Châu Âu với Mỹ: Vẫn là “môi hở răng lạnh”

Khi thì chú trọng vào vấn đề quốc phòng, lúc lại xoáy vào thương mại, liên tục kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng đưa ra những lời chỉ trích, đe dọa để uy hiếp các đồng minh châu Âu. Song, trên thực tế, những tuyên bố này cho đến nay mới chỉ dừng lại ở những cảnh báo mà chưa có hành động cụ thể.

Có thể, những lời “dọa dẫm” này chỉ là lý thuyết và khó có khả năng hiện thực hóa khi mà Mỹ được xem là còn có quá nhiều lợi ích chiến lược và kinh tế gắn bó với “Lục địa già”.

Một trong những bằng chứng mới nhất dễ nhận thấy là mới đây Tổng thống Trump đến thủ đô Paris của nước Pháp dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới I trong bối cảnh nhiều người đặt câu hỏi “nếu chẳng may châu Âu bị xâm chiếm, liệu Washington có điều quân bảo vệ các đồng minh như từng làm trong 2 cuộc đại chiến của thế kỷ XX hay không?”. Chả giấu giếm gì khi phát biểu với báo Le Figaro (Pháp), Cố vấn An ninh Nhà Trắng John Bolton khẳng định “Có” .

Ngay trước khi bước vào Nhà Trắng hồi tháng 1-2017, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các đối tác châu Âu đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và phải tự lực về mặt quân sự. Trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông vẫn giữ nguyên lập trường ấy, đòi các đối tác châu Âu tăng ngân sách quốc phòng.

Chẳng những thế, Washington còn chơi đòn “chia để trị”: thân thiện với nước Anh sắp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, dùng chiêu bài kinh tế để thuyết phục một số nước Đông Âu đang bất bình với những áp đặt của trục Pháp-Đức…

Vài giờ trước cuộc hội kiến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Trump đã tung một tin nhắn trên Twitter để “đánh phủ đầu”, lên án Paris muốn thành lập một liên minh quân sự châu Âu để “chống lại Mỹ”. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Lục địa già trong 1 thế kỷ qua, phần lớn giới phân tích cho rằng tuy có những bất đồng nhưng Mỹ không thực sự rời xa châu Âu.

Đúng một thế kỷ trước, khi Chiến tranh Thế giới I kết thúc, 2 triệu lính Mỹ đã có mặt trên đất Pháp, 2 triệu lính khác đang chuẩn bị lên đường nếu cuộc chiến tiếp diễn. Mỹ tuy chỉ tham gia muộn màng trong cuộc Chiến tranh Thế giới giai đoạn 1914-1918, nhưng lại giúp cho phe đồng minh đạt được chiến thắng sau cùng. Chiến tranh chấm dứt, châu Âu bị tàn phá, kiệt quệ về nhân lực, nhất là về mặt tài chính, thì nước Mỹ trở thành chủ nợ chính của châu Âu.

Cũng kể từ năm 1918, không ai nghi ngờ sức mạnh kinh tế, công nghiệp của Mỹ. Trên phương diện chiến lược, qua 2 cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ XX, nước Mỹ đã trở thành một điểm tựa của châu Âu. Là một doanh nhân thành đạt, là một người có đầu óc thực tế, ông Trump không quên rằng giúp châu Âu trong thế kỷ XX, Mỹ được nhiều hơn mất.

Mặc dù đưa ra những phát biểu tưởng chừng có thể đẩy quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và châu Âu vào một cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu”, song chính quyền ông Donald Trump vẫn không hề quay lưng lại với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thậm chí, ông Trump còn coi sáng kiến của Paris muốn châu Âu thoát khỏi “cái bóng” của nước Mỹ là một “sự sỉ nhục”.

Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp trong cuộc gặp diễn ra hôm 10-11.

Về mặt kinh tế, Nhà Trắng tạm thời đấu dịu với EU trong cuộc đọ sức thương mại. Giới phân tích cho rằng thật ra chính sách của Mỹ với châu Âu không thay đổi gì nhiều. Không chỉ có ông Trump mà ngay người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng yêu cầu các đồng minh ở bên này bờ Đại Tây Dương tăng ngân sách phòng thủ, trong lúc các nước châu Âu đua nhau cắt giảm chi phí quân sự.

Như giới chuyên gia nhận định, thực tế Mỹ muốn châu Âu tăng ngân sách quốc phòng để mua vũ khí của Mỹ nhiều hơn. Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ thứ hai đã khá rõ ràng trong mục tiêu đó và ông Trump cũng theo đuổi mục tiêu đó nhưng bằng những lời lẽ kém ngoại giao hơn so với người tiền nhiệm.

Chính vì nắm bắt được dụng ý của Washington mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi tiếp đồng nhiệm Mỹ đã tuyên bố rằng Điện Elysée chia sẻ quan điểm với Nhà Trắng, rằng châu Âu cần phải tăng ngân sách phòng thủ, phải đóng góp nhiều hơn cho an ninh của chính mình. Tuy nhiên, ngay sau đó, Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh rằng “tôi không muốn các nước châu Âu tăng ngân sách quân sự để mua vũ khí, mua trang thiết bị của Mỹ hay của một quốc gia nào khác”.

Ngoài những toan tính về lợi ích chiến lược và kinh tế, một yếu tố nữa được giới phân tích nhận định việc ông Donald Trump liên tục tung lên trang cá nhân Twitter những thông điệp đả kích dữ dội người đồng cấp Pháp là không chỉ Paris, mà cả cặp Pháp-Đức đang có nhiều nỗ lực chưa từng có để đặt nền móng cho một lực lượng phòng vệ độc lập cho châu Âu, với hệ quả là EU ngày càng ít phụ thuộc vào vũ khí Mỹ. Nếu viễn cảnh một nền công nghiệp châu Âu lớn mạnh, trong thời gian không xa, thị trường châu Âu sẽ đóng cửa với vũ khí Mỹ.

Từ một năm nay, Pháp và Đức liên tục có các dự án phòng vệ chung trong lĩnh vực quân sự, liên quan đến máy bay chiến đấu, máy bay không người lái hay thiết giáp. Một quỹ phòng vệ chung của châu Âu đã ra đời với 13 tỉ euro vốn đầu tiên, cho phép khởi sự các nghiên cứu chung trong lĩnh vực quân sự kể từ năm 2019.

Tháng 6-2018, 9 nước châu Âu nhất trí thành lập “sáng kiến can thiệp châu Âu” nhằm tạo ra một “văn hóa chiến lược chung” trong lĩnh vực quân sự. Đối với những người ủng hộ dự án xây dựng châu Âu, một EU vững mạnh không thể không độc lập về quân sự.

Có lẽ, đây cũng chính là lý do chính khiến sáng kiến xây dựng một quân đội chung của châu Âu – được Tổng thống Pháp đưa ra và bị Tổng thống Mỹ chỉ trích dữ dội.

Bảo Trân/CAND

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN