Hệ sinh thái năng lượng tái tạo mới từ Quy hoạch điện VIII

Sau 4 năm từ lúc khởi thảo xây dựng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và xuất nhập khẩu điện được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền Thủ tướng, ký phê duyệt (Quy hoạch điện VIII) ngày 15 tháng 5.

Đây là một trong những Quy hoạch Quốc gia được chuẩn bị lâu nhất trước khi được phê duyêt. Giải thích cho điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói “rất sốt ruột” nhưng Quy hoạch điện VIII phải nghiên cứu kỹ, đánh giá khách quan. Ông cho rằng: “Chẳng hạn, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, càng nhiều càng tốt nhưng vấn đề là giá thế nào. Giá điện nếu tăng lên thì người dân và doanh nghiệp làm sao chịu được”, ông cũng khẳng định quy hoạch cần đặt lợi ích quốc gia lên trên, chứ “không thể chạy theo lợi ích nhóm”.

Ngay trước khi phê duyệt, trong tháng 5, Chính phủ đã liên tục tổ chức các cuộc họp quan trọng liên quan tới việc chuẩn bị phê duyệt. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả rà soát, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, vào ngày 4 tháng 5. Ngay sau đó, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện VIII với sự tham gia của hơn 60 đại biểu trong nước và quốc tế như: Đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam (Hoa Kỳ, CHLB Đức, Đan Mạch, Australia, Phái đoàn Liên minh châu Âu); các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tại Việt Nam (ETP), Liên minh năng lượng vì hành tinh và con người (GEAPP)…

Chính phủ nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Quy hoạch điện VIII đánh giá toàn diện thực trạng Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh, chỉ ra tồn tại, yếu kém từ chất lượng quy hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện, rút ra nhiều bài học về kỷ luật, kỷ cương, tính đồng bộ, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Quy hoạch điện VIII đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) và đã tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Vì thế, việc hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII càng trở nên thách thức và cần thêm nhiều thời gian để rà soát và đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Việc Chính phủ đã thông quy hoạch này là đúng đắn, làm cơ sở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình, đồng thời cũng góp phần quan trọng định hướng nền năng lượng quốc gia hướng tới mục tiêu phát thải đã cam kết tại COP26.

Quy hoạch điện VIII đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Ảnh minh họa.

Trong suốt thời gian qua, Quy hoạch điện VIII đã được nghiên cứu, xây dựng một cách bài bản, khoa học, lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có các ý kiến từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch.

Tinh thần xuyên suốt của Quy hoạch điện VIII là Việt Nam kiên định mục tiêu phát triển xanh và bền vững, do đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch như năng lượng tái tạo (mặt trời, gió), năng lượng mới (Amoniac, Hydro); giảm nguồn điện dùng nhiên liệu hoá thạch như than, khí… Phê duyệt Quy hoạch điện VIII là một bước quan trọng để tăng cường khả năng dự đoán cho các nhà phát triển và nhà đầu tư trong các dự án năng lượng xanh, nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Quy hoạch điện VIII đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Điểm mới ở quy hoạch này so với trước đây là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 31-39% vào 2030, tương đương 5.000-10.000 MW. Tỷ lệ này có thể tăng lên 47% cùng các điều kiện cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Tỷ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng lên 67,5-71,5% vào 2050.

Cũng theo quy hoạch này, dự kiến đến 2030, cả nước sẽ có hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, lắp đặt, dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện sẽ giảm 7-8 lần trong vòng 20 năm (2030 – 2050), còn 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Về chủ trương lâu dài, đây là những con số thể hiện hướng đi hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới. Các nhà phân tích quốc tế đều nhất trí rằng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp lớn vào GDP của Việt Nam. Tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP của Việt Nam lên tới 70 – 80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90 – 105.000 việc làm trực tiếp. Hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40 – 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40 – 50.000 việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Chính vì vậy, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao tư duy đổi mới trong Quy hoạch điện VIII về nhiều mặt, đặc biệt là sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo ưu tiên sử dụng tại chỗ để giảm áp lực lên hệ thống truyền tải; quy hoạch mở trong phát triển các nguồn điện, trung tâm năng lượng ở những khu vực nhiều tiềm năng; lộ trình, tiêu chí loại bỏ các nhà máy nhiệt điện hiệu suất thấp, khả năng chuyển đổi kém.

Nhiều ý kiến của các đại biểu trong nước và quốc tế cũng gợi mở nhiều đề xuất quan trọng để thực thi tốt nhất Quy hoạch VIII.

Thứ nhất, việc triển khai Quy hoạch cần tập trung thúc đẩy các dự án chậm tiến độ nhiều năm; có chính sách ưu tiên về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vốn… để bảo đảm các dự án điện triển khai đúng tiến độ. Đồng thời, Chính phủ cần sớm thực hiện quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi mà Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn so với các nước trong khu vực. Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn tiếp tục làm rõ những nguyên nhân khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ, có giải pháp khắc phục trên cơ sở xác định “quy hoạch điện không phải là quy hoạch tổng thể, mà liên quan đến quy hoạch vùng, địa phương, đất đai, nguồn lực, cơ chế thực hiện”.

Thứ hai, chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) cũng khuyến nghị cần mở rộng nguồn vốn cho nhu cầu phát triển nguồn và lưới điện của Việt Nam. Theo Quy hoạch VIII, Việt Nam sẽ cần gần 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến 2030. Nhu cầu vốn cho phát triển điện (nguồn, lưới) tăng lên 399 – 523 tỷ USD vào 2050, trong đó trên 90% dành cho xây mới các nguồn điện, còn lại là lưới truyền tải. Vì vậy, Ngân hàng Thế giới đề xuất Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư trong nước và quốc tế để có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết ADB sẵn sàng xem xét tài trợ từ Chính phủ và ngoài Chính phủ để tăng cường hệ thống lưới điện truyền tải với các dịch vụ phụ trợ nhằm đảm bảo sự ổn định của lưới điện với nhiều năng lượng tái tạo hơn.

Quy hoạch điện VIII tạo ra khoảng 90-105.000 việc làm trực tiếp. Ảnh minh họa

Thứ ba, Chính phủ cần rà soát lại để đánh giá chính xác những dự án mang lại hiệu quả và những dự án chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào năng lượng mặt trời nhưng không nối được vào lưới điện quốc gia, gây nhiều tổn hại và lãng phí, chính vì thế cần rà soát lại những dự án tốt để đưa vào Quy hoạch VIII. Mọi đánh giá và đề xuất trong quy hoạch điện VIII cần linh hoạt, năng động nhưng cũng cần cụ thể hơn, đặc biệt phải có trách nhiệm hơn. Đây là kế hoạch quốc gia nên không có chỗ cho tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm. Điều này đòi hỏi đạo đức và quan trọng không kém là cán bộ tham mưu cho Chính phủ phải có năng lực để đề xuất đúng và trúng, đồng thời cũng đòi hỏi Chính phủ cần lắng nghe các doanh nghiệp điện một cách kỹ lưỡng mới có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý trong việc thực thi quy hoạch mới.

Thứ tư, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cần sớm chủ trì phối hợp xây dựng kế hoạch hành động ngay sau khi Quy hoạch VIII được phê duyệt; đồng thời sửa đổi bổ sung một số luật liên quan nhằm đồng bộ trong quá trình triển khai. Cần lưu ý rằng dự thảo Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, linh hoạt, nên con số chỉ mang tính tương đối còn trong quá trình triển khai, các dự án có hiệu quả sẽ không giới hạn về quy mô công suất ví dụ như điện mặt trời mái nhà tự dùng, nhiệt điện đồng phát, các nguồn năng lượng mới như hydro, amoniac…

Có thể kết luận, các nhà phân tích đều cho rằng Quy hoạch điện VIII được xây dựng với nhiều thách thức để đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau, bao gồm đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng chi trả đồng thời đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều ủng hộ định hướng tổng thể của Quy hoạch điện VIII, hoan nghênh định hướng xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và chuỗi cung ứng về năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Tóm lại, với Quy hoạch VIII, Việt Nam đã có những bước đi tiên phong hướng tới quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, đặc biệt đã ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; không phát triển mới các nhà máy nhiệt điện than; phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải điện và hệ thống pin lưu trữ; khuyến khích mạnh mẽ khối tư nhân tham gia đầu tư. Quy hoạch đã thể hiện hướng mở rất linh hoạt, dễ điều chỉnh, mang tính hiệu qủa cao khi thực thi, gắn liền với quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Chống biến đổi khí hậu là ưu tiên chung của Việt Nam và nhiều quốc gia, nên các nước đều mong muốn thực hiện cam kết hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của Việt Nam. Còn hơn thế, Quy hoạch VIII phù hợp với nền kinh tế của tương lai, hướng tới chuyển đổi sang công nghệ xanh sạch, thân thiện môi trường ở tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ dừng lại ở năng lượng. Các quốc gia trong đó đặc biệt là Mỹ và EU đều khẳng định tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng chính sách và khung pháp lý để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này của Việt Nam và thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII. Trên cơ sở quyết tâm của chính phủ và hỗ trợ quốc tế như vậy, việc thông qua Quy hoạch VIII và triển khai trên thực tế dự kiến sẽ thành công trong tương lai.■

Bình Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN