liệu hoặc sản xuất phân bón.
  5. Trước mắt cần xác định một số khu trọng điểm có khối lượng rác thải lớn, có nguy cơ nghiêm trọng để tập trung xử lý, làm sạch rác trong một thời gian nhất định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường làm Trưởng ban , huy động mọi lực lượng, mọi nguồn lực  của địa phương, của quốc gia để thực hiện có kết qủa trong một thời gian nhất định. Kinh nghiệm của Philipin: Tổng thống trực tiếp khởi xướng và chỉ đạo chiến dịch làm sạch Vịnh Manila, huy động tổng lực cho chiến dịch này trong thời gian 2 năm để biến một vịnh biển bẩn thỉu, ô nhiểm nặng nề thành một khu vực trong sạch, trả lại vẻ đẹp và sự trong lành cho bờ biển của thủ đô của
  6. Tuyên truyền và tiến hành biện pháp để các hộ gia đình, phân loại rác thải theo từng loại ngay từ hộ gia đình, nơi thu rác công cộng cũng có thùng rác khac loại như nhiều nước họ đã làm; Chuyển đổi thói quen sử dụng những đồ dùng bằng nhựa nhựa sang những đồ dùng dễ phân hủy hoặc sử dụng được nhiều lần và thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng đồ dùng bằng nhựa, trước hết là túi nhựa, tiến tới ngừng sản xuất, phân phối và sử dụng đồ dùng nhựa, khuyến khích việc thu mua gom đồ dùng nhựa, đổi phế thải nhựa sang các tiện ích khác hấp dẫn cho nhân dân.
  7. Triển khai thực hiện nghiêm các Hiệp ước môi trường đa phương, các tuyên bố, hướng dẫn quốc tế, các nguyên tắc, thông lệ quốc tế về môi trường và xử lý rác thải biển, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ, làm sạch môi trường trong khu vực và quốc tế.

Tóm lại, nạn ô nhiễm rác thải biển ở Việt Nam là rất nghiêm trọng, có nguy cơ trở thành thảm hoạ  nên xử lý rác thải nói chung, rác thải nhựa ra biển nói riêng phải coi là một cuộc chiến cần phải có quyết tâm cao, kiên trì và huy động được mọi nguồn lực của đất nước cùng các biện pháp, chính sách đúng đắn của quốc gia, xác định cụ thể yêu cầu, mục tiêu, xác định các yếu tố gây cản trở để loại trừ nhằm đạt được mục đích chung toàn cuộc. Chúng ta tin tưởng cuộc chiến với rác thải của nước ta nhất định thành công./.

TS. Nguyễn Minh Tú

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN