Đấu nhau ác liệt với Trung Quốc, Donald Trump 'đánh cược chính trị'?

Lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump với Trung Quốc liệu có khiến ông gặp bất lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 sắp đến gần?

Cuộc đua tái tranh cử 2020

Vào thời điểm Donald Trump tranh cử Tổng thống năm 2016, ông đã khiến những đám đông cử tri reo hò ủng hộ khi tuyên bố về những lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Còn trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, Tổng thống Trump vẫn có thể tiếp tục sự cứng rắn này, nhưng phản ứng của các bang, ít nhất là một số bang quan trọng có lẽ không còn hào hứng như vậy nữa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Washington. Ảnh: Reuters

Các cuộc thảo luận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hồi tuần trước đã lâm vào bế tắc khi Bắc Kinh từ chối thực hiện một số vấn đề then chốt và Tổng thống Trump quyết định áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp tục thì một số nhà quan sát cho rằng cuộc chiến này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực của Tổng thống Trump khi tìm kiếm một chiến thắng cho nhiệm kỳ thứ 2 ở Nhà Trắng. Một số bang từng góp phần quan trọng vào chiến thắng của ông Trump năm 2016, chẳng hạn như Iowa đã bị một “cú đánh mạnh” vào nền kinh tế bởi những tranh cãi thương mại không hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Nếu Tổng thống Trump không giải quyết vấn đề này khi bước vào chiến dịch tranh cử và khi những bang chủ yếu sản xuất đậu nành của Mỹ bị ảnh hưởng, điều này sẽ trở thành một vấn đề thực sự của ông ấy”, một cựu quan chức Nhà Trắng giấu tên nhận định.

Đậu nành là mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ nhưng việc buôn bán sản phẩm này với Trung Quốc đã giảm thấp đáng kể vào năm 2018.
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung thất bại vừa qua cũng “phủ bóng” lên những tuyên bố của Tổng thống Trump khi ông luôn tự nhận mình là người “làm nên thỏa thuận”.

Sự ủng hộ của lưỡng đảng

Dù vậy, các cố vấn của Tổng thống Trump vẫn khá tự tin, đặc biệt trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc.

“Nhìn chung tôi cho rằng quan điểm cứng rắn của Tổng thống Trump về Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích cho ông ấy. Điều ấy khiến Trump thể hiện được rằng ông ấy thực sự là người nói là làm”, Sean Spicer – cựu phát ngôn viên Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump và cựu quan chức trong văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush cho biết.

Đại diện thương mại Robert Lighthizer của chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu Trung Quốc thay đổi các hoạt động của nước này về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, thao túng tiền tệ và một số lĩnh vực chính sách khác.

Tổng thống Trump, mặc dù hài lòng với việc Trung Quốc nhất trí mua một lượng lớn hàng hóa Mỹ như đậu nành nhưng cũng ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của ông Lighthizer và quyết tâm yêu cầu Bắc Kinh phải cải cách các vấn đề mang tính cấu trúc.

Quyết tâm này của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tuần trước đã hối thúc ông Trump cần có “hành động cứng rắn” với Bắc Kinh. ‘Đừng lùi bước. Sự mạnh mẽ là cách duy nhất để chiến thắng Trung Quốc”, ông Schumer viết trên Twitter.

Clete Willems – một cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump về thương mại và chính sách kinh tế, cũng là người đã tham gia đàm phán với Trung Quốc trong nhiều tháng qua cho biết đảng Dân chủ và Cộng hòa đều “khá thống nhất” với nhau về vấn đề thương mại với Bắc Kinh.

Kinh tế là “điểm nhấn”

Tuy nhiên, kể cả khi đảng Dân chủ nhất trí với việc thay đổi đáng kể vấn đề quan hệ thương mại với Trung Quốc thì chắc chắn các ứng viên của đảng Dân chủ vẫn sẽ chỉ trích cách thức đàm phán của Tổng thống Trump.

Chính quyền Tổng thống Trump và đội ngũ tranh cử của ông hiểu rõ những tổn thất mà thuế quan gây ra cho người nông dân Mỹ và đang tìm cách giảm bớt những tác động này thông qua các biện pháp ủng hộ của chính phủ, đồng thời kêu gọi tinh thần yêu nước của họ.

Dù sao thì cuối cùng kinh tế vẫn là nhân tố then chốt. Nếu kinh tế mạnh, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục “ghi điểm” và nhận được sự ủng hộ của các cử tri, thậm chí cả ở những bang bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Tuy nhiên, nếu kinh tế đi xuống, ông Trump sẽ rơi vào thế bất lợi, đảng Dân chủ sẽ có một cơ hội lớn để “lật ngược thế cờ” và đánh bại ông ở những bang quan trọng như Iowa, Michigan, Minnesota, Pennsylvania và Wisconsin.

Về phần mình, ngay cả khi phải thực hiện một “bước lùi” về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục nhấn mạnh về lợi ích của thuế quan.

“Thuế quan sẽ khiến đất nước chúng ta mạnh mẽ hơn rất nhiều chứ không hề yếu đi. Hãy ngồi xuống và chờ xem”, ông Trump viết trên Twitter ngày 10/5.

Theo VOV

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN