Brexit không thỏa thuận: Nguy cơ hiện hữu

Với 286 phiếu thuận và 344 phiếu chống, một lần nữa, Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) cuối năm ngoái. Ba lần bác bỏ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May, khả năng Anh rời khỏi EU (Brexit) mà không có một bản thỏa thuận nào dường như là nguy cơ hiện hữu.

Những người phản đối Brexit tuần hành đòi tổ chức trưng cầu dân ý lại (Ảnh: Reuters)

Chỉ ít phút sau kết quả bỏ phiếu lần ba tại Hạ viện Anh được công bố, người phát ngôn EU bày tỏ Ủy ban châu Âu (EC) lấy làm tiếc về việc thỏa thuận Brexit bị bác bỏ. Theo người phát ngôn, kịch bản “không thỏa thuận” vào ngày 12-4 nhiều khả năng sẽ xảy ra và EU đã sẵn sàng cho điều này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, EU cần phải đẩy nhanh kế hoạch “không thỏa thuận”. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng, nếu Anh không có một thỏa thuận (Brexit) nào thì sẽ có một Brexit “khó khăn”. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận định “nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận đã rất rõ ràng”.

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch EC Donald Tusk cho hay, trong bối cảnh Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thỏa thuận Brexit, ông đã quyết định triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng châu Âu vào ngày 10-4 tới.

Quyết định bác bỏ lần ba thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May khiến người ta không thể đoán định được Anh sẽ rời khỏi EU như thế nào, khi nào và thậm chí có hay không khả năng nước này rời khỏi EU.

Nước Anh sẽ ra sao nếu ra đi mà không thỏa thuận? Một cuộc “chia ly” không thỏa thuận đồng nghĩa với việc nước này sẽ không có khoảng thời gian quá độ 21 tháng ở trong EU tính từ tháng 3-2019 như đã đạt được với EU hôm 19-3. Nếu có 21 tháng quá độ, Anh sẽ vẫn được giữ nguyên quyền tiếp cận vào thị trường đơn nhất châu Âu. Hơn hết trong giai đoạn quá độ 21 tháng, Anh được phép tiến hành đàm phán các thoả thuận thương mại với các nước thứ ba và thực hiện các thỏa thuận này sau thời gian qua độ 21 tháng.

Ngược lại, ra đi mà không có thỏa thuận, Anh có thể thực hiện các thỏa thuận vào bất cứ thời điểm nào khi đã sẵn sàng. Nhưng vấn đề là các thỏa thuận đều cần có thời gian dài đàm phán, không thể đạt được trong một sớm một chiều, có thể mất vài tháng và thậm chí vài năm. Và như vậy nếu không có thời gian quá độ, Anh sẽ khó đạt được một thỏa thuận thương mại nào với các đối tác EU, khi đó kinh tế Anh sẽ rơi vào một khoảng trống hậu Brexit với những hậu quả khó lường.

Các nhà bán lẻ cảnh báo, nếu Brexit không thỏa thuận diễn ra, các kệ hàng trong các siêu thị sẽ trống rỗng bởi Anh phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ EU. Theo số liệu thống kê của quốc hội Anh, năm 2017, số lượng hàng hóa từ EU chiếm 53% tổng lượng hàng nhập khẩu của Anh.

Nếu ra khỏi “Mái nhà chung châu Âu” không thỏa thuận, Anh sẽ phải chuyển sang các quy tắc thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mặc dù khi đó họ không còn bị ràng buộc bởi các quy tắc của EU, nhưng Anh sẽ phải đối mặt với các hàng rào thuế quan của khối này. Theo đó, các loại hàng hóa sẽ tăng giá, một số sản phẩm do Anh sản xuất có thể bị EU từ chối do những yêu cầu về giấy phép và chứng nhận mới. Các nhà sản xuất có thể chuyển hoạt động sang EU để tránh sự chậm trễ trong các vấn đề qua biên giới. Đơn cử, hãng Airbus hiện có hơn 14 nghìn nhân công tại Anh với khoảng hơn 110 nghìn công việc liên quan tới các chuỗi cung ứng, đã lên tiếng cảnh báo, Brexit không thỏa thuận sẽ có thể buộc công ty phải đưa ra “những quyết định có nguy cơ vô cùng tai hại” về hoạt động của công ty này tại Anh.

Một loạt vấn đề khác từ con người, luật pháp, tài chính, vấn đề biên giới với Ireland sẽ nảy sinh khó khăn khi Anh “chia tay” EU mà không có thỏa thuận.

Ra khỏi EU không thỏa thuận, Anh có thể tự do đặt các quy định nhập cư với công dân các nước trong EU và ngược lại khối này cũng sẽ làm điều tương tự. Sẽ là những cửa khẩu biên giới giữa Anh và EU tắc nghẽn do thủ tục kiểm tra thị thực và hải quan được thắt chặt. Cuộc sống và công việc của của khoảng 1,3 triệu công dân Anh ở các quốc gia EU và khoảng 3,7 triệu người EU ở Anh sẽ bị xáo trộn khi hai bên đặt ra các quy định kiểm soát nhập cư mới.

Không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc biên giới “cứng” sẽ được thiết lập tại Ireland. Mặc dù chính phủ Anh nói rằng sẽ nỗ lực tránh một đường biên giới “cứng”, và trong khoảng thời gian tạm thời sẽ không có các biện pháp thuế mới với hàng hóa qua biên giới từ Cộng hòa Ireland sang Bắc Ireland, song nếu không có thỏa thuận, việc này sẽ vi phạm các nguyên tắc riêng của EU và của cả WTO.

Đường biên giới “cứng” được thiết lập giữa Anh và Ireland cũng đồng nghĩa với quan ngại xói mòn thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành (Good Friday) ký năm 1986 nhằm kết thúc 30 năm đối đầu giữa Ireland và Bắc Ireland. Theo thỏa thuận này, đường biên giới Ireland với vùng Bắc Ireland thuộc Anh là đường biên giới “mềm” không có các chốt chặn kiểm soát. Nhưng, khi Anh rời EU mà không có thỏa thuận thì theo quy định của EU, biên giới giữa khối này với một quốc gia khác sẽ phải thiết lập các chốt kiểm soát. Hiệu trưởng của Đại học Oxford, Cựu ủy viên Ủy ban Châu Âu về quan hệ đối ngoại Chris Patten cho rằng, thiết lập lại một đường biên giới “cứng” ở Ireland có thể là thảm họa, làm khơi gợi quá khứ căng thẳng giữa hai bên.

Trong lúc viễn cảnh ảm đạm của cuộc chia ly không thỏa thuận giữa Anh và EU ngày một rõ, cuộc khủng hoảng giữa những người ủng hộ Brexit và phản đối Brexit ngày một gia tăng trong lòng nước Anh.

Từ nhiều tuần qua, dòng người xuống đường tuần hành phản đối Brexit và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý lần hai diễn ra liên tục. Thứ bảy tuần trước, ước tính có hơn một triệu người xuống đường tuần hành ở trung tâm thủ đô London với các biểu ngữ như “thỏa thuận tối ưu là không Brexit” hay “chúng tôi yêu cầu một cuộc bỏ phiếu của người dân”. Những người tổ chức cho biết đây là cuộc tuần hành phản đối Brexit lớn nhất từng diễn ra, thu hút nhiều gương mặt nổi bật trên chính trường Anh thuộc các đảng chính trị khác nhau, trong đó có cả Thị trưởng London Sadiq Khan.

Những người xuống đường tuần hành phản đối Brexit nói rằng họ lo lắng cho tương lai khi kiếm việc làm khó khăn hơn và thấy nhiều công ty rời bỏ nước Anh. Bên cạnh đó, Brexit sẽ khiến nền kinh tế khó khăn và thương mại bị gián đoạn, cũng như hạn chế nhiều quyền lợi xã hội, trong đó có quyền được sống và làm việc ở 27 quốc gia khác.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016, 17,4 triệu người (chiếm 52%) đã ủng hộ cho việc Anh rời khỏi “Mái nhà chung châu Âu”, trong khi số người muốn ở lại là 16,1 triệu người (chiếm 48%).

Từ đó cho đến nay, những người phản đối Brexit luôn tìm mọi cách để được tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý. Hôm 23-3, trang thông tin của Quốc hội Anh đã lập kỷ lục khi có tới hơn 4,39 triệu chữ ký của người dân Anh yêu cầu bỏ Brexit. Theo quy định, thư kiến nghị có trên 100 nghìn chữ ký thì sẽ phải đưa vấn đề đó ra thảo luận tại quốc hội.

Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit cho rằng việc rời khỏi EU dù có thể mang lại sự bất ổn ngắn hạn nhưng về lâu dài, nước Anh sẽ phát triển mạnh mẽ nếu thoát khỏi những gì mà họ cho là một dự án thất bại để củng cố sự thống nhất châu Âu. Với những kỳ vọng nước Anh có thể rời khỏi EU trong yên bình, kết quả của cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện lần ba đã gây phẫn nộ cho những người ủng hộ Brexit. Hàng nghìn người đã xuống đường tuần hành phản đối quyết định bác bỏ bản thỏa thuận Brexit lần ba của Hạ viện Anh và gọi đó là “sự phản bội”.

Rõ ràng, quyết định mới nhất này của các nghị sĩ Anh đang khiến cho cuộc khủng hoảng Brexit ba năm qua tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn sâu sắc, như người mắc kẹt trong hố cát, càng cố rút chân càng lún sâu. Sự bế tắc trong cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU chỉ có thể được giải quyết khi chính phủ đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

NGUYỄN TRANG (NDO)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN