
Chúng ta vừa trải qua ngày 30 tháng 4, kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam lịch sử với lễ diễu binh ấn tượng và nhiều hoạt động được chuẩn bị công phu, tôn vinh một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc ta, cũng là sự kiện có ảnh hưởng tới lịch sử thế giới trong thế kỷ XX.
Thống nhất lãnh thổ không chỉ có ý nghĩa về chính trị, kinh tế hay địa lý đơn thuần mà xét về mặt phong thuỷ tâm linh, sự kiện này vô cùng thiêng liêng. Chúng ta đều biết trải qua mấy ngàn năm dựng nước, đất nước Việt Nam mới có hình dáng chữ S kéo dài từ Bắc xuống Nam vào thời điểm cuối triều Nguyễn. Đất nước nhìn ra biển ở phía Đông, Phía Tây và phía Bắc đều tựa vào những dẫy núi cao. Hình dáng chữ S của Việt Nam thể hiện rõ qua các vùng đất hẹp ở miền Trung và mở rộng ra ở hai đầu Bắc và Nam. Điều này tạo ra một địa hình đa dạng với nhiều vùng đồng bằng, đồi núi và bờ biển dài, mang đến những cảnh quan thiên nhiên vô cùng phong phú và đẹp mắt.
Quan trọng hơn, xét về mặt phong thuỷ và tâm linh, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định hình dáng chữ S của đất nước giống với Vòng tròn âm dương trong văn hoá phương Đông, một biểu tượng triết học đại diện cho sự cân bằng và hài hòa giữa hai lực đối lập nhưng bổ sung cho nhau trong vũ trụ: âm và dương.
Nhìn dáng hình của đất nước và liên tưởng tới vòng tròn âm dương, chúng ta mới thấy hết giá trị mà vị trí và hình hài tổ quốc đem lại. Trong triết lý phương Đông, nước được coi là yếu tố âm. Yếu tố âm này rất mạnh mẽ, thể hiện trước hết ở vùng biển dài và rộng hiếm thấy ở phía Đông. Đây chính là phần âm trong vòng tròn âm dương. Việt Nam có đường bờ biển dài tới hơn 3.260 km, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Chính yếu tố bờ biển đã góp phần đặc biệt quan trọng giúp Việt Nam trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực trong thời gian gần đây. Toàn bộ vùng biển mênh mông còn tạo ra những lợi thế có một không hai cho đất nước, giúp Việt Nam trở thành trung tâm của các tuyến đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ vào ASEAN, quốc gia trung tâm của khu vực, cầu nối giữa các quốc gia.
Như vậy, yếu tố âm (nước) ở vòng cung phía Đông giúp Việt Nam có được lợi thế chiến lược. Vòng cung phía Tây với yếu tố dương (núi) cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Núi đóng vai trò quan trọng trong vị trí và địa hình của Việt Nam, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của đất nước. Chạy dọc khu vực phía Bắc và phía Tây của đất nước đều là những dãy núi cao, trong đó nổi bật là dãy Hoàng Liên Sơn ở Tây Bắc với đỉnh Fansipan cao 3.143 mét, được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” và dãy Trường Sơn chạy dọc theo biên giới Việt – Lào từ Bắc vào Nam, một trong những dãy núi dài nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và địa lý đất nước.
Cùng với biển như một yếu tố âm, núi tạo ra sự cân bằng và hài hoà hiếm có trong tổng thể địa lý, địa hình của đất nước. Sự cân bằng này còn được thể hiện rất lý thú ở khía cạnh trong núi có sông, có biển và trong biển có núi. Giống với vòng tròn âm dương, bên nửa âm có chấm tròn dương và bên nửa dương có chấm tròn âm, sự tồn tại của yếu tố đối lập thể hiện rất cân bằng trong địa lý Việt Nam.
Trong yếu tố biển có yếu tố núi, nghĩa là trong âm có dương, với Việt Nam, đó chính là vịnh Hạ Long cùng hàng loạt đảo trên biển thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong yếu tố núi có yếu tố sông nước, nghĩa là trong dương có âm, điều này cũng thể hiện đặc biệt trong địa lý Việt Nam. Trên đất nước ta, các con sông thường bắt nguồn từ các vùng núi cao và chảy xuống các khu vực thấp hơn. Một số con sông lớn ở Việt Nam bắt nguồn từ các dãy núi như sông Hồng chảy qua các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và đổ ra biển Đông qua cửa Ba Lạt, sông Cửu Long bắt nguồn từ dãy núi Tây Tạng, chảy qua nhiều quốc gia Đông Nam Á trước khi vào Việt Nam và phân nhánh thành nhiều sông nhỏ đổ ra biển Đông.
Các dòng sông tạo ra vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long là những khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam, cung cấp lương thực chính cho cả nước và xuất khẩu. Nhiều thành phố lớn của Việt Nam, như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đều phát triển dọc theo các con sông lớn, mới đủ điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Nhìn khái quát toàn bộ dáng hình và vị trí của Việt Nam trên tương quan với nguyên lý âm dương tương hỗ mới thấy hiếm có quốc gia nào hội đủ các yếu tố địa lý tương hợp với giá trị triết học châu Á tới vậy. Sự hoà hợp đặc biệt của Việt Nam với lý luận về hai mặt đối lập tạo ra vũ trụ cho thấy đất nước đã mang sẵn trong lòng một giá trị phổ quát, sẵn sàng trở thành một trung tâm phát triển mới của khu vực và thế giới. Nhìn như vậy mới thấy hết giá trị to lớn của ngày Thống nhất. Để hồi phục lại đầy đủ các yếu tố của một hình chữ S tròn trịa như vậy là một tiến trình lịch sử dựng nước gian khổ mà cha ông chúng ta đã hi sinh biết bao máu xương. Nhìn nhận như vậy mới thấy hết và tự hào về sức mạnh vĩ đại đã làm nên giá trị của dân tộc Việt Nam.
Rất tiếc, cho tới ngày nay, sau 50 năm thống nhất, đâu đó vẫn có những người có quan điểm khác, coi thường giá trị của sự thống nhất quốc gia. Đâu đó vẫn dư âm những tư tưởng phân biệt vùng miền, Bắc Nam. Thậm chí, rơi rớt còn lại cả những luận điểm sai trái cho rằng miền Bắc xâm lược miền Nam, rằng toàn bộ lịch sử Việt Nam là tiến trình người miền Bắc tiến chiếm miền Trung và miền Nam.
Những quan điểm như vậy là vô cùng phiến diện, nông cạn lịch sử. Các nghiên cứu mới nhất của sử học và khảo cổ học đã chứng minh bước vào thời đại Đồ Sắt trên phạm vi đất nước ta hiện nay đã hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn dẫn đến sự ra đời của 3 nhà nước đầu tiên là nước Văn Lang – Âu Lạc ở phía Bắc; các nhà nước Sa Huỳnh cổ – Chămpa ở miền Trung và Phù Nam ở miền Nam. Thời điểm ra đời của các nhà nước Văn Lang – Âu Lạc sớm hơn so với Chămpa và Phù Nam, khoảng 2700 năm trước. Tuy có sớm muộn cách nhau đến vài ba thế kỷ, nhưng cả ba loại hình nhà nước trên đều được xếp chung vào thời đại dựng nước đầu tiên của Việt Nam.
Sự hình thành cương vực Việt Nam như tới ngày nay là một quá trình lịch sử lâu dài với nhiều thăng trầm và biến đổi, quy tụ và lan tỏa, khởi đầu và càng ngày càng phát triển từ trung tâm Đông Sơn, Văn Lang – Âu Lạc ở phía Bắc. Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa của cư dân Việt cổ dựng nước đầu tiên trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, tồn tại khoảng từ thế kỷ VIII TCN cho đến thế kỷ I, II sau Công Nguyên (SCN). Khảo cổ học từng bước đã xác định 4 trung tâm của văn hóa Đông Sơn là sông Mã, sông Cả, Đông Nam núi và sông Hồng, trong đó trung tâm sông Hồng là loại hình tiêu biểu nhất ở tính quy tụ, thống nhất và sức lan tỏa. Trống đồng Đông Sơn chính là di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Nền văn hoá Đông Sơn đã hình thành nước Văn Lang của những bộ tộc Lạc Việt trên vùng bình nguyên đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mã và đồng bằng Sông Lam. Suốt một thời gian dài, giới sử học vẫn cho rằng thời đại các Vua Hùng ấy chỉ là truyền thuyết. Chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là từ sau năm 1954, ngành khảo cổ và các ngành khoa học khác đã phát triển và phối hợp nghiên cứu để khẳng định, thời đại dựng nước này là có thật trong lịch sử dân tộc. Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc và các triều Vua Hùng từng là giai đoạn mở đầu hào hùng trong lịch sử hình thành đất nước ta.
Sự hình thành của Việt Nam còn xuất phát từ nền văn hoá Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Huỳnh của cư dân ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, có niên đại từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất TCN cho đến đầu CN. Khảo cổ học gần đây đã chứng minh văn hóa Bàu Tró là một thành tố quan trọng đóng góp vào sự ra đời của văn hóa Sa Huỳnh. Bàu Tró là tên một hồ nước ngọt ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện nay. Văn hóa Bàu Tró đã được xác định cách ngày nay khoảng từ 4.000 đến 3.500 năm, trải rộng ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Trung Bộ, từ Nghệ An qua Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Cư dân Bàu Tró có nguồn gốc từ văn hóa Quỳnh Văn, có quan hệ giao lưu trao đổi rộng với cư dân văn hóa Hoa Lộc, Hạ Long ở vùng duyên hải phía Bắc và cư dân văn hóa Xóm Cồn ở duyên hải phía Nam. Các di tích được phát hiện trên các cồn cát cho ta thấy sắc thái biển rõ nét trong văn hoá Sa Huỳnh. Khảo cổ học đã khẳng định từ giai đoạn phát triển sớm, Sa Huỳnh đã có quan hệ với các hải đảo Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là Philippines.
Vương quốc Chămpa được hình thành bởi người Chăm cổ, chính là con cháu của người Sa Huỳnh cổ. Người Sa Huỳnh – Chămpa là cư dân bản địa của dải đất ven biển miền Trung Việt Nam tính từ Hoành Sơn – Sông Gianh (Quảng Bình) ở phía Bắc cho đến sông Dinh – Hàm Tân (Bình Thuận) ở phía Nam và mở rộng lên Tây Nguyên. Văn hoá Chămpa dựa trên nền tảng khai thác hệ thống đường duyên hải để kết nối với vùng với nhau thành một thực thể văn hóa Chămpa. Xa hơn, Chămpa đã khai thác Biển Đông và Nam Biển Đông để sinh nhai cũng như tạo nên sức mạnh cho cả cộng đồng. Người Chăm chính là một dân tộc đi biển giỏi nhất. Ghe bầu Chămpa đã có vai trò không nhỏ trong luồng giao thương buôn bán ven biển quốc tế ở phương Đông. Biển Đông từng được gọi là biển Chămpa.
Nam Bộ là một vùng đất cổ, có lịch sử văn hóa lâu đời và gắn bó hữu cơ với môi trường sông nước, biển cả. Khảo cổ học đã phát hiện các di chỉ từ thời đồ đồng thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Văn hóa Đồng Nai có những đặc trưng rất giống văn hóa Sa Huỳnh. Khảo cổ học cũng đã chứng minh quá trình phát triển liên tục từ văn hóa Đồng Nai sang văn hóa tiền Óc Eo và văn hóa Óc Eo ở khu vực miền Đông Nam Bộ, đồng thời có sự giao lưu với văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh.
Óc Eo là địa danh khảo cổ thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Địa bàn sinh sống của cư dân Óc Eo là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An kéo đến vùng duyên hải như Cần Giờ và vươn ra nhiều đảo ngoài Biển Đông và biển Tây Nam. Khảo cổ học còn phát hiện nhiều di tích, di vật thuộc văn hóa Óc Eo ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh. Văn hoá Óc Eo cũng rất chú trọng ngoại thương đường biển, sớm đón nhận những người thuộc nhóm nhân chủng khác tới sinh sống thành cộng đồng như cư dân gốc Ấn – Âu, Ấn Độ Trung Á, Ba Tư, La Mã. Những nhân tố ngoại đã du nhập thông qua hệ thống đường biển vào Óc Eo nhiều công cụ, vũ khí, văn hóa, kỹ thuật, tôn giáo và đã giữ vai trò rất to lớn trong việc tạo dựng và định hình một mô hình thành thị ở đây. Óc Eo là thành thị sớm nhất và tiêu biểu nhất ở khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ thường xuyên với các vùng lân cận thuộc khu vực Đông Nam Á cũng như Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Á đã có sự tác động mạnh mẽ, hình thành trên vùng đất Nam Bộ một quốc gia đầu tiên – Vương quốc Phù Nam.
Vương quốc Phù Nam ngay từ khi mới thành lập đã là một vương quốc biển, triệt để khai thác biển tạo thành thế mạnh căn bản của mình. Trong giai đoạn hưng thịnh, nước Chân Lạp của người Khmer khi đó chỉ là thuộc quốc của Đế chế Phù Nam. Vương Quốc Phù Nam đã có hơn một nửa thiên niên kỷ ở đỉnh cao huy hoàng của một nền văn minh thành thị với cảng thị sầm uất hướng biển, chính là nền tảng để đất nước ta phát triển sau này.
Như vậy, sự ra đời của các nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam đặc biệt ở chỗ dựa trên cả hai nguồn cơ bản của đại lục và đại dương. Càng đi sâu xuống phía Nam, yếu tố biển càng tăng mạnh. Dấu tích văn hóa Sa Huỳnh ở các đảo ven bờ, mở rộng ra đến các quần đảo ngoài Biển Đông và di tích văn hóa Tiền Sa Huỳnh ở Cửa Cạn Phú Quốc, Bến Ngự Thổ Châu là những minh chứng rất tiêu biểu. Như thế, kể từ khi chưa có nhà nước, cư dân các bộ lạc nguyên thủy ở vùng duyên hải miền Trung đã làm chủ cả vùng Hoàng Sa, Trường Sa giữa Biển Đông và toàn bộ vùng biển đảo Tây Nam. Chính cuộc sống mưu sinh của các lớp cư dân của của các vương quốc Văn Lang – Âu Lạc, Sa Huỳnh – Chămpa và Phù Nam đã tạo dựng hình hài đất nước để các thế hệ con cháu bảo tồn và lưu giữ cho đến ngày nay.
Hiểu được như vậy mới thấy trân quý nỗ lực của các thế hệ cha ông ta đã dày công hồi phục lại lãnh thổ, kết nối ba trung tâm văn minh lớn của đất nước như ngày hôm nay. Trải qua nhiều biến đổi khốc liệt của lịch sử, tổ tiên chúng ta liên tục đấu tranh gìn giữ và mở rộng theo nhiều hướng để định hình cương thổ như ngày nay.
Hướng mở rộng lên vùng núi phía Tây – Bắc giúp hình thành vùng lãnh thổ hình chóp nón bao trùm toàn bộ khu vực miền núi phía Bắc giáp với Trung Quốc hiện nay. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua sự hiểm trở của địa hình và thời tiết khắc nghiệt để xác lập quyền cai trị từ các bộ tộc thiểu số và từ các triều đại phong kiến Trung Quốc. Nỗ lực này thật đáng tự hào và cần được ghi nhận sâu sắc trong hành trình lịch sử của dân tộc.
Hướng mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam còn đáng tự hào hơn, từng bước hoà nhập nền văn hoá Chămpa và những di sản của Phù Nam vào Đại Việt. Đó là một lịch sử phức tạp, nhưng cha ông chúng ta với trí tuệ và tầm nhìn chiến lược đã tích hợp các các nền văn minh cổ xưa một cách hài hoà vào thành một dân tộc Việt Nam. Văn hóa Chăm hòa nhập và biến đổi trong diễn trình lịch sử. Di sản Chăm không vì thế mà mất đi, ngược lại vẫn ở lại trong kiến trúc, văn hoá và tiếng nói của người Việt từ khu vực miền Trung trở vào, mãi mãi là một phần của Việt Nam.
Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã mở rộng tiếp xuống Chân Lạp. Trên con đường tiến dần vào vùng Nam Bộ của Vương Quốc Phù Nam xưa, các Chúa Nguyễn đã phải đối mặt với các nhà nước của người Khmer, từng bước sáp nhập được vùng đất mà ngày nay gọi là Đông Nam Bộ và tích hợp vùng đất màu mỡ nhất của khu vực châu thổ Mê Kông nằm ở hạ lưu. Toàn bộ các vùng đất nằm ở vị trí địa lý chiến lược nhất án ngữ con đường ra biển của Vương Quốc Phù Nam xưa đều đã trở lại nằm trong đất mẹ Việt Nam.
Việt Nam cũng đã mở rộng về phía biển qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, với những nỗ lực to lớn và nhất quán. Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhiều lần đưa người ra khai thác và kiểm soát các hòn đảo lớn và quần đảo trên Biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỷ XVI, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1711.
Những nỗ lực to lớn của tiền nhân đã giúp lãnh thổ Việt Nam dưới triều Nguyễn, cho đến thời Minh Mạng, được xem là hoàn thiện và rộng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Cương thổ ấy tiếp tục bị thực dân Pháp xâm chiếm, chia nhỏ để trị. Dù chúng ta đã giành được độc lập năm 1945, lãnh thổ tiếp tục bị chia cắt do sự can thiệp của đế quốc Mỹ.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, với chiến thắng vào tháng 4 năm 1975, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Phải khẳng định đây là cuộc chiến giành lại độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước. Đây là một thành tựu lịch sử quan trọng, chấm dứt hơn một thế kỷ bị chia cắt và chịu sự thống trị của các thế lực ngoại bang trên đất nước Việt Nam, khôi phục lại đúng cương thổ mà tiền nhân đã gây dựng ngày xưa. Đó là mốc son sáng ngời trong một hành trình dài và hào hùng, xuyên suốt ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Người Việt Nam đã tiến hành những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giữ vững chủ quyền lãnh thổ được ghi dấu trong lịch sử thế giới. Chiến thắng 30 tháng 4 là một dấu mốc như vậy. Sau 50 năm, chiến thắng vẫn có ý nghĩa lớn lao, không chỉ thể hiện sức mạnh của dân tộc mà còn khẳng định tính thiêng liêng bất khả xâm phạm của dáng hình cương thổ đất nước, tạo cơ sở địa lý, kinh tế, chính trị và tâm linh vững chắc cho quốc gia bước vào thời đại mới. Mọi quan điểm phân biệt vùng miền, cá nhân chủ nghĩa, xuyên tạc lịch sử đều không nhìn thấy giá trị to lớn của tổ quốc như một chỉnh thể thống nhất thiêng liêng. Mỗi năm, khi tháng 4 về, lễ kỷ niệm sự kiện này lại là một lời nhắc cho các thế hệ sau không được quên giá trị bất diệt đó của Tổ quốc.■
Phương Đông