Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa Iran có thể sớm đẩy giá dầu thế giới lên ngưỡng 90 USD/thùng, trong bối cảnh thị trường gia tăng nỗi lo về nguy cơ xảy ra một cú sốc nguồn cung.
“Khi bước vào quý 4, thị trường sẽ chứng kiến khả năng giá dầu vượt ngưỡng 80 USD/thùng, thậm chí là vượt 90 USD/thùng. Yếu tố quyết định sẽ là sản lượng dầu của Iran sụt giảm bao nhiêu”, bà Amrita Sen, phụ trách phân tích thị trường dầu lửa thuộc Energy Aspects, nói với hãng tin CNBC ngày 6/8.
“Nhiều người vẫn nghĩ rằng Trung Quốc sẽ mua hết dầu của Iran. Trung Quốc gần đây đã nói là sẽ không giảm mua dầu Iran, nhưng cũng sẽ không tăng mua. Bởi vậy, nguồn cung dầu trên thị trường có thể bị thắt chặt, đồng nghĩa với giá sẽ bị đẩy lên cao hơn”, bà Sen phát biểu.
Các nhà đầu tư hiện đang cân nhắc một bên là các yếu tố đẩy giá dầu lên, bao gồm khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ Iran, với một bên là những yếu tố gây sức ép giảm giá dầu, chẳng hạn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đối tác tăng sản lượng khai thác.
Hồi cuối tháng 6, OPEC và Nga đã nhất trí tăng sản lượng dầu thêm tối đa 1 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 8. Quyết định này đã hạn chế đà tăng giá của dầu thô, khiến giá dầu sụt hơn 7% kể từ khi vượt ngưỡng 80 USD/thùng hồi tháng 5.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu thô WTI tại Sở Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX) tăng 0,52 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 69,01 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ hôm 29/6 – trang Market Watch cho hay.
Giá dầu Brent tại thị trường London đóng cửa với mức tăng 0,54 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, đạt 73,75 USD/thùng.
Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chính thức tái áp trở lại đối với Iran từ ngày 7/8 theo giờ Washington, nhằm không cho Iran được mua USD, đồng thời chặn các hoạt động giao thương về kim loại, than, phần mềm công nghiệp và ôtô của nước này với các quốc gia khác.
Lệnh trừng phạt ngặt nghèo hơn, nhằm vào ngành dầu lửa Iran, sẽ được Mỹ triển khai vào tháng 11 năm nay. Gần đây, Washington đã đề nghị các quốc gia cắt giảm nhập khẩu dầu lửa của Iran về mức 0 trước ngày 4/11, nếu không sẽ chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Vào đầu mùa hè năm nay, giá dầu đã tăng mạnh do mối lo gián đoạn nguồn cung từ Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Đà tăng mạnh đó của giá dầu đã dẫn tới việc OPEC và Nga đi đến quyết định nâng sản lượng.
Trong lần gần đây nhất khi Iran bị trừng phạt, xuất khẩu dầu thô của nước này giảm khoảng một nửa từ mức 2,4 triệu thùng/ngày. Một số nhà phân tích cho rằng, trong lần trừng phạt này, xuất khẩu dầu của Iran sẽ không giảm nhiều đến như vậy, vì nhiều nước như các quốc gia châu Âu và Trung Quốc phát tín hiệu sẽ không tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng sản lượng khai thác dầu và xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm mạnh, vì đã có những dấu hiệu cho thấy nhiều công ty sẽ tuân theo sự cảnh báo gay gắt của Nhà Trắng.
Morgan Stanley dự báo sản lượng dầu của Iran đến quý 4/2018 sẽ giảm 1 triệu thùng/ngày, còn 2,7 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia Sen của Energy Aspects nói rằng thậm chí dự báo sản lượng dầu thô của Iran giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng chỉ là “dè dặt”, nếu xét đến căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran.
Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc Bank of American Merrill Lynch nói rằng “mất cân đối cung-cầu dầu tăng thêm 1 triệu thùng/ngày, thì tác động lên giá dầu Brent sẽ vào khoảng 17 USD/thùng”.
Diệp Vũ