Giá trị Việt Nam nhìn từ đại dịch Covid-19

Không còn nghi ngờ gì nữa, đại dịch Covid-19 đã trở thành một phép thử sống còn không chỉ đối với nền kinh tế, mà còn là đối với toàn bộ đời sống xã hội của một quốc gia, và rộng hơn nữa là đời sống của nhân loại. Trong cơn sốt ác tính hầm hập vì dịch bệnh đe doạ mạng sống, nhiều nước hướng về “điểm sáng” Việt Nam với thiện cảm, sự ngỡ ngàng và cả sự ngưỡng mộ không chỉ trước thành công đáng kinh ngạc của Việt Nam trong khống chế dịch bệnh, chữa khỏi cho hầu hết người bị nhiễm vi rút Covid-19, chưa có ca tử vong nào, mà còn xúc động và ngỡ ngàng trước phẩm chất điềm tĩnh đậm nét đẹp văn hoá của người Việt Nam trong ứng xử trước đại dịch.

Chúng ta đều biết văn hoá đã có từ khi con người bán khai trở thành con người thật sự, con người biết suy nghĩ, có trí tuệ. Đứng về góc độ nào đó mà nhìn, có thể nói, văn hoá của quốc gia và của mỗi công dân những ngày này thể hiện rất rõ ở cách ứng xử và xử lý mối quan hệ giữa con người với con người, con người với cộng đồng xã hội, con người với thiên nhiên và phẩm cách của một quốc gia với thế giới trong cơn đại dịch Covid-19 đang reo rắc chết chóc khắp toàn cầu. Vậy nổi bật và ấn tượng nhất của văn hoá truyền thống Việt Nam trong những ngày “chống dịch như chống giặc” này là gì?

     1-Trước hết là văn hoá về sự cố kết (đoàn kết) cộng đồng, muôn người như một cùng dấn thân chiến thắng hiểm nguy mà đất nước đang phải đương đầu. Đảng ta coi đoàn kết là đòi hỏi, là tiêu chí đánh giá phẩm chất của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể xã hội. Chính nhờ  sự đoàn kết, nhất trí, đồng tâm hiệp lực, chúng ta mới có sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Do đó, đoàn kết vì cộng đồng là truyền thống quý báu và cao đẹp của dân tộc ta, là nét đẹp truyền thống nổi bật của văn hoá Việt Nam. Những ngày này, cả Việt Nam bừng bừng khí tế toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo chiến thắng đại địch Covid-19.

     2-Sự đoàn kết dân tộc có được chính là từ niềm tin (văn hoá lòng tin – tức lòng tin có văn hoá, có ý thức nghĩ suy). Đó chính là lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ cùng với những quyết sách trong công tác phòng chống dịch, lòng tin vào sức mạnh mỗi cá nhân, tin vào khối đoàn kết toàn dân tộc; lòng tin vào sức mạnh và thành tựu y học Việt Nam, tin vào đội ngũ y bác sĩ, tin vào quân đội nhân dân, công an nhân dân Việt Nam và tin vào sự quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta. Chính vì niềm tin ấy, vì văn hoá lòng tin ấy mà nhân dân ta đã vượt qua bao thử thách sống còn của dân tộc, giành chính quyền, xây dựng nước Việt Nam mới, sẵn sàng chấp nhận đương đầu lịch sử, ròng rã hơn 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của đất nước, sự thống nhất vẹn toàn của Tổ quốc, đưa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm nay tròn 75 tuổi bước vào thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ nhất trong lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc Việt.

     3-Sự cố kết, đoàn kết dân tộc có được đã làm nổi bật nét đẹp văn hóa truyền thống vì cộng đồng của người Việt Nam. Văn hóa vì cộng đồng đã có sẵn trong tư duy của mỗi người dân Việt. Trong cuộc sống hằng ngày, người Việt vẫn thường nhường cơm sẻ áo, tương trợ nhau lúc khó khăn với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách”; những lúc bị thiên tai, dịch họa, nét văn hóa ấy lại được khơi dậy bằng những đợt quyên góp, những chuyến thiện nguyện đầy cảm động. Không những thế, Việt Nam cũng đã nhiều lần quyên góp để ủng hộ đồng bào của các nước gặp thiên tai, dịch họa. Chung tay vì cộng đồng là nét đẹp văn hoá luôn sáng mãi trong tâm hồn Việt. Hình ảnh nổi bật của văn hoá cộng đồng những ngày này là hàng chục nghìn “thiên thần áo trắng”, các y, bác sỹ trong bộ đồ bảo hộ kín mít tạm xa gia đình, người thân để làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, tại các bệnh viện dã chiến để cứu mạng sống cho những người bị nhiễm Covit-19; là những nhà khoa học sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của virus, điều chế vaccine phòng dịch, sáng tạo bộ kít xét nghiệm, buồng khử khuẩn toàn thân di dộng, dung dịch sát khuẩn; là hàng ngàn y, bác sỹ đã về hưu và sinh viên trường y trong toàn quốc tình nguyện xin ra tuyến đầu chống dịch; là dòng người hiến máu để cứu người giữa đại dịch Covid-19; là hàng trăm nghìn người Việt ở các vùng dịch khắp thế giới được đón miễn phí về nước, được cách ly, điều trị miễn phí; là hàng nghìn tiếp viên, phi công và cán bộ hàng không đăng ký xin không nhận lương để đảm đương nhiệm vụ của ngành trong những tháng ngày khó khăn bất thường vì dịch bệnh; là hàng vạn chiến sĩ quân đội và công an hàng tháng trời sẵn sàng hy sinh thầm lặng, thực hiện các biện pháp nhằm cách ly, khoanh vùng không cho dịch bệnh lây lan, ngủ bạt giữa rừng, bên ngoài sân, sảnh các khu tập thể, nhường doanh trại để làm khu cách ly tập trung, và chính họ thâu đêm suốt sáng lo từng bữa ăn miễn phí cho gần nửa triệu người từ nước ngoài về và cả người nước ngoài đến Việt Nam trong khu cách ly tập trung; là những nhân viên vệ sinh đường phố, thu gom rác thải vẫn âm thầm đi làm vì trách nhiệm và vì lợi ích cộng đồng trong khi mọi người ở nhà cách ly để đảm bảo an toàn sức khoẻ; đó là rất nhiều người dân từ trẻ đến già, nhiều doanh nghiêp trong toàn quốc và giới nghệ sĩ đã ủng hộ nhà nước hàng trăm tỷ đồng để góp sức phòng chống dịch. Câu chuyện về mẹ Việt Nam anh hùng dù đã ngoài 90 tuổi vẫn cặm cụi tham gia may khẩu trang dành tặng mọi người và mẹ liệt sĩ gần 90 tuổi lưng đã còng vẫn mang theo gạo và rau hái trong vườn nhà đi bộ hàng cây số tới thăm tặng, động viên các chiến sĩ bộ đội và công an làm nhiệm vụ ở khu cách ly là hai trong số rất nhiều câu chuyện có sức lay động mạnh mẽ lòng người trong những ngày cả nước chiến đấu với dịch bệnh này…

Vietnam Airlines miễn phí vé cho bác sỹ, y tá, chuyên gia y tế và vận chuyển hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19

     4-Văn hóa tự giác, sẻ chia là nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam được hình thành từ nền tảng tri thức của mỗi cá nhân thông qua những việc làm cụ thể vì cá nhân và vì cộng đồng. Trong đại dịch Covid 19, tinh thần tự giác là nét văn hóa tiêu biểu được biểu hiện bằng việc khai báo y tế trung thực, khách quan để cứu chính mình và cộng đồng. Mỗi người dân với ý thức tự giác của mình đã thực hiện nghiêm túc lệnh giãn cách xã hội, đeo khẩu trang khi ra đường, tự cách ly khi cần thiết, khai báo y tế trung thực cho mình và cho người khác. Hành động khai báo y tế trung thực, khách quan bắt nguồn từ ý thức tự giác của mỗi người dân Việt Nam và là hành động yêu nước.

Hình ảnh hàng loạt chủ nhà giảm hoặc miễn hẳn tiền thuê nhà, thuê phòng trọ cho những người lao động khó khăn; hình ảnh cộng đồng tự giác quyên góp tặng gạo, tiền cho người nghèo, người bán vé số; những phần quà khiêm tốn nhưng ấm áp tình người và những hộp cơm san sẻ tình yêu thương kèm theo khẩu trang, nước sát khuẩn được những bạn trẻ hảo tâm, tình nguyện trao tận tay những người khó khăn, cơ nhỡ yếu thế trong xã hội; những điểm hàng cứu trợ tự giác với bảng đề “Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường người khác”; những máy ATM gạo miễn phí hoạt động 24/24 giờ ở nhiều tỉnh, thành phố cả ba miền với hàng chục tấn gạo tự động chảy và dòng người đeo khẩu trang, tự giác xếp hàng cách nhau 2 mét lần lượt bước tới nhận gạo, và cùng với đó là hình ảnh những người nghèo xếp hàng vào siêu thị “Hạnh phúc” 0 đồng tự chọn những món đồ bức thiết có sức lay động sâu sa những ngày này. Hình ảnh máy ATM gạo tự động là điều chưa từng có, đã xuất hiện trên báo Anh làm người dân ở nhiều nước ngỡ ngàng, khâm phục. Bởi lẽ, ATM gạo không chỉ luôn tuôn trào gạo mà còn tràn đầy cả tình nhân ái sẻ chia của cộng đồng. Việt Nam chưa phải là nước giàu, Việt Nam chưa phải là nước có nền y tế hiện đại, nhưng trong nguy nan, Việt Nam vẫn sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc 500.000 USD và trao tặng nhiều thiết bị, vật tư y tế để phòng chống dịch bệnh. Việt Nam cũng giúp đỡ, sẻ chia với nhiều nước khác, trong đó có Lào, Campuchia, Myanma cả về tiền, thiết bị y tế và kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 của mình. Những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm một cách vô tư, thiện tâm để cứu từng mạng người trong cơn hoạn nạn của đại dịch Covid-19 bất kể họ là ai – không phân biệt quốc tịch, màu da, giàu nghèo chắc chắn sẽ làm cho thế giới, nhất là những nước giàu có, những nước có nền y học hiện đại  phải suy ngẫm. Thư cảm ơn và những giọt nước mắt xúc động của công dân các nước Mỹ, Anh, Ireland, New Zealand, Czech…bị nhiễm Covid-19 từ trong nước, tới Việt Nam mới phát hiện bệnh được đưa tới các khu cách ly tập trung điều trị miễn phí và được các y bác sĩ Việt Nam tận tình cứu sống đã nói lên tất cả.

Hình như trong cơn hoạn nạn này, người ta mới nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, không đo bằng chỉ số tăng trưởng, bằng độ giàu nghèo của quốc gia. Nó đo bằng tình yêu thương con người, đo bằng thái độ và trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại, đo bằng khát vọng hoà bình và sự chung sống hoà hiếu, sẻ chia giữa con người với con người, giữa các quốc gia, các dân tộc thay vì những tư tưởng nước lớn vô trách nhiệm, gây hấn chiến tranh và xung đột. Chỉ có như thế, loài người mới có thể chung tay bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường sống trong lành, đối xử bình đẳng với tự nhiên, đối xử bình đẳng với nhau, và như thế cũng là bảo vệ mạng sống và cuộc sống của chính mình.

5-Và ấn tượng nổi bật nhất chính là sự điềm tĩnh của người Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới đảo lộn bất thường vì đại dịch Covid-19. Sự điềm tĩnh cũng là đặc trưng nổi bật trong văn hoá mà người Việt Nam có được qua bao thử thách sống còn trong chiến tranh, qua bao thăng trầm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chủ quan nhưng cũng không hốt hoảng vì Covid-19, Việt Nam đã rất chủ động đón nhận và điềm tĩnh đương đầu với đại dịch lần này. Tháng 3 năm 2020 sẽ đi vào lịch sử thế giới khi lãnh đạo các cường quốc gọi đại dịch Covid-19 là một thảm hoạ kinh hoàng nhất kể từ sau thế chiến II. Chỉ trong vài tuần, đã có hơn 2 triệu người ở hầu khắp các quốc gia nhiễm bệnh và virus Corona đã đoạt mạng sống của hơn 145.000 người. Vì vậy, có một Việt Nam ngày càng trở nên phi thường trong mắt bạn bè quốc tế trong những ngày chống chọi với đại dịch toàn cầu này. Hãng tin Đức DPA khẳng định: “Bài học ứng phó của Việt Nam có thể xem như bài học cho các nước trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”.Trang điện tử của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đăng bài viết đánh giá Việt Nam là “ngọn hải đăng” với hành động mau lẹ, đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời, minh bạch khống chế dịch bệnh Covid-19. Còn tuần báo I’ Obs của Pháp quả quyết: “Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu trong cuộc chiến chống Covid-19…Chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-Covi2 theo cách rất nhân văn”.

Có một Việt Nam điềm tĩnh và bản lĩnh như thế, có một dân tộc Việt Nam nhân văn như thế, có một nền văn hoá Việt Nam rung động lòng người như thế trong cơn quay cuồng vì đại dịch Covid-19 với bóng ma của chết chóc đe doạ cả thế giới./.

Trần Nhật Thi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN