Đòn hiểm Donald Trump: Tấn công 'đế chế' tỷ USD, lu mờ giấc mơ Trung Quốc

Đòn giáng hiểm của chính quyền Donald Trump vào tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc có thể khiến đế chế tỷ USD suy sụp. Nhiều đồng minh cũng đã bắt đầu ra tay và thế giới có thể rơi vào một cuộc chiến về công nghệ.

Sức ép dồn dập

Sức ép đối với tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc Huawei ngày càng lớn sau khi chính quyền Donald Trump yêu cầu Canada bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính và là con của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei).

Theo Reuters, công ty viễn thông Orange vừa tuyên bố sẽ không sử dụng thiết bị của Huawei cho bộ phận cốt lõi của mạng 5G mà nhà mạng này triển khai ở Pháp, trong khi nhà mạng Deutsche Telekom của Đức cho biết đang xem xét lại việc mua thiết bị Huawei.

Trong khi đó theo BBC và FT, nhà mạng BT của Anh cũng khẳng định sẽ không mua thiết bị Huawei cho phần lõi của mạng không dây 5G triển khai tại Anh. BT cũng đang rút các thiết bị Huawei ra khỏi phần lõi của các mạng 3G, 4G hiện tại.

Tất cả những quyết định gần đây đều liên quan tới sự lo ngại về vấn đề an ninh bảo mật liên quan tới tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc.

Các nước cận trọng với thiết bị Huawei.

Huawei hiện bị cấm cửa ở thị trường Mỹ với lệnh cấm thương mại toàn diện mà chính quyền tổng thống Donald Trump áp dụng không chỉ cho linh kiện phần cứng mà còn không cho Huawei sử dụng phần mềm và các bằng sáng chế của các công ty Mỹ.

Trước đó, New Zealand và Australia cũng đã cấm các công ty viễn thông của nước này sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G.

Các sản phẩm của Huawei bị cấm trong bối cảnh nhiều nước lo ngại Huawei chịu ảnh hưởng từ Chính phủ Trung Quốc. Sự tham gia của Huawei vào các mạng 5G (có tốc độ gấp cả trăm lần so với 4G) khiến cơ quan an ninh của các nước lo ngại về vấn đề an toàn thông tin, dữ liệu và hệ thống trong tương lai,…

Trước đó, Tổng thống Trump đã ký một dự luật cấm chính phủ sử dụng công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Huawei. Ông Trump cũng chính là người đã liên lạc với một số quốc gia để khuyến cáo họ tránh sử dụng thiết bị của Huawei.

Chỉ riêng lệnh cấm đối với việc mua công nghệ và linh kiện từ Mỹ được đánh giá cũng đã đủ sức giáng một đòn chí mạng vào Huawei. Bởi nếu Huawei không được cấp phép sử dụng hệ điều hành Android từ Google hoặc các bằng sáng chế của Qualcomm trong công nghệ 4G và 5G, công ty công nghệ của Trung Quốc này sẽ không thể phát triển điện thoại thông minh hoặc các thiết bị mạng.

Hồi đầu năm, chính quyền Trump đã áp dụng một lệnh trừng phạt tương tự với một doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc: ZTE, cũng vì hành vi bán trái phép thiết bị công nghệ Mỹ cho Iran. Lệnh trừng phạt đã khiến ZTE gần như ngừng hoạt động và chịu thiệt hại hàng tỷ USD.

Cú tấn công vào ZTE của ông Donald Trump như một nhát cứa vào niềm tự hào của Trung Quốc về những sáng tạo công nghệ. ZTE sau đó đã phải chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD và thay đổi bộ máy quản lý, thuê các nhân viên tuân thủ pháp lý người Mỹ.

Trong vụ Huawei, tình hình trở nên căng thẳng hơn rất nhiều bởi đây là tập đoàn công nghệ số 1 của Mỹ, có quy mô gấp 5 lần so với ZTE.

Hiện tại, cả Huawei và ZTE đều bị cấm trong các giao dịch của chính phủ Mỹ. Trong khi bà Mạnh Vãn Chu (46 tuổi) đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ và có thể phải nhận án 30 năm tù.

Nguy cơ sụp đổ 1 đế chế

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu khiến quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng và có thể đe dọa đến thỏa thuận “đình chiến” thương mại. Cho tới thời điểm này, Trung Quốc đã có sự lùi bước, ngưng áp phần thuế bổ sung 25% lên xe hơi Mỹ trong 3 tháng.

Tuy nhiên, sự lùi bước nhanh chóng của Bắc Kinh dường như chưa đủ. Chính quyền Donald Trump vừa ấn định dự kiến nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 2/3/2019.

Phía Mỹ cũng không hề đề cập cụ thể đến bất kỳ kết quả dự kiến nào từ cuộc đàm phán Mỹ – Trung. Chính quyền ông Trump đặt ra mục tiêu là: Trung Quốc phải thay đổi liên quan việc ép chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, các tài sản phi thuế quan, đánh cắp, xâm nhập mạng,…

Vấn đề sở hữu trí tuệ được xem là cơ sở để Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Các vấn đề thương mại thuần túy giờ đây không còn là trọng tâm,thay vào đó là vấn đề công nghệ. Huawei hiện được biết đến là một doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Trung Quốc và được xem như trái tim của một cuộc cách mạng công nghệ của Trung Quốc: kế hoạch “Made in China 2025”.

Với doanh thu lên tới 90 tỷ USD trong năm 2017 và dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD trong 2018, Huawei hiện đã là hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là hãng sản xuất smartphone lớn nhì toàn cầu chỉ sau Samsung. Trong vài quý gần đây, Huawei đã vượt qua Apple của Mỹ.

Chính quyền Donald Trump gây sức ép lên Trung Quốc.

Doanh thu Huawei thậm chí lớn hơn cả hãng Cisco nổi tiếng của Mỹ và bỏ xa 3 ông lớn công nghệ Trung Quốc gồm: Alibaba, Tencent hay Baidu.

Theo thông tin mới nhất, Huawei Technologies đang trên đà xuất xưởng số lượng smartphone kỷ lục: 200 triệu chiếc trong năm 2018. Doanh thu từ smartphone tiền gần đến doanh thu mà phần thiết bị viễn thông.

Điều đáng gờm là Huawei đã từ lâu ra biển lớn, tấn công nhiều thị trường trên thế giới, từ châu Âu, Trung Đông cho tới tận châu Phi và Bắc Mỹ. Doanh thu từ nước ngoài chiếm tới 50% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, ở vào thời hiện tại, Huawei vẫn phải bỏ ra khoảng 15% để mua linh kiện từ các công ty lớn của Mỹ, Nhật, Hàn như: nhà sản xuất chip Mỹ Broadcom, Intel và Qualcomm, màn hình Japan Display, chip nhớ Hàn Quốc SK Hynix…

Lệnh trừng phạt Huawei có thể khiến các nước, trong đó có Mỹ, thiệt hại vì giá trị cung ứng lên tới khoảng 14 tỷ USD cho hãng công nghệ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, thiệt hại đối với Broadcom, Intel và Qualcomm, SK Hynix,… có thể chỉ trong ngắn hạn. Các ông lớn này không bán được chip và thiết bị cốt lõi cho Huawei thì có thể sẽ chuyển sang bán cho công ty khác như Samsung, Nokia.

Phía thiệt hại nhất có lẽ vẫn là Huawei. Giống như ZTE, Huawei thậm chí có thể rơi vào tình trạng ngừng hoặc hoạt động cầm chừng. Một đế chế tỷ USD có thể suy sụp.

M. Hà/VietNamNet

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN