Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến châu Âu vào tháng 5/2024 – Phát khởi mới về địa chính trị

Bối cảnh thế giới hiện đang thay đổi với sự phân hoá rõ rệt trong quan hệ các nước. Ngay cả các nước đồng minh lâu năm cũng có sự khác biệt, phân chia thành nhiều luồng quan điểm trong các vấn đề về chính sách đối ngoại. Cụ thể là đồng minh của Mỹ ở châu Âu như Pháp, Đức, Anh… mặc dù vẫn ngả về phía Mỹ nhưng giữa các nước này cũng đã có sự phân hoá sâu sắc, hình thành các quan điểm đa chiều, liên quan đến những vấn đề nóng hiện nay như các chính sách, đường lối trong quan hệ Mỹ – Trung, quan hệ Nga – Trung, cuộc chiến ở Ukraine và các chiến lược toàn cầu của Mỹ, chiến lược Vành đai – Con đường của Trung Quốc… Những nước lớn ở châu Âu không còn đi theo quan điểm truyền thống của Mỹ nữa, mà đã cất lên tiếng nói riêng của mình, khiến Mỹ cùng những đồng minh truyền thống, các nước nhỏ trong và ngoài liên minh của Mỹ… đều phải suy nghĩ lại về tình hình phân cực trong quan hệ thế giới hiện nay.

Tình trạng phân hoá phức tạp về quan điểm đối ngoại này đã tạo đà cho một số nước mới nổi ngoài châu lục, đặc biệt là Trung Quốc, đưa ra những chính sách bất ngờ và táo bạo, để tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị và thay đổi trật tự thế giới hiện nay. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến 3 quốc gia châu Âu là Pháp, Serbia và Hungary (từ ngày 5 đến ngày 10/5/2024) chính là biểu hiện rõ nhất cho chiến lược đó của Trung Quốc.

Cuộc hội đàm 3 bên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái), Tổng thống Pháp Macron (giữa) và Chủ tịch Uỷ Ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) vào ngày 6/5/2024 tại Điện Elysee, Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu có sự phân hoá về quan điểm trong quan hệ với Nga và Trung Quốc

Về đường lối, chính sách trong quan hệ với Nga, mặc dù các nước đồng minh của Mỹ đều nhất quán theo quan điểm chống Nga, song hiện cũng đã có nhiều nước đã chuyển sang phản đối chống Nga hoặc chỉ chống Nga một phần, và vẫn hợp tác với Nga trên một vài lĩnh vực khác. Nhìn chung, các quan điểm bắt đầu có sự phân hoá sâu sắc, biểu thị rõ rệt ở nhiều nước trước đây từng nhiệt tình ủng hộ việc chống Nga như Pháp, Slovakia… Nhiều nước bày tỏ quan điểm rằng họ vẫn sẽ ủng hộ việc ngăn chặn sự bành chướng của Nga ở châu Âu, nhưng sẽ không đồng tình với việc bao vây, cấm vận Nga về mặt kinh tế, thương mại, mà vẫn tỏ ý muốn hợp tác với Nga.

Về chính sách đối với Trung Quốc, phải nói rằng, trong một chừng mực nào đó, châu Âu cũng đã nhận thấy rằng, mặc dù Trung Quốc vốn là một nước đối địch với Mỹ, song họ cũng cần phải có những chính sách hợp tác nhất định với Trung Quốc. Thêm vào đó, nhiều nước châu Âu cũng cần đến Trung Quốc để cứu cánh nền kinh tế ở các khía cạnh khác nhau, dẫn đến thái độ của các nước trong khu vực đối với Trung Quốc cũng có sự phân hoá rõ rệt. Suốt hàng thập kỉ qua, nhiều nước châu Âu cũng đã nhận ra rằng họ cần phải gia nhập, tiếp nhận chiến lược Vành đai – Con đường của Trung Quốc để phục hồi nền kinh tế già nua đang trên đà suy yếu của khoảng 140 nước. Lúc này, kinh tế Trung Quốc đang chứng kiến sự phát triển, tăng trưởng nhanh chóng, và chắc chắn sẽ có xu hướng lấn át, tạo ra nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa đến thị trường toàn cầu trong tương lai. Do vậy, việc hợp tác và dựa vào Trung Quốc là tất yếu.

Có thể nói, sự phân hoá về quan điểm, thái độ của các quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Âu đối với Nga và Trung Quốc, gắn liền với xu hướng tách dần ảnh hưởng từ Mỹ, bắt nguồn từ hai nguyên nhân lớn như sau:

Thứ nhất, trước khi có cuộc tấn công Nga – châu Âu, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động không chỉ diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn làm ảnh hưởng đến các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu. Cụ thể, ngay trong quá trình tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã luôn nêu cao khẩu hiệu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Sau khi đắc cử, toàn bộ các chính sách của ông Trump là hướng nội, nước Mỹ trên hết, với trọng tâm khôi phục các giá trị của Mỹ, đặc biệt là về kinh tế, thương mại – vốn đang phải đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Giá trị này yêu cầu lợi ích của nước Mỹ phải được đặt lên trên hết, thậm chí không cần coi trọng các lợi ích của những đồng minh truyền thống. Trum tuyên bố rằng không chỉ Trung Quốc mà Liên minh châu Âu (EU) cũng phải sòng phẳng về vấn đề thương mại với Mỹ. Thậm chí, trong một bài trả lời phỏng vấn với Hill vào hồi đầu tháng 8/2023, Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton – người giữ vai trò cố vấn dưới thời chính quyền Trump từ tháng 4/2018 đến tháng 9/2019, cho biết, nước này có thể sẽ phải rút khỏi NATO nếu ông Trump đắc cử tổng thống vào năm 2024.

Trong 4 năm cầm quyền, các chính sách của Tổng thống Donald Trump đã làm đảo lộn tình hình thế giới và khiến châu Âu một phen điêu đứng. Các đồng minh thân cận của Mỹ như Đức, Pháp… có dấu hiệu lao đao khi Mỹ không thể tiếp tục là chiếc ô che chắn cho họ. Không một đồng minh nào có thể dựa được vào Mỹ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, kinh tế, thông qua chính sách đánh thuế và chính sách bảo hộ mậu dịch từng gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.

Đây là những chính sách có tính chất sòng phẳng cực đoan, khiến tất cả các nước đều phải tham gia vào một cuộc “cuộc chơi ăn miếng trả miếng” với Mỹ mà không nhận được bất kì sự trợ giúp nào từ nước này. Bấy giờ, không chỉ Trung Quốc mà ngay cả châu Âu cũng gặp phải những thiệt hại nặng nề về kinh tế. Trước tình hình đó, nhiều nguyên thủ quốc gia  các nước châu Âu đã lên tiếng cho rằng, họ không hề được Mỹ ưu tiên và xem như đồng minh nữa, mà đã bị đối xử y như những nước thù địch với Mỹ.

Ông Ron Wyden – Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ từng bày tỏ quan ngại rằng: “Các chính sách thương mại của chính quyền giống như bộc phát hơn là một chiến lược được tính toán cẩn trọng. Thành tựu rõ rệt nhất về thương mại của chính quyền chỉ là gieo mầm cho những bất ổn đẩy các nước đồng minh đoàn kết với Trung Quốc để chống lại chính chúng ta”. Và quả thực, đúng như dự đoán của ông Ron, chính sách nước Mỹ trên hết của Trump đã trở thành ngòi nổ đẩy châu Âu xích lại gần hơn tới các nước đối đầu với Mỹ để không chịu những “đòn” bị động nếu nước Mỹ “đổi chủ”.

Thứ hai, Nga vốn là nguồn cung ứng năng lượng truyền thống cho châu Âu, nên châu Âu không thể ngừng hợp tác hoàn toàn với Nga, vì điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của họ.

Thực tế cho thấy, ngay từ khi Nga mở cuộc tấn công vào Donbas, Mỹ và NATO đã nghĩ ra “ngón đòn” đầu tiên nhắm vào kinh tế Nga. Trong gần hai năm diễn ra cuộc chiến, Mỹ cùng EU đã tung ra hàng nghìn lệnh trừng phạt Nga, chủ yếu liên quan đến kinh tế. Mỹ cho rằng, với một nền kinh tế thu nhập chính từ bán dầu khí và khoáng sản, Nga sẽ sớm suy thoái sau khi phương Tây thi hành các biện pháp trừng phạt. Mỹ đã thành công tách Nga với châu Âu, khiến hội chứng chống Nga ở châu Âu ngày càng lên cao.

Tuy nhiên, sau 3 năm tham chiến ở Ukraine, việc áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế Nga hoàn toàn không hiệu quả. Ngược lại, nó còn cho thấy nhiều lỗ hổng, sự yếu kém trong kinh tế EU, khi châu Âu phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu, khí đốt, nhiên liệu của Nga. Kể cả với Mỹ, các nhà máy điện hạt nhân cũng không thể hoạt động được nếu không có nguồn điện từ Nga. Rõ ràng, Mỹ không thể hỗ trợ được các nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, mà lại đẩy họ vào tình trạng cay đắng khi không thể tiếp cận nguồn nhiên liệu từ Nga. Trong khi đó, các nước như Hungary, Slovakia… do không cắt đứt quan hệ với Nga nên vẫn đảm bảo duy trì ổn định nền kinh tế và an ninh năng lượng.

Điều này chứng tỏ nước Nga có thể tự lực trong việc sản xuất, điều tiết hàng hoá mà không cần phải phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài. Ngược lại, châu Âu vốn không đủ khả năng tự túc, đặc biệt là về năng lượng, nên đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ chính lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga.

Tóm lại, những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế không xảy đến với Nga mà lại giáng xuống các nước châu Âu. Sự thiếu nguyên liệu từ Nga đã đẩy các nước này vào một tình thế vô cùng khó khăn, gần như phi công nghiệp hoá. Nhiều nhà máy hoá chất, công nghiệp nhẹ, các nhà máy cần nhiên liệu đều phải đóng cửa hoặc chuyển sang Mỹ, lạm phát tăng cao không kiểm soát được, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho châu Âu. Rõ ràng, việc cấm vận Nga giống như “gậy ông đập lưng ông”, không những không khiến Nga suy yếu mà còn gây tổn thất lớn cho châu Âu, khiến nhiều nước buộc phải cân nhắc lại các chính sách của mình đối với Nga.

Nông dân ném trứng trong cuộc biểu tình ở Namur, Bỉ, ngày 30/1/2024, yêu cầu Chính phủ Bỉ và Liên minh châu Âu đưa ra chính sách nông nghiệp tốt hơn. Ảnh: AFP

Thêm vào đó là yếu tố xã hội. Sau 3 năm chiến tranh, xã hội châu Âu đã bị phân hoá, chia rẽ rất sâu sắc. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu bị thay thế. Các cuộc biểu tình của cử tri nổ ra ở hầu hết các nước châu Âu do đời sống khó khăn, đặc biệt là các cuộc biểu tình của nông dân đã tác động đến sự phát triển nông nghiệp của châu lục này. Mâu thuẫn giữa Ba Lan, một số nước Đông Âu với Ukraine trong việc nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Nga và Ukraine càng thổi bùng lên tình trạng hỗn loạn, bất ổn kéo dài chưa từng có tại châu Âu hiện nay.

Nhiều nước châu Âu đã nhận ra, Mỹ là bên duy nhất được lợi trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Mỹ đã đạt được thành công rất lớn trong việc chia rẽ châu Âu, thâu tóm châu Âu theo kiểu “chia để trị”, nhân cơ hội này làm suy yếu toàn bộ châu lục, khiến châu Âu chia rẽ, xa dần nước Nga và phải phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế, năng lượng, quân sự… Điều đó đã khiến cho nhiều nước châu Âu thay đổi quan điểm, không còn tin tưởng hoàn toàn vào đồng minh lâu năm của mình là Mỹ mà đã chuyển sang hợp tác với Nga, Trung Quốc và những quốc gia đối đầu với Mỹ.

Sự thay đổi quan điểm ở từng quốc gia châu Âu

Những cuộc chiến tranh liên tiếp nổ ra trong những năm gần đây đã làm thay đổi và phân hoá nhận thức chính trị của nhiều nhà lãnh đạo ở các quốc gia trên thế giới, khiến họ nhận ra rằng, nếu chỉ đi với một phe nào đó. Nhiều nước châu Âu nhận ra rằng, nếu họ chỉ tập trung thống nhất quan điểm với Liên minh châu Âu (EU) hay chỉ lựa chọn đồng hành với Mỹ, thì họ sẽ phải chịu những rủi ro, hậu quả khôn lường.

Điều này dẫn tới việc Anh đã rời khỏi EU để đi theo hướng riêng của mình. Nước tiếp theo là Pháp. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donal Trump, và sau này là Tổng thống Joe Biden, những người lãnh đạo nước Pháp luôn luôn muốn có một châu Âu độc lập và Pháp phải là nước dẫn dắt châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng phê phán rằng NATO đang “chết não” khi dần đánh mất vai trò lãnh đạo của mình, chỉ vì tin tưởng vào đồng minh là Mỹ. “Cuộc chiến” thương mại về ô tô, rượu vang với Mỹ gần đây đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Hợp đồng tàu ngầm giữa Pháp và Úc cũng bị Mỹ, Anh “hớt tay trên” sau thoả thuận vào ngày 16/9/2021.

Ngày 13/3/2023, tại căn cứ hải quân Mỹ ở San Diego, California, Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese công bố thỏa thuận lịch sử cho phép Australia lần đầu tiên có thể sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trước đó, vào ngày 16/9/2021, “cú bắt tay” đầu tiên giữa Anh, Mỹ, Úc đã khiến thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD giữa Pháp và Úc tan thành mây khói. Ảnh: The Independent

Thực tế này đã giúp Pháp nhìn nhận và suy nghĩ lại về mối quan hệ với các đồng minh lâu năm, đặc biệt là Mỹ. Tổng thống Macron liên tục phát đi thông điệp rằng nước Pháp phải độc lập, kêu gọi thành lập một châu Âu mở rộng để thoát khỏi “cái ô an ninh” của Mỹ. Và mặc dầu vẫn phải tuân thủ những điều khoản ràng buộc giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ, Pháp vẫn muốn tìm kiếm những con đường đi riêng, đặc biệt là sự mở rộng sang thị trường Trung Quốc. Đây không những là dấu hiệu cho thấy Pháp muốn có sự hợp tác với Trung Quốc về mặt kinh tế, mà còn hướng đến hợp tác chính trị. Thậm chí Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna vào ngày 20/6/2023 đã cho biết, Tổng thống Macron ngỏ ý muốn dự Hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS, trong đó có Nga và Trung Quốc là hai thành viên chủ chốt, dự kiến diễn ra tại Nam Phi vào tháng 8/2023. Bà Catherine Colonna nói: “Tôi đã thông báo cho người đồng cấp Nam Phi về việc Tổng thống Macron quan tâm và sẵn sàng theo đuổi đối thoại mà Pháp vẫn duy trì với BRICS”. Theo bà, Tổng thống Macron muốn dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi với tư cách quan sát viên.

Bên cạnh Pháp, Hungary cũng nổi lên mạnh mẽ trong Liên minh châu Âu (EU) như một quốc gia có quan điểm hợp tác đa phương, hướng đến Nga và Trung Quốc thay vì chỉ phụ thuộc vào Mỹ. Hungary vốn là một trong những nước Đông Âu gia nhập EU và khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ rất sớm kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và cũng là một đối tác nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Hungary Tamas Sulyok và Thủ tướng Viktor Orban cũng sớm nhận ra rằng, đất nước Hungary nói riêng và châu Âu nói chung vẫn cần quan hệ với Nga để đảm bảo ổn định nền kinh tế và năng lượng. Châu Âu đã chịu thiệt hại rất lớn khi tách khỏi Nga, quay lưng với Nga trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Hungary kiên trì đường lối chống lại sự trừng phạt, cấm vận mà Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga, để bảo vệ quyền lợi của chính đất nước và nhân dân Hungary. Cụ thể, khi cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra căng thẳng, vào ngày 17/11/2023, phương tiện truyền thông nhà nước Mỹ RFE/RL đã đưa tin rằng, cuộc thảo luận về vòng trừng phạt chống Nga lần thứ 12 của EU bị đình trệ do vấp phải sự phản đối từ Hungary. Hungary hoàn toàn phản đối vòng trừng phạt này và tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia bất cứ gói trừng phạt nào của EU đối với Nga về kinh tế.

Ngày 8/5/2024, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc NATO thông qua gói hỗ trợ 100 ty Euro cho Ukraine chống Nga. Ông tuyên bố: “Hungary sẽ đứng ngoài sứ mệnh điên rồ này của NATO bất chấp mọi áp lực được đặt ra”.

Bên cạnh việc đặt vấn đề phải nối lại quan hệ với Nga về kinh tế, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cho rằng châu Âu cần hoan nghênh, tiếp nhận cả chiến lược Vành đai – Con đường của Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ hợp tác mậu dịch mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Hungary. Về chính trị, ông Viktor Orban cũng thể hiện quan điểm rõ ràng, rằng Hungary kiên quyết không trở thành “tay sai, bù nhìn” của Mỹ và sẽ gìn giữ sự độc lập, tự chủ nhất định trong Liên minh châu Âu (EU).

Slovakia cũng có quan điểm tương tự như Pháp và Hungary. Họ nhận thức được rằng, nếu không hợp tác với Nga thì rất nguy hiểm và châu Âu không nên thực hiện theo chiến lược, chỉ đạo của Mỹ chống Nga, bởi điều này sẽ tự đẩy châu Âu vào vòng nguy hiểm.

Ngày 7/4/2024, ứng cử viên Peter Pellegrini, đồng minh của Thủ tướng Robert Fico có lập trường thân Nga, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Slovakia với 53% phiếu ủng hộ, đánh bại ứng viên thân phương Tây là cựu ngoại trưởng Ivan Korcok. Trong khi cựu Ngoại trưởng Ivan Korcok kiên định ủng hộ viện trợ vũ khí cho Ukraine, thì ông Pellegrini, được hậu thuẫn bởi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Robert Fico, đã trực tiếp lên tiếng phản đối việc Mỹ và NATO can thiệp trực tiếp vào chiến sự tại Ukraine.

Bản thân Thủ tướng Fico sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào tháng 10/2023 cũng đã tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng thân thiện với Moskva, liên tục lên án phương Tây can thiệp vào xung đội Ukraine, thậm chí nêu giả thuyết các quốc gia “cùng sắc tộc Slav” đã bị xúi giục tấn công lẫn nhau vì lợi ích địa chính trị của phương Tây.

Ngoài ra, một số nước khác ở châu Âu cũng đang có biến động chính trị rất lớn, khi những người cầm quyền ở các quốc gia này đã không còn giữ lập trường thân Mỹ như ban đầu. Nổi bật trong số đó có Serbia. Đây là một trong những nước thuộc Liên bang Nam Tư trong thời kì Chiến tranh Lạnh, và hình thành sau khi Liên bang Nam Tư bị Mỹ và NATO tấn công, làm phân mảnh thành nhiều nước nhỏ như hiện nay.

Suốt nhiều năm liền, Serbia vẫn cố gắng duy trì thái độ là một nước trung lập. Một mặt, Serbia luôn thúc đẩy việc hợp tác với EU và Mỹ, nhưng mặt khác lại giữ mối quan hệ gần gũi với Nga, đồng thời mở đường cho việc nâng cao quan hệ với Trung Quốc. Về thái độ, Serbia tỏ ý muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nhưng thực tế vẫn gắn bó chặt chẽ với nước Nga và gần đây còn có ý định hợp tác với Trung Quốc.

Hàng nghìn người Serbia xuống đường liên tiếp trong nhiều ngày liền, vào cuối tháng 12/2023, để phản đối kết quả các cuộc bầu cử Quốc hội và địa phương ngày 17/12/2023. Tổng thống Serbia Vucic cho rằng phương Tây đã đứng sau kích động cuộc biểu tình này. Ảnh: AP

Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 17/12/2024, Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) do Tổng thống Aleksandar Vucic cầm quyền đã giành thắng lợi trước liên minh đối lập thân phương Tây. Tuy nhiên, kết quả này đã gây tranh cãi, sau khi một nhóm quan sát viên quốc tế, trong đó có các đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cho rằng có tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử này. Một tuần sau, vào ngày 24/12/2023, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung trước Ủy ban Bầu cử Trung ương ở thủ đô Belgrade để phản đối kết quả bầu cử. Cuộc biểu tình kéo dài đến tận cuối tháng 12, khi đám đông phẫn nộ có những hành động quá khích, trở thành một cuộc bạo động quy mô lớn. Chiều ngày 25/12/2023, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã có cuộc gặp gỡ với Đại sứ Nga tại Serbia Alexander Botsan-Kharchenko để cùng thảo luận về các cuộc biểu tình của phe đối lập ở thủ đô Belgrade. Tại đây, ông Vucic đã chính thức cáo buộc Mỹ và phương Tây đứng sau cuộc biểu tình này.

Có thể nói, tất cả những diễn biến nói trên tại châu Âu mặc dù chưa đủ để tạo ra khủng hoảng chính trị, nhưng nó đã cho thấy sự phân hoá rõ ràng về mặt lựa chọn giữa các nước. Hoặc là ngả hẳn vào Mỹ, phải phụ thuộc vào Mỹ và cắt đứt với Nga, thì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, kinh tế đi xuống, đời sống nhân dân khó khăn, hoặc đứng giữa, chọn vị trí trung lập hoặc ủng hộ Nga thì vấp phải những sức ép từ các đối thủ chính trị trong nước và phương Tây. Cho nên, nhiều nước ở châu Âu vẫn đang phải cân nhắc và đứng ở ngã tư đường, làm sao cho phù hợp và cân bằng được các mối quan hệ hợp tác với cả Nga và Mỹ. Điều này đã tạo ra một khoảng trống lớn về chính trị và thị trường châu Âu hiện cũng đang bỏ ngỏ trong thế tiến thoái lưỡng nan Đông – Tây.

Trung Quốc chớp thời cơ nới rộng cánh tay tới châu Âu

Trung Quốc đã nhận thức rất rõ tình hình châu Âu hiện nay và bắt đầu có những kế hoạch riêng để tiến vào thị trường châu Âu. Trong nhiều năm qua, mặc dù phải trải qua một giai đoạn căng thẳng và chịu thiệt trong quan hệ thương mại với Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn kiên định và tích cực triển khai chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng của mình ở châu Âu thông qua các biện pháp kinh tế. Trung Quốc thúc đẩy hoạt động đầu tư rất lớn vào các nước châu Âu như vào Đức, Pháp, Serbia, Hungary… với mong muốn hợp tác mở rộng, tạo ra một thị trường đầy tiềm năng tại châu lục này. Chính điều đó cũng đã góp phần tác động, dẫn đến sự phân hoá trong quan điểm ngoại giao của các nước châu Âu đối với Trung Quốc. Ngày càng có nhiều nước châu Âu ủng hộ chiến lược Vành đai – Con đường và coi trọng việc hợp tác với Trung Quốc, xem đây như một “lối thoát” cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu hiện nay.

Về phía Trung Quốc, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới ba nước châu Âu bao gồm Pháp, Serbia, Hungary (5-10/5/2024) là có tính toán, có chọn lọc, nhắm vào những quốc gia đang cần nguồn lực từ Trung Quốc. Điều này minh chứng rõ nhất cho việc Trung Quốc chính thức tham gia vào cuộc cạnh tranh địa chính trị với Mỹ tại châu Âu, hé mở một tham vọng mới của nước này, tạo ra trung tâm đột phá ở khu vực châu Âu mà Trung Quốc trước nay vẫn theo đuổi.

Pháp là đất nước đầu tiên mà ông Tập Cận Bình đặt chân tới trong chuyến thăm châu Âu. Chuyến thăm này cũng diễn ra đúng dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Pháp, mở ra một cơ hội quan trọng để vun đắp quan hệ giữa hai nước. Dưới sự lãnh đạo của hai nguyên thủ quốc gia là ông Tập Cận Bình và ông Emmanuel Macron, Trung Quốc và Pháp đã chứng kiến sự phát triển ổn định của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương. Cụ thể, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Pháp đã tăng mạnh gấp 800 lần chỉ trong vòng 1 năm, đạt 78,9 tỷ USD vào năm 2023. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp ở châu Á, trong khi Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc và là nguồn xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU).

Trong cuộc hội đàm 3 bên tại Paris vào ngày 6/5/2023, mặc dù ông Tập Cận Bình đã nhận được những lời chỉ trích từ Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Uỷ Ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đối với việc Trung Quốc đã giúp Nga ở mặt trận Ukraine, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến mục tiêu hướng tới của Trung Quốc là chiếm lĩnh thị trường và phân hoá Pháp với Mỹ.

Serbia cũng được xem là một thị trường lớn của Trung Quốc tại châu Âu. Vào tháng 10/2023, khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đến Bắc Kinh tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ III, ông Tập Cận Bình đã gọi Serbia là “người bạn sắt son” của Trung Quốc. Trong chuyến thăm lần này, Trung Quốc và Serbia đã kí kết thông qua ít nhất 28 văn kiện về hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Aleksandar Vucic cũng đã ký thỏa thuận chung về việc nâng cấp quan hệ Serbia – Trung Quốc trong kỷ nguyên mới. Serbia chính thức trở thành nước phương Tây đầu tiên tham gia mô hình này. Tổng thống Aleksandar Vucic cũng khẳng định, kể từ năm 2020, Trung Quốc đã là nhà đầu tư lớn nhất ở Serbia với khoản đầu tư đã tăng gấp 30 lần trong suốt một thập kỷ qua. Nhà lãnh đạo Serbia cũng kì vọng rằng thỏa thuận thương mại tự do song phương dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới sẽ đảm bảo xuất khẩu miễn thuế cho 95% sản phẩm của Serbia sang Trung Quốc trong vòng 5 -10 năm tới.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bắt tay Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc hội đàm tại Belgrade (Serbia) vào chiều 8/5/2024. Ảnh: Reuters

Với Hungary, chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới quốc gia châu Âu này với tư cách là nguyên thủ quốc gia Trung Quốc. Đặc biệt, chuyến đi diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hungary, 7 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (kể từ năm 2017). Hungary cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên ký văn kiện hợp tác Vành đai – Con đường với Trung Quốc. Trong chuyến thăm lần này, các quan chức Hungary và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và ký 18 thỏa thuận và biên bản ghi nhớ khác. Theo Reuters dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Hungary và Trung Quốc sẽ tiến tới xây dựng các dự án quan trọng thuộc Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI), bao gồm dự án tái thiết dự án đường sắt Budapest – Belgrade trị giá 2,1 tỉ USD, với khoản vay chính đến từ Trung Quốc.

Tất cả những diễn biến này đều cho thấy, Trung Quốc đã nắm được thời cơ khi tình hình phân hoá ở châu Âu hiện nay là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tác động, tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn tại khu vực này. Rõ ràng, ba quốc gia mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm đều có quan điểm độc lập, bất đồng với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ; và đều là những đối tác truyền thống giàu tiềm năng nhất của Trung Quốc ở châu Âu. Lãnh đạo Pháp, Serbia, Hungary đều đang có xu hướng ngả vươn ra khỏi châu lục thay vì trông cậy hoàn toàn vào sự trợ giúp từ Mỹ, vốn đã cho thấy quá nhiều bất ổn trong thời gian gần đây.

Thông qua việc thúc đẩy tìm kiếm và mở rộng thị trường, Trung Quốc đã tranh thủ tạo ra những tác động nhất định nhằm tranh giành ảnh hưởng địa chính trị đối với Mỹ ở châu Âu. Mục đích chính của những cam kết hỗ trợ Pháp, Serbia, Hungary là khiến họ ngả vào thị trường Trung Quốc nhiều hơn, coi Trung Quốc như một chỗ dựa kinh tế an toàn, vững chắc hơn so với Mỹ. Điều này chứng tỏ Trung Quốc đã thấu hiểu và nắm rõ khoảng trống địa chính trị còn bỏ ngỏ trong tình huống chọn bên ở châu Âu, từ đó sẵn sàng chớp lấy thời cơ thuận lợi nhất, đưa ra những chiến lược tăng cường hợp tác vừa thận trọng, vừa táo bạo, để thực hiện mục tiêu trở thành chỗ dựa mới về kinh tế, chính trị cho châu Âu, khiến châu Âu dựa vào Trung Quốc thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

Rõ ràng, Trung Quốc đã và đang vươn xa khỏi khu vực truyền thống của mình là châu Á – Thái Bình Dương, để mở rộng tham vọng tranh giành ảnh hưởng sang châu Phi, Trung Đông, và giờ là đến châu Âu. Nhân bối cảnh cả hai cường quốc là Mỹ và Nga đều đang dốc sức vào cuộc chiến căng thẳng ở Ukraine, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ để tranh thủ “Âu tiến”, nhằm gây dựng những ảnh hưởng nhất định của Trung Quốc tại khu vực này. Đây là một nước đi hết sức khôn ngoan và cũng đầy tính toán, cho thấy Trung Quốc đã không chỉ dừng lại ở địa hạt của mình, mà sẽ còn mở rộng, vươn tới nhiều thị trường hợp tác mới tại khắp các châu lục khác trên thế giới. Mỹ và Nga chắc chắn sẽ sớm nhận ra điều này và có những nước đi mới trong tương lai. Trật tự thế giới sắp tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường hơn nữa, khi cả ba cường quốc đều đã có những toan tính toàn cầu của mình, dù ở những cấp độ và mục đích khác nhau.■

Ngọc Lan

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN