Chuyên gia Nga nhắc Kim Jong-un bài học Gaddafi, Saddam Hussein

Một chuyên gia Nga đã cảnh báo Triều Tiên cảnh giác với Mỹ khi nhìn tấm gương của Tổng thống Libya Gaddafi và Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Mỹ cần gì ở Triều Tiên?

Trên báo chí của cả phương Đông và phương Tây xuất hiện nhiều bài phân tích về con đường phát triển của Triều Tiên.

Nhưng, để phát triển kinh tế thành công Triều Tiên cần phải thực hiện những đổi mới căn bản về mặt chính trị, các tác giả phương Tây cho rằng trước hết Bình Nhưỡng nên từ bỏ vũ khí hạt nhân và thay đổi chế độ chính trị.

Theo quan điểm của phương Tây, Triều Tiên nên từ bỏ vũ khí hạt nhân và cải cách chính trị

Nhà khoa học chính trị và nhà phương Đông học nổi tiếng của Nga Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia St. Petersburg nhận định rằng, ông không đồng ý với cách đánh giá và dự báo của tạp chí Mỹ và cho rằng, không thể “nhập khẩu” mô hình kinh tế trong những điều kiện chính trị đối ngoại khác nhau.

Đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, việc nêu lên điều kiện này có ý nghĩa là việc Hoa Kỳ muốn chấm dứt chế độ Kim Jong-un và gia tăng sự căng thẳng trong khu vực này trên thế giới.

“Mỹ cần đến sự căng thẳng để núp dưới cái cớ mối đe dọa từ Triều Tiên để bán các hệ thống phòng thủ tên lửa cho các quốc gia trên thực tế không có nhu cầu về hệ thống này. Hoa Kỳ cần đến cuộc xung đột cục bộ mà họ có thể quản lý để biện minh cho sự tồn tại của các căn cứ quân sự và các chế độ mà họ kiểm soát (Nhật Bản và Hàn Quốc) để áp đặt sức mạnh lên Triều Tiên, Trung Quốc và Nga” – vị chuyên gia Nga nhận định.

Ông Kim Jong-un muốn để nước ông phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng, phương Tây không quan tâm đến điều này, cũng như không quan tâm đến sự phát triển của châu Phi và Trung Đông, Myanmar và Bangladesh. Phương Tây muốn thấy những cuộc xung đột cục bộ chứ không phải sự thịnh vượng ở những vùng này.

Chuyên gia Nga cảnh báo Triều Tiên về tấm gương Libya, Iraq, Nam Tư

Hoa Kỳ hứa sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng, không chắc chắn rằng họ sẽ thực hiện lời hứa này.

Ông Kolotov nhắc lại câu chuyện về khối Hiệp ước Warsaw trong thời Chiến tranh Lạnh. Khối Liên minh này được thành lập từ Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ, của 8 nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu, gồm Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania Tiệp Khắc và Albania (rút ra năm 1968); do Liên Xô thành lập và chỉ huy nhằm chống lại khối quân sự NATO, do Hoa Kỳ đứng đầu.

Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh, phương Tây đã hứa với Moscow rằng, sau khi giải thể khối Hiệp ước Warsaw, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông. Nhưng tình hình rốt cuộc như thế nào? Khối Warsaw không tồn tại, nhưng NATO liên tiếp kết nạp các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, áp sát biên giới nước Nga bằng vô vàn căn cứ quân sự và vũ khí hạng nặng.

Và đây là một thí dụ về cách liên minh phương Tây đối xử với một cường quốc hạt nhân. Ông Kim Jong-un đã giành được quyền ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ vì Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nếu ông không sở hữu vũ khí hạt nhân thì phương Tây có thể dễ dàng trừ khử ông cũng như họ đã từng giết chết nhà lãnh đạo Libya Gaddafi, Tổng thống Iraq Saddam Hussein và Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic và đang muốn làm những điều tương tự với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong thế giới ngày nay, không thể tin ai cả. Bởi vì bất cứ lúc nào và bất kỳ quan chức nào của Mỹ có thể giơ lên chiếc lọ thủy tinh chứa bột giặt và nói rằng, đây là vũ khí hủy diệt hàng loạt của một quốc gia nào đó, và trên cơ sở đó họ sẽ tung quân vào hoặc ném bom xuống quốc gia này.

Giáo sư Kolotov nói tiếp, vấn đề chính không phải là chế độ chính trị, mà là những lợi ích chính trị nhất thời. Chế độ chính trị ở Saudi Arabia không phải là dân chủ, đây là một chế độ độc tài và hung hăng hơn nhiều so với chế độ Triều Tiên, nhưng, Washington và Riyadh là bạn bè, còn Bình Nhưỡng là kẻ thù của cả thế giới phương Tây.

Chuyên gia Nga nhắc nhở ông Kim Jong-un về tấm gương Muammar Gaddafi và Saddam Hussein

Trong thời gian 9 năm chiến đấu chống lại Iran theo chỉ thị của phương Tây, Saddam đã là “người rất tốt”, nhưng khi đi chệch hướng của Mỹ, ông ta đột nhiên biến thành nhà độc tài.

Thiên Nam Theo Đất Việt

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN