Hồ Chí Minh – Nhà Văn Hóa Tình Thương

Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến không ít những bậc vĩ nhân, những nhà tư tưởng lớn, những người không chỉ là người kiến tạo thời đại mà còn là ánh sáng dẫn đường cho tương lai. Trong hàng ngũ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng đặc biệt: không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là một nhà văn hóa tiêu biểu của nền Văn hóa Tình thương – một nền văn hóa mang trong mình hạt giống của sự thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp cho nhân loại.

Năm 1990, UNESCO đã vinh danh Hồ Chí Minh là “Danh nhân văn hóa thế giới” và “Anh hùng giải phóng dân tộc”. Đây không đơn thuần là sự ghi nhận với một cá nhân kiệt xuất, mà là sự công nhận đối với một di sản văn hóa tư tưởng mang tính phổ quát, vượt khỏi biên giới quốc gia, thời đại và mô thức chính trị. Người không chỉ chiến đấu vì tự do, mà còn sống để truyền đi một thông điệp – thông điệp về một nền văn hóa của tương lai được khởi sinh từ Tình thương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là một danh nhân văn hóa tiêu biểu của thế giới. Ảnh tư liệu: Bác Hồ với các em học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956.

Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Đây không phải là một khẩu hiệu tuyên truyền, mà là một minh triết vĩ đại. Bởi nếu chính trị là công cụ tổ chức xã hội, kinh tế là nền tảng sinh tồn, thì văn hóa chính là linh hồn định hướng cho sự phát triển bền vững và cao quý. Văn hóa không chỉ là kho tàng tri thức hay nghệ thuật, mà là cách con người sống, hành xử và yêu thương lẫn nhau.

Hồ Chí Minh không coi cách mạng chỉ là đấu tranh chính trị hay quân sự. Với Người, cách mạng là một cuộc chuyển hóa toàn diện, từ bên trong ra bên ngoài, từ nhận thức đến hành vi, từ cá nhân đến cộng đồng, từ tinh thần đến vật chất. Đó là một cuộc cách mạng văn hóa, trong đó Tình thương là la bàn dẫn lối, là nguồn năng lượng để tiến hóa tâm thức và hóa giải hoàn cảnh.

Trong tư duy của Người, văn hóa không thể tách rời Tình thương. Nếu thiếu Tình thương, con người chỉ phát triển trí khôn – tức sự khéo léo để sinh tồn. Nhưng khi có Tình thương, trí tuệ được khai mở – trí tuệ đó mới đủ sức kiến tạo tương lai và dẫn dắt con người tới những thành tựu vượt thời đại. Hồ Chí Minh đã chứng minh điều đó qua cuộc đời mình: từ một thanh niên yêu nước đến vị lãnh tụ vĩ đại, Người dùng Tình thương để thấu hiểu nỗi đau của dân tộc, chia sẻ khát vọng tự do và kiến tạo giải pháp cho con đường độc lập. Tình thương của Người không chỉ là ngọn lửa sưởi ấm, mà còn là ánh sáng soi rọi, giúp dân tộc Việt Nam thức tỉnh tâm thức, hướng tới một tương lai rực rỡ.

Hồ Chí Minh – Hiện thân sống động của Văn hóa Tình thương

Hồ Chí Minh thường được nhắc đến như một nhà cách mạng lỗi lạc, một nhà chiến lược thiên tài. Nhưng nếu chỉ nhìn dưới lăng kính chính trị, chúng ta sẽ bỏ sót phần vĩ đại nhất của Người: Hồ Chí Minh là hiện thân sống động của một nền văn hóa mới – Văn hóa Tình thương.

Từ những năm tháng bôn ba ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đến khi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh không chỉ nghiên cứu chủ nghĩa Marx – Lenin, mà còn tiếp nhận tinh hoa của các nền văn minh lớn: từ tinh thần dân chủ khai sáng của Rousseau, Voltaire, đến đạo lý phương Đông của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Người không hề rập khuôn, mà tổng hòa và chuyển hóa thành một hệ tư tưởng hành động, trong đó Tình thương trở thành nguyên lý cốt lõi.

Người từng nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng.”

Nhưng con đường đó, với Người, không phải con đường của hận thù, mà là con đường của yêu thương, bao dung và cảm hóa.

Bằng Tình thương, Người cảm hóa những kẻ từng là kẻ thù. Bằng Tình thương, Người biến những con người tưởng chừng yếu đuối thành chiến sĩ kiên trung. Bằng Tình thương, Người giải phóng không chỉ lãnh thổ, mà giải phóng cả tâm thức của một dân tộc khỏi nỗi sợ hãi và mặc cảm nô lệ.

Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 23/12/1923, trên báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) số 39 của Liên Xô, nhà thơ – nhà báo Nga Osip Emilyevich Mandelstam đã viết về Nguyễn Ái Quốc – người thanh niên Việt Nam khi ấy mới bước đầu xuất hiện trên trường quốc tế. Trong bài viết “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản – Nguyễn Ái Quốc”, ông viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.

Bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản – Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” số 39 ra ngày 23/12/1923. Ảnh tư liệu

Hơn một thế kỷ sau, lời tiên tri ấy vẫn vẹn nguyên giá trị. Các học giả, các nhà tư tưởng, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã nhiều lần khẳng định: di sản Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, mà còn là một phần đóng góp quan trọng vào sự phát triển tiến bộ xã hội và văn hóa nhân loại.

Dưới ánh sáng của Văn hóa Tình thương, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phi thường. Từ một dân tộc bị áp bức, bị xâm lăng suốt hàng thế kỷ, Việt Nam đã vươn lên trở thành một biểu tượng của lòng kiên cường và nhân ái.

Chúng ta có thể thấy rõ dấu ấn của Văn hóa Tình thương trong từng chính sách của Hồ Chí Minh:

– Người luôn nhấn mạnh đến giáo dục và tri thức, bởi theo Người, tri thức chính là chìa khóa để con người tự giải phóng.

– Người đề cao sự đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, bởi theo Người, chỉ khi có đại đồng dân tộc thì mới có thể có hòa bình thực sự.

– Người khuyến khích lòng bác ái, tinh thần giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, bởi theo Người, một quốc gia mạnh không chỉ dựa vào quân đội hay kinh tế, mà còn phải dựa vào tình thương giữa con người với nhau.

Hồ Chí Minh đã sống trọn vẹn với triết lý này, và Người cũng để lại cho hậu thế một di sản quý giá: một Việt Nam mà Tình thương không chỉ là một lý tưởng, mà là một sức mạnh thực tiễn.

“Ánh sáng Văn hóa Tình thương” mà Hồ Chí Minh khai mở không chỉ là tư tưởng cá nhân của Người, mà là sự kết tinh của tinh hoa ngàn đời dân tộc. Từ truyền thống “lá lành đùm lá rách” đến sức mạnh đoàn kết vượt qua giặc ngoại xâm, Tình thương luôn là “gen trội” trong tâm hồn Việt Nam. Đây chính là vẻ đẹp và sức mạnh của hồn thiêng sông núi, là nguồn năng lượng vô tận để dân tộc ta vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Một trong những rào cản lớn trong nhận thức của con người là sự nhầm lẫn giữa văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo. Tín ngưỡng và tôn giáo thường gắn với niềm tin cá nhân, với các nghi lễ và biểu tượng cụ thể, trong khi văn hóa tồn tại độc lập, bao trùm và chi phối toàn bộ đời sống tinh thần lẫn vật chất của con người. Văn hóa không cần đến sự “thờ phụng” như tín ngưỡng, mà là sự hiện diện khách quan, như ánh sáng mặt trời soi rọi vạn vật dù con người có nhận ra hay không.

Hồ Chí Minh là minh chứng sống động cho sự tồn tại độc lập của văn hóa. Người không chỉ dựa vào tôn giáo hay tín ngưỡng để dẫn dắt dân tộc, mà dùng chính văn hóa – với Tình thương và trí tuệ làm nền tảng – để thức tỉnh và đoàn kết quốc dân. Từ khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đến những hành động giản dị như chia sẻ chiếc áo ấm, bát cơm cho đồng bào, Người đã biến văn hóa thành ngọn lửa sưởi ấm lòng dân, soi sáng con đường giải phóng dân tộc.

Hồ Chí Minh không chỉ đại diện cho một nền văn hóa của quá khứ, mà chính là khởi nguyên cho một nền văn hóa của tương lai – một nền văn hóa được định hình bởi Tình thương, trí tuệ, và sự đồng cảm sâu sắc giữa người với người.

Việt Nam: Quốc gia của Tình thương

Nếu Hồ Chí Minh đã là sự kết tinh và hiện thân của nền Văn hóa Tình thương, thì hậu thế hôm nay có sứ mệnh nối dài con đường ấy, đưa nó từ di sản thành động lực phát triển, từ ánh sáng tinh thần thành hành động cụ thể.

Chúng ta – những con người của kỷ nguyên mới – không chỉ có trách nhiệm gìn giữ, mà còn có sứ mệnh tiếp nối, phát triển và lan tỏa. Chúng ta phải tiếp tục con đường mà Hồ Chí Minh đã đi, để:

– Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh dưới ánh sáng Văn hóa Tình thương, bằng cách biến Tình thương thành giải pháp cho các vấn đề giáo dục, y tế, chính sách xã hội và kinh tế.

– Biến Văn hóa thành ngành công nghiệp sáng tạo, để Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong xuất khẩu giá trị nhân văn, không chỉ để gìn giữ ký ức quá khứ, mà còn để mở ra những chân trời văn hóa cho mai sau.

Từ khát vọng ấy, chúng ta định hình một tầm nhìn mới cho dân tộc Việt Nam: Việt Nam – Quốc gia của Tình thương.

Một Việt Nam mà nhân loại sẽ tìm đến không chỉ vì vẻ đẹp thiên nhiên hay kinh tế phát triển, mà vì ở đây có một nền văn hóa chữa lành, một văn hóa soi rọi ánh sáng tâm hồn, kiến tạo một Việt Nam không chỉ thịnh vượng về kinh tế, mà cao quý về đạo lý, rực rỡ về văn hóa – nơi nhân loại tìm đến để thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp.

Chúng ta hoàn toàn có thể – và cần phải – xây dựng những thành tựu mới có tính chất di sản, một ngành công nghiệp văn hóa lấy Tình thương làm lõi, nơi Tình thương trở thành sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng trí tuệ và cảm xúc cao.

Từ hội họa, âm nhạc, điện ảnh, sách báo, đến các nền tảng truyền thông, sản phẩm và dịch vụ – mỗi sáng tạo của chúng ta đều có thể trở thành một phương tiện truyền tải ánh sáng Hồ Chí Minh, ánh sáng của Tình thương. Tình thương không chỉ là học thuyết – mà là nguồn lực, là sản phẩm, là chính sách, là năng lượng sáng tạo của tương lai.

Ngọn đuốc tâm thức không bao giờ tắt

Hồ Chí Minh – nhà Văn hóa Tình thương – đã để lại cho chúng ta một ngọn đuốc tâm thức không bao giờ tắt. Ngọn đuốc ấy thắp sáng lương tri, khai mở trí tuệ, dẫn đường cho những ai muốn vượt qua biên giới của bản ngã để đến với cộng đồng, vượt qua giới hạn của quốc gia để đến với nhân loại.

Giữ gìn và phát triển ngọn đuốc tâm thức ấy là trách nhiệm lịch sử, là sứ mệnh thiêng liêng của thế hệ hôm nay. Hãy để ánh sáng Văn hóa Tình thương mà Người để lại tiếp tục lan tỏa trong từng hành động, từng ý niệm, từng chính sách, từng sản phẩm văn hóa của chúng ta. Hãy để Tình thương là động lực, để văn hóa là ánh sáng, để một Việt Nam cao quý, thịnh vượng và nhân văn sẽ được kiến tạo – và chính từ nơi đó, nhân loại sẽ tìm thấy con đường trở về với Tình thương, hòa bình và khai sáng.

Từ Nguyễn Ái Quốc, đã tỏa ra một nền văn hóa của tương lai.

Và hôm nay, tương lai ấy đang gọi tên chúng ta.■

Hà Huy Thanh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN