Chuyển đổi năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Bài học từ Liên minh châu Âu

Ngày 22-7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã có bài tham luận với nhan đề: “Tăng trưởng và Xanh hóa – Kinh nghiệm của Liên minh châu Âu” tại Diễn đàn. Tạp chí Phương Đông xin trích giới thiệu với độc giả nội dung bài tham luận nói trên.

Tháng 12/2019, Liên minh châu Âu đã đạt được “Thỏa thuận Xanh EU”. Thỏa thuận này đã định hình lại cam kết của Liên minh châu Âu về ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức liên quan đến môi trường. Thỏa thuận Xanh EU nhằm mục đích đưa Liên minh châu Âu trở thành một xã hội công bằng và thịnh vượng, với một nền kinh tế hiện đại, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giàu sức cạnh tranh, không còn phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050, và phân tách tăng trưởng kinh tế với hoạt động tiêu thụ năng lượng. Thỏa thuận Xanh EU hướng tới mục tiêu hài hòa nền kinh tế với chính hành tinh của chúng ta. Mô hình tăng trưởng dựa trên các nhiên liệu hóa thạch và gây ô nhiễm ngày nay đã không còn phù hợp nữa. Thỏa thuận Xanh châu Âu không chỉ giúp cắt giảm phát thải và chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng, mà còn tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đó chính là chiến lược tăng trưởng mới.

Thỏa thuận Xanh châu Âu đặt mục tiêu châu Âu sẽ trở thành lục địa trung hòa Carbon (climate neutral) đầu tiên vào năm 2050. Thỏa thuận này hướng tới chuyển đổi nền kinh tế của khối 27 quốc gia châu Âu, từ những nền kinh tế phát thải nhiều carbon trở thành những nền kinh tế ít carbon hơn mà vẫn đảm bảo thịnh vượng, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người dân, với không khí sạch và nguồn nước sạch, đảm bảo cho người dân khỏe mạnh hơn và một thế giới phát triển tự nhiên hơn. Để làm được điều đó, hệ thống năng lượng của Liên minh châu Âu cần phải chuyển đổi cơ bản. Liên minh năng lượng là công cụ chính sách then chốt để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi này. Liên minh năng lượng giúp toàn bộ người dân Liên minh châu Âu được sử dụng năng lượng an toàn, bền vững, cạnh tranh và có giá thành phải chăng. Liên minh năng lượng đảm bảo rằng các nguồn cung năng lượng ở châu Âu đều đạt các tiêu chí an toàn, khả thi và khả năng tiếp cận cho toàn bộ người dân, dựa trên 5 yếu tố có quan hệ chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau sau đây: (1) An ninh năng lượng, khối đoàn kết và lòng tin; (2) Một thị trường năng lượng nội khối tích hợp toàn phần; (3) Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; (4) Phi các-bon hóa nền kinh tế; và (5) Nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và sức cạnh tranh. Đồng thời, liên minh năng lượng cam kết đưa Liên minh châu Âu giữ vai trò tiên phong về năng lượng tái tạo trên toàn cầu, ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trước nhất và tiếp tục dẫn dắt các nỗ lực ứng phó với biến đối khí hậu toàn cầu.

Liên minh năng lượng trong khuôn khổ Liên minh châu Âu đã đề ra khung pháp lý về cách tiếp cận nhất quán trong mọi lĩnh vực chính sách – trong đó trọng tâm là gói chính sách năng lượng sạch cho mọi người dân châu Âu. Các biện pháp này nhằm bảo đảm một sự chuyển dịch năng lượng sạch và công bằng trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế- từ phát điện cho tới tiêu thụ điện tại các hộ gia đình.

Các biện pháp trên còn hướng tới tăng cường mối liên kết năng lượng (hòa mạng) giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và khiến cho các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng trở nên cạnh tranh và đổi mới sáng tạo hơn. Điều đó có nghĩa ta cần phải tìm ra công thức kết hợp đúng đắn giữa các công cụ điều tiết và động lực của thị trường, khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch theo đúng ý nghĩa kinh tế và sử dụng nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu để kích cầu đầu tư trong các lĩnh vực mà nếu chỉ có động lực thị trường thôi thì chưa đủ. Gói chính sách năng lượng sạch cho mọi người dân châu Âu đã thiết lập được sự cân bằng trong việc ra quyết định ở cấp Liên minh châu Âu, cấp quốc gia và cấp địa phương; đồng thời, mỗi quốc gia vẫn được tự mình lựa chọn cơ cấu năng lượng và lộ trình cho riêng quốc gia mình nhằm đạt được các mục tiêu năng lượng và khí hậu, tất cả đều phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Liên minh châu Âu và theo cùng một cách tiếp cận chung. Đó chính là giá trị gia tăng của châu Âu.

Liên minh châu Âu đã đạt được những thành tựu gì?

Phát thải khí nhà kính và hoạt động tiêu thụ năng lượng đang ngày càng phân tách với tăng trưởng kinh tế. Liên minh châu Âu hiện nay đang theo đúng tiến độ mục tiêu năm 2020 về giảm phát thải khí nhà kính (giảm 20% vào năm 2020 so với tỷ lệ phát thải năm 1990). Từ năm 1990 đến năm 2017, kinh tế Liên minh châu Âu tăng trưởng 58%, trong khi đó tỷ lệ phát thải đã giảm 22%, theo số liệu cơ bản do các quốc gia thành viên cung cấp. Từ năm 1990, mức phát thải trong các ngành kinh tế trên toàn khu vực Liên minh châu Âu đều giảm, trừ ngành vận tải. Mức giảm phát thải đáng kể nhất chính là từ các nguồn phát điện. Tăng trưởng kinh tế châu Âu ngày nay đã giảm phụ thuộc vào hoạt động tiêu thụ năng lượng. Cả hai tiêu chí năng suất năng lượng và mật độ phát thải khí nhà kính từ hoạt động tiêu thụ năng lượng ở Liên minh châu Âu đã liên tục được cải thiện, cơ bản là nhờ vào các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các quốc gia thành viên.

Lối tư duy thông thường là tăng trưởng kinh tế thường gắn với gia tăng sản phẩm đầu ra trong ngành công nghiệp, gia tăng tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, quá trình phát triển ở Liên minh châu Âu đã chứng minh điều ngược lại. Mô hình tăng trưởng mới của chúng tôi đã phá bỏ vòng luẩn quẩn đó. Một số ý kiến ​​cho rằng chúng tôi làm được điều đó là do dịch chuyển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi châu Âu, và chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế dịch vụ – vốn được xem là ít gây ô nhiễm hơn. Đúng vậy, ngành dịch vụ đã phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, cũng chính ngành dịch vụ đã trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm lớn nhất ở châu Âu, đặc biệt là dịch vụ vận tải. Bởi vậy, nền kinh tế Liên minh châu Âu không chỉ tăng trưởng và phát triển theo hướng “xanh”. Nền kinh tế của chúng tôi đang ngày một tăng trưởng hơn chính nhờ xu thế “xanh hóa” này! Chỉ tính riêng trong ngành năng lượng tái tạo, Liên minh châu Âu hiện nay đã có hơn 90.000 công ty và tạo ra hơn 2 triệu việc làm. Các lợi ích khác của năng lượng tái tạo là nó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng nhờ giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Năm 2018, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt 18,9% ở Liên minh châu Âu, so với mức 9,6% năm 2004, nghĩa là chúng tôi theo đúng tiến độ mục tiêu 20% đề ra vào năm 2020. Trong vòng 10 năm (2005 – 2015), chúng tôi đã tăng gấp đôi sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện từ xử lý chất thải rắn), tương đương 30% sản lượng điện hiện nay của Liên minh châu Âu, đứng tiếp sau là điện hạt nhân (26%) và điện khí (21%). Điện than vẫn chiếm 20%, dù tỷ lệ sản xuất điện từ than hiện đang giảm. Và cũng giống như Việt Nam hiện nay, công suất thủy điện ở châu Âu đã đạt mức trần từ năm 1990. Liên minh châu Âu đã lần đầu tiên tạo ra được một thị trường năng lượng giàu sức cạnh tranh, trong đó năng lượng tái tạo cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch.

Các quyết định thị trường đang ngày càng thể hiện được vai trò của mình đối với hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, và các nước châu Âu cũng hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho năng lượng tái tạo thông qua đấu thầu cạnh tranh, và đảm bảo lồng ghép việc lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo với thị trường điện lực. Điều này đã giúp giảm đáng kể chi phí triển khai sử dụng năng lượng tái tạo. Hai thập kỷ trợ giá và ưu đãi pháp lý đã thúc đẩy hoạt động đầu tư và nhu cầu năng lượng, thúc đẩy các nền kinh tế quy mô và giảm thiểu chi phí đối với các thiết bị điện mặt trời và điện gió. Ngành công nghiệp này hiện đang có lãi. Chi phí sản xuất điện mặt trời đã rẻ hơn so với điện than. Nếu tính cả các chi phí ngoại vi của điện than (phí xử lý ô nhiễm, chi phí y tế, chi phí cơ sở hạ tầng cứng ở thượng nguồn), thì có lẽ ngành điện than sẽ chẳng còn tương lai khi xét về góc độ kinh tế.

Một đóng góp quan trọng khác giúp “xanh hóa” nền kinh tế là Liên minh châu Âu với nền kinh tế tuần hoàn ở quy mô công nghiệp đã tiến hành tái chế các loại hàng hóa đã qua sử dụng. Quản lý rác thải và giải pháp sản xuất năng lượng từ rác thải đã giúp làm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính ở Liên minh châu Âu.

Các bài học từ Liên minh châu Âu cho Việt Nam

Liên minh châu Âu tự hào về những thành tựu đã đạt được cho tới nay. Nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế phát thải và xem xét lại chính sách năng lượng được xem là cơ hội để thúc đẩy và hiện đại hóa nền kinh tế của chúng tôi. Đó chính là cơ sở để kích cầu đầu tư mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, phát triển các kỹ năng mới và tạo việc làm mới. Việc này sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đi một khuôn khổ chính sách định hướng tương lai mà nó bao hàm sự chắc chắn cho các nhà đầu tư và các điều kiện ưu đãi đối với các nhà sản xuất và nhà cung ứng.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến Liên minh châu Âu và các nền kinh tế trên toàn cầu. Khi nền kinh tế từng bước phục hồi trong khoảng từ 6 đến 18 tháng tới, Liên minh châu Âu sẽ nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy phục hồi “xanh” trong bối cảnh đa phương. Chúng tôi muốn dựa nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, chuyển đổi số mạnh hơn, phân tán hơn, linh hoạt hơn và tích hợp hơn, với trọng tâm là tái sử dụng nguồn rác thải. Với kế hoạch phục hồi của Liên minh châu Âu, chúng tôi sẽ có khả năng tiến nhanh hơn và quyết liệt hơn, tận dụng cơ hội đầu tư công quy mô lớn cho phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19 theo hướng cạnh tranh bền vững.

Giải pháp cho xu hướng năng lượng sạch tại Việt Nam

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và hiện giờ là năng lượng gió. Dựa trên kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, tôi muốn chia sẻ một số khuyến nghị sau nhằm giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững hơn:

  • Đặt ra các mục tiêu rõ ràng và tham vọng về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đến năm 2030. Cần có các chính sách và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích dài hạn để thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
  • Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió): Kinh nghiệm của Liên minh châu Âu về điện gió ngoài khơi giúp Việt Nam xây dựng được kịch bản đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải điện.
  • Ưu tiên hiệu quả năng lượng trước nhất là cách làm thông minh giúp giảm chi phí cho người dùng điện, giảm chi phí nhập khẩu năng lượng và hạn chế được nhu cầu về công suất phát điện và xây mới các nhà máy điện. Tuy nhiên, việc giá điện hiện nay thấp hơn so với giá thị trường đang gây khó khăn cho các nỗ lực nhằm giảm thiểu cường độ năng lượng và đầu tư vào sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
  • Cải cách thị trường năng lượng để đảm bảo tính linh hoạt, khả năng dự báo, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và tối ưu hóa các chi phí. Thị trường năng lượng vận hành hiệu quả hơn sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân hoạt động ổn định và tiên liệu được các diễn biến, đồng thời đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người đóng thuế.
  • Đầu tư vào các lưới truyền tải điện thông minh để đảm bảo sản xuất năng lượng phân tán hiệu quả hơn.
  • Xây dựng lưới điện liên kết với các nước láng giềng mang lại nhiều lợi ích to lớn.
  • Chuẩn bị trước cho xử lý trong tương lai rác thải từ các nguyên vật liệu sản xuất năng lượng tái tạo, như các tấm pin điện mặt trời sẽ trở thành rác điện tử khi không còn sử dụng.
  • Việt Nam cần chuẩn bị một chiến lược rút lui cho điện than, bao gồm cả các hỗ trợ cho chuyển đổi tại các khu vực có nền kinh tế phụ thuộc vào điện than.
  • Cần có quyết tâm cao tương tự nhằm hướng tới ngành giao thông vận tải sạch, trong đó hạn chế phát thải đối với các loại xe máy, xe hơi, xe van và xe tải.
  • Đảm bảo không vượt trần phát thải và tăng cường các cơ chế kiểm tra/giám sát, đặc biệt đối với các nhà máy nhiệt điện đốt than hiện nay.
  • Kết hợp giữa khung pháp lý hiện hành với một tầm nhìn hỗ trợ thực hiện các chính sách nêu trên sẽ giúp đảm bảo thu hút đầu tư chất lượng cao, đổi mới sáng tạo nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm mới.

Tôi rất vui mừng nhận thấy một số định hướng trong Nghị quyết 55-CT/TW đang song hành với cách làm của Liên minh châu Âu. Kinh nghiệm của châu Âu cho thấy lợi ích của năng lượng sạch còn lớn hơn cả việc giảm phát thải khí nhà kính và đem lại môi trường sống lành mạnh hơn. Chuyển dịch năng lượng sạch giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Thỏa thuận Xanh châu Âu chính là chiến lược tăng trưởng. Chuyển dịch năng lượng đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và sự tham gia của tất cả các bên liên quan, và tất cả các lĩnh vực, mà không ai bị bỏ lại phía sau. Điều đó nghĩa là chuyển dịch năng lượng phải mang lại lợi ích cho toàn bộ người tiêu dùng cuối cùng.

Chuyển dịch năng lượng sạch đòi hỏi một sự đầu tư đáng kể và các cơ chế tài chính phù hợp. Các chi phí là tương đương với chi phí cho hệ thống năng lượng hiện tại, nếu tính cả các yếu tố ngoại vi và trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch. Khối tư nhân sẵn sàng đầu tư nếu khung chính sách về đầu tư cho phép. Thêm vào đó, Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên là những nhà cung cấp tài chính khí hậu lớn nhất trên thế giới. Và khi Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam có hiệu lực, sẽ mang tới nhiều cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn về phát triển năng lượng bền vững.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN