Thấy gì từ thực trạng già hoá dân số tại Việt Nam và trên thế giới?

Hiện nay, dân số thế giới đang có dấu hiệu già hoá nhanh chóng, đặc biệt là ở các quốc gia châu Âu và châu Á. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, số người từ 65 tuổi trở lên ước tính sẽ tăng từ mức 783 triệu người vào năm 2022 lên tới 1 tỷ người vào năm 2030 và 1,4 tỷ người vào năm 2043. Từ năm 1950 đến nay, tuổi trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 8 tuổi, lên mức 30 tuổi và dự báo đến năm 2050 sẽ tăng lên đến 36 tuổi. Bên cạnh một số nước có tốc độ già hoá dân số nhanh chóng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam cũng được xếp vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Số liệu thống kê năm 2019 cho thấy, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số nước ta và đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 25%. Ước tính trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ chính thức bước vào thời kỳ dân số già.

Ước tính trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ chính thức bước vào thời kỳ dân số già; điều này có thể tạo ra sức ép cho hệ thống y tế, an sinh – xã hội. Ảnh minh họa

Một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân khẩu học toàn cầu nói trên chính là việc giảm tỉ lệ sinh ở phụ nữ, khiến số lượng trẻ em được sinh ra luôn ở dưới mức kì vọng, thậm chí thấp hơn tỉ lệ tử hàng năm. Cụ thể, tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm hơn một nửa từ thập niên 1950 đến nay, còn 2,3 con/phụ nữ. Tại Việt Nam, trong vòng 30 năm qua, mức sinh cũng đã giảm gần một nửa: tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Đây không những là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là nguồn lao động trẻ, mà về lâu dài còn tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế, phúc lợi xã hội, làm suy giảm chất lượng dân số. Nhiều quốc gia đã ban hành các giải pháp để khắc phục tình trạng này, song thực tế vẫn chưa đem lại những chuyển biến rõ rệt. Trong bối cảnh hiện tại, việc đi sâu, tìm ra căn nguyên để đề xuất, thực thi những giải pháp thiết thực hơn vẫn là nhiệm vụ chung của cả nhân loại.

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm tỉ lệ sinh của phụ nữ. Xét về khía cạnh tâm lý, quan niệm sống của người trẻ ở các nước phát triển, đang phát triển tại khu vực Âu – Á hiện nay tồn tại nhiều điểm khác biệt so với thế hệ trước. Là những người được sinh ra trong thời đại tích luỹ tư bản dồi dào, lại không phải đối mặt với các cuộc chiến tranh, họ nhận được nhiều sự quan tâm từ gia đình, xã hội, nên sớm quen với lối sống hưởng thụ, có xu hướng cầu an và chăm lo cho bản thân nhiều hơn. Một bộ phận thậm chí còn sống ích kỷ, ỷ lại; nên việc xây dựng gia đình, sinh con và cáng đáng các trách nhiệm lớn trở nên rất xa lạ với nhiều người trẻ. Thêm vào đó, phụ nữ trẻ ngày nay nhận được sự giáo dục bình đẳng và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn so với thế hệ trước, nên nhiều người lựa chọn phấn đấu cho sự nghiệp thay vì tập trung chăm sóc con cái. Tuy nhiên, chính vì quyền lợi của họ trong việc sinh nở và san sẻ trách nhiệm gia đình vẫn chưa được đảm bảo, nên các phụ nữ trẻ, đặc biệt là giới trí thức, vẫn ngần ngại, trì hoãn hoặc lựa chọn không kết hôn, sinh con.

Nhịp sống hiện đại hối hả, áp lực cuộc sống ngày càng nhiều cũng khiến người trẻ dễ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và gặp các vấn đề về sức khoẻ tinh thần khi tham gia vào guồng máy lao động ở các đô thị lớn. Hệ quả là họ không còn muốn dành thời gian cho việc kết nối, yêu đương, lập gia đình và sinh con. Đặc biệt, sinh ra trong thời đại công nghệ số với sự phát triển nhanh chóng của Internet và mạng xã hội, người trẻ còn phải chịu thêm một áp lực vô hình mang tên “áp lực đồng trang lứa” (peer pressure). Các gia đình “kiểu mẫu” với mức sống cao đã thống trị mọi diễn ngôn truyền thông, khiến nhiều người nảy sinh tâm lý tự ti, ngần ngại kết hôn và sinh con nếu bản thân chưa thể xây dựng được một cuộc sống đủ đầy cho con cái như bạn bè, người quen của họ. Nói cách khác, khi tiêu chuẩn sống ngày càng được nâng cao, các bậc phụ huynh trẻ muốn con mình phải nhận được sự chăm sóc tốt nhất về giáo dục, y tế, môi trường sống, nếu không họ sẽ không đồng ý sinh con…

Trên thực tế, chi phí nuôi dạy, chăm sóc trẻ em tại các đô thị lớn thường rất đắt đỏ, đặc biệt là ở các nước Đông Bắc Á. Tháng 5 vừa qua, Viện Nghiên cứu dân số tại Bắc Kinh (Trung Quốc) công bố bảng xếp hạng các quốc gia có chi phí nuôi con cao nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc đứng đầu danh sách, tiếp theo là Trung Quốc. Nghiên cứu cho biết, chi phí nuôi dạy một trẻ đến tuổi 18 của Hàn Quốc cao gấp 7,7 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người. Trung Quốc đứng thứ hai với chi phí cao gấp 6,9 lần, tiếp đó mới là Đức, Australia và Pháp. Điều này khiến cho nhiều người trẻ từ chối sinh nở hay chỉ lựa chọn sinh một con bởi không có khả năng đáp ứng được các chi phí đó. Có thể nói, tất cả các yếu tố tâm lý – xã hội nói trên đã tác động mạnh mẽ tới xu hướng giảm tỉ lệ sinh trong khoảng vài thập kỉ trở lại đây ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, 450 trường học ở nước này phải đóng cửa mỗi năm vì không có trẻ nhập học. Từ năm 2002 tới 2020, gần 9.000 trường học đã phải đóng cửa vĩnh viễn. Ảnh minh hoạ

Xét về mặt sinh lý, cơ thể của nam giới và phụ nữ hiện nay cũng chịu vô số tác động từ điều kiện sống, khiến cho việc sinh sản gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây. Các thành tựu khoa học nở rộ cùng với lối sống đô thị bận rộn đã tạo tiền đề vững chắc cho nền công nghiệp ẩm thực lên ngôi tại các thành phố lớn trên khắp thế giới. Việc tiêu thụ một lượng lớn thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm biến đổi gen… với nhiều phụ gia và chất bảo quản đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hormone của cả nam và nữ, gây ra nhiều vấn đề về nội tiết, dẫn đến khó thụ thai, thậm chí vô sinh. Thêm vào đó, áp lực cuộc sống cùng với các thói quen sinh hoạt không điều độ cũng gây ảnh hưởng đáng kể tới chu kình kinh nguyệt của phụ nữ và chất lượng tinh trùng của nam giới, làm gia tăng nguy cơ vô sinh, đặc biệt là ở nhóm người thường xuyên làm việc với cường độ cao, stress mãn tính, thức khuya và lười vận động. Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới – WHO, trên thế giới cứ 6 người trưởng thành lại có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó trong đời. Tại Việt Nam, khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được chẩn đoán vô sinh, hiếm muộn (tương đương với 1 triệu cặp vợ chồng). Tỷ lệ này đang có dấu hiệu gia tăng, với khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30.

Đặc biệt, cần nhắc tới một nguyên nhân gây vô sinh thứ phát ở phụ nữ là nạo phá thai đã và đang có xu hướng tăng mạnh trong khoảng vài chục năm trở lại đây. Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, các vấn đề về giới tính, tình dục cũng trở nên cởi mở hơn; song lại chưa có một chương trình giáo dục giới tính tối ưu dành cho người trẻ, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Các phong trào này nhìn chung vẫn còn mang tính lý thuyết, thiếu hiệu quả, phần nhiều vì tâm lý e ngại vốn có của người Á Đông trước các vấn đề thường được xem là tế nhị, nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ trong văn hoá truyền thống. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh, giáo viên và nhân viên y tế khó tiếp cận với trẻ vị thành niên để giáo dục đúng cách, giúp các em biết tự bảo vệ bản thân, quan hệ tình dục an toàn và ngăn chặn các vấn đề về sức khoẻ sinh sản, trong đó có nạo phá thai ở trẻ em gái. Thực tế cho thấy, nữ giới từng phá thai ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là các trường hợp phá thai nhiều lần, rất khó có thể thực hiện thiên chức làm mẹ khi đến tuổi trưởng thành. Đây là một tình trạng đáng báo động tại Việt Nam, khi nước ta thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới (đứng đầu khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới) với khoảng 300.000 ca/năm, theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA). Trong số này có đến 30% là phụ nữ từ 15 – 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Con số đó đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng nạo phá thai, đồng thời cảnh báo hệ luỵ khôn lường của nó đối với chất lượng dân số nước ta.

Ngoài ra, sự đa dạng hoá xu hướng tính dục trong xã hội hiện đại cũng góp phần làm hạn chế dân số. Ngày nay, những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới… (gọi tắt là LGBT+) đã không còn là hiện tượng hiếm. Các thảo luận về lệch pha giới tính (queer) trước đây vốn là điều cấm kỵ, nay đang trở thành một chủ đề phổ biến, được đón nhận bằng tinh thần cởi mở hơn. Cộng đồng LGBT+ ngày càng lớn mạnh ở khắp các quốc gia trên thế giới, với nhiều cá nhân có đóng góp tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên, đây vẫn còn là hiện tượng gây tranh cãi tại nhiều quốc gia. Trong khi nhiều nước đã công nhận hôn nhân đồng tính (Pháp, Đức, Anh, Đài Loan…), một số nước khác vẫn có tư tưởng kì thị hoặc không chấp nhận người đồng tính (Nga, Ả Rập Xê Út, Iran, Brunei…). Nhìn chung, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính là cơ hội để những người thuộc cộng đồng LGBT+ được sống đúng với giới tính và xu hướng tính dục của mình; song nếu nó tạo thành một trào lưu “kịch phát”, khiến nhiều người “adua” gia nhập thì hệ quả cũng rất phức tạp. Bởi lẽ, tình trạng này dễ dẫn tới mất cân bằng giới tính, tương đương với mất cân bằng nam – nữ nói chung, từ đó làm giảm tỉ lệ sinh và gây ra những tác động tiêu cực tới dân số thế giới.

Dễ nhận thấy, những cảnh báo về giảm tỉ lệ sinh đã được đưa ra từ nhiều năm nay, và các quốc gia Á – Âu thuộc nhóm báo động về già hoá dân số cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm khắc phục tình trạng này. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu có chính sách tặng tiền mặt, tăng số ngày nghỉ thai sản cho phụ nữ và cả nam giới để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ, giảm chi phí khám và điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn; hay Nhật Bản cũng đã thành lập cơ quan trẻ em và gia đình vào tháng 4 vừa qua, đồng thời cam kết tăng gấp đôi trợ cấp cho trẻ em nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình khi sinh con và chăm sóc con nhỏ. Nước này cũng đang nghiên cứu áp dụng những chính sách đối với hộ gia đình của các nước có tỷ lệ sinh cao như Thụy Điển nhằm tăng tỷ lệ sinh quốc gia.

Tại Việt Nam, già hoá dân số không còn là một cảnh báo mà trên thực tế, độ tuổi trung bình của người dân nước ta đã tăng đều mỗi năm, kèm theo đó là tỉ lệ sinh ngày càng giảm dần. Theo đà suy giảm hiện tại, đến năm 2035, Việt Nam sẽ chính thức bước vào thời kì dân số già khi đất nước chưa kịp tích luỹ đủ để các quỹ hưu trí hoạt động mạnh như các nước phát triển, trong khi lực lượng lao động – động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng – lại thiếu hụt trầm trọng. Dân số ở các vùng nông thôn, miền núi có thể tăng, song đây là điều lợi bất cập hại bởi điều kiện sống tại đây không thực sự đảm bảo. Trong khi đó, ngày càng nhiều cặp vợ chồng hoặc người trẻ trí thức với điều kiện kinh tế tốt hơn tại các đô thị lớn lại lựa chọn không sinh con hoặc sinh ít con. Hiện tượng này dễ dẫn tới mất cân bằng trong phân bổ nguồn nhân lực, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đồng thời làm giảm chất lượng dân số nói chung.

Hiện nay, Nhà nước ta đã nới rộng quy định, khuyến khích sinh từ hai đến ba con, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới, nghiêm cấm phân biệt, lựa chọn giới tính của trẻ, hướng tới một mô hình dân số tự nhiên, cân bằng, tạo tiền đề phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, việc gia tăng số ngày nghỉ thai sản cho cả lao động nam và nữ đã cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với vấn đề dân số hiện nay. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức sắp tới về giảm tỉ lệ sinh, những biện pháp tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vẫn cần được đưa ra nhằm khắc phục kịp thời, tránh để dân số Việt Nam rơi vào tình trạng giảm sâu như các nước Đông Bắc Á hiện nay. Không những tăng kì nghỉ thai sản lên mức cao hơn hay tặng tiền mặt cho các cặp vợ chồng sinh con, chúng ta cũng cần quan tâm tới việc cải thiện môi trường và chất lượng sống ở các đô thị lớn. Bên cạnh tăng cường các chính sách an sinh, xã hội, hỗ trợ ổn định việc làm, chỗ ở cho người có thu nhập thấp và đầu tư nhiều hơn cho hệ thống bệnh viện, trường học công lập; Nhà nước cần thiết kế riêng một chương trình quốc gia về hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho người trẻ ở đô thị, qua đó hướng dẫn họ thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc về tình cảm, xu hướng tính dục, giúp họ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong việc kết hôn, sinh nở hay nuôi con. Đặc biệt, công tác giáo dục giới tính, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người trẻ nói chung và trẻ em gái nói riêng cũng cần soạn thảo một chương trình chuyên sâu, thiết thực, gắn liền với thực tiễn đời sống, đi từ sự thấu hiểu và không né tránh những “vùng cấm” để người trẻ sẵn sàng trở thành những người cha, người mẹ sống có trách nhiệm, khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn. Với những trường hợp phụ nữ mang thai ngoài giá thú, xã hội cũng nên có cái nhìn bao dung, tạo điều kiện để các em bé được ra đời trong vòng tay yêu thương của gia đình và cộng đồng, tránh việc nạo phá thai đáng tiếc.

Tóm lại, tài sản và nguồn lực lớn nhất của mỗi quốc gia luôn là con người. Do đó, việc duy trì thực hiện và đầu tư phát triển các chính sách khuyến khích sinh đẻ, đảm bảo dân số trẻ là điều vô cùng cần thiết. Đứng trước ngưỡng cửa già hoá dân số, Việt Nam cần nhìn lại bài học từ các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó đưa ra những chính sách đúng đắn, kịp thời nhằm tăng tỉ lệ sinh, duy trì nguồn nhân lực trẻ tham gia vào quá trình phát triển đất nước còn nhiều chông gai, thử thách phía trước. Một thời, đất nước ta viết nên hai chiến thắng huy hoàng trong lịch sử dân tộc bằng công lao to lớn của những chiến sĩ trẻ, những thanh niên tuổi đời chỉ vừa đôi mươi song vẫn sẵn sàng hiến dâng xương máu của mình cho Tổ quốc. Ngày nay, đất nước càng cần hơn hết những người trẻ cống hiến cho công cuộc xây dựng nước nhà phồn vinh, giàu đẹp. Sự cống hiến ấy, thiết nghĩ, bắt đầu từ việc sản sinh ra những thế hệ người Việt kế thừa di sản, bản sắc văn hoá Việt mà cha ông ta đã để lại từ bao đời nay.■

Đinh Thảo 

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN