Nghĩ về Quốc ca Việt Nam: Từ lập nước đến thống nhất non sông

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, một ngày lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng thành phố Sài gòn – Gia định toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông đất nước thu về liền một dải từ Bắc tới Nam.

1. Chiến thắng này đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Sau 30 năm đất nước bị chia cắt do giặc ngoại xâm, hôm nay non sông đã liền một dải từ Bắc tới Nam, cả nước xuống đường reo vui trong nụ cười và nước mắt. Trong sắc đỏ của cờ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng bay rợp trời, bài hát “Tiến quân ca” – Quốc ca Việt Nam vang lên khắp cả non sông, lần đầu vang vọng khắp ngõ xóm, làng quê, ngõ phố của miền Nam thân yêu, nhiều người đã hát trong nước mắt tuôn trào, trong ngày sum họp toàn dân tộc. Lúc tiếng hát Quốc ca vang lên đấy mạnh mẽ, hào hùng, lôi cuốn “Đoàn quân Việt Nam đi. Chung lòng cứu quốc…”. Lúc nghẹn ngào, lòng xúc động rưng rưng “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”. Lúc vững chãi niềm tin vào ngày mai “Tiến lên cùng tiến lên/Nước non Việt Nam ta vững bền”. Khi lời Quốc ca được cất lên trong hội trường, trong buổi lễ, trên loa phóng thanh muôn nẻo hay tại các buổi gặp mặt sau bao năm xa cách, không ai còn nghĩ tới tâm trạng riêng ngày kết thúc chiến tranh, chỉ còn lại cảm xúc trào dâng niềm vui, niềm tự hào về dân tộc, về đất nước. Tình yêu nước, niềm xúc động vô biên đã xóa nhòa mọi mặc cảm, giải tỏa tâm lý, trên hết là tình cảm gắn kết, tình yêu thương cùng nắm tay nhau hướng tới ngày mai. Hẳn những ai có mặt cùng hát Quốc ca hoặc được nghe, được chứng kiến Quốc ca vang lên trong ngày chiến thắng 30/4/1975 ấy hẳn còn lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt đáng nhớ không thể phai mờ. Bởi không khí ấy xúc động lắm, thiêng liêng lắm và tự hào vô cùng…

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được hoàn toàn giải phóng năm 1975 trong tiếng nhạc “Tiến quân ca”. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Trong giờ phút thiêng liêng và hạnh phúc vô bờ đó, dường như ai cũng nhớ tới Bác Hồ kính yêu – vị lãnh tụ thiên tài của đất nước và dân tộc ta.  Chính Người đã quyết định chọn bài hát Tiến quân ca là Quốc ca Việt Nam trong ngày Đại hội Quốc dân Tân Trào 16/8/1945. Bài Quốc ca sau đó đã được cât lên trong buổi lễ Chủ tịch Hồ Chí MInh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hóa. Bài Quốc ca là tiếng vọng non sông lần đầu tiên được vang lên trên bầu trời Hà Nội báo cho toàn dân và thế giới biết về một nước Việt Nam mới, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vậy nhưng do thế lực đế quốc gây ra chiến tranh, đất nước bị chia cắt, miền Nam bị thực dân, để quốc và tay sai xâm chiếm, bài Quốc ca thiêng liêng không được vang lên công khai ở miền Nam thân yêu. Thế nhưng trong suốt 30 năm đấu tranh giải phóng ấy, Quốc ca vẫn luôn được cất lên ở các chiến trường Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Quốc ca vẫn được vang lên khắp chiến trường chống Mỹ cứu nước, từ người dân vùng giải phóng đến địa đạo trong lòng đất, từ người cán bộ hoạt động bí mật trong lòng địch đến các chiến sỹ cách mạng bị giam cầm trong lao tù đế quốc. Lời Quốc ca là lời Tổ quốc, là tiếng kèn xung trận nhân lên sức mạnh chiến đấu, nhân lên niềm tin sắt đá vào chiến thắng. Và nay, ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước trọn niềm vui thống nhất, bài hát Quốc ca Việt Nam được vang lên trọn vẹn trên toàn đất nước Việt Nam thống nhất. Lời Quốc ca được vang lên trên bầu trời cao rộng, trên khắp nẻo đất Việt Nam thân yêu. Bài quốc ca ấy còn lan truyền đi nhiều nước trên thế giới theo tin truyền chiến thắng của các nhà báo nước ngoài… Vẫn là bài hát Tiến quân ca ấy, nhưng hôm nay trong ngày chiến thắng đã mang thêm âm sắc mới: Quốc ca của một nước Việt Nam thống nhất trong ngày vui sum họp non sông. Quốc ca nối liền nắm tay từ Bắc vô Nam. Quốc ca là lời tuyên ngôn với thế giới về tiếng nói của non sông, là quốc ca thống nhất mãi mãi của Việt Nam không bao giờ thay đổi. Xưa hát Quốc ca như tiếng kèn xung trận. Nay hát Quốc ca là lời tuyên ngôn về nước Việt Nam thống nhất và trường tồn, là lời hiệu triêu từ đây: “Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới…/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

2. Đã 50 năm kể từ ngày bài Quốc ca Việt Nam vang lên trọn vẹn, hào hùng lan tỏa vang xa trong đất nước thống nhất, là tiếng vọng non sông kết nối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó đến nay Quốc ca Việt Nam đã cất cánh bay xa vạn dặm cả ở trong nước và nước ngoài, trở thành quốc hồn, quốc túy; là tinh thần dân tộc và là biểu tượng thiêng liêng đầy tự hào của Việt Nam. Ở trong nước, từ các cháu học sinh nhỏ tuổi cấp tiểu học đến học sinh trung học phổ thông, từ các trường học đến trụ sở các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, từ sinh hoạt chi bộ đến các buổi lễ cấp cao Nhà nước… bài Quốc ca hào hùng luôn được cất lên đầy tự hào, xúc động khi cả nước cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dường như mỗi lần hát Quốc ca trong trái tim mỗi người Việt Nam đều thấy thổn thức một tình yêu Tổ quốc da diết, nồng ấm, một niềm tự hào mãnh liệt về đất nước, dân tộc mình. Chúng ta từng chứng kiến cả một sân vận động cùng hát Quốc ca với các tuyển thủ bóng đá nước nhà trước giờ thi đấu cả ở trong nước và nước ngoài. Chúng ta từng chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào của các vận động viên Việt Nam xúc động hát quốc ca trên bục nhận huy chương cao nhất. Lúc ấy lòng chúng ta cũng rưng rưng trước nhịp điệu của Tiến quân ca. Quốc ca đã đi vào lịch sử, đi vào lòng dân và là hồn của nước. Dường như mỗi khi giai điệu thiêng liêng ấy vang lên, hàng triệu triệu trái tim người Việt Nam lại trào dâng niềm tự hào, kiêu hãnh khôn tả.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bài hát “Tiến quân ca” được vang lên hùng tráng. Ảnh tư liệu

Quốc ca Việt Nam cùng với Quốc kỳ Việt Nam – cờ đỏ sao vàng sóng đôi bay xa ra thế giới, khắp bốn biển năm châu. Gần 80 năm, Quốc ca Việt Nam vang lên cùng với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các chuyển thăm, ký kết, hợp tác với nước ngoài. Và gần 50 năm nay, sau ngày thống nhất đất nước, chiến thắng ngày 30/4 của Việt Nam đã nâng tầm vị thế của chúng ta lên tầm cao mới. Quốc ca Việt Nam thống nhất vang lên cùng Quốc kỳ tung bay tại trụ sở Liên hợp quốc ngày kết nạp nước ta là thành viên. Quốc ca Việt Nam thống nhất vang lên mỗi lần các quốc gia đón lãnh đạo nước ta đến thăm. Giai điệu trầm hùng Quốc ca của một đất nước vừa giành chiến thắng, một quốc gia đi theo mô hình xã hội chủ nghĩa trở thành là lời kết bạn hòa bình khắp năm châu. “Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới” như lời mời hợp tác, hữu nghị thể hiện truyền thống nhân văn, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Và kiều bào chúng ta ở nước ngoài nữa, mỗi lần lời Quốc ca vang lên ở đâu là dần xóa nhòa sự khác biệt đến đó, giai điệu của Quốc ca là âm thanh quen thuộc của âm nhạc truyền thống kết nối mọi tấm lòng người Việt với nhau. Quốc kỳ và Quốc ca trở thành niềm tin, niềm kiêu hãnh, điểm tựa vịn, là nỗi nhớ hướng về quê hương, đất Tổ, là niềm tự hào được chung tay xây dựng Tổ quốc vững bền, hội nhập và phát triển đối với mỗi người Việt Nam xa xứ.

3. Chúng ta đều biết, bài hát Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam gắn liền với tên tuổi của nhạc sỹ Văn Cao, người nhạc sỹ tài hoa đã sáng tác bài hát này theo gợi ý của một chiến sỹ Cách mạng. Bài hát ra đời gắn với những ký ức Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Theo lời nhạc sỹ Văn Cao kể lại vào năm 1976 sau khi nước nhà thống nhất, thì bài Quốc ca ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, đó là vào những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi khí thế. Văn Cao gặp Vũ Quý, là một cán bộ Việt Minh, cũng là một người vẫn dõi theo những hoạt động nghệ thuật của Văn Cao. Ông Vũ Quý hỏi như đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và giao nhiệm vụ đầu tiên cho Văn Cao là sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng. Văn Cao lúc ấy, chưa biết đến chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ (Hà Nội) theo thói quen và cũng chưa gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên, không biết họ hát như thế nào… Ông đã trăn trở, tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội… và ông đã viết được những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Ông chỉnh sửa và hoàn thiện bài hát nhiều ngày sau đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trong những ngày đông ảm đạm, đói, rét, khổ cực. “Đoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu quốc/Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Và ở lời 2 :“Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới/ Đứng đều lên gông xích ta đập tan“… Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng… Nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại, khi bài hát viết xong, ông Vũ Quý đã rất hài lòng: “Da mặt anh đen sạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”… Theo dòng lịch sử, càng ngày chúng ta càng khâm phục, biết ơn nhạc sỹ Văn Cao, một tài năng nghệ thuật lớn đã sớm dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng để viết nên bài Quốc ca rung động triệu triệu trái tim người, kết nối niềm tự hào, sức mạnh toàn dân tộc để gìn giữ, tô thắm non sông gấm vóc Việt Nam.

Tại Lễ thượng cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khi có hiệu lệnh chào cờ, giai điệu hào hùng của bài Quốc ca vang lên. Ảnh: TTXVN

Lời bài hát “Tiến lên, cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền…”, Quốc ca Việt Nam là lời hiệu triệu toàn dân trong kỷ nguyên giành độc lập, tự do, giải phóng đất nước. Quốc ca Việt Nam là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta giành nhiều thành tựu to lớn trong kỷ nguyên Đổi mới. Và nay, chúng ta tự hào sẽ cùng hát Quốc ca Việt Nam để cùng cả dân tộc, cùng tất cả đồng bào “chung sức phấn đấu xây đời mới” sánh vai với các cường quốc năm châu trong kỷ nguyên vươn mình do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo. Chúng ta tin rằng, mỗi người con dân đất Việt dù bất cứ sinh sống, làm việc ở đâu trên thế giới này, bằng tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, bằng vị thế Việt Nam lớn mạnh hôm nay và mai sau sẽ chắp cánh để Quốc ca Việt Nam ngày càng trở nên hùng tráng, vang xa.■

Hồng Thái

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN