Cách đây gần hai năm rưỡi, khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra ít ai có thể nghĩ rằng nó sẽ kéo dài với mức độ ngày càng khốc liệt đến như vậy. Cho đến ngày hôm nay, Ukraine vẫn luôn là tâm điểm của mọi bấn loạn, xáo trộn và đang chi phối toàn bộ đời sống chính trị và kinh tế thế giới, đặc biệt tại châu Âu.

Hẳn chúng ta đều nhớ, tại giai đoạn đầu của cuộc chiến, hầu như tất cả các nước châu Âu đều thể hiện sự nhất trí, ủng hộ một cách nhiệt thành những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Tuy nhiên những diễn biến trong thời gian gần đây đã cho thấy có những dấu hiệu của sự lội ngược dòng trong diễn biến tình hình cũng như thái độ và lập trường của các bên liên quan…

Ukraine: Việc lật ngược tình hình trên chiến trường là bất khả thi

Ukraine đang ở thế hoàn toàn bất lợi, có nguy cơ thất bại khi bị phá hủy nặng nề, mất thêm nhiều lãnh thổ trước sức tấn công ồ ạt của quân đội Nga cùng việc Nga sử dụng bom dẫn đường thả từ máy bay để phá hủy chính xác các vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế và quân sự của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 7 tháng 4 vừa qua đã thể hiện thái độ bi quan khi nhận xét rằng Kiev có thể thua cuộc nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn viện trợ quân sự cho Ukraine. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Cơ quan tình báo của Ukraine (GUR) ông Skibitsky cũng đã tuyên bố rằng việc “lật ngược tình thế trên tiền tuyến trong thời điểm hiện tại là bất khả thi”.

Đám cháy lớn gần đường dây điện cao thế tại địa điểm bị Nga tấn công bằng tên lửa bên ngoài Kharkov, Ukraine ngày 22/3/2024. Ảnh: Reuters/Sofiia Gatilova

Để chống cự lại, kể từ thời điểm sau cuộc bầu cử tại Nga, tình báo Ukraine đã tăng cường sử dụng chiến thuật tấn công vào nội địa Nga, có nơi sâu đến 600-700 km, phá hoại các cơ sở hạ tầng, dầu khí, chặn đường cung cấp năng lượng và sử dụng lính đánh thuê tiến hành nhiều cuộc tấn công mang tính chất khủng bố ngay trong nội địa Nga. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều chuyên gia về quân sự thì những hoạt động trên chỉ nhằm mục đích gây hoang mang, và thực chất là che giấu và giảm nhẹ những thất bại trên chiến trường.

Nga: Vẫn trụ vững…

Nga không sụp đổ như ý đồ của Mỹ và phương Tây. Nga đang làm chủ tình thế. Nhiều tháng qua, quân đội Nga tập trung tiến hành công phá và hủy diệt nhiều căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng, năng lượng, cơ quan đầu não quan trọng của Ukraine. Từ đầu năm 2024, Nga đã kiểm soát hơn 400 km2 đất đai của Ukraine. Phần lớn thuộc các khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập từ năm 2022 như Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporizhzhia.

Nga chính thức tuyên bố tình trạng chiến tranh với Ukraine. Phản ứng của Nga đối với những hành động khủng bố là mau lẹ, mang tính răn đe cao, công khai hóa các nghi phạm và tranh thủ truyền thông, kêu gọi được sự ủng hộ của dân chúng, chĩa mũi nhọn vào Anh, Mỹ và Ukraine.

Theo báo cáo của Bộ Phát triển kinh tế Nga, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước này đạt mức 3,6%, cao nhất trong 1 thập kỷ. Nga đổi mới phương thức kinh tế, chống chọi với mọi khó khăn, mở rộng thị trường sang các nước châu Á, châu Phi và đi đầu trong việc phi đô la hóa. Theo Ủy ban Thống kê Nga, tăng trưởng 2 tháng đầu năm 2024 của Nga là 7,7%, sản xuất công nghiệp tăng 8,5%, doanh thu thương mại tăng 12%, với đà tăng trưởng này, dự kiến năm 2024 Nga sẽ giữ vị trí cao trong nền kinh tế toàn cầu.

Về đối ngoại, Nga duy trì mối quan hệ “đối tác không giới hạn” với Trung Quốc, tăng cường sự có mặt tại châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Vị trí của Nga tại Trung Đông được củng cố cùng với các nước thành viên APEC.

Có thể nói Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều quốc gia tại các tổ chức quốc tế đa phương như Liên hợp quốc, BRICS, G20, APEC. Trên thực tế, những tiếng nói chống Nga có chiều hướng giảm dần. Nga đã giảm bớt hoặc vô hiệu hóa được phần nào những âm mưu cô lập Nga trên trường quốc tế.

Nước Nga vẫn trụ vững, bất chấp sự trừng phạt và cô lập của các nước phương Tây. Hình ảnh thành phố Moskva tháng 8/2023. Ảnh: Sputnik

Riêng với NATO và EU, Nga cho thấy một thái độ cứng rắn chưa từng có, đe dọa dùng vũ khí hạt nhân nếu quân NATO vào Ukraine xâm phạm chủ quyền, an ninh của Nga. Tất cả những tuyên bố của Nga đang phủ sóng toàn bộ châu Âu và thế giới, lý giải cuộc chiến, cho thấy sự lúng túng, phân hóa của EU.

Châu Âu: Áp lực đè nặng và ngày càng tăng

Cuộc chiến tranh ở sát biên giới châu Âu đã bước sang năm thứ ba. Cùng với đó, những thách thức và áp lực đối với một châu lục vốn quen với bình yên cũng ngày càng tăng theo cấp số nhân.

Châu Âu, đặc biệt Liên minh châu Âu (EU) chính là nơi đang bị tác động và ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi cuộc chiến Ukraine. Nơi đây đang đối diện với những thách thức to lớn bởi khủng hoảng năng lượng do đứt gãy nguồn cung ứng của Nga từ các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ, dẫn đến lạm phát cao ở mức 5,4%, giá cả tăng vọt và kèm theo đó là các vấn đề xã hội sâu sắc: đình công, thất nghiệp, chia rẽ trong xã hội, bạo lực. Cho dù đã tránh được suy thoái kinh tế vào năm 2023, nhưng kinh tế châu Âu đã mất đà tăng trưởng và năm 2024 được dự báo sẽ là một năm đầy thách thức.

Quan hệ giữa EU và Nga đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Những tuyên bố gay gắt chống Nga, coi Nga là đối thủ chính đe dọa an ninh châu Âu, khẳng định quyết tâm đánh bại Nga tràn ngập các phương tiện truyền thông tại đây. Trong suốt hơn hai năm qua, EU cùng với Mỹ là những đối tác chính tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ để Ukraine tồn tại và chiến đấu. Cho đến đầu năm 2024, EU đã chi trên 77 tỷ euro viện trợ cho Ukraine, theo con số của Kiel (Viện Kinh tế thế giới).

Đầu tháng 2 năm nay, sau rất nhiều khó khăn, EU đã thông qua được gói viện trợ gần 54 tỷ đô la cho mục tiêu phục hồi và tái thiết tại Ukraine trong ba năm từ 2024 đến 2027. Chỉ một tháng sau đó, ngày 13 tháng Ba EU đã nhất trí tài trợ thêm 5 tỷ euro viện trợ quân sự. EU còn chịu trách nhiệm đào tạo thêm 20.000 binh sĩ Ukraine ngoài con số 40.000 binh sĩ đã được đào tạo.

Trong bối cảnh nhiều khoản viện trợ được hứa hẹn từ chính quyền của Tổng thống Biden đang bị chặn lại tại Hạ viện Mỹ thì Liên minh châu Âu (EU), đang một mình một ngựa gánh vác cuộc chiến do Mỹ bàn giao. Những người lãnh đạo EU đang loay hoay lập quỹ 100 tỉ euro để viện trợ hàng nằm cho Ukraine nhưng vấp phải sự phản ứng của nhiều thành viên EU.

Đây chính là sự thật nghiệt ngã và cũng là thách thức lớn nhất với châu Âu.

Mỹ: Mục tiêu khó đạt được

Khi cuộc chiến Ukraine xảy ra, Mỹ coi đây là cơ hội để củng cố vị thế của mình ở châu Âu. Mục tiêu của Mỹ là đánh bại “kẻ thù” Nga, chế độ Putin phải sụp đổ, nước Nga chia thành nhiều mảng và hướng vào phương Tây. Với những đòn trừng phạt về kinh tế khắc nghiệt trên diện rộng, Mỹ tập hợp lực lượng để bao vây, cô lập Nga tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương. Những trợ giúp về quân sự của Mỹ và NATO là để tiêu hao tiềm lực của Nga, buộc Nga phải chịu thất bại và chấp nhận những điều kiện của phương Tây.

Tuy nhiên mục tiêu của Mỹ và phương Tây không như họ mong muốn. Cuộc  chiến tại Gaza đang làm phân tán lực lượng và tiền của, kéo Mỹ tập trung sức lực vào đây. Tất cả đã ảnh hưởng đến nhận thức chung về vai trò của Mỹ tại Trung Đông. Các nước Hồi giáo và Ả rập chống Mỹ mạnh hơn. Những hoạt động của Houthi tại Biển Đỏ cũng như sự tắc nghẽn tại Kênh đào Suez đang ảnh hưởng tiêu cực đến giao thương và kinh tế thế giới cũng làm phân tán sự chú ý của chính quyền Tổng thống Biden vào Ukraine và gây ra phản ứng tiêu cực từ nhiều quốc gia trên thế giới về sự can dự của Mỹ trong cuộc chiến tại dải Gaza.

Hơn nữa kết quả khó định đoán và tương lai có phần bấp bênh của chính quyền Tổng thống Biden cũng là một yếu tố đang chi phối các quyết định của EU về một giải pháp cho Ukraine trong tương lai gần.

Châu Âu chia rẽ và mâu thuẫn

Nhìn tổng thể thì toàn bộ những diễn biến trên đang tác động mạnh mẽ đến tình hình địa chính trị thế giới, đến tương quan lực lượng và sự điều chỉnh chiến lược của các bên đối với cuộc chiến tại Ukraine. Nét nổi bật dễ nhận thấy nhất đó là những chỉ dấu cho thấy có sự phân hóa và chia rẽ sâu sắc tại EU đối với Ukraine. Không còn có sự nhất trí cao về cuộc chiến như khi mới bắt đầu. Hiện đang tồn tại hai luồng quan điểm khác nhau:

Trước hết đó là quan điểm mang tính cực đoan thể hiện qua tuyên bố của Tổng thống Pháp ông Macron tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris tháng 2. Pháp yêu cầu gửi quân của NATO tới Ukraine. Việc thay đổi quan điểm 100% của Pháp là một bước ngoặt đáng kinh ngạc. Nhiều nhận xét cho rằng Pháp đang thực hiện chính sách mở rộng châu Âu, trong đó có Ukraine, và muốn trở thành một cường quốc dẫn đầu, cạnh tranh vai trò lãnh đạo Liên minh châu Âu với Đức. Điều này còn cho thấy Macron đang thực hiện chính sách xoay trục từ lôi kéo Nga sang chống Nga quyết liệt.

Pháp đang vượt lằn ranh đỏ trong quan hệ với Nga. Đề nghị này đã đi ngược với chiến lược của NATO và Đức là tránh đối đầu trực tiếp với Nga. Nhiều nước thành viên quan trọng của EU ví dụ như Đức, Anh, Italia, Ba Lan, Séc và chính dư luận Pháp và NATO cũng chính thức tuyên bố họ không có ý định gửi quân tham chiến tại Ukraine. Mỹ cũng không ủng hộ đề nghị này. Chỉ một vài nước nhỏ vùng Ban-tích như Estonia và Latvia và Litva, Phần Lan đưa ra những tuyên bố “mang tính chất ủng hộ”.

Luồng quan điểm thứ hai ở Liên minh châu Âu là hòa dịu hơn, theo chiều hướng giảm bớt tư tưởng chống Nga, không coi Nga là mối đe dọa an ninh châu Âu. Điều này cho thấy đã xuất hiện sự thay đổi chính sách trong quan hệ với Nga theo chính sách khôi phục lại hình ảnh thân thiện của Nga, nối lại quan hệ  kinh tế với Nga sẽ có lợi cho chính châu Âu. Hầu như tất cả các nước thành viên EU đều cảm thấy bế tắc, không muốn dính líu đến chiến sự ở Ukraine như những năm đầu của cuộc chiến. Họ nhận thấy rằng những gì người Ukraine đang tiến hành thực chất chỉ là để thu hút hơn nữa viện trợ của Mỹ và phương Tây để kéo dài sự tồn tại của họ.

EU mới thông qua được gói viện trợ 54 tỷ USD cho Ukraine vào đầu tháng 2 sau nhiều khó khăn và bất đồng, và đang “loay hoay” gánh vác cuộc chiến do Mỹ bàn giao. Ảnh minh họa

Điểm nổi bật thứ hai là sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ. Sự bất đồng giữa Tổng thống Biden với Quốc hội trong viện trợ cho Ukraine đã nói lên điều đó. Trên thực tế cả Mỹ và châu Âu (EU) đều đang bị sa lầy tại một cuộc chiến dai dẳng, hao người tốn của. Tuy vẫn tồn tại liên kết EU – Mỹ nhưng đã chuyển sang trạng thái mới. Nhiều nhà quan sát cho rằng đã có những dấu hiệu “chợ chiều” tại Ukraine khi có sự chuyển dịch vai trò của Mỹ. Có tín hiệu Mỹ đang rút dần để ủy nhiệm cho châu Âu là trục chính chống Nga trong cuộc chiến Ukraine. Điều này cũng không khó để lý giải bởi lợi ích sống còn của Mỹ là ở châu Á – Thái Bình Dương và ở Trung Đông.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu châu Âu có thể một mình gánh vác nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, đặc biệt cung cấp các vũ khí cần thiết. Câu trả lời là không, vì theo nhiều nhà nghiên cứu, cho dù nhiều nước thành viên EU đều tán thành quan điểm rằng đây cũng là một cơ hội để EU giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, tuy nhiên trước mắt, châu Âu chưa có khả năng sản xuất vũ khí và vẫn phải nhập khẩu vũ khí cần thiết từ Mỹ.

Tóm lại, cuộc chiến tại Ukraine không phải là cuộc chiến chỉ liên quan đến Nga và Ukraine. Đây là cuộc chiến thể hiện rõ nhất sự cạnh tranh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga tại khu vực châu Âu. Cả hai cường quốc đều có những mục tiêu và ý đồ riêng. Tại cuộc chơi này, Ukraine là một quân cờ và là một phép thử không chỉ cho cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ – Nga mà còn là phép thử cho mối quan hệ Mỹ – châu Âu.

Mỹ lôi kéo EU vào cuộc chiến, tạo ra mối đe dọa Nga cao hơn mức cần thiết vì Mỹ cần có chiến tranh ở Ukraine để làm suy yếu Nga và suy yếu cả EU. Với Nga hiện nay, Mỹ muốn chia nhỏ Nga ra nữa, kéo biên giới NATO sát gần hơn với biên giới Nga. Mỹ không mong muốn EU phát triển và vượt khỏi vòng tay của Mỹ, do đó, bằng mọi cách Mỹ sẽ buộc EU tham gia và dính líu sâu hơn vào cuộc chiến Ukraine. Mỹ trói buộc EU bằng những cam kết quân sự, chính trị, kinh tế. Mỹ muốn duy trì một châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực mang tính thời thượng như biến đổi khí hậu với nhiều chương trình không thực tế.

Cuộc chiến càng kéo dài thì EU càng khủng hoảng kinh tế mạnh hơn. Sai lầm của châu Âu là đã sốt sắng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cắt nhiên liệu hóa thạch với Nga để mua dầu của Mỹ với giá cao hơn nhiều. Gần ba năm qua Mỹ là nước đang được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến trong khi EU kiệt quệ và xuống dốc. EU tiếp tục phải mua vũ khí, năng lượng và khí đốt của Mỹ với giá rất cao. EU sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ ở mức cao hơn nếu dính líu sâu hơn vào cuộc chiến Ukraine theo ý đồ của Mỹ.

Với riêng nước Nga thì cuộc chiến càng kéo dài, họ càng khiến Mỹ và châu Âu sa lầy trong mớ bòng bong. Cuộc chiến này cũng là cơ hội để nước Nga xốc lại toàn bộ tiềm lực bị bỏ quên, thể hiện vai trò cường quốc và khai thác tư tưởng chống Mỹ, tập hợp thêm lực lượng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Nga là một đất nước rộng lớn và chưa được khai phá hết. Nga đã và sẽ không sụp đổ, ngược lại, không có nguyên liệu của Nga thì EU không phát triển được.

Với đà phát triển của tình hình trên chiến trường, Nga càng có cơ hội chiếm thêm các vùng đất của Ukraine và thực hiện giấc mơ Đại Nga. Họ không chấp nhận đàm phán về hòa bình tại Ukraine mà chỉ bàn về vấn đề an ninh của Nga bởi họ hiểu sâu sắc rằng Tổng thống Zelensky không còn đủ sức đáp ứng các mong muốn của Mỹ và châu Âu.

Tương lai của Ukraine sẽ ra sao? Liệu lịch sử có lặp lại với Ukraine như trường hợp của Nam Tư cũ? Đây thực sự là một câu hỏi chưa có lời đáp vì tất cả đều phụ thuộc vào mục tiêu và ý đồ của các cường quốc có liên quan. Riêng với châu Âu, Ukraine đang là một phép thử cho chính sách “Tự chủ chiến lược” của châu Âu, đặc biệt tự chủ quốc phòng và an ninh. Đã là phép thử thì cần phải vượt qua…

Nhưng liệu châu Âu có thể độc lập, tìm kiếm và hội tụ đủ các điều kiện “cần và đủ” để triển khai chiến lược này trong bối cảnh nội bộ mâu thuẫn, bị động và phụ thuộc quá mạnh về kinh tế và an ninh với Mỹ như hiện nay.

Đây thực sự là một bài toán khó và chỉ có chính sự tỉnh táo của các nhà lãnh đạo châu Âu mới có thể đưa ra lời giải đúng.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC