Bóng đen lơ lửng trên eo biển Hormuz

Căng thẳng Mỹ – Iran đang được đẩy lên một giới hạn mới khi Iran tuyên bố bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ, đồng thời tuyên bố không mở rộng thời hạn chót 60 ngày liên quan thỏa thuận JCPOA. Động thái cứng rắn này trái ngược với việc Iran khẳng định không đối đầu quân sự với Mỹ và sẽ không phát động chiến tranh với bất kỳ nước nào.

Dường như mọi việc đang được đẩy tới cực điểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: Mỹ chuẩn bị triển khai hành động quân sự để ngăn chặn Iran.

Những nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột công khai

Ngày 20-6, Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran tuyên bố lực lượng Vệ binh cách mạng nước này đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Trên trang web Sepah News, lực lượng Vệ binh cách mạng nước này đã xác nhận thông tin trên. Chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ được xác định là một chiếc RQ-4 Global Hawk khi đang di chuyển vào không phận của Iran gần khu vực Kouhmobarak ở miền Nam Iran.

Tuy nhiên, Mỹ đã ngay lập tức bác bỏ thông tin này. Theo Hãng sản xuất Northrop Grumman, loại máy bay trinh sát này thông thường có thể hoạt động trên không liên tục 30 giờ và bay ở độ cao lên tới 18.000m, nhằm tiến hành các sứ mệnh trinh sát. Trong phản ứng đầu tiên, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ Bill Urban khẳng định “không có máy bay không người lái của Mỹ hoạt động trong không phận Iran trong ngày hôm nay”.

Quân đội Mỹ xác nhận một máy bay không người lái của họ đã bị bắn hạ, song cho biết chiếc máy bay lúc ấy thuộc không phận quốc tế. Đại tá Hải quân Bill Urban – người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Trung ương quân đội Mỹ được Hãng tin Reuters dẫn lời nêu rõ: “Không có máy bay Mỹ nào hoạt động trên vùng trời Iran trong ngày 19-6”.


Iran tự hào có hệ thống tên lửa không thua kém nhiều quốc gia. Ảnh: timesofisrael.com.

Trái với tin tức từ báo chí Mỹ, trong bản tin khác của Reuters, ngày 20-6 hãng thông tấn này dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, một máy bay không người lái của quân đội Mỹ đã bị một tên lửa đất đối không của Iran bắn hạ trên không phận quốc tế thuộc eo biển Hormuz. Quan chức này khẳng định nhưng hiện chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc cũng như thời gian xảy ra vụ bắn hạ.

Tin tức về vụ bắn hạ máy bay được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ. Đáp lại mạnh mẽ, Iran tuyên bố không mở rộng thời hạn chót 60 ngày liên quan thỏa thuận JCPOA. Không chỉ có thế, Iran tuyên bố sẽ khởi động tiến trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn vào tháng 7 tới và sẽ không trao thêm thời gian cho các cường quốc châu Âu để có biện pháp bảo vệ Tehran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Sự cứng rắn của Iran khiến nước Mỹ “bất an” khi không đạt được mục đích là khuất phục quốc gia này. Tổng thống Donald Trump cũng tỏ ra kiên quyết khi khẳng định Mỹ sẵn sàng đối phó với Iran. Trong bài phỏng vấn vừa được đăng tải trên tạp chí Time, Tổng thống Mỹ cho biết đã “chuẩn bị triển khai hành động quân sự để ngăn chặn Iran có được một quả bom hạt nhân, song vẫn để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để bảo vệ những nguồn cung cấp dầu mỏ”.

Trước các lời đe dọa quân sự của Mỹ, Chỉ huy lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đáp lại đanh thép bằng tuyên bố, các lên lửa đạn đạo của nước này có thể đánh trúng “các tàu sân bay trên biển” với độ chính xác cao. Phát biểu trên truyền hình, Chuẩn tướng Hossein Salami còn cho rằng công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran đã làm thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông.

Những tuyên bố và hành động qua lại giữa hai bên rõ ràng đã tạo ra nấc thang căng thẳng mới giữa Iran và Mỹ. Hãng tin AP nhận định những diễn biến này đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm hoặc căng thẳng hơn nữa có thể đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột công khai, bất chấp việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẽ không phát động chiến tranh nhằm vào bất kỳ nước nào.

“Mối đe dọa” và kẻ trục lợi ở Trung Đông?

Theo giới chuyên gia, những động thái của Mỹ nhằm vào Iran, ngoài việc ép buộc Iran thực hiện những điều kiện của Washington, còn tạo thuận lợi để Mỹ gia tăng ảnh hưởng và thiết lập trật tự mới tại khu vực Trung Đông. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang cần một thắng lợi ngoại giao cho chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 2020, vấn đề hạt nhân Iran được đặc biệt quan tâm.

Với hình ảnh một Iran được mô tả như “mối đe dọa” ở khu vực, Mỹ sẽ có “lý do hợp lý” để “triển khai một loạt hành động để khôi phục khả năng răn đe, trong đó bao gồm cả một “phản ứng quân sự” nhằm vào Iran.

Kể từ thời điểm Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran đã gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 5-2018, Iran đã mất 10 tỷ USD do xuất khẩu dầu thô của nước này đã giảm hơn 50%, xuống còn gần 1 triệu thùng/ngày. Tính đến tháng 4-2019, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Iran đã lên tới 51,4%, trong khi theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Iran được dự báo giảm 6% trong năm nay sau khi đã giảm 3,9% vào năm ngoái. Lĩnh vực ngân hàng và tài chính của Iran có nguy cơ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Trong khi đó, cơ chế hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Iran hiệu quả không cao vì các công ty lớn của EU không dám mạo hiểm làm ăn với Iran do lo ngại bị Mỹ trừng phạt. Không chỉ tác động tới kinh tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng ít nhiều gây tình trạng căng thẳng trong xã hội Iran khi những nhân vật theo đường lối cứng rắn và bảo thủ tại Iran gia tăng quyền lực.

Theo giới chuyên gia, ở thời điểm hiện nay, Iran ít có khả năng rút hoàn toàn khỏi JCPOA, bởi quyết định này sẽ không đưa đến lợi ích kinh tế, mà ngược lại có thể khiến Mỹ phải tăng cường trừng phạt hoặc tiến hành đáp trả quân sự nhằm vào Iran. Nếu JCPOA sụp đổ, Anh, Pháp, Đức cũng sẽ ủng hộ Mỹ trừng phạt Iran.

Các chuyên gia cho rằng Iran rút một phần khỏi JCPOA như một biện pháp nhằm ổn định tình hình chính trị nội bộ, đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ, tạo áp lực để EU có biện pháp phù hợp đối với Mỹ, đồng thời tìm kiếm lợi thế trên bàn đàm phán trong tương lai, thậm chí “chờ đợi” những thay đổi trên chính trường Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Mục tiêu chủ chốt của Iran là nhằm chống lại sức ép từ Mỹ. Rõ ràng Tehran đang tìm cách cản phá nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm huy động sự ủng hộ quốc tế với chiến dịch gây sức ép mà Washington theo đuổi. Iran đang cố giành được ủng hộ của Nga, Trung Quốc và những nước khác để giúp chống lại chiến dịch của Mỹ, điển hình là các lệnh trừng phạt kinh tế hủy diệt cộng với việc bổ sung hàng nghìn quân tới Trung Đông. Trong lúc Washington gặp khó trong việc tạo lập hậu thuẫn quốc tế đối với chiến thuật gây sức ép chống Tehran, giới chức Iran đang tìm cách giành ưu thế.

Cuộc chiến trên bàn ngoại giao cũng vô cùng khốc liệt. Nỗ lực của Iran được thể hiện rõ trong Hội nghị Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh tại Ufa (Nga), quy tụ quan chức an ninh của 119 quốc gia. Trong phát biểu của mình, quan chức an ninh hàng đầu của Iran kêu gọi “các quốc gia độc lập trên thế giới” phá vỡ sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu”. Nhiều chuyên gia đánh giá, chiến lược chống Mỹ của Iran là cực kỳ rủi ro.


Chiếc máy bay không người lái của Mỹ bị cho là bị Iran bắn rơi. Ảnh: Air Force Times.

Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các đối thủ khác của Iran trong khu vực đang hậu thuẫn các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn và làm suy yếu Iran một cách toàn diện. Có thể thấy rõ sự nguy hiểm của chính sách “bên miệng hố chiến tranh hạt nhân”.

Esfandyar Batmanghelidj, chuyên gia về Iran và là nhà sáng lập Công ty truyền thông Bourse & Bazaar nói rằng Mỹ đang thúc đẩy tình hình hiện nay biến thành một cuộc khủng hoảng an ninh, chứ không phải cuộc khủng hoảng kinh tế. Động thái mới nhất của Iran không hẳn khiến thỏa thuận sụp đổ, dù nó được tính toán kỹ càng. Ngay cả khi thỏa thuận bị chết yểu ở mức độ kỹ thuật nào đó, thì cánh cửa ngoại giao vẫn để ngỏ.

Theo sự phân tích, một loạt sự kiện liên tiếp xảy ra tại khu vực Trung Đông thời gian qua dường như có sự xâu chuỗi và liên kết dưới một “bàn tay vô hình” nhằm gây ra sự hỗn loạn và tạo tiền đề cho những mục tiêu và lợi ích sâu xa hơn. Vậy ai thực sự là người hưởng lợi trong bối cảnh khu vực Trung Đông bất ổn như vậy? Giới phân tích tình báo nhận định, Mỹ biết rõ thủ phạm đằng sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman cũng như thủ phạm đứng sau cuộc tấn công tương tự trước đó nhằm vào các tàu chở dầu ở ngoài khơi UAE.

Tất nhiên, Mỹ thừa hiểu ai đang muốn châm mồi lửa vào thùng thuốc súng nhằm phát động một cuộc chiến tranh “điên rồ” tại Vùng Vịnh. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ biết rõ ai là chủ mưu thì chân tướng vụ việc cũng không bao giờ được tiết lộ. Thay vào đó, chính quyền Washington có thể che đậy nó để thu được thêm nhiều lợi ích quốc gia.

Động thái của Chính quyền ông Trump được phối hợp rất nhịp nhàng, và khiến giới phân tích gợi nhớ tới bài phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell dưới thời Tổng thống George W. Bush, khi ông cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hóa học và vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Qsuốc mà cũng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng xác thực nào. Viện dẫn lý do này, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh với Iraq năm 2003 và những hậu quả của nó đến nay vẫn còn hằn sâu ở quốc gia này.

Lời buộc tội Iran của Mỹ thực sự gây nguy hiểm như vậy, và câu hỏi đặt ra là Iran sẽ được lợi gì khi châm ngòi một cuộc chiến ở vùng Vịnh trong khi đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế và sức ép tối đa mà Washington nhằm vào Tehran? Bên cạnh đó, thời điểm xảy ra vụ tấn công tại Vịnh Oman là rất đáng ngờ, khi một trong hai mục tiêu tàu chở dầu bị nhắm tới là của Nhật Bản và trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến công du Iran nhằm nỗ lực “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Mỹ và Iran.


Quân đội Iran luyện tập tại khu vực eo biển Hormuz. Ảnh: Watch Jerusalem.

Chuyến thăm Iran của Thủ tướng Abe đã được thực hiện với nỗ lực “bắc cầu” đối thoại như vậy, và ông là người mang theo thông điệp hòa giải. Vậy nên, ai sẽ là người không mong muốn cuộc đối thoại như vậy diễn ra và sẽ tìm mọi cách châm ngòi xung đột thông qua các phương tiện gián tiếp?

Một số nhà quan sát cho rằng Israel chính là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nếu chiến tranh vùng Vịnh lần này nổ ra. Trên thực tế, Israel lo ngại chương trình hạt nhân của Iran cũng như tầm ảnh hưởng và sức mạnh của nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ ngày càng gia tăng trong khu vực. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần đe dọa Iran và tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, mối quan hệ giữa Israel và thế giới Arab đang ở một vị thế tốt đẹp, đồng thời khuyến khích xây dựng một trục quan hệ Arab-Israel để đối đầu với Tehran.

Trục quan hệ này, tất nhiên sẽ là liên minh giữa Israel với Saudi Arabia và UAE, vốn là hai quốc gia lo ngại nhất về sự trỗi dậy của Iran. Cả ba nước này đều muốn chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran bằng mọi biện pháp có thể.

Vậy vai trò của Mỹ trong chuỗi sự kiện này là gì? Quả thật, Washington là bậc thầy của kỹ nghệ kiểm soát tình hình. Mỹ nhận thức rõ khi nào có thể “đốt nóng” khu vực và khi nào nên dập tắt ngọn lửa đó sau khi đã gặt hái được những lợi ích. Trong bối cảnh đó, các quốc gia vùng Vịnh một lần nữa sẽ lại trở thành “nhiên liệu” đốt nóng lò lửa Trung Đông.

Hoa Huyền/CAND

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN