CIA và cuộc chiến tranh lạnh về văn hóa

Trong cuốn sách Cuộc chiến tranh Lạnh về Văn hóa, tác giả Frances Stonor Saunders lần đầu tiên trình bày các bằng chứng gây sốc cho thấy trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, CIA đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của địa hạt văn hóa – nghệ thuật, bên cạnh mặt trận ngoại giao, quân sự và kinh tế. Dựa trên các tài liệu giải mật và những cuộc phỏng vấn cá nhân, tác giả kể lại một câu chuyện phi thường về một chiến dịch bí mật, trong đó một số người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho tự do học thuật ở phương Tây đã trở thành công cụ của chính phủ Mỹ. Cuốn sách đã kể tên nhiều người trong số các trí thức và nghệ sĩ tài năng nhất của thời kỳ này, trong đó có Arthur Koestler, André Malraux, George Orwell, Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre, Arthur Schlesinger, Jr. Trong khi nhiều người tham gia vào điệp vụ văn hóa của CIA mặc dù chính bản thân họ không ý thức được điều đó, những người khác lại là các cộng tác viên đắc lực.

Cuốn sách này kể về chiến dịch văn hóa của CIA ở phương Tây, nhưng không khỏi khiến chúng ta nghĩ về Việt Nam. Bên cạnh sự can thiệp quân sự hay các chính sách bao vây cấm vận kinh tế mà Mỹ từng áp dụng với Việt Nam, liệu CIA đã bao giờ sử dụng một chiến dịch văn hóa tương tự, tác động lên các trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam hay chưa?

Xuất bản năm 1999, Cuộc chiến tranh Lạnh về Văn hóa đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các học giả và tạp chí nghiên cứu, và được đề cử cho giải thưởng Cuốn sách Đầu tay của tờ Guardian (Guardian First Book Award). Tạp chí Phương Đông trân trọng gửi tới độc giả bản dịch chương Giới Thiệu của cuốn sách này.

President George W Bush visits CIA Headquarters, March 20, 2001.

Cách tuyên truyền tốt là tỏ ra mình không tuyên truyền gì cả.
– Richard Crossman

Trong suốt những năm tháng căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh, chính phủ Mỹ đã dành những nguồn lực to lớn cho một chương trình tuyên truyền văn hóa bí mật ở Tây Âu. Một đặc điểm cơ bản của chương trình này là tuyên truyền rằng nó không hề tồn tại. Nó được quản lý, một cách tuyệt mật, bởi cơ quan gián điệp của Mỹ là Cục Tình báo Trung ương (CIA). Tâm điểm của chiến dịch bí mật này là Hiệp hội Tự do Văn hóa (Congress for Cultural Freedom) điều hành bởi đặc vụ CIA Michael Josselson từ năm 1950 đến năm 1967. Thành tựu của nó, đặc biệt là sức sống dai dẳng của nó, là rất đáng kể. Vào buổi hoàng kim, Hiệp hội Tự do Văn hóa có văn phòng ở 35 quốc gia, sử dụng hàng chục nhân viên, xuất bản hơn 20 tạp chí danh tiếng, tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật, sở hữu một cơ quan tin tức, tổ chức các hội nghị quốc tế danh tiếng, và trao giải thưởng cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ. Sứ mệnh của nó là đẩy giới trí thức Tây Âu ra xa khỏi mối quan tâm của họ với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa cộng sản, hướng tới nuôi dưỡng quan điểm phù hợp hơn với “đường lối của Mỹ”.

Ảnh 1. Trung úy Michael Josselson, Berlin 1948. Vốn là một sĩ quan văn hóa trong quân đội Mỹ, không lâu sau đó ông được tuyển mộ vào làm việc cho CIA.
Ảnh 2. Điệp viên CIA Tom Braden đã lập nên Ban Các Tổ Chức Quốc Tế (International Organizations Division), trung tâm đầu não của Cuộc Chiến Tranh Lạnh về Văn hóa. Ban này điều hành hàng chục “mặt trận”, bao gồm Hiệp hội Tự do Văn hóa.

Dựa trên một mạng lưới rộng lớn và đầy sức ảnh hưởng của các nhân viên tình báo, các nhà chiến lược chính trị, doanh nghiệp, và mối liên kết giữa các trường đại học hàng đầu thuộc nhóm Ivy League ở Mỹ, ngay từ khi mới được thành lập vào năm 1947, CIA đã bắt đầu thiết lập một “hiệp hội” với nhiệm vụ kép là ngăn ngừa thế giới khỏi sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản, và thúc đẩy những lợi ích đối ngoại của Mỹ ở nước ngoài. Kết quả là một mạng lưới cực kỳ chặt chẽ gồm những người làm việc bên cạnh CIA để tuyên truyền cho một ý tưởng: rằng thế giới cần một nền hòa bình do Mỹ dẫn đầu (pax Americana), một kỷ nguyên khai sáng mới, và nó sẽ được gọi là “Thế kỷ Mỹ”.

Hiệp hội mà CIA kiến tạo nên – bao gồm một bộ phận mà Henry Kissinger miêu tả là “một tầng lớp quý tộc phụng sự đất nước đại diện cho những nguyên tắc nằm ngoài tính chất đảng phái” – là vũ khí bí mật trong cuộc chiến đấu Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Vũ khí này đã để lại hậu quả rất lớn trong lĩnh vực văn hóa. Dù họ thích nó hay không, dù họ biết nó hay không, hiếm có nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, sử gia, nhà khoa học, hay nhà phê bình nào ở Châu Âu thời hậu chiến mà tên tuổi lại không gắn liền theo một cách thức nào đó với chiến dịch bí mật này. Không bị thách thức, không bị phát hiện trong suốt hơn 20 năm, cơ quan gián điệp của Mỹ đã điều hành một mặt trận văn hóa tinh tế và được hưởng nhiều ưu đãi tại phương Tây, vì phương Tây, nhân danh tự do biểu đạt. Định nghĩa Chiến tranh Lạnh như một “trận chiến vì lý tưởng”, nó đã tàng trữ một kho vũ khí văn hóa: tạp chí, sách, hội nghị, hội thảo, triển lãm nghệ thuật, các buổi hòa nhạc, và các giải thưởng.

Thành viên của hiệp hội này là một nhóm đa dạng bao gồm những người cấp tiến và các trí thức cánh tả mà niềm tin của họ vào chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa cộng sản đã tan vỡ trước những bằng chứng về chủ nghĩa toàn trị của Stalin. Nổi lên từ Thập kỷ Hồng 1930, được Arthur Koestler tiếc nuối như là một “cuộc cách mạng chết yểu của tinh thần, một cuộc Phục Hưng lỡ dở, một buổi bình minh giả dối của lịch sử”,1 giấc mộng tan vỡ của họ được tiếp nối bằng tinh thần sẵn sàng tham gia một sự đồng thuận mới, để khẳng định một trật tự mới thay thế cho những lực lượng của quá khứ. Truyền thống của những người bất đồng cấp tiến, theo đó các trí thức lãnh nhận sứ mệnh điều tra những huyền thoại, xét hỏi những đặc quyền thể chế, và thách thức sự tự mãn của những người có quyền lực, đã bị trì hoãn để ủng hộ cho “kế hoạch Mỹ”. Được các cơ quan đầy quyền lực ủng hộ và tài trợ, nhóm phi-cộng sản này trở thành một các-ten trong đời sống tri thức của phương Tây giống như chủ nghĩa cộng sản đã từng như vậy một vài năm trước đó (các-ten này bao gồm nhiều người trước kia từng ủng hộ chủ nghĩa cộng sản).

“Đã đến lúc… mà đời sống rõ ràng đã mất đi khả năng tự điều chỉnh chính nó,” Charlie Citrine, nhân vật ‘tôi’ trong tiểu thuyết Món quà của Humboldt của Saul Bellow, đã nói như vậy. “Nó phải được điều chỉnh. Các trí thức coi đây là công việc của họ. Từ thời Machiavelli cho đến thời đại của chúng ta, sự điều chỉnh này luôn là một công việc tai họa, lầm lạc, trêu ngươi mà vẫn bóng bẩy tuyệt vời. Một con người như Humboldt, đầy cảm hứng, khôn ngoan, điên rồ, đã mê mải với sự khám phá rằng sự nghiệp của con người, bao la và đa dạng vô cùng, giờ đây phải được quản lý bởi những cá nhân xuất chúng. Ông là một cá nhân xuất chúng, vì vậy ông là một ứng cử viên xứng đáng nắm quyền. Đúng vậy, tại sao lại không chứ?”2 Giống như Humboldt, những trí thức từng bị lừa mị bởi chủ nghĩa cộng sản giờ đây đang chú tâm đến khả năng xây dựng một Weimar mới, một Weimar kiểu Mỹ. Nếu chính phủ – và cánh tay bí mật của nó là CIA – sẵn sàng đóng góp cho dự án này, thì tại sao không?

Việc những người cựu cánh tả đó cần được gom chung vào một chiến dịch cùng với CIA không khó như ta tưởng. Có một cộng đồng chia sẻ lợi ích và niềm tin thực sự giữa CIA và các trí thức được thuê mướn, kể cả khi họ không nhận ra điều đó, để chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Lạnh về Văn hóa. Sức ảnh hưởng của CIA không phải “lúc nào cũng phản động và ám muội,”3 Arthur Schlesinger, sử gia tự do kiệt xuất người Mỹ, viết. “Theo kinh nghiệm của tôi, việc lãnh đạo chiến dịch này rất tinh tế và sáng suốt về chính trị.”4 Quan điểm nhìn nhận CIA như một nơi nuôi dưỡng chủ nghĩa tự do là một động lực quan trọng để các trí thức hợp tác với CIA, hoặc nếu không, chí ít là bằng lòng với luận điểm rằng CIA có động cơ tốt. Tuy vậy, cách nhìn nhận này không phù hợp chút nào với tai tiếng của CIA như là một công cụ can thiệp thô bạo và vô trách nhiệm một cách đáng ghê tởm của siêu cường Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Chính tổ chức này đã dàn xếp vụ lật đổ Thủ tướng Mossadegh ở Iran năm 1953, lật đổ chính quyền Arbenz ở Guatemala năm 1954, sự kiện Vịnh Con Lợn thảm khốc năm 1961, Chiến dịch Phượng Hoàng khét tiếng ở Việt Nam. Nó theo dõi hàng chục nghìn người Mỹ, phá rối các nhà lãnh đạo nước ngoài mặc dù họ được dân bầu chọn, âm mưu tổ chức các vụ ám sát, ngăn chặn Quốc hội can thiệp vào các hoạt động này, và trong quá trình đó, nâng nghệ thuật lừa dối lên những tầm cao mới. Vậy bằng cách thức kỳ lạ nào mà CIA lại có thể thể hiện mình như một con thuyền chuyên chở lý tưởng tự do trước những trí thức tài danh như Arthur Schlesinger?

Ảnh 3. Sử gia Arthur Schlesinger
Ảnh 4. Một số diễn giả tham dự buổi khai mạc Hội nghị của Hiệp hội Tự do Văn hóa ở Tây Berlin, 16 tháng 6 năm 1960. (Ảnh: AP / Werner Kreusch)

Tầm mức mà cơ quan gián điệp của Mỹ vươn tay tới địa hạt văn hóa của các đồng minh phương Tây, đóng vai trò như một người điều phối bí mật cho hàng loạt các hoạt động sáng tạo, sắp đặt các trí thức và tác phẩm của họ như những quân cờ trong một Ván cờ Lớn, là một trong những di sản kinh ngạc nhất của Chiến tranh Lạnh. Lời biện hộ của những người bảo vệ thời đại này – dựa trên luận điểm rằng khoản đầu tư tài chính đáng kể của CIA không đòi hỏi bất kỳ ràng buộc nào từ phía người nhận – vẫn chưa bị phản biện một cách nghiêm túc. Các hội nhóm trí thức ở Mỹ và Tây Âu luôn có tâm thế sẵn sàng tin tưởng rằng CIA chỉ quan tâm đến việc mở rộng các cơ hội cho sự thể hiện văn hóa tự do và dân chủ. Theo cách biện hộ này, CIA “đơn giản chỉ giúp mọi người nói lên điều mà họ muốn nói.”

Nhưng các tài liệu chính thức liên quan đến Cuộc Chiến tranh Lạnh về văn hóa lại làm xói mòn huyền thoại về sự tử tế của CIA. Các cá nhân và tổ chức nhận tài trợ của CIA được kỳ vọng sẽ tham gia một chiến dịch thuyết phục lớn, một cuộc chiến tuyên truyền, trong đó “tuyên truyền” được định nghĩa là “bất cứ nỗ lực hoặc phong trào có tổ chức nào nhằm truyền bá thông tin hoặc một học thuyết bằng các phương tiện như tin tức, các cuộc tranh luận, hoặc những lời kêu gọi được thiết kế để gây ảnh hưởng lên suy nghĩ và hành động của một nhóm nhất định.”5 Một hợp phần thiết yếu của nỗ lực này là “chiến tranh tâm lý”, được định nghĩa là “việc một quốc gia sử dụng có kế hoạch các hoạt động tuyên truyền bên cạnh việc chiến đấu, nhằm truyền bá ý tưởng và thông tin gây ảnh hưởng đến ý kiến, thái độ, cảm xúc và hành vi của các nhóm nước ngoài, theo những cách thức thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu quốc gia”. Ngoài ra, “phương thức tuyên truyền hiệu quả nhất” được xác định là phương thức trong đó “đối tượng đi theo định hướng mà bạn mong muốn, vì những lý tưởng mà anh ta tin rằng đó là của chính anh ta.”6 Việc phản biện những định nghĩa này thật vô ích, bởi nó được rải khắp các tài liệu chính phủ, các dữ liệu của ngoại giao văn hóa Hoa Kỳ thời hậu chiến.

Rõ ràng, bằng cách ngụy trang cho các khoản đầu tư của mình, CIA hoạt động dựa trên giả định rằng những lời phỉnh phờ của nó sẽ bị từ chối nếu được đưa ra công khai. Loại hình tự do nào có thể được thúc đẩy bằng một sự dối trá như thế? Tự do thuộc bất cứ loại hình nào chắc chắn đều không nằm trong kế hoạch của Liên Xô, nơi các nhà văn và trí thức nếu không bị đưa đi gulag (trại cải tạo lao động) thì cũng buộc phải làm việc vì lợi ích của nhà nước. Tất nhiên việc phản đối sự mất tự do đó là đúng đắn. Nhưng bằng phương tiện nào đây? Liệu có cơ sở để cho rằng các nguyên tắc dân chủ phương tây không thể hồi sinh ở Châu Âu thời hậu chiến theo một cơ chế nội bộ nào đó? Hay cho rằng dân chủ có thể phức tạp hơn là việc tán dương tự do kiểu Mỹ? Có thể chấp nhận ở mức độ nào việc một quốc gia bí mật can thiệp vào quá trình phát triển tự nhiên của giới trí thức, hay quá trình tranh luận tự do và một dòng chảy ý tưởng không bị ngăn trở? Liệu điều này có thể tránh khỏi việc tạo ra một loại “tự do” khác, trong đó người ta nghĩ rằng họ đang hành động tự do, nhưng thực ra họ lại bị bó buộc với những thế lực mà họ không hề có quyền kiểm soát?

Sự can thiệp của CIA vào chiến tranh văn hóa đã đặt ra những câu hỏi hóc búa khác. Liệu hỗ trợ tài chính có làm méo mó quá trình phát triển của trí thức và tư tưởng của họ hay không? Phải chăng người ta được lựa chọn vì các quan điểm của họ, chứ không phải dựa trên thành tựu học thuật? Arthur Koestler có ý gì khi ông mỉa mai gọi các hội nghị, hội thảo học thuật là “mạng lưới gái gọi học thuật quốc tế”? Liệu danh tiếng của một người có được đảm bảo hay nâng cao hơn nữa nếu người đó là thành viên hiệp hội văn hóa của CIA? Có bao nhiêu trong số các nhà văn và nhà tư tưởng mà ý tưởng của họ được lan tỏa khắp thế giới thực ra chỉ là các học giả hạng hai, những tài năng sớm nở tối tàn, với những tác phẩm sớm muộn sẽ yên vị nơi tầng hầm của những hiệu sách cũ?

Năm 1966, một chuỗi bài xuất hiện trên tờ Thời báo New York đã vạch ra hàng loạt những hoạt động bí mật do cộng đồng tình báo Mỹ tiến hành. Khi các câu chuyện về những âm mưu đảo chính và các cuộc ám sát chính trị (phần lớn bất thành) tràn lên trang nhất, CIA bỗng nhiên trở thành một con voi dữ, xuyên thủng những bụi rậm của chính trị quốc tế, và không hề bị ngăn trở bởi bất cứ trách nhiệm nào. Giữa những tiết lộ về các nhiệm vụ gián điệp gay cấn này là chi tiết về quá trình chính phủ Mỹ viện đến những nhà thông thái phương Tây để tăng thêm sức mạnh tri thức cho các hành động của mình.

Thông tin về việc nhiều trí thức hoạt động theo mệnh lệnh của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ chứ không phải theo các tiêu chuẩn độc lập của riêng họ đã khiến công chúng phẫn nộ. Địa vị đạo đức mà giới trí thức sở hữu trong suốt những năm tháng cao trào của cuộc Chiến tranh Lạnh giờ đây đã suy giảm nghiêm trọng và thường xuyên bị đem ra chế giễu. “Nền dân chủ đồng thuận” đang sụp đổ, và trụ cột của nó không thể đứng vững. Khi nó tan rã, thì bản thân câu chuyện cũng bị xé nhỏ, thiên kiến và bóp méo đi bởi những thế lực cả cánh tả và cánh hữu muốn thay đổi nó cho phù hợp với mục đích của riêng họ. Oái oăm là, những hoàn cảnh khiến cho các vụ việc này bại lộ lại đóng góp vào việc che giấu mức độ hệ trọng của chúng. Khi chiến dịch chống cộng điên cuồng của Mỹ tại Việt Nam đẩy Mỹ đến bờ vực sụp đổ, cùng với các scandal Hồ sơ Lầu Năm Góc hay vụ Watergate, khó có thể duy trì mối quan tâm hay phẫn nộ đối với chiến tranh văn hóa, bởi nó có vẻ ít quan trọng hơn.

“Lịch sử”, Archibald MacLeish viết, “giống như một phòng hòa nhạc được thiết kế không hợp lý, với những điểm chết khiến người ta không nghe được nhạc.”7 Cuốn sách này nỗ lực ghi lại những điểm chết đó. Nó tìm kiếm một âm thanh khác với những âm thanh được chơi bởi các bậc thầy thời kỳ đó. Đây là một lịch sử bí mật, bởi nó tin vào sự liên can của các quan hệ cá nhân, của các sự thông đồng và liên kết “mềm”, và tầm quan trọng của ngoại giao salon (ngoại giao trí thức) và chính trị phòng riêng. Nó thách thức thứ mà Gore Vidal miêu tả là “những câu chuyện chính thống được đồng thuận nhất loạt bởi quá nhiều các nhóm lợi ích, trong đó mỗi người lại có cả nghìn ngày để ngụy tạo nên những chiếc kim tự tháp giả dối của riêng mình, với tham vọng thông báo giờ giấc cho mặt trời.” Theo lời của Tzvetan Todorov, bất cứ lịch sử nào có ý định kiểm tra các “sự thật được công nhận” này phải trở thành một “hành động báng bổ. Đó không phải là việc đóng góp cho sự thờ cúng các hiệp sĩ và thánh thần, mà là tiến gần hơn tới sự thật. Nó tham gia vào việc mà Max Weber gọi là “giải mê cho thế giới”; nó tồn tại ở đầu bên kia của sự tôn thờ. Nó tìm lại sự thật vì chính lợi ích của sự thật, chứ không khôi phục những hình ảnh được coi là hữu ích cho hiện tại.”8

Chú thích:

1. Arthur Koestler, trích trong Richard Crossman (ed.), The God That Failed: Six Studies in Communism, (London: Hamish Hamilton, 1950).

2. Saul Bellow, Humboldt’s Gift (New York: Viking, 1975).

3. Arthur M. Schlesinger, Jr., A Thousand Days: John F. Kennedy in the White House (London: André Deutsch, 1965).

4. Như trên.

5. National Security Council Directive, 10 tháng 7 năm 1950, trích trong Final Report of the Select Committee to Study Governmental Operations with Respect to Intelligence Activities (Washington: United States Government Printing Office, 1976).

6. Như trên.

7. Archibald MacLeish, New York Times, 21 tháng 1 năm 1967.

8. Tzvetan Todorov, ‘The Communist Archives’, Salmagundi, mùa hè 1997.

Nguyên Trang dịch

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN