Có một Kofi Annan tận hiến cho nhân loại

Ngày 18-8, tổ chức Kofi Annan Foundation đã phát đi thông báo ông Kofi Annan, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), đã qua đời tại bệnh viện ở thành phố Bern, Thụy Sĩ, do bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi. Cuộc đời ông được đánh dấu bởi sự cống hiến hết mình cho tổ chức LHQ, cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình thế giới bằng trí tuệ của nhà ngoại giao xuất chúng.

Thế giới nghiêng mình trước một con người xuất chúng

Ngay trong ngày 18-8, hàng loạt lãnh đạo và cựu lãnh đạo quốc gia, tôn giáo khắp thế giới đã có những lời tiếc thương, tôn vinh một con người xuất sắc trong thời hiện đại. Thế giới không chỉ khâm phục mà còn yêu mến một Annan hiền từ và tận hiến cho nhân loại. Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi các kỹ năng lãnh đạo tuyệt vời của ông Annan. “Tôi chân thành ngưỡng mộ sự thông minh và quả cảm, khả năng đưa ra quyết định chính xác của ông ấy trong những hoàn cảnh phức tạp nhất, trọng đại nhất” – ông Putin nói.

Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu gọi sự ra đi của ông Kofi Annan là một “mất mát khủng khiếp”, và ca ngợi Annan là một “con người xuất chúng đại diện cho châu Phi và thế giới bằng sự duyên dáng vô biên, tinh thần liêm chính và phong cách nổi trội”.

Ông Kofi Annan.

Đương kim Tổng thư ký LHQ Antonio Gutierres thì nhận xét “ông ấy chính là LHQ, từ vị trí bình thường vươn lên lãnh đạo tổ chức này đi vào thiên niên kỷ mới với một quyết tâm và giá trị vô song”. Ngoại trưởng Iran chia sẻ hình ảnh ông Annan trên Twitter kèm theo lời nhận xét ông là “một lãnh đạo vĩ đại và một nhà vô địch về hòa bình, công lý và thượng tôn pháp luật”. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người từng có giai đoạn làm cố vấn cho ông Annan về cuộc chiến Iraq đánh giá ông là “một nhà ngoại giao vĩ đại, một chính khách chân chính và là một đồng nghiệp tuyệt vời”.

Kofi Atta Annan sinh vào ngày 8-4-1938 tại thành phố Kumasi thuộc vùng thuộc địa Gold Coast của Anh. Năm 1957, vùng thuộc địa này giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh và trở thành nước Cộng hòa Ghana, quốc gia châu Phi đầu tiên giành độc lập từ tay thực dân châu Âu. Annan có hai chị và một em gái song sinh với ông (người em gái tên Efua đã qua đời vào thập niên 1990).

Sinh ra trong một gia đình quý tộc khá giả, thuở nhỏ Annan được gửi vào học tại ngôi trường bán trú danh giá Mfantsipim do những người theo Hội Giám lý sáng lập. Lên đại học, Annan theo học khóa cử nhân kinh tế tại Ghana, rồi chuyển đến học Trường Macalester College ở St Paul, Geneva, và học Trường Quản trị Sloan của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Ông Kofi Annan và người vợ sau, bà Lagergren.

Năm 1965, ông Annan cưới vợ là bà Titi Alakija, một phụ nữ thuộc dòng họ giàu có ở Nigeria, có hai con, con gái Ama và con trai Kojo. Cuộc hôn nhân này đổ vỡ trong thập niên 1970. Sau đó, năm 1984, ông Annan cưới người vợ thứ hai là bà Lagergren, một luật sư đã ly dị chồng, đang làm việc tại Liên Hiệp Quốc. Bà này cũng xuất thân thế gia vọng tộc, là cháu gái của nhà ngoại giao kỳ cựu người Thụy Điển Raoul Wallenberg, người đã cứu giúp hàng ngàn người Hungary gốc Do Thái trong Chiến tranh Thế giới lần II.

Ông khởi đầu sự nghiệp bằng một công việc tại một tổ chức thuộc LHQ. Đó là vào năm 1962, ông vào làm việc tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, làm một viên chức quản lý ngân sách. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, ông lại rời LHQ, làm việc cho Công ty Phát triển du lịch Ghana tại Accra trong vài năm rồi quay trở lại làm Trưởng bộ phận nhân sự Văn phòng Cao ủy LHQ về Người tị nạn tại Geneva vào năm 1980. Đây có lẽ là bước đầu tiên Annan dấn thân vào những hoạt động nhân đạo, gìn giữ hòa bình của LHQ, theo đuổi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ. Cũng từ đó, Annan thăng tiến rất nhanh trong hệ thống cơ quan LHQ.

Năm 1983, ông làm Giám đốc quản trị hành chính cho Văn phòng Tổng thư ký LHQ tại New York, và năm 1987 trở thành Trợ lý Tổng thư ký LHQ. Khi Tổng thư ký Boutrous Boutrous-Ghali thành lập Cơ quan Gìn giữ hòa bình LHQ, Phó Tổng thư ký Marrack Goulding làm Trưởng cơ quan, Annan được biệt phái làm Phó. Một năm sau, ông được bầu làm Trưởng cơ quan này, phụ trách công tác gìn giữ hòa bình cho đến khi được bầu làm Tổng thư ký LHQ.

Trong giai đoạn làm người đứng đầu cơ quan gìn giữ hòa bình của LHQ, Annan được đánh giá là một người có tinh thần quả quyết, dám nghĩ dám làm. Tuy có phong cách nói năng nhỏ nhẹ, nhưng Annan vẫn thể hiện sự quả quyết trong hành động và các quyết định của mình. Ông đã thể hiện dấu ấn đặc biệt trong cuộc chiến Bosnia.

Vào ngày 29-8-1995, trong khi Tổng thư ký đang đi công cán, Annan đã chỉ thị các quan chức LHQ tạm thời không dùng quyền phủ quyết để ngăn cuộc không kích tại Bosnia. Quyết định này được xem là đã tạo điều kiện cho NATO triển khai Chiến dịch không kích mang tên Deliberate Force, từ đó giúp Annan trở thành “người ưa thích” của Mỹ. Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ Richard Holbrooke đánh giá Annan đã “hành động can đảm”, đã thuyết phục nước Mỹ rằng ông đủ tư cách để thay thế ông Boutrous-Ghali làm Tổng thư ký LHQ. Ông tiếp tục được cử làm Đại diện đặc biệt của LHQ tại Nam Tư cũ trong gần nửa năm (tháng 11-1995 đến tháng 3-1996).

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, cơ quan gìn giữ hòa bình LHQ đã chứng kiến những thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc chiến đẫm máu ở châu Phi và Nam Tư cũ. Đó là cuộc chiến Somalia đầy tai tiếng, 13 lính đặc nhiệm Mỹ đã tử nạn khi chiếc trực thăng Black Hawk của họ bị bắn rơi ở Mogadishu vào tháng 10-1993.

Đỉnh điểm của thảm họa chiến tranh giai đoạn này là cuộc thanh trừng sắc tộc đẫm máu đến mức diệt chủng xảy ra tại Rwanda vào năm 1994, với 800.000 người Tutsi bị giết bởi các tay súng cực đoan người Hutu. Trong những cuộc chiến đẫm máu đó, LHQ bị chỉ trích là quá thụ động, không kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn, cũng như việc can thiệp, bảo vệ thường dân cũng không hiệu quả. Ông Annan cũng bị phê phán vì vai trò lãnh đạo cơ quan gìn giữ hòa bình.

Một thập niên làm Tổng thư ký LHQ với những cống hiến vì hòa bình

Tổng thư ký Boutrous-Ghali ngày càng làm mất lòng nước Mỹ, vì thế mặc dù ông tái ứng cử chức Tổng thư ký LHQ không có đối thủ, và nhận được 14 trên 15 phiếu ủng hộ tại Hội đồng Bảo an nhưng đã bị nước Mỹ phủ quyết. Ngày 13-12-1996, Hội đồng Bảo an đề xuất ông Annan thay thế và nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Tháng 1-1997, ông Annan chính thức trở thành Tổng thư ký thứ 7 của LHQ.

Ông Kofi Annan với Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Trong vai trò Tổng thư ký LHQ, ông Annan nổi tiếng là một người có tinh thần cải cách. Ông đã đề xuất nhiều ý tưởng cải cách nhằm thay đổi những lề lối bảo thủ, cũ kỹ đã khiến LHQ trở nên trì trệ, đánh mất vai trò lãnh đạo thế giới của mình. Ngày 17-3-1997, Annan đưa ra báo cáo cải cách quản lý tại LHQ nhan đề Các biện pháp quản trị và tổ chức (Management and Organisational Measures), trong đó giới thiệu các cơ chế quản lý mới thông qua việc thiết lập một bộ máy tương tự như nội các để hỗ trợ ông trong việc điều hành các hoạt động của LHQ phù hợp theo 4 nhóm nhiệm vụ cốt yếu của LHQ.

Đến ngày 14-7-1997, ông tiếp tục ban hành một kế hoạch cải cách toàn diện mang tên “Đổi mới LHQ: Một chương trình cải cách”.

Các đề xuất cốt lõi trong chương trình cải cách này bao gồm một chiến lược quản lý nhằm tăng cường sự thống nhất mục đích, thiết lập vị trí Phó Tổng thư ký, giảm 10 vị trí nhân sự trong hệ thống cơ quan LHQ, giảm chi phí hành chính, tinh gọn các cơ quan của LHQ ở cấp quốc gia, và mở rộng hợp tác với khu vực tư nhân, dân sự. Một đóng góp quan trọng của ông Annan là đề xuất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ vào năm 2000. Đây là một đề xuất phát triển vô cùng quan trọng, trong đó đặt ra những mục tiêu phát triển về con người, bảo vệ môi trường.

Sáng kiến Thiên niên kỷ của ông đã tạo sức bật phát triển mới, sản sinh ra nhiều chương trình, kế hoạch hành động hỗ trợ, giúp các quốc gia nghèo, đang phát triển có hướng đi mới trongphát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân, cải thiện môi trường. Từ đó ra đời khái niệm phát triển bền vững – phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển các chỉ số về con người (HDI). Với những cống hiến quan trọng cho phát triển con người, ông Annan đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2001.

Một thập niên làm Tổng thư ký của ông Annan cũng đánh dấu một giai đoạn đầy biến động về an ninh trên toàn thế giới. Sự kiện khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001 là biến cố đẫm máu đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thư ký của ông. Thế giới đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau sự kiện kinh hoàng đó. Sự kiện đó đã dẫn đến quyết định của Tổng thống Mỹ George W. Bush triển khai chiến dịch quân sự đẫm máu tại Afghanistan, và sau đó xua quân xâm lược Iraq vào năm 2003 với cớ “Iraq sản xuất vũ khí giết người hàng loạt và tài trợ khủng bố”.

Ông Kofi Annan với Tổng thống Nga Boris Yeltsin năm 1999.

Tổng thư ký Annan là người rất tâm huyết với tiến trình đàm phán, thanh sát chương trình vũ khí hạt nhân của Iraq, và có đóng góp quan trọng vào việc tạm thời tháo ngòi xung đột giữa Iraq của nhà lãnh đạo Saddam Hussein với các nước phương Tây. Tuy nhiên, sự kiện 11-9 đã khiến mọi nỗ lực hòa giải của Annan phá sản. Nước Mỹ quyết tâm dùng vũ lực quân sự để “thay đổi chế độ” tại Iraq, lật đổ ông Saddam Hussein. Annan quyết liệt phản đối, gọi cuộc chiến xâm lược Iraq là bất hợp pháp. Cuộc chiến đó đã cướp mất một người phụ tá thân cận của ông, Sergio Vieira de Mello, đặc phái viên LHQ tại Baghdad tử thương trong một vụ đánh bom liều chết của phiến quân nổi dậy.

Sau khi rời khỏi chức vụ Tổng thư ký LHQ năm 2006, Annan vẫn tiếp tục hoạt động không ngừng nghỉ và có mặt tại các điểm nóng trên thế giới. Tháng 2-2012, ông làm đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Syria khi cuộc nội chiến tại đây bắt đầu trở nên khốc liệt. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, ông đã từ chức trong sự bực tức vì các bên tham chiến không bên nào chịu nhường bước.

Cuộc nội chiến sau đó đã biến thành một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất giai đoạn đầu thế kỷ XXI, với hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người mất nhà cửa, tị nạn, gây ra làn sóng nhân đạo lan khắp khu vực Trung Đông, lan sang cả châu Âu. Ông tham gia câu lạc bộ các cựu lãnh đạo thế giới Elders do ông Nelson Mandela sáng lập và trở thành chủ tịch câu lạc bộ này vào năm 2013.

Tuy phần lớn sự nghiệp của Kofi Annan là làm việc ở tòa nhà trụ sở LHQ, nhưng không vì thế mà ông đánh mất ý nghĩa về gốc gác châu Phi của mình. Ông từng nói với báo chí và giới viết sách vào năm 2003 rằng cho dù làm việc tại LHQ nhưng ông “vẫn cảm thấy mình là người châu Phi một cách sâu sắc, gốc gác của tôi trong sâu thẳm châu Phi, và những điều tôi được dạy thuở nhỏ rất quan trọng với tôi”.

Ngày 18-8-2018, khi tin ông qua đời được thông báo từ Geneva, Thụy Sĩ, quê hương Ghana của ông đã đổ lệ tiếc thương. Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo đã tuyên bố Quốc tang một tuần để tưởng nhớ “một trong những người yêu nước vĩ đại nhất” của Ghana.

An Châu/Công an nhân dân (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN