Những vụ hỏa hoạn vừa qua cảnh báo điều gì?

Từ xưa đến nay, hoả hoạn đã trở thành một vấn đề có tính toàn cầu. Các vụ cháy có thể xảy ra ở bất cứ một địa phương, một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Ngay tại những nước tiên tiến nhất vẫn có những vụ hoả hoạn kinh hoàng, gây thiệt hại lớn về người và của. Hàng năm, thế giới phải chứng kiến hàng triệu vụ cháy bắt nguồn từ các thảm hoạ thiên nhiên và hoạt động của con người, bao gồm các vụ cháy rừng, sét đánh, núi lửa phun trào, cháy nổ do hệ thống điện… Theo thống kê của Vụ Khảo cứu Quốc Hội Hoa Kỳ (CRS), từ năm 2013 đến năm 2022, ở nước Mỹ trung bình xảy ra 61.410 cháy rừng mỗi năm. Đặc biệt, con số này tăng gấp hơn 5 lần đối với các vụ hoả hoạn trong nhà, lên đến 343,100 vụ/năm; nghĩa là cứ mỗi 23 giây, cơ quan cứu hỏa Hoa Kỳ lại phải ứng phó với một đám cháy ở đâu đó trên đất nước này. Những vụ cháy nói trên đã khiến khoảng 3000 người tử vong và làm thiệt hại hàng tỉ đô la mỗi năm, biến nước Mỹ trở thành một trong những quốc gia có số vụ cháy trung bình hàng năm cao nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Indonesia… cũng là tâm điểm của những vụ cháy lớn. Tháng 3 vừa qua, hàng trăm lính cứu hỏa và binh sỹ Thái Lan đã phải “chiến đấu” với đám cháy rừng trên 3 ngọn đồi ở tỉnh Nakhon Nayok, phía Đông Bắc thủ đô Bangkok, thiêu rụi hơn 112 ha đất rừng và làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, vốn là nguyên nhân chính khiến gần 2 triệu người mắc phải các bệnh về đường hô hấp.

Tại Việt Nam, hoả hoạn cũng là một vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Bộ Công an đã thống kê, từ năm 2001 đến năm 2022, toàn quốc xảy ra gần 60.000 vụ cháy, nổ làm chết 1.910 người, bị thương hơn 4.400 người; tài sản thiệt hại ước tính trên 26.000 tỷ đồng và trên 61.000 ha rừng có giá trị kinh tế. Trong đó bao gồm 50.000 vụ cháy xảy ra ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân; 344 vụ nổ và trên 9.800 vụ cháy rừng. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, nước ta đã xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38%) và làm 83 người chết (tăng 48% so với cùng kì năm trước). Điều đáng chú ý là gần đây, các vụ cháy, nổ xảy ra ở các đô thị lớn, tập trung đông dân cư khiến nhiều người tử vong và làm hư hại nhiều tài sản có giá trị. Mới đây nhất, vào đêm 12, rạng sáng 13/9/2023, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại một chung cư mini nằm sâu trong ngõ 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cướp đi sinh mạng của 56 người và khiến 37 người bị thương. Đây được xem là vụ hỏa hoạn có số người chết lớn nhất trong 21 năm qua, chỉ sau vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế ITC ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002 (60 người chết, 70 người bị thương). Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến hàng ngàn vụ cháy lớn nhỏ tại các khu chợ, khu công nghiệp ở các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Huế… cũng để lại hậu quả nặng nề, phá huỷ nhiều kho chứa, máy móc, vật liệu sản xuất, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước vốn đang ở giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Vụ cháy kinh hoàng tại Trung tâm Thương mại quốc tế ITC ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002 đã cướp đi sinh mạng của 60 người và làm 70 người bị thương. Ảnh: Tiến Thành

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ trong quá trình sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Đó có thể là những vụ cháy mà con người trực tiếp gây ra do sơ hở trong sử dụng điện, vận hành các công cụ, máy móc, nguyên vật liệu dễ cháy như bình ga, khí đốt… hoặc gián tiếp gây ra do các sai lầm trong thi công, thiết kế hay không bảo trì đúng cách, đúng hạn (cháy đường dây điện, nổ đường ống dẫn ga…). Theo thống kê của Bộ Công an, nguyên nhân gây cháy, nổ do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm đến 45,5%; do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm hơn 26% và vi phạm quy định an toàn PCCC chiếm 1,7%…

Rõ ràng, vấn đề hoả hoạn đã là một thực tế tồn tại từ hàng chục thế kỷ, không phải đến bây giờ con người mới nhận thức được và tìm cách khắc phục, hạn chế những hậu quả của nó. Đi liền với sự phát triển của khoa học – công nghệ, số vụ cháy trên thế giới nói riêng và ở Việt Nam nói chung đã có sự giảm thiểu đáng kể so với trước đây, khi đời sống vẫn còn thô sơ và con người chưa tìm ra được các biện pháp phòng cháy, nổ hay phát minh trang thiết bị chống cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế, có thể thấy rằng những gì đã và đang được triển khai nhằm phục vụ công tác phòng, chống cháy nổ có lẽ vẫn còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Các vụ cháy với mức thương vong lớn đã gióng lên một hồi chuông thức tỉnh ở mỗi người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, rằng sự lơ là, sơ xuất trong phòng cháy, chữa cháy đôi khi rất nhỏ, song hậu quả mà chúng để lại thật khôn lường với những tổn thất, mất mát không gì bù đắp được. Mặc dù suốt nhiều năm trở lại đây, Nhà nước và các bộ, ban ngành đã ý thức sâu sắc về việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung, làm chặt chẽ thêm các điều khoản, quy định cụ thể trong Luật Phòng cháy, chữa cháy, đồng thời thực hiện tương đối sát sao công tác phổ biến phòng, chống cháy, nổ đến từng hộ gia đình nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là ở các đô thị lớn, mật độ dân cư đông đúc; song rõ ràng, công tác phòng cháy chữa cháy ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Vậy lỗ hổng nằm ở đâu và chúng ta cần phải đề xuất, thực hiện những giải pháp nào để khắc phục vấn đề nhức nhối này?

Trước hết, cần thấy rằng, trong nhiều năm qua, đội ngũ quản lý và lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp ở nước ta đã có mặt đầy đủ ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Chính quyền các tỉnh, thành phố cùng lực lượng Công an, lưc lượng phòng cháy, chữa cháy đều đã được bố trí đầy đủ ở từng quận, huyện, thị trấn… và gần đây còn được tăng cường, huy động thêm. Cụ thể, theo thống kê tại Hội nghị về công tác PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy (12/9/2022), lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nước ta đã được kiện toàn với 80.559 đội dân phòng trên tổng số 103.568 thôn (đạt tỉ lệ 77,7%); 325.087 đội phòng cháy chữa cháy cơ sở trên 340.945 cơ sở thuộc diện phải thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở (bằng 95,35%); 460 đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành với 8.540 đội viên. Đây là lực lượng tinh nhuệ với những chiến sĩ quả cảm, sẵn sàng tác chiến 24/24 và thậm chí nhiều chiến sĩ đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Điển hình là tấm gương hi sinh của 03 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội trong vụ cháy tại quán Karaoke ISIS số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy vào chiều ngày 01/8/2022. Để tôn vinh, tri ân và ghi nhận tầm quan trọng của những người làm công tác phòng cháy chữa cháy, tượng đài chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đã được dựng phía ngoài công viên Thống Nhất, thành phố Hà Nội, khánh thành vào ngày 17/7/2022.

Bên cạnh đó, đầu tư ngân sách cho công tác phòng cháy chữa cháy của nước ta cũng có sự gia tăng đáng kể. Năm 2020 – 2022, ngân sách đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên 7.288 tỉ đồng (so với khoảng 8.341 tỷ đồng cho 4 năm 2014 – 2018). Cũng trong hai năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư rất lớn để mua sắm các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, với kinh phí khoảng hơn 5.199 tỉ đồng (bao gồm các loại xe, xuồng, ca nô, moto chữa cháy; thang chữa cháy cùng nhiều loại công cụ chữa cháy khác); xây dựng trụ sở, doanh trại hơn 1.409 tỉ đồng; kinh đầu tư cho các hoạt động khác hơn 415 tỉ đồng. Chất lượng của các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cũng ngày càng được củng cố, phát triển theo xu hướng hiện đại hoá, sử dụng công nghệ cao; thậm chí nước ta đã hợp tác với nhiều nước phát triển trong và ngoài khu vực như Nga, Nhật Bản, Singapore… để thiết kế và hoàn thiện các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy. Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định 819/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia. Nhờ những nỗ lực kể trên mà trong suốt nhiều năm qua, số vụ cháy cũng đã có sự giảm thiểu tương đối lớn so với giai đoạn trước đây. Số vụ cháy theo số liệu thống kê từ năm 2020 – 2022 lần lượt là 5.354 – 2.245 – 1.741 vụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy vào sáng ngày 12/9/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Như vậy, với một sự đầu tư tương đối lớn về nhân lực, vật lực, chúng ta còn cần thực hiện những gì nữa để phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống trong công cuộc phòng cháy chữa cháy của quốc gia?

Có thể nói, yếu tố tiên quyết nằm ở việc thay đổi nhận thức. Mỗi chúng ta cần phải tự ý thức được rằng đất nước đang ngày càng phát triển nhanh, mạnh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất công nghiệp; đi kèm với đó là tốc độ đô thị hoá ngày càng lớn, kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt các công trình xây dựng, các khu chung cư cao tầng, các phương tiện giao thông cùng hàng loạt tiện ích hiện đại phục vụ cho sinh hoạt của người dân…. Tuy nhiên, các vụ cháy, nổ xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy rất rõ một vấn đề nghiêm trọng nảy sinh từ việc xây dựng ồ ạt các cơ sở hạ tầng nói trên; đó chính là sự mất cân bằng giữa công tác xây dựng và việc tuân thủ, đảm bảo các phương án phòng chống cháy, nổ tại những công trình này. Nói cách khác, nhiều chủ đầu tư hấp tấp, vội vã trong khâu nghiệm thu, nhanh chóng đưa các công trình này vào sử dụng mà lơ là, coi nhẹ hoạt động phòng cháy, chữa cháy; dẫn đến sự mất cân đối, không đáp ứng được các yêu cầu căn bản về phòng chống cháy nổ ở từng địa điểm. Vô hình trung, một tâm lý sống gấp, sống vội, chỉ coi trọng lợi nhuận của xã hội hiện đại cũng đã bao trùm lên cả cộng đồng, len lỏi vài từng ngõ ngách, khiến cho những người dân sống tại các khu dân cư nói trên cũng chủ quan, mất cảnh giác trước chính những nguy cơ cháy, nổ có thể xảy đến trong môi trường của mình.

Không những thế, Việt Nam vốn có xuất phát điểm là một nước nông nghiệp có lối sống tương đối tự do, thiếu tổ chức, quen với việc “trị thuỷ” hơn là “trị hoả”. Do đó, bước chuyển mau lẹ của quá trình đô thị hoá từ nông thôn đến thành thị đã khiến cho nhiều người dân vốn chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về khoa học phòng cháy, chữa cháy, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động này; không nhận thức được hết những nguy cơ tiềm ẩn đang từng ngày, từng giờ hiện hữu trong cuộc sống của chính mình. Đây là một lỗ hổng lớn trong nhận thức mà nếu khắc phục được thì công tác phòng cháy, chữa cháy của nước ta sẽ được cải thiện rất nhiều.

Bởi vậy, giải pháp hàng đầu chính là phải đặt ra kế hoạch giáo dục nhận thức toàn dân về phòng cháy một cách bài bản, hoàn chỉnh nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tế của thời kì hiện đại. Mỗi người dân cần hiểu rằng, hoả hoạn là một nguy cơ thường trực đối với đời sống của mình. Các vụ cháy có thể xảy ra ở bất cứ đâu, một khu chung cư, một trường học hay một bệnh viện… Do đó, tuyệt đối không thể lơ là, giao tính mạng của mình cho người khác, không trang bị cho mình các kiến thức căn bản về các yếu tố có thể gây cháy, và kiến thúc bảo vệ bản thân nếu xảy ra cháy, nổ. Trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội vừa qua, rất nhiều người thiệt mạng hoặc bị thương nặng do hoảng loạn, lúng túng, không biết cách ứng phó, xử lý tình huống khẩn cấp liên quan đến cháy nổ; trong khi những người thoát nạn đa phần là bởi đã được trang bị các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy hoặc từng có kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy từ trước. Điều đáng nói là gần đây trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy tương tự, gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Do đó, việc giáo dục cần phải được triển khai một cách đồng bộ từ gia đình đến trường học. Đặc biệt, các em học sinh – những công dân tương lai của đất nước – chính là những người cần hình thành nhận thức và có ý thức phòng cháy, tự cứu mình từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở từng địa phương, các tổ trưởng dân phố cùng các đội dân phòng phải tổ chức hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy và cứu người đến từng người dân. Mỗi hộ gia đình, mỗi cơ sở kinh doanh, trường học, bệnh viện… cần phải được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình xịt, mặt nạ chống khói… và cách sử dụng chúng. Đặc biệt, các đơn vị trường học, tổ dân phố… cũng cần đề xuất những phương án tại chỗ, thực hành diễn tập chữa cháy định kỳ; thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của các trang thiết bị này để đảm bảo an toàn khi xảy ra tình huống thật.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, sự thay đổi nhận thức, ý thức quan trọng nhất vẫn nằm ở các chủ đầu tư, xây dựng. Những đơn vị, cá nhân này chính là những người đầu tiên phải tuân thủ, đảm bảo chặt chẽ các quy định về an toàn cháy, nổ ở mỗi công trình; thậm chí xem đây như một ưu tiên hàng đầu, không thể thiếu trong suốt quá trình thi công, hoàn thiện và bàn giao công trình cho người sử dụng. Có thể nói, rất nhiều vụ cháy, nổ thương tâm diễn ra trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ sự cẩu thả, lỏng lẻo ở khâu thiết kế phòng cháy, chữa cháy trong các toà nhà chung cư, các khu đô thị. Bởi vậy, nếu chỉ có sự phòng chống đơn lẻ từ phía người dân là chưa đủ, mà ý thức tuân thủ pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của các chủ đầu tư, xây dựng công trình cũng cần được chấn chỉnh. Những cá nhân, doanh nghiệp xây dựng cần phải thực hiện đúng quy định của luật pháp, đảm bảo an toàn hệ thống đường dây điện, ống dẫn nước và các phương tiện phòng cháy, chữa cháy phải đảm bảo đúng công suất, tính năng theo thiết kế và phải hoạt động tốt.

Hiện trường vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12 rạng sáng ngày 13/9/2023 khiến 56 người thiệt mạng. Có thể thấy, căn chung cư nằm trong hẻm sâu, điều kiện thoát hiểm sơ sài, gây ra nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ. Ảnh: TTXVN

Giải pháp tiếp theo nằm ở công tác quản lý và củng cố thiết chế, chế tài liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Chính quyền các địa phương và các cơ quan thẩm định cần xem xét kĩ lưỡng, thực hiện nghiêm túc quá trình kiểm tra, đánh giá, từ khâu đấu thầu, xây dựng cho đến quá trình bàn giao, hoàn thiện dự án; không cấp phép ồ ạt cho các công trình không đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật. Đặc biệt, các lưới sắt chống trộm ở các căn hộ chung cư phải được tính toán kỹ lưỡng về lối thoát hiểm. Nhìn chung, nếu công tác quản lý, giám sát được thực hiện một cách sát sao, nghiêm ngặt thì những chủ đầu tư, xây dựng cũng không còn “kẽ hở” để vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả đáng tiếc tại các khu dân cư như vừa qua. Về lâu dài, mỗi địa phương cũng cần đề xuất một lộ trình quy hoạch sao cho hợp lý, tránh tình trạng tập trung quá đông dân cư tại một địa điểm, sẽ gây ra áp lực cho các dịch vụ, gây khó khăn trong việc ứng cứu và làm gia tăng thiệt hại về người và của mỗi khi có những tình huống cháy, nổ xảy ra.

Có thể nói, các chế tài về phòng cháy, chữa cháy hiện nay đã có song chưa đáp ứng được sự phát triển của xã hội, chưa đủ mạnh và chưa có sức răn đe. Phần lớn các quy định vẫn chỉ mang tính lí thuyết chứ chưa đi vào thực tiễn một cách đầy đủ và sâu sắc, dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng ở nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm, không phản ứng kịp các tình huống bất ngờ xảy đến. Do đó, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, đánh giá lại hệ thống quản lý bốn cấp, nhanh chóng chấn chỉnh những hành vi buông lỏng quản lý, xử lý thích đáng những trường hợp cán bộ sai phạm, thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng trong các vụ cháy, nổ tại các địa phương. Cần loại bỏ tư duy “mất bò mới lo làm chuồng”, không nên để xảy ra những sự việc đáng tiếc rồi mới điều tra, kiểm điểm, rút kinh nghiệm mà phải thường xuyên giám sát, đánh giá, xử lý kịp thời những cá nhân, đơn vị không thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Cấp quản lý cần có sự chặt chẽ, nghiêm minh thì mới có thể đảm bảo các cấp dưới tuân thủ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ở nước ta có một tồn tại ai ai cũng thấy rõ đó là sau một vụ cháy, thiệt hại lớn thì các cấp có thẩm quyền ra chỉ thị, họp hành, thăm viếng; các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ đưa tin; nhưng chỉ được một thời gian rồi tất cả lại “đâu vào đấy”; sự nguy hiểm vẫn tồn tại, rình rập và có thể bùng ra bất cứ lúc nào. Đây là một thực trạng về tính hình thức, “mùa vụ” trong việc khắc phục hậu quả của các sự cố lớn mà chúng ta cần nhìn thẳng để khắc phục, giải quyết tận gốc vấn đề thay vì chỉ sửa chữa “phần ngọn”…

Bên cạnh đó, mặc dù lực lượng phòng cháy, chữa cháy hiện nay đang ngày càng trở nên tinh nhuệ và được trang bị nhiều phương tiện hiện đại,  song không vì thế mà các ngành chức năng trở nên lơ là trong khâu huấn luyện, kiểm tra, đánh giá và củng cố nghiệp vụ của lực lượng này. Bởi lẽ, đây chính là lực lượng tuyến đầu mà nếu không được đầu tư, tập luyện bài bản, chuyên nghiệp để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, trong các môi trường, hoàn cảnh đặc biệt thì mức độ thiệt hại của các vụ cháy, nổ sẽ càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc tăng cường đầu tư trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn cho lực lượng này cũng cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy được diễn ra kịp thời, thông suốt.

Có thể thấy, sự xuống cấp, không đảm bảo an toàn về trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy là một trong những vấn đề gây nhức nhối dư luận trong vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua. Tình trạng các thiết bị chữa cháy, máy móc, cách vận hành… chưa ổn định, cùng với đặc điểm của các khu dân cư đông đúc, đường ngõ nhỏ hẹp, khiến cho công tác cứu hoả gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Nhà nước cần sớm có phương án đầu tư, trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, đảm bảo đúng yêu cầu về kĩ thuật; khắc phục, sửa chữa hoặc thay mới toàn bộ các thiết bị cũ, hỏng, kiểm định chặt chẽ chất lượng của các phương tiện này. Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu, thiết kế những trang biết bị phòng cháy, chữa cháy phù hợp với điều kiện đặc thù của từng khu vực, địa phương là vô cùng cần thiết. Rõ ràng, các ngõ con ngõ nhỏ, hẹp không phù hợp với các thiết bị lớn mà cần có họng nước tương ứng luồn sâu vào từng ngách để chữa cháy kịp thời. Bởi vậy, đô thị lớn nói riêng và các địa phương trên khắp cả nước nói chung cần có những phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng có thể xem xét thiết kế, tự đóng riêng những xe bồn chở nước, những cano, moto… chữa cháy đặc thù của Việt Nam hoặc hợp tác với những quốc gia có kinh nghiệm để tìm ra các mô hình phù hợp nhất cho người Việt. Những phương tiện mới này chắc chắn sẽ tối ưu hơn rất nhiều so với các phương tiện nhập khẩu vốn được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn, điều kiện và hoàn cảnh đặc thù của các nước bạn. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần tổ những đợt kiểm tra, rà soát, đánh giá tiêu chuẩn của các trang thiết bị như bình bọt, mặt nạ dưỡng khí, mặt nạ chống khói, hệ thống chuông báo động…. tại các toà nhà, các khu dân cư, xem đã đạt yêu cầu chất lượng hay chưa.

Trên đây là một vài ý kiến được đông đảo dư luận đề xuất nhằm khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại trong vấn đề phòng cháy, chữa cháy ở nước ta hiện nay. Thiết nghĩ, những thiệt hại, tổn thất trong vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua là rất lớn. Đây là một vụ việc thương tâm, gây nhức nhối cho toàn dân, bởi lẽ khu vực này tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Rất nhiều trí thức giỏi, có tài năng và đặc biệt là nhiều sinh mạng trẻ em đã vĩnh viễn ra đi trong vụ cháy này. Nỗi đau xót không thể nguôi ngoai đối với các gia đình nạn nhân, với toàn thể dân tộc khiến chúng ta buộc phải đặt câu hỏi, phải nhanh chóng tìm kiếm và thực hiện những giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hoả hoạn gây ra; để người dân được sống, học tập và làm việc trong một môi trường an toàn, thân thiện hơn; để Việt Nam luôn là một điểm đến hạnh phúc, văn minh với những tiện ích tiến bộ, trong đó có phòng cháy, chữa cháy.■

Ngọc Lan

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN