Các đền chùa quanh Tây Hồ

Hồ Tây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội. Các du khách đặt chân tới Hà Nội đều không thể bỏ qua Hồ Tây vì nơi đây gắn liền với nhiều sự tích từ đời xưa truyền lại, đặc biệt là các ngôi chùa cổ được xây dựng từ đời Lý, đời Trần, gắn liền với Phật Giáo Việt Nam. Nhiều đền chùa hiện không còn nữa do sự tàn phá của thời gian, cũng như do sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, nhiều ngôi chùa vẫn được bảo tồn tới tận ngày nay và trở thành những danh thắng vô cùng có giá trị.

Cổ thời  (triều Hùng) Tây Hồ được gọi là bến Lâm ấp[1]. Có lẽ vì bấy giờ còn là một nhánh hay một khúc của sông Nhĩ Hà. Kể từ Thục An Dương Vương, gọi là Đạp Hối. Từ Đông Hán mới có tên là Lãng Bạc[2].

Thứ sử Lư Hoán đời Đường dựng quán Khai Nguyên trong niên hiệu Khai Nguyên (713-739) ở bờ phía tây Hồ, nay tại ấp Quán La. Rồi đến Cao Biền đời Đường (thế kỉ VIII) nhân đắp thành Đại La (năm 866) có dựng một ngôi chùa tại bến Mã Tân về phía đông hồ, đặt tên là Linh Diên tự, đó là những thắng cảnh đầu tiên của hồ.

Tuy nhiên phải đợi đến đời nhà Lý, nơi đầm nước có lau hoang dại này mới được sửa sang có ranh giới, bờ bến phong quang và được đổi tên là Dâm Đàm[3]. Cũng từ đó, cung điện, lâu đài, chùa miếu mới được xây dựng nhiều để điểm to cho chốn trời nước mơ màng này thành một đại thắng cảnh của kinh thành Thăng Long. Sau đó các triều đại Trần, Lê cũng theo gương mà điểm tô cảnh sắc, cất dựng cung điện, đền, chùa.

TẠI PHÍA BẮC HỒ

1. Chùa Kim Liên: Lý Thần Tôn dựng cung cho con gái là Từ Hoa công chúa, nên cung này gọi là Từ Hoa cung. Sau nhà Trần đổi tên trại ra làm phường Tích Ma. Đến cuối đời Trần, dân ở đây dựng chùa Đống Long trên nền cung cũ. Nhà Lê Trung Hưng đổi Tích Ma ra làm Nghi Tàm. Chúa Trịnh sửa làm hành cung rồi lại làm chùa gọi là Kim Liên tự, vẫn ở trên nền cung Từ Hoa.

Chùa Kim Liên

2. Chùa Hoằng Ân: Trền bờ hồ thuộc phường Quảng Bá, đầu triều Lý (thế kỉ XI), lập ra một cảnh chùa gọi là Báo Ân tự. Niên hiệu Thuận Thiên (1428 – 1433) nhà Lê trùng tu chùa, đời Hồng Đức (1470 – 1497) thường cầu đảo tại đây. Lê Trung Hưng đổi tên chùa là Sùng Ân.

Triều Nguyễn, năm Tân Tỵ (1821) Vua Minh Mạng có đến viếng chùa và đổi tên thành chùa Hoằng Ân vì bà cô tổ (từ đầu đời Lê Trung Hưng) là Từ Thuận phu nhân, tên Ngọc Tú, vợ chúa Trịnh Tráng có xuất gia tu ở đây. Khoảng niên hiệu Thiệu Trị (1841 – 1847) lại đổi tên là Long Ân.

TẠI PHÍA ĐÔNG HỒ

3. Chùa Trấn Quốc: đã trải qua nhiều thay đổi qua các đời vua, cả về tên gọi và địa điểm. Thuở ban đầu, triều vua Tiền Lý Nam Đế (544 – 548) dựng lên chùa Khai Quốc trên nền cũ của đền An Trì mà theo tương truyền lập ra từ thời Hồng Bàng. Chùa ở bến Yên Phụ trên bờ sông Nhĩ phía ngoài đê. Đầu triều Lý có sửa sang lại chùa này. Đến năm Đại Bảo nhà Lê (1440 – 1442), chùa được đổi tên là An Quốc tự. Khoảng niên hiệu Hoằng Định, bờ sông bị lở, người dân ấp dời chùa vào một đảo nhỏ trong trong Hồ. Địa điểm này nguyên là cung Thúy Hoa trên bãi Đại Quy thuộc phường An Hoa, được dựng từ đầu Triều Lý làm nơi du lãm của nhà vua; đến đời Trần được đổi thành điện Hàm Nguyên. Đời Lê Hy Tông (1680 – 1705), chùa được đổi tên gọi là chùa Trấn Quốc. Năm 1842 vua Thiệu Trị đổi tên chùa là Trấn Bắc. Tuy nhiên nhân dân vẫn quen gọi là chùa Trấn Quốc cho tới tận ngày nay.

Chùa Trấn Quốc

TẠI PHÍA NAM HỒ

4. Trấn Vũ quán (nay gọi là đền Quan Thánh) do vua Lý Thánh Tôn dựng khoảng niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054 – 1058) trên gò Hồi Long.

Tích cũ truyền rằng: Khi xưa yêu hồ cũng lũ rắn, rùa làm hại nên đê sông Nhĩ thường vỡ. Nhà vua lập đàn cầu đảo, Huyền Thiên Trấn Vũ chân quân còn gọi là Huyền Đế giáng trần tại đó, rồi sấm sét, giông bão nổi dậy, yêu quái tuyệt tích, sông nước bình yên. Nhà vua sắc dựng thờ ngay nơi thần giáng hiển đạt, tên là Trấn Vũ quán.

5. Miếu Thần Cẩu Mẫu trên núi Khán Sơn

Khi họ Lý chưa dời đô về Thăng Long, tại chùa Thiền Tâm trên núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang, có một con chó trắng mang thai bỗng lội qua sông lên ở núi Khán Sơn, sau sinh một con trai, dân chúng lấy làm lạ. Năm Nhâm tuất, Lý Thái Tổ thiên đô, hai mẹ con chó đã hóa. Có người tâu trình, vua phán: “đó là chó thần” bèn xuống chiếu dựng miếu trên Khán Sơn thờ chó mẹ, và miếu trong hồ trờ con.

6. Miếu này gọi là Thần Cẩu nhi, miếu ở bến Châu Chữ, góc đông bắc hồ, triều Trần gọi là bến Thần Cẩu. Từ Hậu Lê thuộc hồ Trúc Bạch.

Miếu Thần Cẩu Mẫu đến đời Lê vẫn còn, vua Lê Thánh Tôn thường ngự du tại đây. Đến niên hiệu Vĩnh Tộ (1619 – 1628) miếu đổ nát được thay thế bằng một ngôi chùa gọi là chùa Khán Sơn (ngày nay núi và chùa đều không còn).

7. Chùa Chân Giáo do vua Lý Thái Tổ lập vào mùa thu năm Thuận Thiên 15 (1024) làm nơi để các vua nhà Lý dự lễ tụng kinh cũng Phật. Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng rồi xuất gia cũng tu ở đây.

Chùa xưa lập trên đỉnh ngọn Phục Tượng, núi Vạn Bảo trong thành Đại La.

8. Miếu An Thành ở bờ đông nam hồ thờ hai công chúa Phù Dung và Kim Châu là con thứ hai và thứ tư của vua Lý Nhân Tôn. Cả hai tính tình phong nhã ưa dạo chơi sơn thủy. Một chiều kia cùng thả thuyền dạo chơi hồ Dâm Đàm thưởng sen, lúc về tới bến An Hoa (nay là Yên Phụ) thì thủy hóa, hiển linh. Nhà vua sắc lập miếu thờ tại đó.

9. Đền Dực Thánh là nền cũ của điện Kiền (Càn) Nguyên triều Lý. Đền ở phía bắc ấp Hồ Khẩu, địa thế đẹp. Đền thờ Dực Thánh tướng quân, người ấp Hồ Khẩu cùng em là Vệ Quốc tướng quân có công dẹp giặc ở châu Bạch Hạc.

10. Đền thờ Vệ quốc tướng quân: Vệ quốc là em Dực Thánh, nhà ở ấp Hồ Khẩu trên gò Ngư Đại, quay lưng xuống hồ, mặt trông ra sông Tô Lịch.

Đền Vệ Quốc

11. Miếu Thủy Công chúa

Truyền thuyết kể rằng công chúa là con vua Lý Thần Tôn, xinh đẹp khác thường, vua rất yêu mến. Người đời bấy giờ tin là con gái Động Đình Quân giáng thế. Khoảng năm Thiên Thuận vua gả cho Vệ Quốc Công. Không bao lâu, công chúa đi qua cầu Tân Lang trên sông Tô Lịch mà hóa. Vua xuống chiếu dựng miếu thờ bên sông, trước cầu Tân Lang và ban cho tấm biển ngạch đề ba chữ: Thăng Long điện.

Miếu Thủy công chúa hay đền Thăng Long

12. Thái Hòa Kiều là cầu bắc qua sông Tô Lịch, nay là bến làng Thụy Chương. Cầu do vua Lý Thái Tôn bắc khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038), là một thắng cảnh trên sông Tô, nhà vua thường ngự du và sai từ thần vịnh thơ.

TẠI PHÍA TÂY NAM HỒ

13. Đền Đồng Cổ ở Đông Xã

Sau vụ dẹp các hoàng thân Võ Đức vương, Dực Thánh vương, và Đông Chinh vương làm loạn để tranh ngôi (năm 1098), vua Lý Thánh Tôn mới lập lệ hàng năm các quan phải đến đền Đồng Cổ làm lễ đọc lời thề rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu, bất trung, xin quỷ thần làm tội”.

Trước khi tam vương chưa làm phản, nhà vua bấy giờ còn là thái tử Phật Mã nằm mộng thấy một vị thần tự xưng là thần núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê (huyện Chân Định, tỉnh Thanh Hóa) báo cho biết trước việc mưu loạn để đề phòng. Đến khi thấy việc xảy ra đúng như lời thần đã mách, vua Thái Tôn phong thần Đồng Cổ làm tước vương, lập đền thờ ở sau chùa Thánh Ngọ, là ngôi chùa lập ra từ thời Lý Thái Tổ.

Đền Đồng Cổ (Hà Nội)

PHÍA TÂY HỒ

14. Đầu triều Lý dựng Thiên Phù các (gác) trên sông Già La, sau đổi làm đền thờ Triệu Đô Úy, một tị tướng quân triều Hồ, tính tình cương trực, có tiết tháo. Di tích lịch sử này nay thuộc thôn Trung Nha, xã Nghĩa Đô.

15. Vạn Niên tự ở ấp Quán La, sách Tây Hồ Chí ghi rằng cổ thời tên là Vạn Tuế.

Vạn Niên Tự, còn được gọi là chùa Vạn Tuế

16. Gò Thất Diệu cũng ở ấp Quán La, là một thắng cảnh tại bờ phía tây của Tây Hồ.

Thứ sử Lư Hoán đời Đường khi mới sang đến đây, thấy cảnh đẹp có hồ rộng, gò cao mát mẻ, lại có dòng sông Già La uốn khúc giữa chốn đất bằng, bèn nảy ý dựng một lầu quán trên ngọn gò lớn nhất trong 7 ngọn Thất Diệu. Quán dựng vào khoảng giữa niên hiệu Khai Nguyên (713-741) nên lấy niên hiệu làm tên quán, nhưng tục quen gọi là quán Giã La.

Khoảng niên hiệu Thiệu Phong đời Trần Dụ Tôn (1341-1357) nhà sư Văn Thao sửa lại quán làm chùa đặt tên là An Dưỡng tự, nhưng rồi sư phải bỏ đi nơi khác vì không chịu được sự phiền nhiễu ở nơi đây. Chùa bỏ hoang, sau dân cư dùng làm miếu Sơn Thần.

Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm các tài liệu khác để bổ sung, hoàn thiện nội dung.

(theo Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Bá Lăng)

 

Chú thích:

[1] Theo Tây Hồ chí

[2] Lãng = song, Bạc = đầm, hồ hoặc đậu thuyền ở bến (theo Tây Hồ Chí)

[3] Dâm Đàm = chỗ nước mưa đầm đọng lại

BÌNH LUẬN