Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng
Khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đã đưa Trump làm Tổng thống nước Mỹ. Khẩu hiệu này không mới, các đời Tổng thống Mỹ trước Trump đã theo đuổi với tham vọng lãnh đạo thế giới, mục tiêu thì như nhau, nhưng chiến lược để thực hiện mục tiêu đó thì khác nhau. Các đời Tổng thống trước Trump theo đuổi tầm nhìn lãnh đạo thế giới trong bối cạnh kết thúc chiến tranh lạnh, Mỹ không còn đối thủ đe doạ quyền lợi của Mỹ. Chính sách của Mỹ khi đó là áp đặt và can dự trực tiếp để chi phối, thiết lập trật tự thế giới theo những giá trị có lợi cho Mỹ. Sau gần 20 năm, những sai lầm trong tầm nhìn chiến lược của Mỹ bị thất bại nặng nề về tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế toàn cầu, đẩy nước Mỹ tới khủng hoảng toàn diện, vị thế và sức mạnh của Mỹ suy giảm. Trong khi Mỹ suy yếu, nhiều nước nhờ toàn cầu hoá đã mạnh lên nhanh chóng, tiềm lực kinh tế, quân sự được dự báo sẽ đuổi kịp và vượt Mỹ trong tương lai. Trong đó, Trung Quốc với tiềm lực kinh tế, quân sự hiện tại đang vươn lên mạnh mẽ va chạm, đe doạ chiến lược và quyền lợi của Mỹ ở nhiều khu vực trước đây Mỹ có vai trò độc tôn, như Châu Á Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Phi và Châu Âu. Mỹ trở thành con nợ của Trung Quốc. Các nước khác như Ấn Độ, Nga cũng vươn lên mạnh mẽ. Nga đã duy trì sức mạnh vượt trội về hạt nhân so với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Vì vậy, Donald Trump thay đổi nước Mỹ khi cầm quyền là điều tất yếu, là một xu hướng của nước Mỹ, cứu nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng như vừa qua. Có thể nội bộ nước Mỹ còn có ý kiến phản đối Trump, nhưng Trump cùng giới lãnh đạo nước Mỹ hiện nay gồm những nhà tài phiệt, đã vạch ra hướng đi khá rõ ràng, là chủ động làm thay đổi sân chơi toàn cầu trước đây bằng luật chơi mới, với thiết chế mới do Mỹ áp đặt.
Trong 2 năm cầm quyền, Donald Trump và giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã có những quyết định lạnh lùng, quyết đoán và vô trách nhiệm, làm náo động thế giới. Các nhà phân tích chính trị thế giới đã chỉ ra rằng Donald Trump sẽ rũ rối tất cả để rồi sắp xếp lại theo giá trị của Mỹ. Điều đó đã được minh chứng khi Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định thương mại Châu Á Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định biến đổi khí hậu toàn cầu, đòi xem xét lại hiệp định thương mại Bắc Mỹ, rút khỏi hiệp định thoả thuận hạt nhân với Iran, Hiệp định tên lửa tầm trung với Nga… Những hiệp định này đều do các đời Tổng thống Hoa Kỳ đã ký trước đây, nay Trump nhìn nhận nếu thực hiện, nước Mỹ sẽ thua thiệt. Đối với đồng minh chiến lược của Mỹ, Trump cũng xem xét lại các cam kết. Trump cắt giảm chi phí quân sự trực tiếp cho NATO và các nước, ép buộc các nước phải tự tăng cường chi phí quân sự để giảm gánh nặng cho nước Mỹ và để các nước đồng minh mạnh lên, theo đó là xem xét các hiệp định kinh tế thương mại với các nước đồng minh để đảm bảo công bằng như Donald Trump đã tuyên bố.
Tại Hội nghị G20 ở Argentina (30/11-1/12/2018), các nước đã bất đồng trên nhiều vấn đề cơ bản nên không ra được thông báo chung. Do ông Trump vẫn tuyên bố rút khỏi hiệp định Paris về biển đổi khí hậu, nước Mỹ sẽ sử dụng mọi nguồn năng lượng để phát triển nước Mỹ. Mặc dù vậy, Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu COP 24 vẫn sẽ diễn ra tại Ba Lan mà không có Mỹ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo G20 cũng đồng thuận Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có nhiều vấn đề không phù hợp cần phải điều chỉnh như ông Trump đã nhiều lần cảnh báo. Trong chiến lược an ninh của nước Mỹ đã được công bố cuối năm 2017, Mỹ đã xác định Trung Quốc và Nga là mối đe doạ an ninh của nước Mỹ, EU là mối đe doạ về kinh tế. Để triển khai chiến lược an ninh của Mỹ từ đầu năm 2018 tới nay, Mỹ theo đuổi chính sách giảm căng thẳng với Bắc Triều Tiên để tháo bỏ nguy cơ đe dọa hạt nhân đối với nước Mỹ, trong khi đó Mỹ lại huỷ bỏ Hiệp định kiểm soát hạt nhân với Iran, kéo theo đó đe doạ ngăn chặn các nước EU và Nga sẽ bị trừng phạt nếu làm ăn với các nước này. Việc này đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ Iran, các nước EU, Nga, Trung Quốc với quyết định đơn phương của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tạo cớ để trừng phạt Nga về kinh tế, cổ vũ cho nhiều nước chống Nga, trong đó có Ukraina mới đây như Nga cảnh báo. Mỹ vẫn đóng vai trò gây mất ổn định trong khối Ảrập trong khi ký nhiều hợp đồng bán vũ khí cho Ảrập Xê-út. Mỹ vẫn tiếp tục gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, chống lại chính quyền đương nhiệm ở Siria. Việc rời sứ quán Mỹ về Jerusalem khơi dậy xung đột Palestine và Israel, dẫn tới sự phản đối Mỹ của nhiều nước Ảrập làm dấy lên phong trào chống Do Thái mới.
Nhưng mục tiêu trọng tâm của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc, một quốc gia Mỹ cho là đang đe dọa nước Mỹ. Xuất phát từ chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc được thực hiện từ nhiều năm nay, nhờ đó Trung Quốc đã chiếm ưu thế ở nhiều khu vực có địa chính trị quan trọng để thực hiện chiến lược toàn cầu. Song vấn đề Mỹ lo ngại nhất đối với Trung Quốc là vấn đề thương mại. Trump cho rằng hoạt động đầu tư và thương mại của Trung Quốc đã gây cho nước Mỹ nhiều thiệt hại và thua thiệt. Trung Quốc đã chiếm đoạt các công nghệ tiên tiến của Mỹ để hiện đại hóa quân sự và kinh tế.
Đối phó với Trung Quốc, các nhà phân tích tình hình đã chỉ ra các bước đi chiến lược của Hoa Kỳ trong khi đang phôi thai chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng có Ấn Độ, Nhật Bản, Úc tham gia để đối phó với chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc. Tháng 6 năm 2018, Mỹ đã mở cuộc tấn công mạnh mẽ gọi là chiến tranh thương mại Mỹ Trung, với những yêu sách và các điều kiện Mỹ nêu ra với Trung Quốc trong cuộc chiến này thể hiện quan điểm cứng rắn, không khoan nhượng và ngày càng leo thang căng thẳng. Tất cả nhằm mục tiêu cụ thể, gây thiệt hai cho phía Trung Quốc về thương mại, tiến tới phải chấp nhận các yêu sách của Mỹ và mục đích cao hơn là làm xáo trộn thị trường đầu tư ở Trung Quốc khi các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ và các nước rút khỏi nước này trước sức ép của Mỹ, đẩy Trung Quốc vào tình trạng khủng hoảng suy yếu, dẫn tới rối loạn bên trong. Mỹ cũng hi vọng nếu thắng được cuộc chiến này Mỹ sẽ gây sức ép với các nước thay đổi Hiệp định thương mại thế giới WTO có lợi cho Mỹ. Đến nay cũng chưa có dấu hiệu gì Mỹ thắng cuộc. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn căng thẳng theo kiểu ăn miếng trả miếng, với tiềm lực của Trung Quốc hiện nay (nền kinh tế thứ hai thế giới), một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thương mại và rất giỏi đàm phán thương lượng quốc tế, những tham vọng của Mỹ không dễ gì đạt được.
Như vậy, có thể nhật xét mọi diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế nêu ở trên có nguyên nhân xuất phát từ chính sách của chính quyền Donald Trump khôi phục vị thế nước Mỹ. Những gì diễn ra trong năm 2018 cho thấy Mỹ đã gây ra xáo trộn trật tự thế giới, đẩy thế giới vào tình trạng nguy hiểm và rối loạn, đầy biến động khó lường, đẩy thế giới vào nguy cơ mới.
Một là, nhiều thứ chủ nghĩa cũ được tái hiện, nhiều chủ nghĩa mới xuất hiện đặc biệt là chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy phá vỡ hoặc làm giảm các quan hệ hợp tác quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng xu thế toàn cầu hoá. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa sẽ thúc đẩy và làm sống lại sự thù hằn dân tộc, quốc gia, sắc tộc, châm ngòi cho các cuộc xung đột vũ trang vốn đang nóng bỏng ở nhiều khu vực.
Hai là, với sức ép của Mỹ, các nước đồng minh phải tự tăng cường tiềm lực để bảo vệ mình và việc Mỹ khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt rút khỏi các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân, sẽ kích thích đợt chạy đua vũ trang mới, hỗn loạn, khó kiểm soát.
Ba là, các định chế quốc tế có nguy cơ bị phá vỡ, thế giới sẽ rất khó kiểm soát. Các quốc gia phải tự cứu mình. Việc điều chỉnh chính sách quốc gia và liên kết song phương sẽ là một xu thế mới, nếu muốn tồn tại và phát triển.
Bốn là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cùng với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự thương mại toàn cầu, có nhiều dự báo kinh tế thế giới có thể lại lâm vào cuộc khủng hoảng mới, cuộc đối đầu giữa các nước lớn vẫn gay gắt, trong đó Châu Á Thái Bình Dương vẫn là tâm điểm. Biển Đông vẫn bị đe doạ tiềm tàng về chủ quyền lãnh thổ, về quân sự, kinh tế và vận tải quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước trong vùng.
Như vậy tình hình quốc tế năm 2019 sẽ đầy biến động và khó lường, nhưng cho dù có diễn biến thế nào thì nhân loại vẫn phải sống và vươn tới hòa bình và thịnh vượng, phải cùng nhau đối phó, đấu tranh với những yếu tố đe dọa tới an ninh chung. Tình hình có thể diễn ra phức tạp, gay gắt ở nơi này nơi khác, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chính của thế giới, không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, các nước nhỏ trên thế giới đã có đủ thời gian và kiên nhẫn nhìn nhận là trật tự thế giới do các nước lớn thương thảo chi phối để đi đến một thoả hiệp nào đó là cả một quá trình đánh đổi, chèn ép, gạt bỏ quyền lợi của các quốc gia nhỏ bé, nếu các nước không biết chọn hướng đi thích hợp sẽ bị lôi cuốn vào các quyền lực lớn khi đó rất khó vươn dậy.
Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này. Lịch sử đã cho ta bài học đó. Xung đột Biển Đông cũng đang lặp lại quá khứ. Việt Nam đang bị áp lực trước mục tiêu chiến lược của cả Trung Quốc và Mỹ, với địa chính trị vô cùng quan trọng do có phần lớn chủ quyền Biển Đông với trên 3000 km bờ biển sẽ rất thuận lợi cho sự mở rộng, phát triển nối liền Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, rộng hơn là gắn kết Châu Á và các châu khác trên thế giới qua đường biển. Do đó ta dễ nhận thấy chiến lược phát triển của Trung Quốc “Một vành đai, một con đường” và chiến lược “Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương” của 4 nước (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) không thể không tính tới vai trò của Việt Nam. Và có thể nói Biển Đông và Việt Nam đang là tâm điểm của cuộc cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Vì vậy Việt Nam sẽ hứng chịu những nguy cơ đe dọa chủ quyền an ninh lớn nhất nhưng đồng thời cũng là mục tiêu của các nước hướng tới sự hợp tác để đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Do vậy Việt Nam đã vững chắc đứng trong cộng đồng các nước ASEAN, và là đối tác chiến lược của nhiều nước lớn trong khu vực như Mỹ, Nhật, Ấn Độ… Trung Quốc là quốc gia láng giềng lớn nhất khu vực, đang uy hiếp trực tiếp chủ quyền lãnh thổ của nước ta trên Biển Đông, song vẫn là đối tác chiến lược quan trọng của nước ta từ nhiều năm nay.
Vì vậy, chúng ta cần nhận thức sâu sắc những diễn biến của tình hình quốc tế hiện nay để vận hành các mối quan hệ quốc tế cho phù hợp. Sự lựa chọn chính sách đối ngoại đa phương và cân bằng với các nước lớn, lấy hợp tác cùng phát triển để giải quyết bất đồng, xung đột như Đảng và Nhà nước ta đã thi hành trong nhiều năm qua là bài học vô cùng quí giá trong xây dựng và bảo vệ đất nước, nhờ đó ta đã giữ vững được độc lập, hòa bình, ổn định và phát triển như hiện nay.
Chúng ta đã có đường lối, chính sách đúng đắn nhưng trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay thì điều quan trọng là phải nhìn rõ nguy cơ thách thức mới và cơ hội mới. Sự đổ vỡ nhiều Hiệp định, hiệp ước quốc tế về kinh tế thương mại, an ninh, quốc phòng là những nguy cơ tiềm tàng đe doạ an ninh chủ quyền và hội nhập quốc tế, song cũng mở ra những điều kiện mới cho các quốc gia khi các nước điều chỉnh những mối quan hệ quốc tế của mình, trong đó hợp tác song phương là vô vùng quan trọng. Việt Nam cần tích cực tham gia hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CP TPP và tận dụng cơ hội này để tăng cường hội nhập, thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác về kinh tế, thương mại, công nghệ của thị trường thế giới, trong đó cần nghiên cứu kỹ những biến động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung để xây dựng chính sách kinh tế đối ngoại mới, tận dụng mọi điều kiện và khả năng, nhu cầu của từng quốc gia để khai thác công nghệ, đầu tư và mở rộng thị trường kể cả ngắn hạn và dài hạn. Trong khi chú trọng mở rộng quan hệ với các nước lớn, là một nước nhỏ, Việt Nam cần coi trọng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực, trước hết trong nội khối ASEAN, tạo ra mối liên kết chặt chẽ, từ đó mở rộng hợp tác ra các nước khác trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, xa hơn là Ấn Độ và Nga… Những mối liên kết này là rất quan trọng và cần thiết để cân bằng quan hệ với các nước lớn ở khu vực, nhất là Trung Quốc và Mỹ.
Đối với Mỹ, dù là quốc gia có tiềm lực bậc nhất thế giới, đang trên đường thực hiện tham vọng phục hồi vai trò lãnh đạo thế giới, các chính sách của Mỹ đang hướng vào làm suy yếu các khối, các tổ chức, các quốc gia đang đe dọa quyền lợi của Mỹ. Song, Việt Nam không nằm trong mục tiêu Mỹ làm suy yếu; trái lại, Mỹ luôn nhấn mạnh là đối tác toàn diện, đồng minh tiềm tàng. Tuy nhiên, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều rào cản đến từ phía Mỹ và thực lực của Việt Nam cũng chưa đủ điều kiện để là đối tác của Mỹ. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là thị trường thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Trong quan hệ với Việt Nam, Mỹ vì mục đích chính trị hơn là mục đích kinh tế. Mỹ công khai quan điểm mong muốn làm cho Việt Nam mạnh lên để tạo thế cân bằng trong khu vực. Chính sách của Hoa Kỳ gần đây, kể cả khi ông Donald Trump làm tổng thống, khi làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam đều nhấn mạnh sự hợp tác hơn là gây áp lực. Những động thái này cho thấy Mỹ đang ngỏ cửa để Việt Nam phát triển hợp tác với Mỹ. Đây là cơ hội lớn ta cần khai thác triệt để. Tuy nhiên, ta cần có một lộ trình ngắn hạn và dài hạn và đặt trong mối quan hệ cân bằng giữa các nước lớn; các lĩnh vực hợp tác với Hoa Kỳ không gây lo ngại cho các nước láng giềng và khu vực, nhất là với Trung Quốc. Trước mắt cần nghiên cứu kỹ những khoảng trống do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tạo ra để điều chỉnh chính sách và kế hoạch xuất khẩu các mặt hàng vào Mỹ mà Việt Nam có thế mạnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ và các nước khác khi rút khỏi Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật cao, các lĩnh vực giáo dục và y tế. Mặt khác, chúng ta không phản đối sự có mặt của Mỹ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vì mục đích hòa bình, an ninh và phát triển. Duy trì sự hợp tác song phương trên các lĩnh vực nhân đạo và an ninh phi truyền thống, mặt khác cần có phản ứng kịp thời thích hợp với những hoạt động của Mỹ gây nguy hại cho an ninh thế giới và khu vực cũng như Việt Nam.
Đối với Trung Quốc là một cường quốc kinh tế có vai trò quan trọng chi phối quan hệ quốc tế, đã đứng chân được ở nhiều khu vực chiến lược để tăng cường sức mạnh quân sự và chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhận thức của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh và lợi ích cả trước mắt và lâu dài ở tất cả các vùng chiến lược. Các biện pháp để ngăn chặn làm suy yếu Trung Quốc của Mỹ ngày càng rõ ràng hơn cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Cuộc chiến tranh thương mại là đòn tấn công đầu tiên cùng với tăng cường lực lượng quân sự ở Châu Á Thái Bình Dương mới đây hướng vào Trung Quốc đã và đang gây hậu quả đáng kể cho nước này. Trung Quốc đang tìm mọi cách để thoát ra “vòng vây” của Mỹ bằng cách tăng cường liên kết với các nước lớn như Nga, EU và cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc… đặc biệt sử dụng chính sách kinh tế và chiến lược “Một vành đai, một con đường” để củng cố, tranh thủ các nước ASEAN. Việt Nam lúc này không nằm ngoài chiến lược tranh thủ của Trung Quốc. Do vậy đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam và Trung Quốc mở ra hướng quan hệ mới tích cực hơn. Nói như vậy có nghĩa là quan hệ hợp tác giữa hai nước còn có nhiều khoảng cách, thất thường, lúc nóng lúc lạnh, lúc hữu nghĩ lúc gay gắt, kinh tế thương mại chưa phải là vấn đề lớn của hai nước. Việt Nam nhập siêu nhiều từ Trung Quốc, phần lớn là qua đường tiểu ngạch (21 tỉ đôla Mỹ/năm, gấp gần 3 lần xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, chỉ tính 11 tháng tháng năm 2018).
Đã đến lúc quan hệ hai nước phải có bước chuyển biến tích cực hơn. Đó là một yêu cầu khách quan. Lịch sử quan hệ hai nước cho thấy không theo chiều hướng đối đầu nhau. Nhu cầu hòa bình, hữu nghị, hợp tác là bao trùm, mang tính chiến lược. Xu hướng này đang chi phối và điều chỉnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều không thể phủ nhận là Trung Quốc cần một Việt Nam ổn định, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc. Đó là một yêu cầu rất quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc để vươn lên đứng đầu thế giới. Ngược lại Việt Nam cũng nhìn nhận một Trung Quốc phát triển, có trách nhiệm, vì lợi ích chung khu vực, sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam phát triển. Cả hai bên đều nhận thức rõ điều đó, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang phải căng thẳng đối phó với cuộc tấn công thương mại của Mỹ. Có điều Trung Quốc thể hiện là nước lớn, có sức mạnh vượt trội về quân sự, bằng những hoạt động áp đặt, thiếu kiềm chế và tự đưa ra định chế về chủ quyền Biển Đông một cách vô lý, đã thách thức chủ quyền quốc gia, dân tộc, đã phá vỡ DOC, sự nghi kỵ tăng lên, hữu nghị mất dần, lòng tin bị xói mòn. Đây là cản trở chính khiến cho quan hệ hai nước những năm vừa qua chưa có đột biến.
Nhìn lại bước đi trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc gần đây đã có bước tiến đáng kể. Tình hình Biển Đông tạm lắng hơn, hai nước đã có nhiều hiệp định hợp tác với nội dung tích cực và lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh đến nhận thức của cấp cao hai nước về sự cần thiết thúc đẩy và hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng vẫn thiếu một vấn đề cơ bản là lòng tin, lòng tin xuất phát từ hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Biển Đông là bức rào cản quan hệ hai nước. Biển Đông không có hòa bình thì cả hai nước đều thiệt hại. Để giải quyết được vấn đề tối quan trọng này, cả hai bên đều cần xây dựng một tư duy mới, không thể lấy chủ nghĩa dân tộc nước lớn để giải quyết tranh chấp chủ quyền, mọi hoạt động đều phải hướng tới nhận thức chung là Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền lợi của nước khác, Trung Quốc phải thể hiện là một nước lớn có trách nhiệm cùng các nước ASEAN sớm đi đến thỏa thuận COC là cơ sở giải quyết mọi vấn đề xung đột trên Biển Đông. Điều đó sẽ góp phần đảm bảo an ninh chung khu vực Châu Á Thái Bình Dương và sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Dù cơ hội bên ngoài mang lại như thế nào nhưng nếu chủ quan chúng ta không có sự chuẩn bị và nội lực không mạnh thì cũng không thể tận dụng được. Vì thế, muốn giành cơ hội này, Việt Nam phải điều chỉnh, cải cách mạnh mẽ về chính trị và kinh tế.
Thứ nhất, mấu chốt cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay là có một tư duy rõ ràng rành mạch hơn về các xu hướng của thế giới. Giới tinh hoa cần nhạy bén để sớm nhận ra thời cơ của thời đại mới để dẫn dắt dân tộc đi đúng hướng, trong đó sớm định hướng mới về chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng, chiến lược ngoại giao, theo đó điều chỉnh các chính sách kinh tế, xã hội theo kịp với biến động mới toàn cầu. Chú trọng phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời giới lãnh đạo và cả hệ thống chính trị cần có động lực mới, quyết tâm làm giàu cho đất nước.
Thứ hai, cần tiếp tục công cuộc cải cách hành chính và luật pháp hiệu quả. Một nền luật pháp hoàn chỉnh đi cùng với pháp chế sẽ thực sự mở đường cho phát triển đất nước với tốc độ cao và bền vững. Sự cải cách tư duy trong quản lý, trong điều hành và quản trị của các cơ quan Đảng, Chính phủ là một vấn đề cấp bách hiện nay, chẳng những tiết kiệm được nguồn nhân lực cho đất nước mà nó còn góp phần tích cực và hiệu quả chống tham nhũng, chống sách nhiễu vặt đối với các doanh nghiệp và hoạt động của công dân.
Thứ ba, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Cần đầu tư xây dựng những tập đoàn lớn trong công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thì mới đủ sức tiếp thu nguồn lực và công nghệ bên ngoài. Hiện tại, chúng ta đã và đang có những tập đoàn như vậy. Đây là điều đáng mừng cho đất nước. Chúng ta cần thúc đẩy những doanh nghiệp này và tạo điều kiện hình thành những doanh nghiệp tương tự. Làm được điều này cần nhiều yếu tố, trong đó cốt yếu vẫn là chính sách, đặc biệt là chính sách thuế phù hợp, chính sách sử dụng tài nguyên và đào tạo nhân tài.
Thứ tư, dân tộc ta, nhân dân ta luôn khao khát đất nước giàu mạnh. Nếu phát huy được khát vọng này của nhân dân vào công cuộc xây dựng đất nước thì tiềm năng phát triển của đất nước sẽ được nhân lên gấp bội. Hiện nay, người dân được tự do làm giàu nhưng trong nhiều lĩnh vực đang phát triển một cách tự phát, dẫn tới nhiều hành vi trái pháp luật và ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, văn hoá dân tộc. Chính vì thế, thúc đẩy khát vọng của nhân dân phải đi cùng với giáo dục để điều chỉnh theo hướng đúng. Làm giàu phải đi kèm trách nhiệm chung với cộng đồng, tăng cường kỷ cương, trật tự xã hội, phát triển nền an ninh nhân dân.
Thách thức từ trật tự thế giới mới đang rất lớn nhưng thời cơ cũng không hề nhỏ. Các nước trong khu vực và trên thế giới đều đang thay đổi mạnh mẽ. Việt Nam hơn bao giờ hết cần có những hành động nhanh và mạnh nhằm tạo ra bước chuyển lớn cho đất nước trên sân chơi toàn cầu. Tin rằng năm 2019 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và có nhiều thành quả to lớn.