Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Liệu có cửa lùi?

Câu hỏi đặt ra là liệu có bên nào sẽ “phát tín hiệu” dừng cuộc hơi, hay họ sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”.

Xung đột thương mại giữa Mỹ – Trung đang được đẩy lên đỉnh điểm khi Mỹ đã quyết định áp đặt 25% thuế quan vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ USD và Trung Quốc “trả đũa” với đòn tương tự. Sự căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dấy lên sự lo ngại về những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Căng thương thương mại Mỹ-Trung đang leo thang. (Ảnh minh họa)

Chưa bên nào chịu “lùi bước”?

Chia sẻ trên Vox Media, giáo sư Chin Leng Lim của Trường Đại học Hong Kong đánh giá, thực tế đã phải chấp nhận mức thuế tăng thêm mà Washington và Bắc Kinh đang áp dụng. Để dàn xếp vấn đề này cần phải đặt câu hỏi về thuế quan lên Tòa án Thương mại Quốc tế.

Lý luận mang ra tranh cãi cũng cần phải theo logic. Nếu một quốc gia bị thâm hụt thương mại lớn và dùng công cụ thuế để hạn chế nhập siêu thì chỉ làm mọi việc rối thêm, GS. Chin Leng Lim nhận định

Vị giáo sư này nhấn mạnh, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được hai thập kỷ và cơ chế toàn cầu này cũng không giải quyết vấn đề thặng dư thương mại lớn. Để giảm bớt tình trạng nhập siêu của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng mua nhiều hơn bằng cách tăng cường hàng nhập khẩu với gói mua trị giá tới 70 tỷ USD.

Trong khi đó, giáo sư Mark Wu của Trường Đại học Harvard cho rằng, Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến và đang thử thách lòng kiên nhẫn của nhau. Câu hỏi đặt ra là liệu có bên nào sẽ “phát tín hiệu” dừng cuộc hơi, hay họ sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”.

Đến thời điểm này, quy mô tác động đến thương mại chưa lớn và cả hai cường quốc này đều tin tưởng có thể vượt qua tác động tiêu cực trong ngắn hạn, GS. Mark Wu đánh giá.

Theo vị giáo sư trường Harvard, có một thực tế là, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều không muốn tỏ ra “yếu thế” trước công chúng trong nước, do đó mỗi bên hiện đang đong đếm khả năng chịu nhún của bên kia. Tuy nhiên, mức độ Bắc Kinh nhượng bộ đến đâu và Washington chấp nhận thế nào lại chưa rõ ràng.

Kinh tế Việt Nam không tránh khỏi “vạ lây”?

Bàn về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên nền kinh tế Việt Nam, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn. Mỹ và Trung Quốc là hai nước có kim ngạch xuất nhập lớn với Việt Nam. Do vậy, tác động tích cực là có nhưng chủ yếu ở dạng cơ hội, tác động tiêu cực là nhiều hơn, vì thế Việt Nam cần phải “gạn đục khơi trong” để tận dụng được các cơ hội.

Về tích cực, theo phân tích của ông Lê Quốc Phương, do Mỹ áp thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa của Trung Quốc, trong đó có cả hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại Tung Quốc, vì thế các nhà đầu tư này có thể sẽ di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, lại có nhân công rẻ, đang được đánh giá là điểm đến hàng đầu của đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ dẫn tới Mỹ thiếu hụt hàng hóa, nếu tận dụng được thì Việt Nam có thể xuất khẩu thêm được nhiều hàng hóa vào Mỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý, hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao của thị trường này, ông Phương nêu rõ.

Một tác động tích cực khác mà ông Lê Quốc Phương chỉ ra là việc đồng USD tăng giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và chiến tranh thương mại xảy ra khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá. USD tăng giá sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn, vì hiện nay đồng Việt Nam đang chủ yếu neo theo giá USD.

Đề cập đến tác động tiêu cực, ông Lê Quốc Phương cảnh báo: Hàng hóa Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ phải chuyển sang các nước khác với giá rẻ hơn, đặc biệt là sẽ tràn sang Việt Nam đầu tiên, theo cả đường chính ngạch và tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu suy giảm do chiến tranh thương mại sẽ khiến các nhà đầu tư phân vân khi đầu tư ra nước ngoài hoặc chuẩn bị mở rộng đầu tư ở nước ngoài. Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, xu hướng FDI toàn cầu sẽ suy giảm trong một thời gian, việc trì hoãn đầu tư khiến dòng đầu tư quốc tế nói chung giảm, dòng đầu tư vào Việt Nam cũng có thể sẽ giảm theo.

Theo ông Phương, một tác động tiêu cực khác liên quan đến tỷ giá là đồng bạc xanh tăng giá khiến xuất khẩu tăng trong ngắn hạn nhưng đổi lại nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là Việt Nam hiện nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị, phân bón, giống… từ Trung Quốc./.

Trần Ngọc/VOV

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN