Con người đang tạo ra cuộc sống thịnh vượng, song con người cũng đang tự giết mình từ cách làm cho thịnh vượng. Đánh giá này phản ảnh thực trạng phát triển nóng của nền kinh tế đã và đang gây ra hệ lụy về môi trường sống của con người. Các báo cáo của các tổ chức, các nhà khoa học môi trường quốc tế đã chỉ rõ: Các nhà máy điện than được xây dựng để cung cấp điện chủ yếu cho nền kinh tế của nhiều quốc gia, nhưng bản thân các nhà máy điện than xả ra không gian nhiều loại khí độc hại như SO2, NO, hạt PM và thủy ngân. SO2 tạo ra hạt Axít trong không khí, các chất phóng xạ và kim loại nặng (chì, thủy ngân, Crom), tất cả chất độc này tạo nên hạt mịn PM.2.5 siêu nhỏ thấm qua màng phổi, gây ung thư phổi khi con người ta hít phải.
Các nhà máy sản xuất thép, sản xuất hóa chất, sản xuất giấy, các xưởng chế biến, làng nghề v.v… được lập ra phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống con người nhưng hàng ngày xả ra không gian, sông biển, đồng ruộng, rừng cây hàng ngàn tấn khí độc hại như Sunfate, Nitrat, Amoniác, Natri clorua, Cacbon đen, bụi khoáng và nước,v.v… là những chất độc khuếch tán trong không khí gây nhiễm độc cho các phế nang của phổi, hệ tuần hoàn máu, nặng hơn là gây ung thư hoặc tác động đến DNA gây đột biến về Gen khi con người tiếp cận nó.
Mỗi năm các nhà xây dựng xây cất hàng ngàn khu chung cư và các khu biệt thự mới ở các thành phố đảm bảo cho hàng triệu hộ gia đình có nhà để ở, theo đó là các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ con người. Nhưng các công trình xây dựng đã rắc ra bầu trời và mặt đất hàng trăm ngàn tấn bụi đất cát, tạo ra những lớp bụi sương mù, bức xạ mặt trời gây ra những phản ứng quang hóa, tạo ra các hạt thứ cấp và khí độc gây tác hại nghiêm trọng cho hệ hô hấp, gây ra các bệnh về phổi, con người có thể bị chết sớm hơn.
Một xã hội kinh tế phát triển và nhu cầu của đời sống thì các loại phương tiện như máy bay, ô tô, xe máy dùng cho sản xuất, phương tiện đi lại không thể thiếu được và ngày càng tăng do nhu cầu phát triển của xã hội tiên tiến. Nhưng nó phát triển đến mức nhiều thành phố lớn trên thế giới và nước ta ô tô, xe máy gây tắc nghẽn đường phố nhưng nguy hiểm hơn ô tô, xe máy đã xả ra không gian một lượng khói khí CO2 đen cực lớn, kết hợp với bụi đất, bay ra từ các công trình xây dựng. Khói thải từ các nhà máy điện than, công xưởng, khói bụi trong đốt rác, đun nấu than củi trong hộ dân cư không kiểm soát được đã bao phủ bầu trời của các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội những lớp sương mù của hạt mịn PM.2.5, bao phủ nhiều ngày và đang là mối đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Vùng nông thôn, người nông dân hàng ngày sử dụng hàng triệu tấn phân bón, hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu để chăm sóc cây trồng, giết sâu bệnh; song đã gây nhiễm độc nặng cho môi trường, nguồn nước và con người.
Theo công bố của PAMAIR và Air Visual (13/12/2019) và các cuộc hội thảo do Bộ Tài nguyên Môi trường công bố thì lượng bụi mịn PM.2.5 ở thành phố Hồ Chí Minh cao gấp hơn 3 lần tiêu chuẩn của WHO, Hà Nội gấp 5 lần, cao gấp đôi so với quy chuẩn Việt Nam. Không khí ở Hà Nội có thời điểm bị ô nhiễm nặng chỉ đứng sau Delhi (Ấn Độ) là 124 Hg/m3 nơi ô nhiễm đứng đầu thế giới. Có thời điểm khu vực Tây Hồ Hà Nội có chỉ số A & I lên đến trên 400, đó là chỉ số khủng khiếp nhất từ trước tới nay. Ô nhiễm khí hậu ở khắp miền Bắc Việt Nam với ngưỡng tím trên 200 khi nghịch nhiệt gia tăng.
Vậy kinh tế phát triển tốt lên, tăng trưởng tốt lên sẽ có ý nghĩa gì khi môi trường sống của con người bị hủy hoại?
Cả thế giới đã nhìn thấy vấn đề này, nhưng để giải quyết nó là vô cùng khó khăn, đến COP 25 vừa qua họp ở Tây Ban Nha cũng không có được tiếng nói chung để chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của thế giới. Điều này cảnh báo thế giới trong những năm tới đầy thảm họa và thiên tai, cháy, hạn hán, bệnh dịch và bụi mịn PM.2.5.
Ở Việt Nam, một đất nước mới bước vào ngưỡng cửa của thời đại công nghiệp hóa nhưng đã thấy nhiều thảm họa mà mọi người ngày càng cảm nhận rõ ngay cuộc sống của mình.
Những số liệu trên đây đã cho chúng ta thấy ô nhiễm không khí ở nhiều vùng của nước ta đang rất nghiêm trọng ở mức báo động đỏ. Khi xem lại thống kê của ngành y tế thì thấy rất đáng báo động. Hàng năm có hàng ngàn người mắc các chứng bệnh hiểm nghèo khác nhau do ô nhiễm (đặc biệt là ngay từ các cháu bé sơ sinh cũng đã bị ảnh hưởng).
Đây là những số liệu giúp ta nhìn thấy rõ về bệnh tật, còn hàng ngày tất cả chúng ta phải đối mặt những gì khi đi ra đường. Đầu phải đội mũ bảo hiểm, băng gạt, bịt mồm, mắt bịt kính để chống khói bụi ô nhiễm, và chắc rằng còn nhiều người đang mang trong người những căn bệnh do ô nhiễm nhưng chưa được phát hiện.
Chúng ta phải phát triển nền kinh tế để chống nghèo đói, cải thiện đời sống của chúng ta, nhưng những thứ chúng ta đang tạo ra để nuôi sống chúng ta lại đang đe dọa và rút ngắn thời gian sống của chúng ta một cách đau đớn nhất do bệnh tật.
Đảng và Nhà nước ta đã đặt bảo vệ môi trường sống là một nhiệm vụ quan trọng của quốc gia để đảm bảo sự phát triển nền kinh tế bền vững. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu ở nhiều cuộc diễn đàn quốc tế và trong nước “Không đánh đổi môi trường bằng mọi giá”.
Thái độ kiên quyết của Đảng và Nhà nước được thể hiện bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết và có luật bảo vệ mội trường, và có nhiều cuộc họp của chính phủ về bảo vệ môi trường, chống rác thải, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều cuộc họp trực tuyến của chính phủ với các địa phương về chuyển đổi phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Nhiều cuộc họp chỉ đạo chống ùn tắc giao thông và biện pháp giảm khí thải ô tô, cát bụi, xử lý rác thải của các thành phố lớn. Song kết quả chưa làm biến chuyển tình hình một cách triệt để, ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng và các thành phố lớn còn rất nghiêm trọng, nằm trong báo động đỏ.
Như phần trên đã nêu, bầu không khí đang bị ô nhiễm nặng là do chính con người tạo ra, nên hậu quả xảy ra con người phải chịu trách nhiệm. Với một cách nhìn như vậy để mọi người dân cùng với chính phủ tạo ra sức mạnh để giải quyết nó. Có thể sẽ có nhiều giải pháp, nhưng nhìn tổng thể nên tập trung vào một số giải pháp cơ bản làm nền tảng cho các biện pháp xử lý cụ thể:
1.Một là cần phải huy động toàn dân, toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường, nhưng trước hết hướng vào những lĩnh vực chính:
2. Vai trò quan trọng của nhà nước
Chính phủ đã thấy rất rõ nguy cơ ô nhiễm môi trường là do khí thải công nghiệp, nhất là các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá. Vì vậy, quy hoạch chiến lược phát triển điện năng quốc gia cần tính toán kỹ loại trừ các nhà máy điện than trong quy hoạch, theo hướng từng bước thu hẹp các nhà máy điện than cũ và không xây dựng nhà máy điện than mới. Trước mắt cần nghiên cứu kỹ để chấm dứt một số nhà máy điện than công nghệ quá cũ để giảm thiểu mật độ nhà máy điện than ở vùng Đông Bắc. Riêng ở địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có tới 7/10 nhà máy điện than, 4 nhà máy xi măng công suất lớn ở vùng Đông Bắc; đó là sự phân bố rất không hợp lý của lịch sử phát triển cũ để lại, nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới môi trường không những ở Quảng Ninh, mà xa hơn là các tỉnh cận kề, kể cả Hà Nội. Thay vào đó là chính phủ đã có quy hoạch nguồn năng lượng thay thế. Trong khi chưa phát triển năng lượng hạt nhân, thì phát triển thủy điện, điện mặt trời, điện gió là hướng đi phù hợp với sự phát triển của thế giới ngày nay. Tuy nhiên, tiềm năng thủy điện ở nước ta đã thu hẹp. Điện gió, điện mặt trời đang là hướng chính, song Bộ chức năng cần phải tích cực hơn nữa để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng ngành điện để phát triển đồng bộ. Tất nhiên phải lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng và công nghệ tiên tiến nhất.
Một vấn đề quan trọng khác được cảnh báo là ô nhiễm môi trường ở nước ta, nhất là các thành phố lớn, do khí thải từ ô tô, xe máy đang ở mức báo động. Trong khi số lượng ô tô, xe máy chạy xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tăng. Ngoài việc đầu tư cầu đường, chính phủ sớm có quy hoạch phát triển ngành ô tô, xe máy; cần có hạn mức rõ ràng về nhập xe và sản xuất xe ô tô đưa vào sử dụng hàng năm cho phù hợp với tốc độ phát triển đường giao thông và đô thị. Về lâu dài cần có lộ trình giảm xe máy, giảm xe chạy bằng xăng dầu, tăng loại xe điện; cần nghiên cứu để có quy định về tiêu chuẩn cho người được mua và sử dụng xe, thay cho việc cho sử dụng rộng rãi như hiện nay.
Việc chính phủ có chiến lược phát triển tàu điện ngầm ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là một hướng phát triển quan trọng để giảm ùn tắc giao thông và giảm được một lượng lớn khí thải ô tô xe máy ra môi trường.
Vấn đề rác thải dân dụng hiện nay không chỉ là vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn là vấn đề an ninh trật tự do người dân nhiều nơi ngăn chặn không cho đổ rác thải; rác thải đổ ra như núi, bốc mùi hôi thối cả một vùng. Nếu như cách giải quyết theo từng địa phương như hiện nay sẽ không giải quyết được cơ bản. Chính phủ cần đưa ra một giải pháp tổng thể dựa trên đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải dân dụng với công nghệ tiên tiến theo phương thức xã hội hóa theo quy hoạch của nhà nước. Nút thắt cần tháo gỡ hiện nay là thiếu một cơ quan nắm được công nghệ xử lý rác, và thủ tục đầu tư chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Hy vọng chính phủ sẽ sớm làm chuyển biến tình hình này.
3. Tăng cường pháp chế bảo vệ môi trường
Nhà nước đã ban hành luật môi trường và rất nhiều các quyết định, chỉ thị của Chính phủ về vấn đề này, nhưng tình trạng vi phạm luật môi trường còn rất phổ biến và nghiêm trọng xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng. Không khó khăn gì nhận ra nguyên nhân là do người dân không chấp hành và chế tài chưa đủ hiệu lực. Việc giải quyết nhận thức cho người dân để mỗi người tự giác chấp hành luật pháp thì phải có quá trình như nêu ở phần một, nhưng làm cho chế tài có hiệu lực thì phải được thực hiện ngay và kiên quyết, không thể để các hành vi gian lận, xả thải ra môi trường chỉ xử phạt theo cách lập biên bản cảnh cáo hoặc xử nhẹ bằng tiền mà phải áp dụng bằng mọi mức theo pháp luật quy định, từ đình chỉ hoạt động, đền bù do hậu quả gây ra, cao hơn phải xử tù đối với hành vi nghiêm trọng. Việc xử lý vi phạm luật môi trường vừa qua quá rườm rà trong điều tra và có hiện tượng tiêu cực bảo kê, hoặc trông chừng phản ứng của báo chí hướng lái dư luận, chúng ta đã có thực tế là khi xử phạt nghiêm những người đi xe máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì chỉ một thời gian ngắn mọi người dân đã phải thực hiện, trong khi trước đó lý do đủ thứ. Đặc biệt, mới đây xử phạt nghiêm những người uống rượu bia khi lái xe, chúng ta thấy ngay kết quả của thực thi pháp luật.
Để thực hiện có hiệu quả thì cần phải có một lực lượng thực thi luật pháp đủ mạnh, như thanh tra môi trường và cảnh sát môi trường, không chỉ tăng số lượng, trang bị phương tiện; điều quan trọng phải là những người nắm chắc pháp luật, công tâm, trách nhiệm, kiên quyết và có cơ chế kiểm soát các hoạt động tiêu cực tham nhũng của những người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, đây là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến lợi ích dễ gây xung đột và phản ứng tiêu cực, nên nhà nước cần có chính sách đảm bảo đời sống cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đặc biệt pháp luật phải có điều đảm bảo họ được làm gì, và bảo vệ họ như thế nào khi bị tấn công.
Đã không coi là quá muộn khi nhận thấy nguy cơ đe dọa môi trường sống do sự khiếm khuyết từ sự đầu tư phát triển nóng trước đây; chúng ta có niềm tin vào sự sửa chữa sai lầm để làm cho môi trường trở lại tốt đẹp hơn. Lịch sử đã chứng mình khi có sự quyết tâm của Đảng và nhà nước, sự tham gia tích cực của nhân dân, thì việc gì khó mấy cũng vượt qua và giành thắng lợi./.
Bình Minh