Oriana Skylar Mastro – Bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs (Các vấn đề đối ngoại)
Trong suốt chiều dài lịch sử, các cường quốc đã sáng tạo ra những chiến lược phát triển mới. Đế quốc Mông Cổ kết nối các vùng đất thông qua thương mại, triều đại nhà Thanh xây dựng một hệ thống các nước chư hầu, Vương quốc Anh thâu tóm các thuộc địa, Liên Xô tạo ra các phạm vi ảnh hưởng liên kết với nhau về mặt ý thức hệ, và Mỹ thiết lập một trật tự được thể chế hóa và một sự hiện diện quân sự toàn cầu. Tương tự, Trung Quốc đã tìm kiếm các nguồn sức mạnh mới và sử dụng nó theo những cách chưa từng được áp dụng trước đây.
Trong lĩnh vực chính trị, Trung Quốc đã thực hiện một sự kết hợp giữa các hoạt động bí mật và ngoại giao công chúng để đồng hóa và vô hiệu hóa phe đối lập nước ngoài. Trung Quốc đã thành lập hàng trăm Viện Khổng Tử tại các trường đại học trên khắp thế giới và ra mắt các kênh truyền thông tiếng Anh để phổ biến quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhân viên tình báo Trung Quốc thậm chí đã tuyển dụng những du học sinh Trung Quốc để làm người cung cấp thông tin và truyền đạt những điều các sinh viên và giáo sư Trung Quốc đang nói về đất nước của họ. Ở Úc và New Zealand, Trung Quốc đã tìm cách gây ảnh hưởng đến chính trị một cách trực tiếp hơn, bí mật tài trợ tiền cho các ứng cử viên ưa thích.
Trung Quốc đã đặc biệt sáng tạo trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế. Chiến lược ở đây là tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển để khiến các chính phủ nước ngoài phải lệ thuộc và phục tùng. Gần đây nhất, những nỗ lực đó đã được tiến hành dưới dạng thức Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng khu vực khổng lồ được khởi động vào năm 2013. Trung Quốc đã chi khoảng 400 tỷ đô la cho sáng kiến này (và đã cam kết thêm hàng trăm tỷ đô la), và nó đã thuyết phục 86 quốc gia và các tổ chức quốc tế ký kết khoảng 100 thỏa thuận hợp tác liên quan. Viện trợ của Trung Quốc, chủ yếu với hình thức các khoản vay từ các ngân hàng do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, không đi kèm với những ràng buộc kiểu phương Tây: không có yêu cầu cải cách thị trường hoặc cải cách hành chính. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc yêu cầu từ người nhận là sự trung thành đối với nhiều vấn đề, bao gồm việc không công nhận Đài Loan.
Như nhà phân tích Nadège Rolland đã viết, Sáng kiến Vành đai và Con đường “nhằm mục tiêu giúp Trung Quốc sử dụng tốt hơn ảnh hưởng kinh tế đang gia tăng của mình để đạt được mục đích chính trị cuối cùng mà không gây ra phản ứng đối kháng hay xung đột quân sự.” Vấn đề mấu chốt ở đây là Bắc Kinh đã không rõ ràng về khía cạnh quân sự của dự án này, khiến Washington bất an về những ý định thực sự của nó. Nhiều nhà quan sát đã tự hỏi liệu Sáng kiến Vành đai và Con đường cuối cùng sẽ có một hợp phần quân sự mạnh mẽ hay không, nhưng điều đó không đúng trọng tâm. Ngay cả khi sáng kiến này không phải là khúc dạo đầu cho sự hiện diện quân sự toàn cầu kiểu Mỹ, và có lẽ thực tế sẽ đúng như vậy, Trung Quốc vẫn có thể sử dụng ảnh hưởng kinh tế và chính trị do dự án tạo ra để hạn chế phạm vi quyền lực của Mỹ. Ví dụ, nó có thể gây áp lực cho các quốc gia phụ thuộc ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Á từ chối quân đội Mỹ quyền xâm nhập không phận hoặc tiếp cận các cơ sở trên mặt đất của họ.
Tinh thần doanh nhân của Trung Quốc không bị giới hạn trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị; nó cũng có yếu tố sức mạnh cứng. Thật vậy, có lẽ chiến lược quân sự là lĩnh vực mà Bắc Kinh thể hiện tinh thần doanh nhân nhiều hơn cả. Một mặt, học thuyết “chống xâm nhập/khu vực cấm” (A2/AD) của nó là nước cờ xuất sắc và sáng tạo: bằng cách phát triển các năng lực quân sự bất đối xứng với chi phí tương đối thấp, quốc gia này có thể gây khó khăn cho bất kỳ kế hoạch nào của Mỹ nhằm giúp đỡ Nhật Bản, Philippines hoặc Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Mặt khác, thay vì đối đầu với Mỹ để đẩy quân đội Mỹ khỏi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động tinh vi hơn, như quấy rối tàu và máy bay Mỹ bằng các phương tiện phi quân sự, cho phép nước này duy trì một mức độ từ chối và tránh làm cho Mỹ phản ứng. Nhờ các chiến thuật như vậy, Trung Quốc đã đạt được những lợi ích chính trị và lãnh thổ đáng kể mà không vượt qua ngưỡng gây xung đột với Mỹ hoặc các đồng minh.
Trung Quốc cũng đã tránh gây ra phản ứng phối hợp từ Mỹ bằng cách cố tình trì hoãn việc hiện đại hóa quân đội. Như nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói, “Giấu mình chờ thời”. Từ khi các nước có xu hướng suy luận về ý định của kẻ thách thức dựa trên quy mô và bản chất của các lực lượng vũ trang, Trung Quốc đã chọn xây dựng các loại quyền lực khác như kinh tế, chính trị và văn hóa, để thể hiện một hình ảnh ít đe dọa hơn.
Vào những năm 1970, khi Đặng bắt đầu theo đuổi “bốn hiện đại hóa” – nông nghiệp, công nghiệp, khoa học – công nghệ, và quốc phòng – ông đã đặt nhiệm vụ hiện đại hóa quân sự ở mức độ ưu tiên cuối cùng. Trong suốt những năm 1980, Trung Quốc tập trung trước tiên vào việc xây dựng nền kinh tế; sau đó bổ trợ cho sức mạnh kinh tế đang phát triển của mình bằng ảnh hưởng chính trị, gia nhập các thể chế quốc tế trong suốt những năm 1990 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Vào đầu thiên niên kỷ, quân đội Trung Quốc vẫn còn rất lạc hậu. Các tàu của nó không có khả năng di chuyển an toàn vượt quá tầm nhìn từ bờ biển, các phi công của nó không giỏi bay vào ban đêm hoặc trên mặt nước, và tên lửa hạt nhân của nó hoạt động bằng nhiên liệu lỏng lỗi thời. Hầu hết các đơn vị mặt đất của nó không có thiết bị cơ giới hiện đại.
Mãi đến cuối những năm 1990, Trung Quốc mới bắt đầu hiện đại hóa quân đội một cách nghiêm túc. Nhưng ngay khi đó, nó chỉ tập trung phát triển các năng lực phù hợp để thống trị Đài Loan hơn là phóng sức mạnh ra phạm vi lớn hơn. Trung Quốc cũng báo hiệu rằng họ tìm cách sử dụng quân đội vì lợi ích toàn cầu, khi ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố công khai rằng các lực lượng của Trung Quốc sẽ tập trung hơn vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình và cứu trợ nhân đạo hơn là chiến tranh. Ngay cả học thuyết A2/AD khét tiếng của Trung Quốc ban đầu cũng bị coi như là một cách để hạn chế khả năng can thiệp của Mỹ vào châu Á hơn là một phương pháp để phóng chiếu sức mạnh của Trung Quốc. Mãi đến năm 2012 Trung Quốc mới ra mắt tàu sân bay đầu tiên, và mãi đến năm 2013, họ mới thực hiện các cải cách cơ cấu mà cuối cùng sẽ cho phép quân đội của họ cạnh tranh với Mỹ trên tất cả các lĩnh vực trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
KHAI THÁC NHỮNG KHOẢNG TRỐNG
Một phần quan trọng khác trong chiến lược tích lũy quyền lực của Trung Quốc liên quan đến mối quan hệ của nó với trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Bắc Kinh đã tạo ra sự không chắc chắn về các mục tiêu cuối cùng của mình bằng cách hỗ trợ trật tự đó trong một số lĩnh vực và phá hoại nó ở những nơi khác. Cách tiếp cận lựa chọn này phản ánh thực tế rằng Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều từ một số phần của trật tự hiện tại. Tư cách thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép nước này góp phần thiết lập chương trình nghị sự quốc tế và ngăn chặn các nghị quyết mà nó không đồng ý. Ngân hàng Thế giới đã cho Trung Quốc vay hàng chục tỷ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng trong nước. Tổ chức Thương mại Thế giới, mà Trung Quốc tham gia từ năm 2001, đã mở rộng đáng kể quyền tiếp cận thị trường nước ngoài của nước này, dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu cùng một thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nhưng có những phần của trật tự toàn cầu mà Trung Quốc muốn thay đổi. Và nước này đã phát hiện ra rằng bằng cách khai thác các khoảng trống hiện có, nó có thể làm như vậy mà không gây lo ngại tức thì.
Loại khoảng trống đầu tiên trong trật tự toàn cầu là địa lý. Một số nơi trên thế giới chủ yếu nằm ngoài trật tự đó, vì họ đã chọn vắng mặt hoặc vì họ không được Mỹ ưu tiên. Ở những nơi đó, nơi mà sự hiện diện của Mỹ có xu hướng mờ nhạt hoặc không tồn tại, Trung Quốc đã phát hiện ra rằng họ có thể xâm nhập đáng kể mà không kích động Mỹ. Do đó, Trung Quốc ban đầu chọn tập trung vào việc tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để xây dựng ảnh hưởng ở Châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á. Nó cũng tiếp tục xây dựng quan hệ chặt chẽ với các chế độ tệ hại bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, như Iran, Bắc Triều Tiên và Sudan, qua đó tăng cường sức mạnh chính trị mà không đe dọa đến vị thế của Mỹ.
Loại khoảng trống thứ hai là theo từng vấn đề. Trong các vấn đề mà trật tự toàn cầu còn yếu, mơ hồ hoặc không tồn tại, Trung Quốc đã tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn, quy tắc, chuẩn mực và quy trình mới có lợi cho nó. Hãy xem xét trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc đang cố gắng thiết lập các quy tắc để quản lý công nghệ mới này theo cách có lợi cho các công ty của mình, hợp pháp hóa việc sử dụng nó để giám sát trong nước và làm suy yếu tiếng nói của các nhóm xã hội dân sự đang cung cấp thông tin cho cuộc tranh luận về vấn đề này tại châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong khi đó, khi nói đến Internet, Trung Quốc đã thúc đẩy quan niệm về “chủ quyền trên không gian mạng”. Theo quan điểm này, trái ngược với sự đồng thuận của phương Tây, không gian mạng cần được quản lý trước hết bởi các nhà nước, thay vì một liên minh các bên liên quan, và các nhà nước có quyền điều chỉnh bất kỳ nội dung nào họ muốn trong phạm vi biên giới của họ. Để thay đổi chuẩn mực theo định hướng này, Trung Quốc đã ngăn cản các nỗ lực của Mỹ để đưa các nhóm xã hội dân sự vào Nhóm Chuyên gia Chính phủ của Liên Hợp Quốc, cơ quan thiết lập quy tắc chính cho các chính phủ phương Tây trên không gian mạng. Kể từ năm 2014, nó cũng đã tổ chức Hội nghị Internet Thế giới thường niên của riêng mình, nơi truyền bá quan điểm của Trung Quốc về quản lý Internet.
Trong lĩnh vực hàng hải, Trung Quốc đang tận dụng sự thiếu đồng thuận quốc tế về luật biển. Mặc dù Mỹ khẳng định rằng tự do hàng hải của các tàu hải quân đã được quy định trong luật quốc tế, nhiều quốc gia khác cho rằng tàu chiến không có quyền tự động đi qua vùng lãnh hải của một quốc gia – lập luận này không chỉ do Trung Quốc đưa ra, mà còn do các đồng minh của Mỹ như Ấn Độ. Bằng cách tận dụng những bất đồng này (và lợi dụng việc Mỹ không thể phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển), Trung Quốc có thể chống lại các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong phạm vi trật tự quốc tế hiện có.
CUỘC ĐUA MỚI
Nhờ chiến lược mới lạ này, Trung Quốc đã có thể phát triển thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, đứng thứ hai, có lẽ, chỉ sau Mỹ. Và nếu kiên trì với chiến lược này, Trung Quốc sẽ tiếp tục đứng ngoài màn hình ra-đa của Mỹ. Nhưng các cường quốc đang trỗi dậy chỉ có thể trì hoãn sự khiêu khích đến thế mà thôi, và tin xấu cho Mỹ – và cho hòa bình và an ninh ở Châu Á – là Trung Quốc hiện đã bước vào giai đoạn đầu của việc thách thức trực tiếp trật tự do Mỹ lãnh đạo.
Dưới thời ông Tập, Trung Quốc không ngần ngại phá hoại hệ thống liên minh của Mỹ ở Châu Á. Nó đã khuyến khích Philippines rời xa Mỹ, hỗ trợ các nỗ lực của Hàn Quốc để áp dụng một đường lối mềm mại hơn đối với Bắc Triều Tiên, và ủng hộ lập trường của Nhật Bản chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Trung Quốc đang xây dựng các hệ thống quân sự tấn công có khả năng kiểm soát biển và không phận trong cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên và có khả năng bành chướng qua chuỗi đảo thứ hai. Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là biển Đông), không còn dựa vào các tàu cá hay các cơ quan chấp pháp trong nước để thực thi quan niệm về chủ quyền của mình, thậm chí còn bắt đầu tham gia vào các hoạt động quân sự bên ngoài châu Á, bao gồm thành lập căn cứ đầu tiên ở nước ngoài, tại Djibouti. Tất cả những động thái này cho thấy một điều: Trung Quốc không còn muốn an phận ở vị trí thứ hai sau Mỹ và đang tìm cách thách thức trực tiếp vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Sơn Trà dịch