Cuộc sống của người dân Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua bưu ảnh

Thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa cũng như những cơ sở tư nhân đã phát hành hàng chục nghìn tấm bưu ảnh phản ánh cuộc sống và con người ở Đông Dương, với mục đích thu hút khách du lịch. Qua những tấm bưu thiếp này, những người quảng bá du lịch muốn kể với người xem về một miền đất kỳ thú, vừa lạ vừa quen, vừa là nơi nghỉ dưỡng, vừa là nơi khám phá. Dưới đây là một số tấm bưu ảnh về Việt Nam được in lại trong cuốn sách L’Indochine en Cartes Postales của tác giả Jean Noury. Tạp chí Phương Đông dịch nguyên văn phần lời bình của tác giả và chú thích in trên bưu thiếp.

Vùng đất Đông Dương không thiếu nước. Bên cạnh những con sông khổng lồ như sông Mê Kông và Sông Cái (hay còn gọi là Sông Hồng), còn có nhiều dòng sông khác chảy dọc trên địa phận An Nam. Mặc dù sông ngòi đôi khi gây nguy cơ lũ lụt cho cộng đồng dân cư, nhưng bù lại thì chúng cũng đem đến một lượng lớn phù sa màu mỡ không thể thiếu cho những cánh đồng, và vì thế, mang lại sự sống cho những đất nước chúng chảy qua.

Những chiếc thuyền đông đúc và đẹp như tranh vẽ này di chuyển giữa các thành phố và làng mạc nằm rải rác ở hạ lưu và thượng nguồn sông.

Phát Diệm, Bắc Kỳ
Bên trong những con thuyền (hay cũng chính là nhà của chủ thuyền), Sài Gòn

Trong thời kỳ này, cần phải thực hiện lần gieo đầu tiên với hạt thóc đã nảy mầm trong nước được 3-5 ngày. Sau 6 tuần, vào tháng 5 hoặc tháng 6, những chồi non này được cấy lại lần nữa vào ruộng lúa ngập nước.

Văn hóa lúa nước là hoạt động cơ bản của cư dân Đông Dương. Tùy thuộc vào chu kỳ gió mùa mà nó sẽ quyết định môi trường sống của phần lớn người dân khu vực này. Công việc cày cấy diễn ra vào tháng 4 – đầu mùa mưa.

Sau những cơn giông bão đầu tiên, các cánh đồng lúa biến thành những vũng lầy. Trên đó, con trâu chậm rãi kéo một cái cày thô sơ; còn người nông dân thì nắm hai đầu chuôi cày và phải thể hiện kĩ năng giữ cho cày không bị tuột trên một bề mặt ruộng bị giới hạn bởi hệ thống kênh mương.

Tuy nhiên, một số vùng lại không có đủ nước cho người nông dân tưới ruộng. Điều này buộc họ phải sử dụng những chiếc guồng lớn để lấy nước từ sông. Ngoài ra, họ cũng sử dụng dịch vụ gánh nước.

Cuộc sống trên cánh đồng – Cấy lúa, Bắc Kỳ
Những người phụ nữ gánh nước ở Hải Phòng

Lúa được gặt bằng liềm trên cả nước vào mùa khô từ tháng 9 đến tháng 12. Ở Bắc Kỳ, một vụ mùa thứ hai diễn ra vào tháng 6. Gạo được tách bỏ vỏ trấu bằng phương pháp thủ công hoặc công nghiệp như ở Chợ Lớn – nơi các máy tách trấu của người Trung Quốc đã có các công cụ và động cơ khá tinh vi.

Cuộc sống trên cánh đồng – Tách trấu, Bắc Kỳ
Chuyển động của thuyền bè trước một nhà máy gạo ở Chợ Lớn, Nam Kỳ

Vì lúa chiếm vị trí nổi bật nhất nên diện tích dành cho các loại cây trồng thứ cấp là tương đối nhỏ. Trong đó, một số giống cây trồng có tầm quan trọng phải kể đến là ngô, đậu, khoai tây và trà.

Đánh bắt cá nước ngọt đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chế độ ăn uống. Việc đánh bắt này được thực hiện bởi các gia đình nông dân, đặc biệt là từ cuối tháng 12 đến tháng 3, và thu về một số lượng cá khổng lồ trong không gian ngày càng hạn hẹp của các con sông và ao hồ.

Cá được phơi khô, ướp muối hoặc hun khói, để khi được bảo quản thì nó có thể cung cấp lượng protein dự trữ trong nhiều tháng.

Người bán cá ở Sài Gòn

Sông cũng là kênh vận chuyển gỗ quý. Các thân gỗ lớn được cột vào lưng trâu để chuyển từ rừng đến bờ sông. Tại đây, gỗ được chất lên những chiếc thuyền thường xuyên nổi trên mặt nước, sau đó được chở đến thành phố – nơi chúng được cắt xẻ. Mỗi loại gỗ lại hướng đến một nơi khai thác khác nhau.

Chất gỗ lên thuyền, Hải Phòng
Thợ mộc và thợ cưa, Hà Nội

Nam Chi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN