Biến đổi khí hậu và những tác động khủng khiếp

Trong hai tháng 6 và 7 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều hiện tượng kỳ lạ. Mặt đất ở thành phố Erftstadt (Đức) bị lũ xé đôi như giấy; thành phố Lytton cháy rụi không còn gì sau một ngày khi nhiệt độ tại thành phố này đạt mức cao nhất từ trước đến nay (47,5 độ C ngày 28/6 vừa qua); ô-tô trôi nổi như cá chết trên đường phố bị nước lụt thành sông ở Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc). Hiện tượng khí hậu cực đoan còn xảy ra ở nhiều nơi khác: Moscow vừa trải qua đợt nóng chưa từng có (nhiệt độ lên đến 37 độ C trong tháng có nhiệt độ trung bình là 22 độ C), Bang Maharashtra Ấn Độ vừa chịu trận lụt lớn, Madagascar đang hứng chịu đợt hạn hán kéo dài.

Như chúng ta đã biết hơn 70% bề mặt trái đất là nước và khi trái đất ấm dần lên, nước từ đại dương, sông, hồ và đất sẽ bốc hơi nhiều hơn. Trái đất ấm dần lên tăng cường độ mưa lớn. Nếu trái đất ấm lên 0,4 độ C thì bầu khí quyển sẽ chứa thêm một lượng hơi nước là 4%. Do vậy khi có mưa, lượng mưa cũng sẽ tăng tương ứng, làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt. Không những thế, trái đất ấm dần lên còn tăng cả tần số và cường độ của bão với lý do tương tự.

Trận lũ lụt kinh hoàng ở Đức đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho đất nước này. Ảnh Reuters

Những tác động chính của hiện tượng trái đất ấm dần lên là (1) mực nước biển dâng cao do băng ở nhiều nơi tan, làm tăng lượng nước ở biển và đại đương. Việt Nam chúng ta là một trong những nước bị tác động mạnh nhất; (2) băng tan ở vùng đất bị đóng băng vĩnh viễn. Băng ở núi Himalayan mỗi năm giảm đi 37 mét, tác động đến 500 triệu người dùng nước sông Hằng để sinh hoạt và trồng trọt; (3) nhiệt độ tăng gây ra nắng nóng, tác động đến tính mạng con người, tạo điều kiện cho bệnh tật phát triển, tăng nguy cơ cháy rừng… (4) ngày càng nhiều mưa bão và lụt lội, số cơn bão mạnh trong 30 năm qua tăng gần gấp đôi, gây ra nhiều thiệt hại về người và của; (5) hạn hán ngày càng dài hơn, làm nguy hại đến sản xuất lương thực toàn cầu và dân vùng hạn phải chịu cảnh đói; (6) bệnh tật phát triển do muỗi, bọ, chuột và con vật mang bệnh khác sinh sôi nhanh chóng trong điều kiện trái đất nóng dần lên; (7) thiệt hại  lớn về thu nhập và đời sống. Chỉ trong năm 2005 bang Luisiana của Mỹ mất đi 15% thu nhập và thiệt hại lên đến 135 tỷ đô la do nhiệt độ tăng; (8) thiếu lương thực, nước và đất trồng trọt do trái đất ấm dần lên làm an ninh toàn cầu giảm, dẫn đến xung đột và chiến tranh; (9) mất đa dạng sinh học ngày càng tăng khi nhiệt độ toàn cầu tăng. Theo một nghiên cứu thì khoảng 30% loài động vật và cây trồng sẽ diệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ tăng lên hơn 2 độ C; (10) hệ sinh thái của chúng ta bị đe doạ, nhiệt độ tăng gây ra lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, a-xít hoá nước biển và cuối cùng là làm sụp đổ hệ sinh thái.

Con người chính là một trong những tác nhân gây thêm vào các thảm họa này. Con người thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2 (chiếm 90%) và methane. Con người đốt nhiên liệu hoá thạch như than, dầu mở và khí đốt là nguyên nhân chính, ngoài ra còn hoạt động chăn nuôi, phá rừng và sản xuất công nghiệp. Nhiệt độ tăng còn những nguyên nhân khác như mất đi lớp tuyết phản chiếu ánh sang mặt trời, hơi nước nhiều lên và thay đổi ở những vùng hấp thụ CO2 trước đây. Rừng nhiệt đới Amazon là một thí dụ. Một nghiên cứu xuất bản trên tờ Nature ngày 14/7 vừa qua cho thấy trong thời gian từ 2010 đến 2018, cháy rừng đã tạo ra 1,5 tỷ tấn CO2 mỗi năm và rừng Amazon chỉ hấp thụ lại được 0,5 tỷ tấn. Một tỷ tấn còn lại trong khí quyển tương đương với lượng khí CO2 Nhật Bản thải ra hàng năm. Ở châu Á, rừng ở Indonesia và Malaysia cũng đang ở trong tình trạng tương tự.

Chúng ta có thể cảm nhận được tác động của hiện tượng trái đất ấm dần lên ở mức tăng nhiệt độ hiện tại là 1,2 độ C. Nhóm làm việc Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã phát hành một loạt các báo cáo, dự báo tác động như trên sẽ mạnh hơn nhiều nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C. Các nhà khoa học còn cảnh báo là nhiệt độ tăng cao hơn nữa nữa thì thế giới sẽ đến ngưỡng không thể quản lý được nữa.

Thế giới cần phải đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu bằng hai cách: Giảm thiểu hiện tượng trái đất ấm dần lên và thích ứng với thay đổi. Những hoạt động giảm thiểu, hạn chế tác động của biến đối khí hậu bao gồm giảm phát thải và cuối cùng là loại bỏ khí hiệu ứng nhà kính khỏi khí quyển. Chúng ta đã và đang làm điều này bằng cách giảm dần nhà máy điện chạy than, tìm kiếm và triển khai nguồn năng lượng ít tạo ra các-bon như điện gió và điện mặt trời, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ rừng.

Những hoạt động thích ứng với biến đổi bao gồm những điều chỉnh thực sự hay kỳ vọng trước biến đổi khí hậu như cải thiện bảo vệ bờ biển, quản lý thiên tai, phát triển giống cây trồng và vật nuôi thích ứng với môi trường mới. Do những hoạt động thích ứng không thể tránh được tác động “nghiêm trọng, lan rộng và không đảo ngược được”, các nước đều chú ý đến những biện pháp giảm thiểu tác động.

Nhận thức được những điều trên, các nước đã ký Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu tháng 11/2015. Theo đó, các nước thỏa thuận giữ nhiệt độ trái đất tăng lên “dưới 2 độ C” và cố gắng đạt mức 1,5 độ C so với nhiệt độ trước giai đoạn công nghiêp hoá. Tuy nhiên, với các cam kết đã đưa ra thì nhiệt độ của trái đất dự kiến sẽ vẫn tăng 2,8 độ C vào cuối thế kỷ XXI này. Chúng ta đã thấy hậu quả mạnh mẽ của nhiệt độ tăng 1,2 độ C (mức hiện tại), cứ tưởng tượng xem nếu nhiệt độ tăng gấp đôi thì tình hình sẽ như thế nào. Ngay cả khi các nước cố gắng đạt mức tăng là 2 độ C, thì hầu như chắc chắn rừng sẽ vẫn bị cháy, thảo nguyên vẫn bị khô hạn và vùng băng vĩnh viễn vẫn bị tan đi. Tuy nhiên, hiệp định vẫn là một mốc quan trọng trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Đến nay, đã có 194 nước và Liên minh châu Âu ký Hiệp định và 188 nước và Liên minh châu Âu đã phê chuẩn.

Theo nhiều tính toán thì muốn hạn chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C thì lượng khí thái phải được giảm đi 50% vào năm 2030 và đạt mức gần như bằng không vào năm 2050. Nhiều nước cho rằng đó là hướng thế giới phải tiến đến.

Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu Trực tuyến ngày 22-23/4/2021 đã đưa ra cam kết phải có biện pháp chính sách có tham vọng và nhấn mạnh phải có những biện pháp giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỹ đã cam kết giảm 50 – 52% lượng khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2030. Anh sẽ pháp điển hoá mục tiêu là giảm 78% khí gây ra hiệu ứng nhà kính so với năm 1990 vào năm 2035. Nhật Bản cũng sẽ giảm 46 đến 50% khí thải so với mức 2013 vào năm 2030. Canada đặt mục tiêu cao hơn trước đây là giảm 30% khí thải so với mức năm 2005 lên 40-45% so với mức 2005 vào năm 2030.

Nhận thấy các cam kết của mình chưa đủ, các nước G7 họp tại Anh từ 11-13/6 vừa qua đã cam kết giảm thải khí cac-bon xuống còn bằng không chậm nhất là vào năm 2050 và giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030. Các nước này cũng cam kết sẽ bảo tồn hay bảo vệ ít nhất là 30% đất và đại dương vào năm 2030. Hội nghị cũng đã quyết định sẽ viện trợ cho các nước đang phát triển 100 tỷ mỗi năm để giúp đối phó với biến đổi khí hậu (như đã cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu).

Trên tinh thần này, ngày 26/6 vừa qua, Liên minh châu Âu đã thông qua mục tiêu là trung hoà khí thải (khí thải bằng hoặc ít hơn lượng khí hấp thụ tự nhiên) và tiến đến mức phát thải ròng bằng không hoặc âm (hấp thụ khí thái bằng hoặc lớn hơn khí thải phát ra) vào năm 2050. Từ nay đến 2030, Liên minh châu Âu bắt buộc các nước thành viên đạt được mục tiêu thải khí hiệu ứng nhà kính âm tương đương 55% so với mức năm 1990. Đây là cam kết đầy tham vọng của Liên minh châu Âu nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phù hợp với thời hạn mà các nhà khoa học cho rằng thế giới phải loại bỏ hoàn toàn phát thải ròng để ngăn chặn những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu. Đây cũng là “tập hợp các đề xuất về biến đổi khí hậu lớn nhất trong thời đại của chúng ta”, như một thành viên của nhóm đàm phán Nghị viện châu Âu đã tuyên bố.

Để làm được như vậy, các nước phải thực hiện mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế xanh. Đó là mô hình kinh tế đưa lại kết quả là “cải thiện đời sống con người, công bằng xã hội trong khi giảm thiểu nhiều nhất nguy cơ đối với môi trường và thiếu thốn sinh thái”. Tăng trưởng xanh và kinh tế xanh phải duy trì, tăng cường và gây dựng lại vốn tự nhiên và coi vốn tự nhiên là tích sản và là nguồn lợi cho công chúng, đặc biệt là dân nghèo có kế sinh nhai và an ninh phụ thuộc vào thiên nhiên. Mô hình kinh tế này tăng trưởng về thu nhập và việc làm, và dựa trên đầu tư giảm thải khí các-bon, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và nguồn lực và ngăn không cho đa dạng sinh học mất đi. Thí dụ về kinh tế xanh rất nhiều, có thể là hoạt động dịch chuyển từ sản xuất điện bằng than sang sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời và gió ở Trung Quốc, nông nghiệp hữu cơ ở Uganda, xây dựng cơ sở hạ tầng sinh thái ở Ấn Độ…

Một mô hình nữa cũng đang được ưa chuộng trên thế giới là kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là nền kinh tế giải quyết những thách thức như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, lãng phí và ô nhiễm. Trong nền kinh tế bình thường, sản phẩm được thiết kế và sản xuất ra chỉ để dùng một lần. Tuy nhiên, nền kinh tế tuần hoàn sử dụng lại, chia sẻ, sửa chữa, làm mới lại, sản xuất lại và tái sinh để tạo ra một hệ thống quay vòng, giảm thiểu đến mức thấp nhất đầu vào, lãng phí, ô nhiễm và phát thải khí các-bon. Trong nền kinh tế tuần hoàn sản phẩm, vật chất, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng được sử dụng lâu hơn. Năng lượng và vật chất bỏ đi được sử dụng lại cho hoạt động sản xuất công nghiệp hay mục đích khác. Công ty Protix ở Hà Lan đã đầu tư 35 triệu Euro để sử dụng thức ăn thừa nuôi bọ ruồi đen để cung cấp thức ăn cho cá, gà và thú cưng. Thức ăn thừa được công ty cho bọ ruồi ăn, bọ ruồi ăn lượng thức ăn gấp đôi trong lượng cơ thể và rồi lớn lên thành nguồn protein. Một ví dụ nữa cũng ở Hà Lan, đó là công ty Circos, chuyên về sử dụng lại quần áo trẻ em. Sau khi thấy ngành may mặc đóng góp 10% khí thải toàn cầu, một doanh nhân đã lập Circos khuyến khích bố mẹ “thuê” quần áo đã sử dụng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 0 đến 2 tuổi. Một năm sử dụng quần áo “thuê” cho một cháu bé có thể tiết kiệm được 72 kg CO2, 2.904 lít nước và 3,6 kg bông.

Là một phần của thế giới đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, Việt Nam đã tích cực tham gia cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Tại Paris tháng 12/2015, Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Gần đây nhất tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trực tuyến, Việt Nam lại thể hiện quyết tâm của mình, cam kết mạnh mẽ hơn giảm 9% tổng lượng phát thái khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương. Để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam sẽ có biện pháp gảm rất mạnh điện than; tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% nguồn cung sơ cấp vào năm 2030 và đạt 30% vào năm 2045; giảm mức độ phát thải trên tổng GDP xuống gần 15% và giảm mức độ phát thái khí methane trong sản xuất nông nghiêp xuống 10%. Đây là những biện pháp quyết liệt, góp phần vào cuộc chiến đấu biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có nỗ lực toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trực tuyến tháng tư vừa qua là bước tái khởi đầu tốt đẹp kể từ khi chính quyền của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris. Nó cũng cho thấy thách thức biến đổi khí hậu sẽ tạo ra “động lực” cho sự đoàn kết và thái độ tích cực hơn nữa trong mỗi nước chúng ta hướng tới Hội nghị COP26 dự kiến họp tháng 11 tới tại Glasgow, Anh. Hy vọng con cháu của chúng ta sẽ không còn phải chịu cảnh phá hoại tàn khốc do biến đổi khí hậu gây ra.■

Quỳnh Chi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN